Acer Aspire 5 A515 - Ưu điểm có che lấp đi nhược điểm ?

Trong thời gian trước, thì Techzones đã từng giới thiệu và đánh giá 1 mẫu laptop xách tay khá đa năng cho các nhu cầu làm việc, giải trí ở mức độ vừa phải: Acer Aspire 7 A715. Thì trong bài viết này, mình sẽ tiếp tục mang tới cho các bạn 1 mẫu laptop Acer, có cấu hình, hiệu năng và mức giá có thể nói là tốt không kém. Đó là Acer Aspire 5 A515 (mã 53 5112 – A515 phiên bản 2018).

Vậy cụ thể chiếc máy này sẽ có những đặc điểm gì để thu hút sự quan tâm của người dùng ? Các bạn sẽ có câu trả lời ngay trong bài viết này, hãy cùng theo dõi nhé !

Một số điểm nhấn bên ngoài

Acer Aspire 5 A515 phiên bản 2018 mang 1 thiết kế vẫn cổ điển, lịch sự theo kiểu văn phòng, nhưng đã được đổi mới hơn so với các thế hệ trước, 3 điểm dễ nhận thấy nhất đó là phần nắp máy là 1 tấm kim loại nhôm chứ không còn là nhựa nữa, và thứ 2 đó là phần bản lề, vẫn là dạng bản lề đôi nhưng được làm thanh thoát, đẹp mắt hơn. Cuối cùng là 1 số cổng kết nối đã được bố trí ở cạnh sau của máy, thay vì 2 bên cạnh hông như thông thường.

Nắp máy là tấm kim loại nhôm, có các đường phây xước, tạo vẻ sang chảnh hơn cho sản phẩm, và cũng ít bám bụi, vân tay hơn trước. Theo mình thấy thì vẻ ngoài của Aspire 5 phù hợp các bạn nam nhiều hơn, nhưng các bạn nữ cá tính cũng có thể sử dụng, vì dù sao trọng lượng máy cũng không quá nặng với 1 chiếc laptop 15,6 inch: khoảng 2kg.

2 thanh bản lề được làm bằng nhựa, nhưng hoàn thiện theo kiểu kim loại, tạo cảm giác chắc chắn. Thật sự thì mình đóng mở nắp máy cũng khá dễ dàng chỉ bằng 1 tay.

Cổng kết nối

Độ dày của máy là 22.5 mm, khá dày nên máy có đầy đủ các cổng kết nối tiêu chuẩn:

USB 3.0, cổng mạng Enthernet, khe đọc thẻ SD, jack 3.5 tai nghe kèm mic, cổng HDMI, đặc biệt nhất là trên Aspire 5 A515 còn được trang bị cổng USB type C, dù không có Thunderbolt 3 nhưng dù sao đây cũng là 1 sự đầu tư đáng giá, khá khó hiểu về cách bố trí các cổng kết nối dồn nhiều qua bên phải, sẽ gây vướng chuột rời, cũng như máy còn có 1 ổ đĩa quang, chi vậy ta ?! Ví dụ như thay bằng cổng Display Port hoặc cổng VGA thấy có lý hơn đó !

Đáy máy do là máy mới nên mình không tháo ra được, nhưng theo suy đoán của mình có vẻ là ổ cứng, hoặc khe ram sẽ nằm chung khoang với pin, giúp người dùng dễ tháo ra để nâng cấp mà không cần tháo toàn bộ đáy máy. Tuy nhiên mình thích kiểu bố trí mặt đáy của thế hệ trước hơn, đáy được chia khoang riêng cho từng linh kiện.

Mở nắp máy lên thì bên trong của Acer Aspire 5 đậm chất máy dành văn phòng. Toàn bộ nội thất là một tấm nhựa phay xước giả kim loại, với các cạnh được vát nhìn khá sang. Lớp nhựa này màu bạc, khá cứng, bao quanh bàn phím nên tình trạng flex phím không xảy ra, tì đè hay nhấn 1 lực mạnh cũng không thấy ọp ẹp. Ngoài ra cảm giác sờ vào nhựa giả kim loại cũng có chút gì đó lạ lạ, thú vị, mặc dù sờ tấm nhôm kim loại thì vẫn đã tay hơn.

Bàn phím và touchpad

Aspire 5 A515 sở hữu bàn phím full size với cụm phím số theo layout quen thuộc của Acer. Với kiểu bố trí của layout này, thì với các phím chính các bạn có thể quen, nhưng khi cần phải bấm những phím chức năng đặc biệt thì chúng ta phải mò mẫm và ghi nhớ.

Bề mặt các phím được làm sần sần, ký tự thì được in sắc nét. Các phím chính có kích thước khá lớn, hành trình khoảng 1,5 mm nhưng độ nẩy không cao, cảm giác bấm mềm. Mình có thể làm quen nhanh và gõ nhanh, nhưng tình trạng miss phím đôi khi xảy ra do độ nẩy thấp, khiến mình dễ hụt tay do nhấn phím không hết hành trình. Một vài điểm đáng tiếc nữa là bàn phím lại không có đèn nền bên dưới, và phím nguồn nằm chung layout bàn phím không mang lại cảm giác bấm tốt cho lắm.

Touchpad của Aspire 5 A515 có kích thước lớn, bề mặt có lớp phủ khá mịn, mang lại các thao tác vuốt chạm lướt mượt mà hơn, độ chính xác cao, ít bị ma sát. Touchpad cũng hỗ trợ đầy đủ các thao tác đa điểm.

Màn hình

Màn hình của máy có kích thước 15,6 inch, độ phân giải Full HD, sử dụng tấm nền TN của hãng AUO sản xuất.

Chất lượng của tấm nền này mang lại không mấy ấn tượng dù có độ sáng cao là gần 300 nits, trải nghiệm thực tế trong điều kiện sử dụng ở phòng kín, chỉ có ánh sáng bóng đèn thì mình sử dụng ổn ở mức sáng từ 50% trở lên, còn khi sử dụng ngoài trời thì dù có lớp chống chói với công nghệ comfyview nhưng không ăn thua.

Độ tương phản màu sắc của màn hình Aspire 5 A515 ở mức tương đối, các chỉ số độ phủ màu mình đo được là 60% sRGB và 45% Adobe RGB. Theo đánh giá của mình thì màn hình của máy chỉ phù hợp cho làm việc, còn xem phim, chơi game thì tàm tạm mà thôi, không sướng mắt. Và các bạn cũng khó có thể dùng máy để chỉnh sửa ảnh bởi độ lệch màu cao, máy tái hiện màu sắc có phần nhợt nhạt, thiếu sức sống.

Viền màn hình thì đã được làm mỏng hơn so với thế hệ trước, đem lại góc nhìn từ 2 cạnh bên có phần rộng hơn, và có cảm giác màu sắc cũng đỡ bị biến đổi hơn. Cụm camera thì vẫn ở vị trí quen thuộc, cho chất lượng ở mức chấp nhận được. Bản lề của máy cho góc mở màn hình khá lớn, nhưng không hữu ích lắm, bởi yếu điểm quen thuộc của tấm nền TN, đáng ra mẫu laptop này nên được trang bị tấm nền IPS, hoặc ít nhất phải là TN loại tốt một tí.

Loa

Trên Acer Aspire 5 A515 chúng ta có 2 loa đặt ở đáy máy, nằm gần 2 cạnh bên. Chất lượng âm thanh trung bình, mức âm lượng khoảng 80dB. Bass yếu, khô, Mid rõ, dãy Treble cao, âm thanh dạng mở, thế nên nghe những bài nhạc dạng EDM hoặc Ascoustic là ok, còn nhạc Bolero, nhạc sến thì không hay.

Đi sâu vào chi tiết và hiệu năng

Cấu hình

Về cấu hình thì Acer không chạy đua vũ trang trên con A515 phiên bản 2018 này, máy được chú trọng qua làm việc, giải trí ở mức độ vừa phải với màn hình kích thước lớn, hiển thị nhiều thông tin. Với trang bị chip U Whiskey Lake thế hệ thứ 8 thuộc dạng mới nhất của Intel là i5-8265U, tiết kiệm điện năng với 4 nhân 8 luồng, mức xung nhịp cơ bản là 1,6 GHz, cho khả năng boost lên 3,9GHz. Đi cùng với đó là 4GB Ram sẵn trên Main, 1TB ổ HDD.

Sử dụng thực tế Aspire 5 A515 đáp ứng khá tốt các tác vụ đơn giản như dùng làm Office, giải trí, lướt web xem phim. Màn hình lớn, cặp loa khá ổn, cộng hưởng với mặt sàn nên âm thanh có chút lạ hơn nên cũng có thể xem chất lượng giải trí là tốt.

Nhưng điểm giúp cho A515 đáng “đồng tiền bát gạo” chính là bộ nhớ Intel Optane, chắc hẳn rất nhiều bạn đã biết về công nghệ bộ nhớ mới của Intel rồi, còn nếu chưa biết thì hỏi chị google dùm mình. Nói nôm na là ngoài 1TB HDD trong máy, chúng ta còn có thêm bộ nhớ đệm Intel Optane dung lượng 16GB giúp nâng cao tốc độ hệ thống nhanh hơn đáng kể.

Cụ thể như việc khởi động Win, thông thường với cấu hình trung bình thì khởi động sẽ mất khoảng 40-60s, còn với chiếc máy này thì nhờ Optane mà từ lúc hiện logo cho tới màn hình đăng nhập, mình nhẩm tính chỉ mất chừng 15s mà thôi.

Ngoài ra các dữ liệu của bạn thường xuyên truy cập như ứng dụng, trình duyệt web, file, thư mục, phim full HD không che..... sẽ đều được lưu lại trong bộ nhớ Optane, và sau khi tắt máy những dữ liệu này sẽ không bị mất đi, điều này làm cải thiện đáng kể tốc độ truy xuất dữ liệu của các bạn qua những lần sau, giúp cho các chương trình, phần mềm, ứng dụng, game,... được khởi động rất nhanh chóng ngay sau đó.

Ví dụ như mở trình duyệt Chrome lần đầu mất khoảng gần 10s, thì những lần sau chỉ chưa tới 5s. Hay mở PTS thời gian giảm dần từ 40s xuống còn 20-25s,...Thậm chí cả tắt máy thì với optane cũng nhanh hơn thông thường !

Mình cũng sử dụng 1 số phần mềm để đo tốc độ ĐỌC / GHI của ổ HDD trong máy khi có “thuốc tăng lực” Optane.

Ấn tượng nhất đó là mình ghi nhận đc tốc độ đọc của ổ HDD qua CrytalDiskMark có thể lên tới hơn 900MB/1s, tốc độ không hề thua kém ổ SSD chút nào. Tất nhiên, tốc độ ghi vẫn gần như được giữ nguyên bởi Intel Optane được thiết lập để làm ổ nhớ đệm giúp tăng tốc độ đọc cho ổ cứng truyền thống.

Với công cụ Disk Benchmark của AIDA64, tốc độ đọc ghi nhận được cũng gần 900MB/s. Thời gian truy xuất tuy có chậm hơn so với những chiếc NVMe hàng khủng trên thị trường nhưng chúng ta cũng không thể đòi hỏi hơn. Tốc độ này thừa sức ăn đứt những chiếc SSD SATA III thông thường.

Tiếp theo là máy cũng mang đến cho chúng ta khả năng nâng cấp Ram, với 4GB Ram mặc định sẵn trong máy được hàn chết trên mainboard, cộng thêm 1 khe Ram cho khả năng nâng cấp Ram tối đa trong máy lên thành 20GB. Máy thì không có card đồ họa rời, nên trong trường hợp các bạn muốn hiệu năng cao hơn, trải nghiệm tốt hơn, không bị full disk, thì có thể tháo Optane ra và thay bằng ổ SSD vào khe M2.

Sau đây là 1 vài số điểm mình ghi nhận được qua các bài kiểm tra hiệu năng của máy

PCMark 10:

1 phần mềm đánh giá khả năng tổng thể của 1 chiếc máy laptop, từ chip, ram, ổ cứng, card đồ họa, khả năng làm việc, video, giải trí, hình ảnh, duyệt web, mở phần mềm, ứng dụng,....

3DMark:

1 phần mềm đánh giá khả năng của card đồ họa trong máy, bao gồm khá nhiều bài test ở nhiều mức độ chuyên sâu, nặng nhẹ khác nhau

3DMark Cloud Gate

3DMark Sky Diver

Cinebench R15 

CPU (con chip), Single Core (chạy đơn nhân), điểm số càng cao là càng mạnh càng tốt. 

Chơi game

Trải nghiệm tựa game E-Sports như là CS:GO hay DOTA 2 , ở độ phân giải Full HD (1920 x 1080) và thiết lập cấu hình thấp nhất, mức FPS đạt được chỉ có 10, nếu bạn hạ độ phân giải xuống HD (1366 x 768) thì mức FPS sẽ được cải thiện hơn, và ổn định hơn ở mức 20-25, nhưng hình ảnh sẽ bị rổ, khá nhức mắt. Nói chung Aspire 5 A515 với cấu hình đã giới thiệu, thì nó hoàn toàn không dành để chơi game. 

Nhiệt độ

Vẫn với lý do không tháo đáy máy ra được, nhưng qua quan sát thì mình thấy có vẻ phiên bản 2018 này, máy vẫn được trang bị hệ thống tản nhiệt: 1 quạt và 1 ống đồng như thế hệ trước.

Hệ thống này theo mình đánh giá hoạt động khá tốt, khi mức nhiệt độ của CPU khi stress test qua FurMark sau 15 phút chỉ tối đa là 70 độ C, ít khi bị tình trạng rớt xung hay nghẽn, mức xung nhịp cao nhất dao động trong khoảng 3,7 - 3,89GHz, tức là gần mức cao nhất trên lý thuyết là 3,9GHz.

Bề mặt máy, khung bàn phím dù chỉ là nhựa thôi, nhưng cũng không bị nóng, khi sử dụng máy trong thời gian dài thì vùng nóng nhất nằm ở ngay chính giữa bản lề, vì bên dưới là CPU của máy, còn nhiệt độ các khu vực xung quanh ví dụ như khu vực kê tay thì rất mát mẻ, vào khoảng 35-45 độ C trong điều kiện phòng quạt bình thường, không có quạt hút hay đế tản.

Do máy không có card đồ họa rời, nên mình không chơi game nhiều để kiểm tra nhiệt độ, nhưng nhìn chung mức nhiệt độ máy không quá cao, hệ thống kiểm soát tốt.

Pin

Acer Aspire 5 A515 được trang bị cục pin 49 Wh, cho thời lượng khá ổn. Thử nghiệm máy với các công việc văn phòng, soạn thảo văn bản, lướt web đọc báo, gọi skype,..ở độ sáng 50% thì thời lượng pin đạt 4 tiếng 30 phút. Còn dùng máy để nghe nhạc, xem phim ở mức sáng 75%, âm lượng 80 thì máy trụ được hơn 3 tiếng.

Kết luận:

Có thể đánh giá rằng Acer Aspire 5 A515 phiên bản 2018 là 1 chiếc máy có cấu hình vừa đủ, 1 phương tiện giải trí ổn, đi cùng 1 thiết kế có vẻ đẹp thanh lịch, lịch sự, phù hợp cho người dùng không quá khó tính trong chọn lựa thiết bị cho mình, với mức giá dưới 16 triệu đồng.

Bên cạnh các ưu điểm có thể kể ra như: trang bị chip thế hệ mới, bộ nhớ đệm Intel Optane, có USB type C cùng khả năng nâng cấp Ram, thêm ổ SSD, thì máy vẫn có 1 số nhược điểm: màn hình không đẹp, cổng kết nối bên phải gây vướng khi sử dụng chuột, ổ đĩa quang không cần thiết. Liệu các ưu điểm có thể che mờ đi các nhược điểm hay không ? Lựa chọn và quyết định là ở người dùng, hãy cho Techzones biết ý kiến của các bạn nhé. Xin cảm ơn đã theo dõi bài đánh giá này.

Techzones / HảiArt666