Acer Nitro 5 (2020): Trau chuốt hơn, Mát mẻ hơn, Êm ái hơn !

Các bạn đang quan tâm và tìm kiếm 1 mẫu laptop Acer có mức giá “dễ thở” hơn dòng Predator “sang chảnh” ? Nhưng vẫn muốn thiết kế hiện đại, mang nét cá tính, cùng cấu hình vừa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu làm việc, học tập, giải trí và chơi game ? Nitro 5 là 1 gợi ý hợp lý cho các bạn.

Và trong bài viết này, Techzones sẽ chia sẻ với các bạn 1 số trải nghiệm và đánh giá sau vài ngày “ăn ngủ” với em ấy. Đối với riêng bản thân mình, thì Acer Nitro 5 (phiên bản năm 2020 – mã AN515-55-5304) đã có sự đầu tư trau chuốt hơn, máy mát hơn, quạt êm hơn, hứa hẹn mang tới những trải nghiệm tốt cho người dùng, nhất là các game thủ.

CẤU HÌNH CỦA MÁY: 

  • CPU: intel core i5-10300H (chip intel thế hệ thứ 10 Comet Lake mới nhất: 4 nhân 8 luồng, 8MB Cache, mức xung: 2.5 – 4.5GHz)
  • Ram: 8GB (DDR4-3200MHz), Single-channel, có tổng cộng 2 khe Ram, hỗ trợ tối đa là 32GB.
  • GPU rời: Nvidia Geforce GTX1650Ti GDDR6 4GB.
  • Ổ lưu trữ: SSD 512GB M.2 NVMe PCIe, có thể thay thế và nâng cấp dung lượng, trong máy còn 1 khe M.2 và 1 khay HDD 2.5inch. 

Những chi tiết đặc điểm mình đánh giá tốt

Chăm chút hơn về vẻ ngoài, mang nhiều nét cải tiến lạ mắt.

  • Ngay khi cầm Nitro 5 (2020) trên tay, thì mình dễ nhận thấy bề mặt máy có những chi tiết mang hơi hướng quen thuộc của dòng Predator cao cấp: cụ thể là mẫu Acer Predator Helios 300, Helios 500 mình từng đánh giá.
  • Chất liệu vỏ máy vẫn là nhựa như các thế hệ trước, nhưng mình ấn tượng với đường sọc cắt dọc và xéo 2 bên phần nắp máy, ý tưởng phải nói là khá táo bạo, lạ mắt dù cho nó không có đèn sáng, cộng thêm 2 khu vực được làm phây xước giả kim loại.
  •  Ở đây thì mình không đánh giá đẹp xấu vì cảm nhận thẩm mỹ mỗi người khác nhau, nhưng so với Nitro 5 2019 thì mình thấy phiên bản năm nay nhìn “cứng” hơn, và cảm giác liền lạc hơn giữa phần khung máy và phần bản lề.
  • Phần mặt sau của máy cũng đã có sự thay đổi về kiểu dáng, cá nhân mình thì thích thiết kế phần mặt sau của phiên bản 2019 hơn: khe tản được chau chuốt nhìn khá “ngầu”.
  • Còn phiên bản 2020 thì lại có phần bắt mắt người nhìn hơn, với sự kết hợp giữa khe tản màu đen và mảng họa tiết cách điệu trang trí màu đỏ đô lôi cuốn.
  • Đặc biệt là giờ đây phần mặt sau máy đã được trang bị 2 khe tản, tổng cộng thì trên Nitro 5 2020 chúng ta có 4 khe tản nhiệt trải đều 2 bên cạnh bên của máy và mặt sau (trên máy 2019 chỉ có 2 khe mà thôi).
  • Lớp vỏ được xử lý bề mặt khá tốt, vẫn bị tình trạng bám dấu vân tay và mồ hôi nhưng khó nhìn thấy hơn, mang lại cảm giác sạch sẽ cho máy.

Cổng cắm nguồn được đặt ở mặt sau của máy, không còn cổng USB 2.0.

  • Nếu các bạn còn nhớ ở phiên bản Nitro 5 2019 thì cổng cắm sạc được đặt ở cạnh phải của máy, là không gian mà người dùng thường dùng để sử dụng chuột rời. Vì lý do đó mà việc cắm sạc ít nhiều cũng có ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng.
  • Thế nên trên phiên bản mới 2020 hãng Acer đã thay đổi, khi mang cổng sạc ra mặt sau của máy, không gian 2 bên cạnh máy thông thoáng hơn, từ đó có thêm diện tích để bố trí các khe tản.
  • Số lượng cổng kết nối thì tương tự như trên phiên bản cũ 2019: vẫn là 1 cổng mạng, 1 cổng USB type C (3.1 gen 2 không có Thunderbolt 3 và Power Delivery), 1 cổng HDMI 2.0, 1 cổng USB 3.1 gen 2 có tích hợp tính năng sạc các thiết bị bên ngoài (như điện thoại, máy tính bảng,…),…vẫn không còn khe đọc thẻ nhớ SD.
  • Cải tiến duy nhất là cổng USB 2.0 được thay bằng USB 3.1 gen 1, và các cổng kết nối được “rải” đều ra 2 bên cạnh hơn.

Bàn phím trên Nitro 5 giờ đã có đèn nền Led RGB, và có thể tùy biến tùy chỉnh thêm.

  • Trên các phiên bản Nitro 5 trước đây, mà cụ thể là phiên bản 2018 và 2019 chúng ta chỉ có đèn nền bàn phím là màu Led đỏ, và cũng chỉ có thể tăng hoặc giảm độ sáng chứ không có hiệu ứng hay tùy chỉnh gì thêm.
  • Giờ đây thì Nitro 5 2020 đã trở nên “rực rỡ” hơn với Led RGB 4 vùng, dễ dàng tùy chỉnh các thiết lập màu sắc và hiệu ứng thông qua phần mềm Nitro Sense được tích hợp sẵn trong máy. Một nâng cấp tuyệt vời và đáng hoan nghênh của Acer trên dòng máy này.
  • 4 phím “chuyên dụng” cho chơi game W A S D, 4 phím điều hướng, và phím tắt mở nhanh Nitro Sense tiếp tục được viền nổi bật xung quanh, nhưng mang tông màu trắng dịu mắt hơn là màu đỏ đô ở phiên bản trước.
  • Và viền màu trắng cũng “đồng điệu” tốt hơn với những hiệu ứng Led RGB bên dưới, không còn 1 màu đỏ đơn điệu nữa.
  • Layout bàn phím trên Nitro 5 2020 không có gì khác biệt với phiên bản cũ: full size, tích hợp nhiều chức năng trong cùng 1 phím, nút nguồn được đặt chung trong layout bàn phím..v..vv..
  • Nhờ có led RGB nền mà 1 số phím có ký tự chữ hơi khó nhìn cũng dễ phân biệt và dễ sử dụng hơn khi dùng máy trong tối, hoặc ban đêm.

Cấu hình cập nhật dòng chip mới của intel

  • So sánh thì cấu hình của Nitro 5 2020 gần như không khác biệt nhiều với phiên bản 2019 mình từng đánh giá (i7-8750H và GTX 1650 4GB),
  • Ngoại trừ máy giờ đã được trang bị con chip mới của intel (thuộc dòng Comet Lake thế hệ thứ 10: i5-10300H).
  • Về khả năng nâng cấp của máy cũng thế: trong máy vẫn có tổng cộng 2 khe Ram, 2 khe SSD M.2 và 1 khay HDD 2.5inch (trên Nitro 5 2019 mình đánh giá trước đây thì ổ SSD là M.2 Sata, còn trên Nitro 5 2020 là SSD M.2 NVMe).

Cấu hình Nitro 5 2020:

Đánh giá hiệu năng của máy thì mình đã thực hiện khá nhiều bài kiểm tra, và đã có sự so sánh điểm số với mẫu 2019 để các bạn tham khảo.

3DMark - Time Spy

Nitro 5 2019: 3604 

3DMark - Time Spy Extreme

Nitro 5 2019: 1591

3DMark - Fire Strike 

Nitro 5 2019: 7999

3DMark - Fire Strike Ultra

Nitro 5 2019: 1868

Corona Benchmark (ver 1.3) 

Nitro 5 2019: Time Render: 0:04:05s 

Thêm 1 số bài test hiệu năng của Nitro 5 2020

Final Fantasy XV Windows Edition Benchmark

Unigine Superposition Benchmark 

3DMark - Fire Strike Extreme

3DMark - Night Raid 

3DMark - Sky Diver

V-Ray Next Benchmark 

Thông số và tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD 512GB trong máy 

Cinebench R20 

Nitro Sense trực quan, dễ theo dõi và sử dụng, cập nhật thêm tùy chỉnh Led RGB.

  • Chúng ta vẫn có thể kích hoạt nhanh phần mềm này, thông qua một phím tắt được đặt ngay gần cụm numpad của bàn phím tương tự như thế hệ trước đây.
  • Nitro Sense cho phép chúng ta theo dõi nhiệt độ CPU và GPU, tốc độ quạt, hiệu suất hệ thống cùng các thông tin khác. 
  •  Giờ đây nó còn được hãng Acer nâng cấp thêm tính năng tùy chỉnh Led RGB.

Thời lượng pin Nitro 5 2020 khá “trâu”

  • Cục pin trên Nitro 5 2020 vẫn có dung lượng 57Whr, mình đã thử để máy ở độ sáng tối đa, chế độ pin Balanced, có kết nối wifi, không làm việc, không chơi game, chỉ để máy như thế, thì sau 7 tiếng 30 phút máy còn 5% pin (trung bình là sau 1 tiếng máy tụt 12-13% pin).
  • Thử nghiệm máy cho các hoạt động hằng ngày của mình: lướt web đọc tin tức, soạn thảo văn bản, chỉnh ảnh qua photoshop CC 2018, thiết kế qua Sketchup Pro 2019 thì máy trụ được khoảng 5 tiếng 45 phút. Còn nếu xem video Full HD trên Youtube với độ sáng 75%, mức âm lượng 80%, thì mình có thể xem liên tục trong khoảng gần 4 tiếng.
  • Còn chơi game online hay offline nặng thì dĩ nhiên chúng ta nên cắm sạc, lý do đơn giản để mức xung nhịp không bị ảnh hưởng dẫn tới FPS tụt thê thảm, và còn giúp cho pin lâu chai hơn.

Mức FPS ổn định, dù chỉnh thiết lập đồ họa cao tới rất cao khi chơi các game nặng hiện nay. 

Phải nói mình khá ấn tượng về khả năng của "cặp đôi" i5-10300H và GTX 1650Ti, những game mình chơi test qua tất cả đều là những tựa game có yêu cầu cấu hình tối thiểu ở mức khá.

Ngoài ra khi chơi game trên Nitro 5 2020 mình cũng đẩy các thiết lập đồ họa lên mức cao, thậm chí rất cao để "thử sức" của chiếc máy này. 

Game: Assassin's Creed Odyssey

Độ phân giải Full HD, thiết lập Very High, tắt V-Sync, pin High Performance (hiệu năng cao), quạt Auto.

Mức FPS cao nhất: 76, thấp nhất: 25, trung bình: 46

(Nitro 5 2019 i7-8750H và GTX 1650 4GB: Độ phân giải Full HD, thiết lập High, tắt V-Sync, pin Balanced (cân bằng), quạt Auto.

Mức FPS cao nhất: 55, thấp nhất: 32, trung bình: 38 – 45)

Game Battlefield V (Battlefield 5)

Độ phân giải Full HD, thiết lập High, tắt V-Sync, pin High Performance (hiệu năng cao), quạt Auto.

Mức FPS cao nhất: 64, thấp nhất: 41, trung bình: 52

(Nitro 5 2019 i7-8750H và GTX 1650 4GB: Độ phân giải Full HD, thiết lập Medium, tắt V-Sync, pin Balanced (cân bằng), quạt Auto.

Mức FPS cao nhất: 82, thấp nhất: 52, trung bình: 65 – 75)

Game Shadow of the Tomb Raider

Độ phân giải Full HD, thiết lập Highest, tắt V-Sync, có bật DirectX12, pin High Performance (hiệu năng cao), quạt Auto.

Mức FPS cao nhất: 68, thấp nhất: 40, trung bình: 55

(Nitro 5 2019 i7-8750H và GTX 1650 4GB: Độ phân giải Full HD, thiết lập High, tắt V-Sync, có bật DirectX12, pin Balanced (cân bằng), quạt Auto.

Mức FPS cao nhất: 70, thấp nhất: 42, trung bình: 50 – 60)

Game Far Cry New Dawn

Độ phân giải Full HD, thiết lập Ultra, tắt V-Sync, pin High Performance (hiệu năng cao), quạt Auto.

Mức FPS cao nhất: 79, thấp nhất: 37, trung bình 56

Game Call of Duty: Warzone

 Độ phân giải Full HD, thiết lập Normal, pin High Performance (hiệu năng cao), quạt Auto.

 Mức FPS cao nhất: 130, thấp nhất: 70, trung bình 85 - 100

Hệ thống tản nhiệt tiếp tục phát huy ưu điểm đã được ghi nhận trên phiên bản Nitro 2019

  • Mát mẻ hơn, quạt êm hơn, đó là những cảm nhận của mình về hoạt động của hệ thống tản nhiệt trong suốt quá trình trải nghiệm máy: chạy các bài test hiệu năng, chơi game, stress test.
  • Hệ thống tản nhiệt trên Nitro 5 2020 tiếp tục sử dụng công nghệ quạt kép dành cho cả CPU và GPU, giúp tối ưu luồng khí tốt hơn. Công nghệ độc quyền CoolBoost trong phần mềm Nitro Sense hỗ trợ người dùng có thể điều khiển tốc độ quạt quay với 3 chế độ khác nhau.
  • Và cũng theo hãng Acer thì CoolBoost giúp nâng cao hiệu suất của quạt lên 10%, và khả năng làm mát hệ thống cũng tăng 9% so với bình thường.
  • Khi stress test Nitro 5 2020 bằng “combo” FurMark và Prime 95, chế độ quạt Max + bật thêm CoolBoost, điều kiện phòng mở quạt 32 độ C. Sau hơn 15 phút kiểm tra thì nhiệt độ của máy mình ghi nhận được: CPU trung bình giữa các core là 81 độ C, còn GPU thì mát mẻ ở mức 70 độ C. Mức nhiệt độ quá ổn !
  •  Chuyển qua 1 bài stress test nặng là Aida64 trong thời gian hơn 30 phút, thông số nhiệt độ vẫn rất ấn tượng: khi CPU core có nhiệt độ cao nhất của chỉ loanh quanh mức dưới 86 độ C, còn GPU vẫn duy trì ở mức 70 – 72 độ C.
  •  Việc máy nóng khi sử dụng các tác vụ nặng, hay chơi game trong thời gian dài (từ 2 – 3 tiếng trở lên) là việc hoàn toàn bình thường. Tùy theo các bạn sử dụng máy ra sao, điều kiện tình trạng xung quanh thế nào thì nhiệt độ CPU và GPU sẽ khác nhau.
  • Nhưng nhìn chung qua các hình ảnh mình chụp lại khi chơi thử 1 số tựa game có thể coi là khá nặng trên Nitro 5 2020, thì mình tiếp tục phải dành lời khen cho hệ thống tản nhiệt của phiên bản mới này, khi nó tiếp tục phát huy ưu điểm đã được ghi nhận từ mẫu 2019, và đặc biệt mình cảm nhận khá rõ việc tiếng quạt kêu ở chế độ Max khá êm, không gây khó chịu cho bản thân mình hay người xung quanh.
  • Thêm 1 yếu tố nữa là việc thực hiện chuyển đổi giữa các chế độ quạt diễn ra nhanh và hiệu quả, không hề bị tình trạng delay như máy bay VietJet !
  •  Chơi game Tom Clancy's Ghost Recon Wildlands, chế độ pin High Performance, quạt Max + CoolBoost. 

Vài điểm mình không thích / thấy chưa ổn, có thể khắc phục.

Thiết kế tổng thể đã có thay đổi, cách tân nhưng….

Nitro 5 2020 rõ ràng đã có sự thay đổi, thoát ra khỏi lớp vỏ cũ kỹ của những phiên bản trước đây, tuy vậy theo mình cảm nhận phần nắp máy lại hơi cầu kỳ hơn mức cần thiết, nhìn lâu mình thấy “gồ ghề” có phần hơi nặng nề, cứng nhắc.

Vị trí các cổng kết nối

Dẫu biết rằng 1 phần diện tích cạnh bên của máy để tăng thêm khe tản nhiệt, thế nhưng đã đặt cổng sạc của máy ra mặt sau, tại sao không mang bớt theo 1 số cổng kết nối ra mặt sau luôn nhỉ ? Ví dụ như cổng HDMI, cổng mạng,..

Ở khu vực bên cạnh phải thường là không gian để người dùng sử dụng chuột rời, sẽ có 1 chút vướng víu khi sử dụng đồng thời nhiều kết nối dây dợ lằng nhằng (ví dụ như HDMI để kết nối ra màn hình ngoài, USB type C để cắm ổ cứng rời,...)

Tần số quét của màn hình chỉ 60Hz

Nâng cấp lên nào Acer ơi !? Ít nhất cũng nên trang bị màn hình tần số quét 120Hz – 144Hz chứ nhỉ !

Phần viền của touchpad

Phần viền của touchad lại là màu đỏ đô như trước đây, chứ không “tông xuyệt tông” viền màu trắng như các phím điều hướng và 4 phím W A S D.

Ở thị trường Việt Nam Nitro 5 2020 không có nhiều tùy chọn cấu hình

  • Hiện tại theo mình tìm hiểu trên web của Techzones, thì phiên bản Nitro 5 2020 chỉ có 2 tùy chọn card rời là GTX 1650 và GTX 1650Ti, cùng 2 mẫu chip: i5-10300H và i7-10750H.
  • Có thể Nitro là dòng laptop chơi game – làm việc phân khúc phổ thông, có thể Acer không muốn khách hàng bối rối khi phải nhức đầu cân nhắc lựa chọn giữa dòng Nitro và dòng Helios thuộc phân khúc cao hơn.

Tổng kết

  • Vừa rồi là những chia sẻ và cảm nhận của cá nhân mình sau vài ngày trải nghiệm Acer Nitro 5 2020, tổng quan mình đánh giá Nitro 5 đã tiếp tục phát huy những điểm tốt từ các thế hệ trước, lại còn cải tiến và nâng cấp để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. 
  • Có thể Nitro 5 2020 không quá mạnh về cấu hình để mang lại trải nghiệm chơi game đỉnh cao, nhưng nó là một thiết bị có hiệu năng khá, trang bị mẫu chip thế hệ mới, đi cùng tản nhiệt hoạt động rất tốt, bên cạnh đó là khả năng nâng cấp máy về sau.
  • Với mình và 1 số bạn thì chiếc máy này vẫn còn 1 vài chi tiết chưa hợp lý, chưa hài lòng lắm, nhưng khó phủ nhận những ưu điểm mà nó mang lại cho người dùng, trong phân khúc laptop phổ thông cho chơi game, giải trí kết hợp làm việc, học tập 
  • Thêm 1 yếu tố quan trọng nữa cho các bạn đang quan tâm, đó là chế độ bảo hành 3S1 của Acer cho tất cả các sản phẩm gaming: trong vòng 03 ngày (72 giờ) bao gồm cả ngày thứ bảy và ngày chủ nhật, Acer cam kết sẽ đổi sản phẩm mới cùng loại hoặc tương đương (1 đổi 1) cho các trường hợp không hoàn thành bảo hành trong 03 ngày. Thông tin chi tiết các bạn có thể theo dõi thêm tại ĐÂY.

Các bạn có thể tới trải nghiệm, và chọn mua các phiên bản của Acer Nitro 5 (2020) tại cửa hàng Techzones, với mức giá từ 24 tới 29 triệu tùy từng mã và cấu hình. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này.

Techzones / HảiArt666