Asus ROG Flow X13 - 1 laptop 3 trải nghiệm khác biệt!!!

Trong những năm qua, ROG luôn được biết đến là dòng laptop gaming nổi tiếng của Asus, với những sản phẩm có thiết kế hầm hố, cấu hình mạnh mẽ, màn hình chất lượng, cùng các tính năng tối ưu cho người dùng nhất là game thủ. Qua mỗi giai đoạn, hãng Asus đã liên tục nghiên cứu cải tiến và đẩy mạnh giới hạn của dòng laptop gaming tầm trung cao cấp này.

Và với việc ra mắt Asus ROG Flow X13, 1 chiếc laptop vô cùng độc đáo và rất thú vị, thật sự Asus đã nâng tầm dòng laptop gaming của hãng lên 1 tầm cao mới: mang thân hình mỏng gọn nhẹ của 1 chiếc ultrabook, chứa bên trong là 1 cấu hình chiến game mạnh, cộng thêm các chi tiết thú vị khác biến nó thành 1 trong những sản phẩm công nghệ nổi bật và ấn tượng nhất của Asus trong năm 2021 này.

Anh em có thể xem các bài viết và video đánh giá sản phẩm đã có khá nhiều trên mạng. Còn trong bài viết này, thì Techzones sẽ tập trung chủ yếu chia sẻ các ưu nhược điểm của chiếc máy này, trải nghiệm sử dụng và đánh giá hiệu năng của nó, cũng như sản phẩm sẽ phù hợp với đối tượng khách hàng nào, chứ không đi sâu vào thiết kế, thông số kỹ thuật hay các chi tiết khác. Bắt đầu thôi nào!!

Ưu điểm – Những điểm mình đánh giá cao

- Flow X13 mang thiết kế đơn giản nhưng vẫn mang nét riêng mạnh mẽ đúng chất ROG, vẻ ngoài gọn gàng và mỏng nhẹ, dễ dàng đặt lên nhiều bề mặt (trên bàn, trên đùi,,..) và thoải mái cầm nắm trên tay di chuyển hoặc bỏ vào túi xách, balo. Cộng thêm bản lề cho khả năng xoay gập 360 độ mang lại tính linh hoạt rất cao cho máy, giúp thao tác sử dụng và trải nghiệm đa dạng hơn rất nhiều: vừa sử dụng như là laptop thông thường, vừa là 1 tablet với màn cảm ứng hỗ trợ cả tay và bút cảm ứng. Những tính năng phải nói là rất độc đáo và lạ trên 1 chiếc laptop về bản chất vẫn là ROG gaming.

- Chất lượng hoàn thiện tốt, toàn bộ phần vỏ máy được làm từ hợp kim magie, độ flex của bàn phím và màn hình ở mức chấp nhận được với thiết kế và kiểu dáng của máy. Mình đánh giá ROG Flow X13 có độ bền chắc và cứng cáp không hề thua kém 1 mẫu laptop doanh nhân mình từng đánh giá cũng của Asus là ExpertBook B9450 - là mẫu laptop nhỏ gọn, mỏng nhẹ nhưng có độ bền đạt chuẩn MIL-STD 810G của quân đội Mỹ, và đã có khá nhiều video kiểm chứng độ bền chắc của chiếc máy B9450 này: đổ nguyên ly nước lớn lên máy, làm rơi máy từ trên bàn cao, dùng chân đạp và nhún nhún lên máy,…nhưng máy vẫn mở lên được và hoạt động bình thường!!

- Mỏng nhẹ nhưng Flow X13 vẫn được trang bị khá đầy đủ các khe tản nhiệt ở xung quanh máy, nhất là ở các vị trí hay tỏa nhiệt nhiều, đặc biệt là khi gắn máy với màn hình ngoài và eGPU thì chúng ta có thể đặt máy theo kiểu chữ A / nóc nhà như hình chụp để hổ trợ tản nhiệt của máy được tốt hơn: thêm không gian cho luồng khí lưu thông, tăng thêm lượng gió hút vào,…

- Trang bị màn hình tỉ lệ 16:10 đang là xu hướng hiện nay và có thể trong vài năm tới nữa, tăng thêm không gian chiều dọc để làm việc và giải trí được thoải mái và rộng rãi hơn: gõ văn bản, xử lý file excel, thiết kế đồ họa thiết kế web, xem phim,…Tần số quét 120Hz không phải là gì ghê gớm ở thời điểm này trên màn hình 1 laptop gaming, nhưng đây là ulrabook gaming 2 in 1 thế nên việc có tần số quét 120Hz sẽ giúp các thao tác vuốt lướt cảm ứng mượt mà hơn, thoải mái hơn rất nhiều. Và thêm 1 chi tiết có lẽ ít người quan tâm đó là Flow X13 là mẫu laptop gaming ROG hiếm hoi có trang bị webcam!!

 - Touchpad hỗ trợ các thao tác rê vuốt lướt và đa điểm rất tốt, sử dụng mượt mà và khá thoải mái (1 phần do kích thước hơi nhỏ so với ngón tay của mình), gần như không có độ trễ trong tracking, chỉ trừ khi chơi game test máy là mình dùng chuột rời còn lại thì mình chỉ dùng touchpad mà thôi. Bàn phím cũng cho trải nghiệm tốt không kém, với hành trình phím sâu hơn đa số các mẫu laptop văn phòng ultrabook khác hiện nay, layout bố trí vừa vặn, độ nảy phím khá nên gõ văn bản hay chơi game cũng nhanh và tạo cảm giác tốt trên đầu ngón tay. Touchpad được đặt ngay giữa nên phần diện tích của 2 khu vực kê tay cũng khá rộng rãi, đặt 2 tay lên cân bằng và thoải mái cho việc sử dụng bàn phím. Đặc biệt ROG Flow X13 còn được trang bị mở khóa vân tay chung với nút nguồn máy, 1 điều mình chưa thấy trên bất kỳ mẫu laptop gaming nào bản thân đã từng trải nghiệm qua!!

- Điểm có thể coi là đặc biệt nhất trên Asus ROG Flow X13 là nó được trang bị 1 cổng có tên là XGm, đây là kết nối giúp con X13 này có thể gắn thêm 1 eGPU rời bên ngoài là Nvidia RTX 3080, qua đó sẽ biến con Flow X13 thành 1 cỗ máy chiến game vô cùng mạnh mẽ, đúng như cái tên mà Asus đã gọi là chiếc laptop gaming 13 inch mạnh nhất thế giới! Con eGPU này sẽ gắn chung với 1 cục sạc công suất lớn kèm thêm các cổng kết nối mở rộng, cho phép game thủ gắn thêm màn hình rời, có cổng mạng để chiến game online tốt hơn,….Tuy nhiên do không có cục sạc kèm theo máy nên mình chưa có đánh giá gì chi tiết, nhưng qua các hình ảnh và video tham khảo trên mạng thì cục này cũng rất nhỏ gọn và tiện dụng khi mang theo ra ngoài.

 - Thời lượng pin khá và có hỗ trợ sạc nhanh: Asus ROG Flow X13 trang bị viên pin 62Whr và bộ sạc type C 100W hỗ trợ sạc nhanh (sạc 30 phút được 50%), trong quá trình trải nghiệm thì mình thấy pin khá đủ cho 1 ngày làm việc 7-8 tiếng thông thường không game không xem phim. Máy dùng cổng sạc type C phổ biến nên người dùng có thể dùng các loại sạc dự phòng khác khi quên mang theo bộ sạc zin. 

Nhược điểm – Những điểm mình chưa ưng, có thể khắc phục ở những thế hệ sau

- Vỏ máy khá dễ bám dính mồ hôi, dấu tay và bụi bẩn, tạo cảm giác máy cũ nhanh, thế nên với 1 số người dùng thì Asus ROG Flow X13 có thể chưa thể hiện được nét cao cấp về mặt cảm quan xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra (nếu mua máy với sạc kèm eGPU RTX 3080 thì mức giá rơi vào khoảng 60-70 triệu, còn mua bản sạc thường thì khoảng 34-35 triệu). Giải pháp là người dùng nên vệ sinh lau chùi máy thường xuyên nhất là những ai dễ đổ mồ hôi tay, hoặc đơn giản là đem máy đi dán skin, dán sticker trang trí thể hiện cá tính riêng! 

- Cổng kết nối: theo mình nếu có thể dồn hết tất cả các cổng kết nối qua cạnh trái của máy thì sẽ rất ok, vừa có thể tăng thêm kích thước của khe tản nhiệt bên phải, và việc sử dụng đồng thời nhiều kết nối (cắm eGPU, cắm màn hình ngoài, cắm ổ cứng rời, cắm usb,..) sẽ không gây vướng víu cho tay sử dụng chuột rời, hiện tại với Flow 13 thì chúng ta có thể lựa chọn giải pháp dùng chuột không dây. Về số lượng cổng kết nối thì trên máy có rất ít và không có cổng mạng, sẽ phải mua thêm cục hub mở rộng nếu cần sử dụng nhiều kết nối, còn trong trường hợp chọn mua full kèm cả XGm thì chúng ta sẽ có thêm: khe đoc thẻ nhớ SD, 4 cổng USB-A, cổng HDMI 2.0, cổng Display Port 1.4, cổng mạng Ethernet. 

- Độ sáng của màn hình khi không cắm sạc là không cao, đo thử nghiệm thì độ sáng trung bình chỉ khoảng 280-290 nits mà thôi, chưa kể đây là màn gương nữa nên khi sử dụng ở môi trường ánh sáng mạnh nhất là ngoài trời thì màn sẽ bị bóng loáng, khó quan sát được nội dung hiển thị.

- Bàn phím không có led RGB (sẽ có led đơn sắc màu trắng với 3 cấp độ sáng), và các phím chuyên dụng như W A S D không được làm nổi bật như các mẫu laptop gaming ROG thông thường khác.

- Khi sử dụng ở chế độ tablet, bỏ qua chi tiết là trọng lượng 1,3kg của máy đã nhẹ rồi vẫn nhanh gây mỏi tay khi cầm, thì hơi nóng từ khe tản nhiệt ở mặt sau sẽ phả hơi nóng thẳng vào bàn tay, người dùng sẽ cảm thấy hơi khó chịu đôi chút. Thế nên đặt lên đùi hay lên bàn để vuốt lướt sẽ hợp lý hơn.

- Với kích thước của Flow X13 thì máy sẽ khá hạn chế về khả năng nâng cấp, khi Ram đã hàn trên main (trong máy demo mình sử dụng đánh giá thì được trang bị 16GB Ram DDR4), chỉ có thể nâng cấp thêm được SSD và lưu ý anh em là máy dùng SSD chuẩn M.2 NVMe PCIe 3.0 loại 2230 thôi nhé.

- Khi người dùng cắm sạc không phải sạc zin của máy, dù cho sạc đó công suất lớn tương tự sạc zin thì máy vẫn không hỗ trợ chuyển qua chế độ Turbo và Manual, chỉ có chế độ Windows, Silent và Performance.

Thêm vài hình ảnh của Asus ROG Flow X13

HIỆU NĂNG CỦA FLOW X13 

Asus ROG Flow X13 mình đang sử dụng để đánh giá được trang bị cấu hình: chip AMD Ryzen 7-5800HS, 16GB Ram onboard 4266 MHz DDR4, SSD M.2 NVMe PCIe 512GB và card đồ họa rời GTX 1650 bản Max-Q 4GB. Bên dưới đây là vài điểm số test hiệu năng của máy, và mình so sánh nhanh với vài mẫu laptop gaming Asus mới trải nghiệm trong thời gian gần đây. 


Thêm 1 vài điểm số hiệu năng khác của Asus ROG Flow X13

V-Ray Benchmark 5.0

Asus ROG Flow X13 (Ryzen 7-5800HS và GTX 1650 Max-Q 4GB) V-Ray: 7610 , V-Ray GPU CUDA: 251

ROG Strix G17 G713 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) V-Ray: 9109,V-Ray GPU RTX: 960

 TUF Gaming A15 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) V-Ray: 8581, V-Ray GPU RTX: 719

 Legion 5 Pro (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) V-Ray: 9034, V-Ray GPU RTX: 724

 Legion Slim 7 (Intel i9-10980HK và RTX 2060 Max-Q) V-Ray: 4751, V-Ray GPU RTX: 514

Corona 1.3 Benchmark

Asus ROG Flow X13 (Ryzen 7-5800HS và GTX 1650 Max-Q 4GB) thời gian render 0:02:15

 Legion Slim 7 (Intel i9-10980HK và RTX 2060 Max-Q) thời gian render 0:03:45

ROG Strix G17 G713 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) thời gian render 0:01:50

TUF Gaming A15 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 GB) thời gian render 0:01:51

Legion 5 Pro (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) thời gian render 0:01:45

Thông tin và Tốc độ ĐỌC/GHI của ổ SSD trong máy

Geekbench 5 (ver 5.4)

CHƠI GAME TRÊN ROG FLOW X13 VỚI GTX 1650 MAX-Q

Thực tế chúng ta dễ dàng nhận thấy, card đồ họa rời GTX 1650 lại còn Max-Q nữa có phần chênh lệch khi kết hợp cùng Ryzen 7-5800HS, chắc chắn sẽ rất khó có thể tận dụng hết sức mạnh của CPU này, thế nên việc chơi game mình cũng chỉ test nhanh qua vài tựa game ở mức thiết lập đồ họa cao để anh em tham khảo. Dù đôi lúc có hiện tượng lag và drop FPS tương đối, nhưng nhìn chung ROG Flow X13 vẫn cho mình 1 trải nghiệm chiến game thú vị trên 1 mẫu ultrabook gaming cũng thú vị không kém!! 

Sau đây là 1 vài điểm số FPS trung bình mình ghi nhận được trong quá trình chơi game, máy ở chế độ Performance. 

Thêm mức FPS của ROG Flow X13 qua 2 tựa game Assassin's Creed Valhalla và Battlefield 5

Game Assassin's Creed Valhalla: độ phân giải Full HD (1920 x 1200), thiết lập đồ họa Medium

Test qua tính năng Benchmark sẵn trong game: mức FPS cao nhất: 75 FPS, trung bình: 48 FPS

Chơi game thực tế: mức FPS cao nhất: 56 FPS, trung bình: 40 FPS

Game Battlefield 5: độ phân giải Full HD (1920 x 1200), thiết lập đồ họa Very High 

Chơi game thực tế: mức FPS cao nhất: 55 FPS, trung bình: 42 FPS

Nhìn chung qua quá trình test game, mình nhận thấy chip Ryzen 7-5800HS hoạt động nhẹ nhàng ở mức TDP 15W, mức xung nhịp không cao lắm nhưng khá ổn định (không cao do 1 phần mình không có sạc zin để sử dụng), còn card rời GTX 1650 Max-Q thì ở mức 30-35W đôi lúc lên tới 40W. Nhiệt độ trung bình khi chơi game dao động từ 70-80 độ C cho cả CPU và GPU, mức nhiệt có thể coi là khá mát mẻ với thiết kế của ROG Flow X13.

HỆ THỐNG TẢN NHIỆT HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO? 

Với laptop nói chung và đặc biệt dòng laptop gaming nói riêng, máy có thiết kế càng mỏng và nhỏ gọn thì càng khó bố trí tản nhiệt. Nhưng với Asus ROG Flox X13, dù chỉ có độ dày chưa tới 16mm, nhưng vẫn được trang bị hệ thống tản nhiệt đầy đủ cùng những yếu tố hỗ trợ khác, cụ thể là máy có hệ thống quạt kép Arc Flow thế hệ mới với 84 cánh, 3 ống đồng tản nhiệt với module tản tự làm sạch, đặc biệt là keo tản nhiệt bằng kim loại lỏng. 

Và như ở trên mình có nói qua, khi chơi game trên ROG Flow X13 khoảng hơn 1 tiếng trong điều kiện phòng máy lạnh 27 độ C, máy đặt trực tiếp trên mặt bàn, thì nhiệt độ chỉ dao động trung bình trong khoảng 70 - 80 độ C với cả CPU và GPU mà thôi, mức nhiệt độ phải nói là mát mẻ, các anh em có thể coi thêm qua các hình ảnh sau:

Chuyển qua thử sức Asus ROG Flow X13 với bài stress test khá nặng là Aida64 trong vòng hơn 20 phút, mức nhiệt độ phải nói là rất ấn tượng, khi nhiệt độ cao nhất thể hiện qua phần mềm đo là 87 độ C với CPU, và GPU là 77 độ C. Còn khi đo nhiệt độ trên bề mặt máy thì khu vực nóng nhất là khoảng giữa trung tâm bàn phím, nửa trên phần bàn phím gần màn hình, và dưới đáy máy thì nhiệt độ vào khoảng 42 và 45 độ C, khu vực kê tay và touchpad thì nhiệt độ vào khoảng 25 - 27 độ C. 

Cảm nhận thì để tùy mỗi anh em đánh giá, còn theo quan điểm cá nhân thì mình sẽ hạn chế chơi game hay làm các công việc nặng: thiết kế đồ họa chuyên sâu, render video,...trực tiếp trên chiếc máy này, mà sẽ sử dụng kết nối ra màn hình ngoài, cắm thêm chuột và bàn phím rời, đặt máy ở tư thế chữ A / nóc nhà để máy có nhiều không gian lưu thông khí, tăng thêm lượng gió hút vào,...rồi mới sử dụng. 

TỔNG KẾT

Asus ROG Flow X13 là 1 chiếc laptop quá đặc biệt và thú vị, nó mang tới những trải nghiệm mới lạ, độc đáo, và thật khó để so sánh nó với những mẫu laptop ultrabook bởi cấu hình vô cùng mạnh mẽ, cũng chẳng dễ dàng để so sánh với những mẫu laptop gaming bởi tính linh hoạt và cơ động của Flow X13. Asus thật sự đã nâng tầm sản phẩm laptop gaming nói riêng của hãng lên 1 tầm cao mới, 1 mẫu laptop đa năng với 3 trải nghiệm khác biệt: laptop văn phòng, laptop chơi game và máy tính bảng tablet.

Cuối cùng thì Flow X13 sẽ không chỉ dành riêng cho game thủ như các mẫu ROG gaming thông thường khác, mà còn cả ở những khách hàng cần 1 chiếc máy hiệu năng cao nhưng linh hoạt trong di chuyển như các Youtuber, Vlogger, các bạn làm thiết kế đồ họa, kiến trúc, kỹ thuật,...thường phải ra ngoài đi gặp khách hàng và đối tác. Và cũng phù hợp với các anh em dân văn phòng mê chơi game, cần 1 mẫu laptop đa năng nhưng không gây quá nhiều chú ý với vẻ ngoài hầm hố, led RGB chói mắt, tránh được những con mắt săm soi của đồng nghiệp và sếp lớn. 

Sản phẩm đang được bán chính hãng tại Techzones với 24 tháng bảo hành, chi tiết hơn anh em có thể coi thêm trên website Techzones.vn, xin cảm ơn anh em đã xem bài đánh giá này. 

Techzones / Leo666

ASUS ROG Flow X13 GV301 Ultra Slim 2-in-1

ASUS ROG Flow X13 GV301 Ultra Slim 2-in-1

34.990.000 ₫
  • Màn hình: 13.4" WQUXGA
  • CPU: Ryzen 7 / 9
  • RAM: DDR4
  • SSD: 512GB / 1TB
  • VGA: GTX 1650
  • Nặng: 1.3kg
  • Cảm ứng, Pantone Validated