Asus ROG Strix Scar GL503GE - Game thủ FPS "TỚI NGAY ĐI" !

Trong thị trường laptop gaming đầy sự cạnh tranh khốc liệt, thì hãng Asus trong những năm gần đây đã liên tục đầu tư, phát triển và cho ra mắt nhiều sản phẩm laptop chơi game trải đều ở các phân khúc. 

Trong bài viết này, Techzones sẽ giới thiệu tới các bạn 1 mẫu laptop chơi game với mức giá vừa phải, thiết kế đẹp, cấu hình khá: Asus ROG Strix Scar GL503GE EN201T. Đây là phiên bản màn hình 15,6 inch, hỗ trợ tần số quét cao lên tới 120Hz, tốc độ phản hồi 3ms. Còn điểm gì đặc biệt nữa không ? Các bạn hãy theo dõi tiếp nhé ! 

Thiết kế cho cảm giác nhẹ nhàng, nhưng vẫn góc cạnh và cứng cáp

Trước đây mình đã từng có bài đánh giá 2 con laptop gaming cũng của Asus ROG, là Zephyrus M và ROG Strix Scar II GL504GM với kiểu dáng tương tự, thế nên con GL503GE này, mặc dù vẫn mang thiết kế được coi là mới mẻ và sáng tạo của Asus, nhưng nhìn đã quen mắt nên mình không quá ấn tượng.

Tuy nhiên, nhờ trọng lượng nhẹ do phần lớn vỏ ngoài của máy là làm bằng nhựa, và độ dày khoảng 2,3cm, nên máy cho cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, trọng lượng 2,5kg thì không quá nhẹ hay quá nặng, nhưng mang đi lại là thoải mái so với mặt bằng chung các laptop gaming. Riêng phần nắp là lớp vỏ nhôm phây xước, sơn màu xám nòng súng, cho cảm giác sờ vào, nhất là khi ngồi phòng máy lạnh vô cùng đã tay !

Các cổng kết nối quen thuộc và cần thiết, cạnh trái chúng ta có lần lượt là: cổng sạc, cổng Ethernet, cổng mini Display Port, cổng HDMI, 2 cổng USB 3.0, và lỗ cắm tai nghe kèm mic 3.5 mm. Tiếp tục sang cạnh phải là: 1 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.0, 1 cổng USB type C thường, và 1 khe cắm thẻ nhớ SD.

Với mục đích để tăng thêm không gian lưu thông không khí và gió, hỗ trợ tốt hơn cho các khe hút gió của máy và quạt tản nhiệt bên dưới, nên Asus ROG Strix Scar GL503GE được khoét 1 khe nhỏ, điểm này theo mình đánh giá không ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ của máy, nhưng cảm giác máy không được liền lạc. Ảnh hưởng 1 chút tới phần bản lề, mặc dù vẫn có thể đóng mở nắp máy bằng 1 tay được, nhưng độ hoàn thiện không quá chắc chắn. Bù lại thì các bạn dễ thấy các đèn tín hiệu ngay cả khi đóng nắp máy lại. 

Bàn phím

Mở nắp máy lên, thì toàn bộ khung bàn phím và khu vực kê tay được trang trí bằng các họa tiết vân carbon 3D, nhìn vô cùng đẹp mắt, theo Asus thì hãng đã lấy cảm hứng từ mẫu áo chống đạn Kevlar. Kết hợp với các đường gân vát, tạo cảm giác đường nét, hình khối tốt, khiến cho máy đã đẹp mà còn nhìn ngầu hơn, mạnh mẽ hơn.

GL503GE được trang bị bàn phím Fullsize, có đèn nền Led RGB theo vùng (đổi màu 4 vùng bàn phím với hiệu ứng nhấp nháy tùy chọn) kết hợp với 3 cấp độ sáng. Phím bấm được làm ôm cong nhẹ, nên cảm giác gõ khá tốt, độ nhạy phím cao và chính xác, do được áp dụng công nghệ độc quyền là Overstroke. Kết hợp với khả năng nhận nhiều phím cùng 1 lúc, cùng độ bền của phím rắt cao, lên tới 20 triệu lần nhấn. 

Cụm phím chuyên dụng W A S D, ngoài được viền xung quanh mép dưới, thì không được làm nổi bật hơn các phím khác, nhưng theo mình nghĩ đây là layout bàn phím quen thuộc, nên các bạn game thủ sẽ chẳng mất nhiều thời gian làm quen. Chưa kể trên phím W còn được làm 1 chấm nổi nhỏ, giúp xác định phím nhanh hơn. Ngoài ra mình cảm nhận lực nhấn trên 4 phím này chắc chắn hơn các phím còn lại.

Touchpad của GL503 rất tốt, cảm giác nhấn nhạy, rê vuốt mượt, dù cho kích thước không lớn. Bề mặt được phủ 1 lớp kính, nếu tay các bạn có dễ ra mồ hôi, thì việc nhận diện cử chỉ của bạn vẫn tốt và chính xác. Họa tiết được trang trí như tâm ngắm của 1 khẩu súng sniper, càng rõ nét hơn cho việc hướng tới đối tượng game thủ FPS. 

Sẽ trọn vẹn nếu các phím tắt (tăng, giảm âm lượng, tắt mic, phím mở ROG Gaming Center) và phím Power được làm cứng cáp hơn, nhấn không bị mềm và có “cảm giác” hơn ! 

Màn hình tần số quét 120Hz
Màn hình 15.6 inch của GL503GE có độ phân giải Full HD, với tần số quét hình cao là 120Hz. Cùng với đó là tốc độ phản hồi nhanh 3ms, mình tin rằng sẽ làm thỏa mãn 96,69% game thủ FPS trong phân khúc máy này. Tuy sử dụng tấm nền TN nhưng góc nhìn 2 bên của máy vẫn tốt, màu sắc không bị biến đổi nhiều, chủ yếu chỉ bị khi các bạn nhìn từ trên xuống hoặc từ dưới lên.

Các chỉ số hiển thị màu sắc mình đo được rất ấn tượng, trên 1 chiếc laptop gaming sử dụng tấm nền TN trong phân khúc này, là 96% sRGB, 94% NTSC, và 85% Adobe RGB.

Trải nghiệm thực tế qua việc coi phim, xem clip nhạc, chơi game, thì hình ảnh mượt mà, màu sắc nét, gần như không có độ trễ, phần nào giúp các bạn game thủ xử lý nhanh các tình huống trong game, ví dụ kẻ địch ẩn nấp ở xa !!

Một điểm nữa là màn hình của GL503GE có độ sáng cao là trên 300nits, khi sử dụng trong phòng, mình chỉ để độ sáng màn hình khoảng 50% mà thôi. Còn nếu dùng ngoài trời thì mình có thể tăng lên 75% và xài cũng rất thoải mái luôn.

Loa

Cũng không có nhiều thay đổi về loa trên GL503GE, vẫn là công nghệ Sonic Studio 3 được tích hợp sẵn. Chất lượng âm thanh của GL503GE theo mình ở mức tàm tạm với mục đích giải trí và chơi game.

Nghe nhạc thì thừa lượng nhưng thiếu chất, âm bass không phê lắm, chơi game thì có vẻ khá hơn chút, các tiếng súng đạn, bom nổ, tiếng chân chạy nhảy,..khá chi tiết. 1 chiếc tai nghe sẽ là lựa chọn lúc này, mang lại trải nghiệm âm thanh khi chơi game tốt hơn.  

Cấu hình không khác biệt so với các đối thủ, nhưng hiệu năng khá ấn tượng

Có thể được coi là 1 sản phẩm tiêu biểu của Asus, nên cấu hình của GL503GE không hề kém cạnh các đối thủ trong cùng phân khúc. Được trang bị chip core i7-8750H, card GTX 1050Ti 4GB, Ram trong máy 8GB, ổ cứng HDD 1TB (có sẵn ổ SSHD 8GB) và SSD 128GB NVMe.

Với cấu hình này thì các bạn có nhu cầu sử dụng vừa phải thì không cần nâng cấp gì thêm, trường hợp muốn mạnh hơn thì mình nghĩ chỉ cần thêm thanh Ram, và ổ SSD dung lượng cao hơn. Và máy cũng cho khả năng nâng cấp dễ dàng, nhờ 1 khe mở máy ở dưới nắp máy.

Dưới đây là cấu hình chi tiết, và các điểm số đánh giá hiệu năng, benchmark mà mình đã kiểm tra, để các bạn tham khảo.

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ cứng trong máy

Ổ SSD 

Ổ HDD

Điểm Benchmark 

PCMark 10

Cinebench R15


Heaven Benchmark 4


3DMark - Time Spy

3DMark - Fire Strike Extreme

Nếu sử dụng chiếc laptop này làm đồ họa cũng khá tốt, như Photoshop, AI,..thời gian để chỉnh sửa, render sản phẩm cũng ở mức tương đối nhanh.

Chơi game

Sở hữu cấu hình lẫn màn hình tốt trong tầm giá, nên trải nghiệm chơi game, đặc biệt là các tựa game bắn súng FPS (First Person Shooter), trên màn hình tần số quét 120Hz, tốc độ phản hồi 3ms là rất tuyệt vời.

Mình đã chơi thử tựa game bắn súng, đối kháng là CS:GO và PUBG, thì mức FPS trung bình của hai game này lần lượt là 110-150 với thiết lập High của CS:GO, và 70-90 với PUBG ở thiết lập Medium.

Game PUBG (thiết lập Medium)

Game CS:GO (thiết lập High)

Nói là chuyên cho game FPS, nhưng không có nghĩa là những dòng game khác không đủ độ mượt đối với Asus ROG Strix Scar GL503GE-EN201T, các bạn vẫn hoàn toàn có thể chơi các tựa game MOBA, hay các tựa game phiêu lưu, đồ họa đẹp như Tomb Rider,…

Game Rise of Tomb Rider (thiết lập Medium), mức FPS: 45-60

Tuy nhiên vì đối với dòng game FPS, nét đặc trưng của nó đòi hỏi mức độ phản xạ tín hiệu, khả năng xử lý khung hình cũng như tốc độ xử lý của máy phải cực tốt, thì các game thủ mới có thể thể hiện hết khả năng của mình, điều đó đòi hỏi FPS (Frame per second) trong game phải cao.

Tản nhiệt 2 quạt 

Là 1 laptop gaming, có độ mỏng chưa tới 2,5cm, nên hệ thống tản nhiệt và khả năng của nó, chắc chắn là điều được tất cả các game thủ quan tâm. 

Nhiệt độ ban đầu của máy

Vẫn là 2 quạt tản nhiệt, với ba cấp độ: yên tĩnh (silent), bình thường (cân bằng: balanced) và hiệu suất cao (overboost). Vậy có gì đặc biệt ? Đó là thay vì 2 quạt 5V như bình thường, thì GL503GE được đầu tư quạt 12V.

Trong điều kiện phòng máy lạnh 26 độ, chế độ quạt balanced, sau khoảng 2 tiếng chơi game thì mình ghi nhận nhiệt độ cao nhất lên tới 90 độ, trung bình thì tầm 75-85 độ, các con số có thể coi là ổn với 1 laptop gaming. Tuy thế, thực tế máy vẫn rất nóng, nóng nhất vẫn là khu vực nhạy cảm giữa màn hình và khung bàn phím, khi đó mình bắt buộc phải chỉnh quạt lên mức cao nhất. Và tiếng quạt sẽ kêu khá là to đấy nhé ! 

Mặc dù nóng, nhưng hơi nóng không hề bốc về phía bàn tay của người sử dụng, các dãy phím bấm và khu vực kê tay vẫn thoải mái, điều này rõ ràng giúp trải nghiệm chơi game đã hơn, sướng hơn nhiều.

Máy cũng vượt qua khá tốt các bài stress test cường độ cao trong thời gian 15 tới 30 phút, xung nhịp đôi lúc vẫn bị giảm là điều khó tránh khỏi. Điểm tích cực mình ghi nhận của GL503GE, đó là nhiệt độ máy giảm khá nhanh, ngay sau khi dừng các bài stress test. 

Stress test qua Prime95

Stress test qua FurMark 

CPU

GPU

Nhiệt độ máy giảm khá nhanh, ngay sau khi tắt FurMark

Stress test qua Aida64 sau 30 phút

Ngay sau khi tắt Aida64 đi

Pin 

Laptop chơi game, cấu hình khá, thiết kế mỏng nhẹ, nên vấn đề pin thôi khỏi bàn luận nhiều ha ! Mình nghĩ rằng chẳng ai chơi game mà không cắm sạc cả, với cả cục sạc mình thấy cũng nhỏ gọn nên vác theo cũng không phải vấn đề lớn.

Với các việc thông thường như lướt facebook, đọc tin tức, xem phim,… ở độ sáng 50%, thì máy trụ được khoảng gần 3 tiếng rưỡi thì còn lại 10-15% pin.

Kết luận

Vừa rồi là những đánh giá của Techzones về con Asus ROG Strix Scar GL503GE EN201T, với cảm nhận của 1 game thủ chuyên chơi CS:GO, thì mình đánh giá là Asus đã làm tốt những gì cần thiết cho 1 laptop gaming chuyên cho game FPS: màn hình đẹp, độ phản hồi nhanh, tần số quét cao, ngoài ra là cấu hình khá trong tầm phân khúc, thiết kế mỏng và trọng lượng nhẹ,…Nếu không quá khó tính về độ hoàn thiện chưa quá cao, máy còn nóng, thì chiếc máy sẽ là 1 lựa chọn đáng cân nhắc, bên cạnh các đối thủ sừng sỏ khác.

Còn các bạn nghĩ sao về chiếc laptop này ? Hãy tới ngay cửa hàng Techzones để trải nghiệm thực tế sản phẩm này, hoặc xem thêm thông tin chi tiết trên website Techzones.vn. Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.

Techzones / HảiArt666