Asus ROG Zephyrus S (GX531) - Khi độ mỏng tỉ lệ nghịch với hiệu năng

Mình nghĩ rằng là không chỉ riêng mình, mà các bạn đã và đang sử dụng, hoặc có sự quan tâm tới các dòng laptop gaming của Asus sẽ đồng ý với ý kiến rằng: các mẫu ROG Zephyrus đều hết sức đáng chú ý bởi thiết kế lạ mắt, vừa mỏng nhẹ nhưng vẫn được trang bị cấu hình mạnh mẽ, cùng các chi tiết điểm nhấn khác biệt so với các đối thủ.

Trong bài viết này, Techzones sẽ mang tới cho các bạn thế hệ thứ 3 của dòng laptop gaming mỏng nhẹ, mang tên vị thần Gió tây trong thần thoại Hy Lạp: Asus ROG Zephyrus S (với mã GX531GM).

Ngay từ thời điểm ra mắt, chiếc máy này đã được nhiều chuyên gia, các trang mạng công nghệ đánh giá đây là mẫu laptop gaming mỏng nhất thế giới, hay chính xác hơn là mẫu laptop gaming 15 inch mỏng nhất thế giới tại thời điểm này ! Vậy còn điểm gì đáng chú ý nữa không ? Các bạn hãy đọc tiếp bài viết này để có câu trả lời nhé !

Asus ROG Zephyrus S

Mỏng, mỏng hơn, mỏng nữa !

Ngay từ khi cầm máy trên tay, mình cảm nhận được khá rõ kích thước “đã nhỏ nay còn nhỏ hơn” của mẫu Zephyrus S này, cụ thể khi so sánh 1 vài số đo của máy với phiên bản đầu tiên là Zephyrus GX501: Khung máy nhỏ hơn, mỏng hơn (độ dày khi mở nắp máy lên: 15,7 mm so với 17,9 mm), và trọng lượng nhẹ hơn (2,1 kg so với 2,3 kg). Đây có lẽ cũng là lý do mà Asus đặt tên cho mẫu máy là Zephyrus S (Slim: mỏng nhẹ).

Asus ROG Zephyrus S

Về tổng thể thì vẻ ngoài của Asus ROG Zephyrus S có phần quen thuộc, không khác biệt quá nhiều so với 2 bản Zephyrus đã ra mắt trước đây. Tuy nhiên máy vẫn mang 1 số đặc điểm mới lạ để tạo sự thu hút, điểm đầu tiên đó là phần nắp máy, vẫn là thiết kế tấm kim loại chắc chắn, có đường vát xéo lớn ở giữa cùng logo ROG mạ chrome bóng, có thể phát sáng khi máy hoạt động(Led đơn sắc màu đỏ). Nhưng 2 khu vực chia cắt được hoàn thiện khác nhau, 1 mảng là vân phây xước kim loại sáng bóng, mảng còn lại thì làm kiểu vân nhám nhám. Cảm giác sờ mó phần nắp máy này khá đã tay, nhưng nhược điểm quen thuộc vẫn là bám vân tay, mồ hôi kha khá, nhất là khu vực vân nhám.

Asus ROG Zephyrus S

Thứ 2 là phần khung bản lề được làm tách ra với nắp máy, lồi ra hẳn phía sau, tương tự với 1 số mẫu Dell Alieware, hay Lenovo Y530, Y730,..2 thanh bản lề vẫn là dạng đôi nhưng nhìn hiện đại hơn, và cơ chế đóng mở được làm chắc chắn hơn, màn hình của Zephyrus S ít bị rung lắc khi mình đóng mở nắp máy hay vô tình đụng vào phần nắp này. Phần bản lề cũng cho góc mở màn hình khá lớn, khoảng 125 độ.

Asus ROG Zephyrus S

Asus ROG Zephyrus S

Điểm khác biệt tiếp theo vẫn ở nắp máy, đó là hãng Asus không còn khoét phần cạnh dưới của nắp nữa, mình nghĩ sẽ có người thích người không thích chi tiết này, đánh giá cá nhân mình thì sự thay đổi này làm cho Zephyrus S không còn hầm hố như các phiên bản tiền nhiệm, nhưng máy nhìn liền lạc hơn, vẫn đậm chất gaming, cá tính, chưa kể chúng ta vẫn có thể thấy vị trí các bóng đèn Led thông báo tình trạng máy.

Asus ROG Zephyrus S

Quan sát kỹ hơn, thì mình còn thấy 2 dải loa ngoài giờ đã được bố trí ở vị trí mới, ở khu vực gần sát khung bản lề và không gian của hốc tản nhiệt. Thật sự mình ít quan tâm tới loa trên laptop nên không đánh giá sâu, nhưng phải nói là loa trên Zephyrus S dù được thiết kế khá nhỏ, nhưng cho âm thanh phát ra khi nghe nhạc, chơi game, xem phim to và rõ.

Bên cạnh 1 số điểm khác biệt, thì GX531 vẫn mang trên mình những nét quen thuộc đặc trưng của dòng Zephyrus, phải kể đến đó là phần khớp nâng trong thiết kế hệ thống tản nhiệt ở mặt đáy của máy. Khi chúng ta mở nắp máy lên, khớp này sẽ tự động nâng cao máy lên một chút, tạo 1 khoảng trống ở mặt đáy của máy để tăng thêm không gian cho lượng khí lưu thông, và giúp tản nhiệt tốt hơn trong quá trình hoạt động của máy.

Asus ROG Zephyrus S

1 điểm nâng cấp hơn là khe hở này được gắn thêm bóng đèn Led RGB có thể thay đổi màu sắc nhìn đẹp mắt hơn, chứ không chỉ màu đỏ đơn sắc, và khe này mình thấy có vẻ được đẩy lên thấp hơn so với thế hệ trước nên có thể hạn chế các hạt bụi bẩn, côn trùng có kích thước lớn lọt vào. Ngoài ra phần mặt dưới đã được làm bằng kim loại (hợp kim magie), thay vì nhựa như phiên bản Zephyrus M.

Asus ROG Zephyrus S

Nhưng khen gì khen, thì kiểu thiết kế khớp nâng trên Zephyrus S vẫn tạo cảm giác không được chắc tay khi cầm máy lên lúc máy đang mở như các mẫu laptop liền khối, cũng như tấm kim loại mặt dưới có vẻ hơi mỏng, vô tình va đập mặt dưới mình nghĩ sẽ hơi xót đấy ! Đây cũng là vấn đề của phần nắp máy, mình nghĩ nó nên được làm dày hơn, cứng hơn để giữ màn hình không bị cong nhẹ. 

Màn hình

Quan sát nội thất bên trong của Zephyrus S, chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi rõ nét nhất, cũng có thể coi là đặc biệt nhất của thế hệ này đó là viền màn hình của máy đã được làm mỏng đi rất nhiều. Theo suy nghĩ của mình thì đây là xu thế tất yếu thôi, để Zephyrus S có thể cạnh tranh cùng các đối thủ “mỏng mỏng” có thể kể đến như là MSI GS65, Lenovo Legion Y730, HP Omen 15 2018, Dell XPS 15 9570,.…

Đây cũng là mẫu Zephyrus đầu tiên được áp dụng viền màn hình siêu mỏng này, gần đây nhất thì Asus chỉ mới đầu tư cho mẫu ROG Strix Scar II GL504 mà thôi.

Asus ROG Zephyrus S

Màn hình trên Zephyrus S (GX531) có kích thước 15,6 inch, độ phân giải Full HD, sử dụng tấm nền IPS cho góc nhìn rộng, màu sắc tươi sáng. Các chỉ số độ phủ màu mình đo được qua Spyder là gần 100% sRGB (99,5%), Adobe RGB là 70%, độ phủ màu khá cao, viền màn hình lại còn mỏng nữa, thế nên trải nghiệm về mặt thị giác khi xem phim, xem clip trên youtube là rất tốt.

Asus ROG Zephyrus S

Cùng với đó là tần số quét cao 144Hz, tốc độ phản hồi 3ms (tương tự Zephyrus M, còn Zephyrus đời đầu là 120Hz) thì cảm giác khi chơi game cũng sướng mắt hơn, đã hơn rất nhiều. Đáng tiếc là mẫu Zephyrus S này lại không được hỗ trợ công nghệ G-Sync của NVidia.

Asus ROG Zephyrus S

Thông tin chi tiết về màn hình 

Đi xuống phía dưới thì Zephyrus S gần như được Asus bê nguyên xi bố trí của Zephyrus đời đầu tiên, với việc phân chia bên trong thành hai khu vực: Bàn phím và touchpad cảm ứng được đẩy xuống phía dưới, dành 1 không gian khá lớn dành cho hốc tản nhiệt ở bên trên.

Asus ROG Zephyrus S

Và để không gian này đỡ trống trải, cũng như tăng thêm nét cá tính, nổi bật hơn cho Zephyrus S, thì Asus đã tạo lên phần bề mặt này các đường vân cắt xéo, thay vì là các lỗ nhỏ li ti có phần đơn điệu như trên Zephyrus GX501. Thêm vào đó tiếp tục là logo ROG khá tao và bỏng bấy, nằm ở vị trí trung tâm làm điểm nhấn. Nút nguồn nằm tách biệt với khu vực bàn phím, nằm gần bản lề, bấm cho cảm giác tốt, có đèn Led giúp dễ thao tác trong tối.

Asus ROG Zephyrus S

Điểm trừ có lẽ đó là khi mua máy mới, mở nắp máy lên, các bạn sẽ tháy tấm phiếu bảo hành được dán rất là vô duyên trên khu vực này. Theo tìm hiểu của mình thì người dùng có thể bóc tem này ra mà vẫn nhận được hỗ trợ bảo hành, sửa chữa như bình thường !

Thêm nữa là bề mặt của khu vực tản nhiệt làm bằng kim loại, nhưng độ dày hơi mỏng, thế nên tuy người dùng không đụng tay vào khu vực này bao giờ, nó vẫn tạo cảm giác có phần mỏng manh, cảm giác chắc chắn tổng thể sẽ bị giảm đi đôi chút.  

Bàn phím

Bàn phím có khoảng cách giữa các phím khá rộng rãi, bề mặt các phím được làm bo cong nhẹ giúp ôm đầu ngón tay khi gõ, tuy nhiên do hành trình phím ngắn khoảng 1,2mm, gõ phím ít có độ nảy, nên các bạn quen xài phím cơ hoặc các dòng laptop phổ thông sẽ cần 1 chút thời gian làm quen. Và khi đã quen dần rồi thì tốc độ gõ phím sẽ tăng lên đáng kể, còn khi chơi game thì bàn phím cũng hỗ trợ tính năng N-Key Rollover nên việc chơi các tựa game cần sử dụng nhiều tổ hợp phím sẽ không là vấn đề gì !

Asus ROG Zephyrus S

Zephyrus S có thiết kế mỏng nhẹ, nhưng độ hoàn thiện của máy là tốt với phần lớn các chi tiết làm bằng kim loại. Mình gõ mạnh lên bàn phím, hay tì đè 1 lực lên khung máy nhưng rất ít thấy tình trạng ọp ẹp hay flex. 1 chi tiết khác biệt nhỏ so với Zephyrus đời đầu đó là Asus chỉ viền trong suốt không quá nổi bật 4 phím W A S D trên Zephyrus S, chứ không còn là 7 phím Q W E R A S D nữa. Tất nhiên không thể thiếu các hiệu ứng Led RGB nền giúp bàn phím trở nên bắt mắt hơn.

Asus ROG Zephyrus S

Touchpad của máy có kích thước tương tự phiên bản cũ, và cũng sẽ cần 1 chút thời gian làm quen bởi nó được đặt theo chiều dọc, các bạn sẽ hơi khó di chuột hết bề ngang của màn hình trong 1 lần di. Ngoài ra thì Touchpad cho cảm giác sử dụng, vuốt lướt tốt, thao tác đa điểm ổn, không có gì để phàn nàn. 2 phím chuột trái và phải được làm tách biệt, bấm có độ nẩy.

Asus ROG Zephyrus S

Asus ROG Zephyrus S

Zephyrus S không có khu vực phím số Numpad, bù lại thì Touchpad có thể biến thành Numpad cảm ứng với 1 nút chuyển đổi nhanh chóng, dễ dàng. Đây là 1 chi tiết khá thú vị mặc dù mình thấy các bạn game thủ thì gần như không bao giờ xài numpad, còn người dùng văn phòng thì không phải đối tượng khách hàng chính của chiếc máy này. Và hạn chế nhỏ là khi bật Numpad lên thì người dùng không sử dụng Touchpad như bình thường được.

Asus ROG Zephyrus S

Cổng kết nối

Máy được trang bị khá đầy đủ các cổng kết nối thông dụng, ở cạnh trái ngoài 1 hốc tản nhiệt và cổng nguồn, thì chúng ta sẽ có 1 cổng USB 3.1 gen 1 type C không có Thunderbolt 3, 2 cổng USB type A 2.0, 1 cổng tai nghe kèm mic 3.5.

Asus ROG Zephyrus S

Ở cạnh còn lại thì ít hơn, chỉ có 1 cổng USB type A 3.1 gen 2, 1 cổng USB 3.1 gen 2 type C kiêm luôn Display Port 1.4, cho khả năng xuất hình ảnh ra màn hình ngoài có độ phân giải cao, đồng thời cổng này cũng được Asus tích hợp thêm công nghệ sạc Power Delivery cho phép sạc nhanh các thiết bị di động.

Asus ROG Zephyrus S

Ngoài việc cổng USB type C không tích hợp Thunderbolt 3, thì trên Zephyrus S cũng không có khe thẻ nhớ SD hoặc microSD. Mặt sau của máy còn có thêm 1 cổng HDMI, cổng khóa và 2 hốc tản nhiệt khá lớn.

Asus ROG Zephyrus S

Cấu hình bên trong và 1 số thay đổi

Asus trang bị trên Zephyrus S (GX531) cấu hình mạnh mẽ, mặc dù vậy nó không khác biệt nhiều với mẫu Zephyrus M hay mẫu Strix Scar II GL504. Vẫn là i7-8750H, card đồ họa GTX 1060 6GB, 1 số khác biệt như là trong máy có 8GB Ram được hàn trên mainboard, thêm 1 khe Ram để người dùng có thể nâng cấp lên tối đa 24GB, ổ SSD NVMe PCIe 512GB.

Thông tin cấu hình trong máy 

CPU và GPU

PCMark 10:

1 phần mềm đánh giá khả năng tổng thể của 1 chiếc máy laptop, từ chip, ram, ổ cứng, card đồ họa, khả năng làm việc, video, giải trí, hình ảnh, duyệt web, mở phần mềm, ứng dụng,.... 

 3DMark: 1 phần mềm đánh giá khả năng của card đồ họa trong máy, bao gồm khá nhiều bài test ở nhiều mức độ chuyên sâu, nặng nhẹ khác nhau

3DMark Time Spy

3DMark Time Spy Extreme

3DMark Fire Strike

3DMark Fire Strike Extreme

Cinebench R15

OpenGL tạm hiểu là tiêu chuẩn kỹ thuật đồ họa, CPU (con chip), Single Core (chạy đơn nhân), điểm số càng cao là càng mạnh càng tốt. Mình đã chạy test nhiều lần để có các kết quả so sánh.

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD NVMe 512GB

Unigine Benchmark: 1 phần mềm tương tự 3DMark, chủ yếu đánh giá sức mạnh của GPU trong máy

Unigine Superposition

UnigineValley

Ngoài ra Zephyrus S còn có tùy chọn card GTX 1070 8GB bản Max-Q, và Asus cũng giới thiệu 1 công cụ quản lý mới có tên gọi là ROG Armoury Crate, thay thế cho ROG Gaming Center, nhìn chung thì mình thấy giao diện mới nhìn hiện đại, trực quan, các tính năng được phân chia rõ ràng để người dùng có thể tìm hiểu và thiết lập.

Chơi game

Với cấu hình tốt như trên, cộng với màn hình viền mỏng, 144Hz và 3ms, nên việc chơi các tựa game hiện nay không là vấn đề với Zephyrus S. Với các tựa game bắn súng như CS:GO hay PUBG thì các bạn thoải mái mà chiến thôi, không phải suy nghĩ gì cả.

Game CS:GO (Counter Strike:Global Offensive) 

Game PUBG (PlayerUnknown's Battlegrounds)

Khi chuyển qua chơi các tựa game hardcore như Far Cry 5 hoặc Rise of Tomb Raider, các bạn có thể chơi được ở mức thiết lập cao nhất, với FPS khoảng 50 (Ultra của Far Cry 5, và Very High của Tomb Raider), tuy nhiên để trải nghiệm game mượt mà thì chỉ nên để mức High, khi đó FPS sẽ giữ ổn định ở mức 65-80, thậm chí là 90 FPS với Rise of Tomb Raider.

Game Rise of Tomb Raider, thiết lập High

Game Far Cry 5

Thậm chí là mình cũng thử chơi tựa game mới được ra mắt chưa lâu năm 2018, là Shadow of Tomb Raider, ở mức High thì FPS ghi nhận được cũng không đến nỗi nào: 35-45, các bạn có thể giảm bớt 1 số thiết lập hiệu ứng, thì chơi để cảm nhận cốt truyện khá tốt đấy !

Asus ROG Zephyrus S

Tản nhiệt

Zephyrus S sử dụng chung hệ thống tản nhiệt với Zephyrus M, có tên gọi là AAS (Aerodynamic System), bao gồm 2 quạt tản và 5 ống đồng dẫn nhiệt. 2 quạt tản có kích thước lớn, giúp cải thiện không khí bên trong: luồng khí làm mát đi vào nhiều hơn cũng như luồng khí nóng được đẩy ra ngoài nhanh hơn. Công suất quạt lớn 12V, cao hơn so với chuẩn thông thường là 5V nên giúp làm mát nhanh hơn.

Hình dạng của quạt cũng được điều chỉnh để giảm tiếng ồn, đi kèm 3 chế độ: Yên tĩnh (Silent), Cân bằng (Balance) và Tối ưu (Turbo), để người dùng điều chỉnh tùy theo nhu cầu sử dụng và công việc khác nhau. Hệ thống quạt vẫn đi kèm với thiết kế chống bụi, tận dụng lực ly tâm để đẩy bụi ra khỏi các đường ống, đảm bảo sự sạch sẽ của hệ thống tản nhiệt bên trong, và trên hết, giúp tăng cường độ bền..

Như đã nói ở phần đầu bài, thì khi các bạn mở nắp máy, khu vực mặt đáy của máy sẽ được nâng lên tạo khe hở, giúp tăng thêm không gian lưu thông khí, lấy thêm gió vào nhiều hơn để hỗ trợ cho hệ thống tản nhiệt. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt, đặc điểm nhận dạng của dòng laptop gaming Zephyrus so với các sản phẩm khác trên thị trường hiện nay.

Theo quảng cáo của nhà sản xuất thì hệ thống tản nhiệt sẽ tăng thêm luồng không khí bằng này %, giảm bằng kia % lượng nhiệt,…tuy nhiên thực tế trải nghiệm qua chơi game trong thời gian dài và các bài stress test thì sẽ thế nào ?

Khi chơi game

Stress test hệ thống qua Aida64

Sau 10 phút

Sau 20 phút

Stress test qua FurMark sau 30 phút

 Pin

 Với viên pin 55Whr thì rõ ràng thời lượng pin không phải điểm mạnh của Zephyrus S nói riêng, cũng như trên các dòng laptop gaming nói chung. Quá trình trải nghiệm thực tế thì thời lượng pin (4 cell, 50Wh) khi làm các tác vụ nhẹ như làm việc văn phòng, nghe nhạc xem phim, lướt web, chơi game nhẹ…là khoảng 2 tiếng 30 phút cho tới gần 4 tiếng, còn chơi các tựa game nặng thì khoảng trên dưới 1 tiếng.

Asus ROG Zephyrus S

Như vậy nếu mang máy ra ngoài một buổi để làm việc thì các bạn có thể không cần mang theo sạc / hoặc trường hợp quên sạc các bạn có thể dùng chức năng Power Delivery để sạc cho Zephyrus S bằng sạc dự phòng, hoặc bộ sạc cáp USB type C để kéo thời gian sử dụng máy thêm đôi chút. Nhưng khi chơi game, thì mình khuyên các bạn vẫn cần phải mang theo sạc, và cục sạc này cũng không phải nhẹ nhàng gì cho lắm.

Kết luận

Nhìn chung là thiết kế, chất lượng hoàn thiện, cấu hình, hiệu năng, khả năng xử lý công việc và chơi game, tản nhiệt,..trên Asus ROG Zephyrus S (GX531GM) mình đánh giá tốt, các yếu tố bổ trợ lẫn nhau, mang lại trải nghiệm tốt cho game thủ. Tuy nhiên mình cảm thấy Asus có vẻ đang tự làm khó mình và khó cả người dùng, khi thật sự mà nói Zephyrus S gần như tương đương không khác biệt nhiều với Zephyrus M hay Strix Scar II GL504, và lại có mức giá cao hơn. Điều này khiến người dùng sẽ phải băn khoăn, suy xét, tham khảo, cân nhắc kỹ càng hơn, thật là khó nghĩ !!

Theo cảm nhận của mình thì Zephyrus S sẽ phù hợp nếu các bạn cần 1 mẫu laptop chơi game, có ngoại hình mỏng đẹp, tản nhiệt tốt, thu hút nhiều ánh nhìn khi mang ra ngoài sử dụng, vừa có thể mang đi làm việc vì không bị quá lố ! Ngược lại, nếu các bạn không quan trọng hình thức, mà ưu tiên khả năng xử lý, cũng như cần thời lượng pin tốt hơn, thì Zephyrus S sẽ khó là lựa chọn đầu tiên, vì dù sao sức mạnh của nó vẫn bị hạn chế do độ mỏng của máy.

Còn các bạn nghĩ sao về sản phẩm này ? Hãy cho Techzones biết ý kiến nhé ! Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.

Techzones / HảiArt666