Bad sector là gì và nếu bị thì làm gì để khắc phục

Khi sử dụng máy tính, chắc hẳn anh em đã nghe về ổ cứng bị bad sector một vài lần rồi đúng không nào. Trong bài viết này, mình sẽ giải thích về lỗi bad sector và liệu chúng ta có thể sửa lỗi này được không.

Bad sector là gì?

 Về cơ bản, anh em cần biết rằng ổ cứng được chia thành nhiều đơn vị lưu trữ nhỏ gồm sector, cluster, track và cylinder. Trong đó, sector là đơn vị nhỏ nhất và có thể chứa 512 byte dữ liệu. Nếu ổ cứng bị lỗi bad sector có nghĩa là máy tính không thể đọc hoặc ghi dữ liệu trong một hoặc nhiều sector nữa. Lỗi bad sector có thể xảy ra trên ổ HDD và cả SSD nhé.


Bên cạnh đó, bad sector được chia ra làm hai loại lỗi, một là lỗi về phần cứng và loại còn lại là lỗi về phần mềm. Lỗi bad sector về phần cứng xảy ra khi HDD hoặc SSD bị hư hỏng linh kiện bên trong và nếu bị lỗi bad sector phần cứng thì xác định là không thể sửa được anh em ạ. 

Còn nếu bị lỗi về phần mềm thì sector đó chưa chết hẳn mà hoạt động không được bình thường. Để sửa bad sector phần mềm thì anh em có thể ghi đè dữ liệu trong sector thành số 0 hoặc dùng công cụ Disk Check của Windows, mình sẽ để phần hướng dẫn kiểm tra và sửa lỗi phần cuối bài nhé.

Nguyên nhân gây ra bad sector

 Trên thực tế, không có bất cứ thứ gì hoàn hảo nên vẫn có khả năng ổ cứng bị bad sector từ trong nhà máy hoặc xuất hiện trong quá trình sử dụng. 

Nếu ổ SSD bị bad sector về phần cứng thì đa phần là do hao mòn trong quá trình sử dụng. Thông thường, các loại SSD ngày nay đều có dung lượng “overprovisioning”. Đây là một phần dung lượng của SSD bị nhà sản xuất ẩn đi không cho chúng ta dùng, đề phòng trường hợp một vài chip nhớ nào đó bị hỏng trong quá trình sử dụng. Nếu SSD hư hỏng đến nỗi dùng hết phần dung lượng dự phòng này thì lúc đó sẽ xuất hiện bad sector. Tuy nhiên, anh em cũng đừng quá lo lắng vì SSD rất bền, dùng 10 năm chưa chắc đã hư đâu.


Nếu ổ HDD bị bad sector về phần cứng thì có thể là do máy của anh em bị va đập trong quá trình sử dụng hoặc lỗi trong khi sản xuất vận chuyển khiến đầu kim đọc dữ liệu chạm vào bề mặt đĩa từ. Ngoài ra, cũng có khả năng là do hao mòn trong quá trình sử dụng, bị lọt không khí, bụi bẩn từ bên ngoài vào nữa. Nói chung là có khá nhiều nguyên nhân làm ổ HDD dính lỗi bad sector về phần cứng.



Còn nếu bị lỗi phần mềm là do lúc Windows không thể đọc hoặc ghi dữ liệu trong sector đó và chỉ nhận về một mã lỗi. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do PC bị ngắt điện trong lúc ghi dữ liệu vào ổ cứng, dữ liệu trong sector đó bị sai lệch hoặc máy tính dính virus, malware thì cũng có thể tạo ra lỗi về phần mềm.

Ổ cứng bị bad sector sẽ bị gì?

 Nếu ổ cứng bị bad sector thì khả năng cao là các sector cũng bị “lây bệnh” và dữ liệu trong máy bị hư hỏng theo. Khi máy phát hiện ra một bad sector thì nó sẽ đánh dấu lại khu vực đó và sau này sẽ không ghi dữ liệu đến sector đó nữa. Trong tương lai, nếu ổ cứng gặp lại sector bị bad thì nó sẽ không ghi dữ liệu vào đó mà sẽ chuyển dữ liệu mới vào một bộ nhớ “dự phòng” có tên Reallocated Sectors. Còn những dữ liệu cũ nằm trong bad sector từ trước thì sẽ bị lỗi hoặc xui hơn là mất sạch anh em ạ.


Các kiểm tra và sửa lỗi bad sector


Như mình đã trình bày ở trên, nếu anh em bị bad sector là do lỗi phần cứng thì không có cách nào cứu chữa được và các tốt nhất là thay ổ cứng mới. Còn nếu may mắn, bị lỗi do phần mềm thì có thể sử dụng công cụ Disk Check được tích hợp sẵn trong Windows để kiểm tra và sửa chữa.



Nói chung thì ổ cứng nào rồi cũng sẽ bị bad sector, giống như con người bị bệnh vậy nên anh em hãy bình tĩnh mà xử lý. Và nếu lo ngại vấn đề mất mát dữ liệu thì anh em nên tập thói quen sao lưu dữ liệu quan trọng sang một ổ cứng dự phòng khác là cách đối phó hiệu quả nhất.