Đánh giá bàn phím cơ Vortex Pok3r RGB - Gần đạt mức hoàn hảo

Vortex là 1 hãng sản xuất gaming gear của Đài Loan, thương hiệu này được nhiều người dùng Việt Nam biết đến nhiều nhất qua các sản phẩm bàn phím cơ mini (có kích thước nhỏ, bằng 60% so với các bàn phím fullsize thông thường), mà nổi tiếng nhất có lẽ là dòng Poker.

Nói không quá lời là bất cứ bạn nào yêu thích bàn phím cơ mini đều đã nghe qua / đọc báo qua / sờ mó đụng chạm qua, hoặc thậm chí là đã sở hữu qua ít nhất 1 sản phẩm của dòng Poker này. Bản thân mình khi viết bài đánh giá này, cũng đang sử dụng mẫu Vortex Poker 3 (thường được viết là Pok3r) phiên bản có Led RGB. Và đó cũng là nhân vật chính trong bài viết này: Vortex Pok3r RGB.

Phiên bản RGB này một sản phẩm tiếp nối mẫu Poker 3 đã ngưng sản xuất sau một thời gian, nó đã tạo nên cơn sốt cho người hâm mộ và luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. Được chính thức có mặt tại Việt Nam vào khoảng tháng 6 năm nay, hãy tiếp tục xem nó có điểm gì đặc biệt và nổi trội so với các đối thủ cạnh tranh nhé !

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Mở hộp sản phẩm 

Về mặt hình thức đóng hộp bên ngoài, Vortex Pok3r RGB vẫn thế, vẫn “y như cũ” 1 phong cách đơn giản như đang giỡn với 1 sản phẩm cao cấp. 1 hộp màu đen đơn giản và nhỏ gọn, mặt trên có tên sản phẩm Pok3r được làm lạ mắt hơn chút với chữ e viết ngược (số 3) có nhiều màu sắc làm điểm nhấn, với ý nhấn mạnh đây là phiên bản nâng cấp có Led RGB. Trong hộp bên cạnh bàn phím, chúng ta có 1 sợi dây cáp với 1 đầu USB 2.0, và 1 đầu Mini USB để cắm vào bàn phím, cả 2 đầu đều được mạ vàng để chống nhiễu, tăng khả năng truyền dẫn.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Hiện tại thì đã có khá nhiều mẫu bàn phím cơ cao cấp hoặc phổ thông hơn đã chuyển sang dùng cáp Micro USO nhỏ hơn, hoặc thậm chí là USB Type C tiên tiến hơn (ví dụ như Vortex Cypher). Theo đánh giá cá nhân của mình thì chi tiết này không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm bàn phím cho lắm, thứ 2 nữa là cáp Mini USB có độ bền khá cao, và dễ thay thế.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Ngoài ra thì trong hộp không còn gì thêm: không sách hướng dẫn, không tặng kèm gì cả. Có thể thấy phần nào tôn chỉ của Vortex trên các mẫu bàn phím cơ là trải nghiệm sử dụng nhiều hơn là về mặt hình thức bên ngoài (vỏ hộp)

Quay lại với nhân vật chính của chúng ta: Vortex Pok3r RGB, nhìn qua hình ảnh, các bạn có thể thấy sản phẩm mang 1 thiết kế mini 60% rõ nét, tiêu chuẩn với 61 phím sử dụng layout (cách bố trí phím) ANSI (đặc điểm dễ nhận biết là phím Enter ở giữa thường dài và thon), layout này vốn rất quen thuộc tại Việt Nam, dễ sử dụng và cũng dễ thay keycap theo sở thích nữa (phím spacebar 6.25x phù hợp với tất cả các loại keycap thay thế).

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Trên phiên bản này Vortex gần như giữ nguyên 99,99% thiết kế của mẫu Pok3r trước, tuy nhiên phiên bản RGB chỉ có màu đen, chứ không có phiên bản vỏ trắng, keycap trắng như phiên bản tiền nhiệm.

Bù lại thì đặc trưng của Pok3r RGB đó chính là hệ thống Led RGB 16,8 triệu màu, xu hướng màu sắc đang “làm mưa làm gió” trên thị trường gaming gear trong 2 năm trở lại đây. Và với kích thước 60% thì nó rất là nhỏ nhắn, xinh xắn, điều này giúp cho người dùng có thể biến khu vực làm việc, không gian giải trí của mình trở nên đẹp mắt, và gọn gàng hơn.

Một số cảm nhận bên ngoài

Lớp vỏ vẫn làm bằng kim loại nhôm khối CNC như Poker 3, độ bền và sự chắc chắn, cứng cáp là điều không cần phải nói rồi ! Tuy vậy mình thấy độ dày của lớp vỏ không nhiều nên trọng lượng của Pok3r RGB ở mức tương đối khoảng 0,76kg. Lớp vỏ phím tiếp tục được làm thấp, để lộ chân switch giúp Led phát sáng tốt hơn, và cũng dễ vệ sinh. Chi tiết lớp vỏ phím làm thấp có thể 1 số bạn sẽ không thích, vì cảm giác sản phẩm không được liền lạc. Vỏ kim loại được sơn màu đen nhám, cảm giác cầm trên tay khá đầm và chắc chắn, hơi bám mồ hôi và vân tay đôi chút.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Pok3r RGB có độ dốc vừa phải, hợp lý, keycap sử dụng profile OEM phổ biến (Original Equipment Manufacturer), tương tự như đa số các mẫu bàn phím cơ trên thị trường  (Filco, iKBC, Ducky,..)

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Quan sát kỹ hơn chút, chúng ta có thể thấy thêm một yếu tố quan trọng nữa mang lại chất lượng cho Vortex Pok3r RGB là plate cũng là kim loại (bằng thép) rất chắc chắn, được sơn trắng phản quang tốt, với mục đích tăng cường và làm nổi bật các hiệu ứng đèn Led. Đây cũng là điểm khác biệt nữa với phiên bản cũ có tấm plate sơn đen.

Thiết kế chung của lớp vỏ kim loại trên Pok3r RGB là kim loại liền khối, dạng phẳng, mặt đáy không chân nâng, nên các bạn không thể tăng giảm độ cao, độ nghiêng của bàn phím. Chỉ có 4 miếng cao su ở 4 góc giúp hạn chế tối đa tình trạng trơn trượt, mình không có thời gian kiểm chứng độ bền của 4 chân cao su này, nhưng mình thấy độ dày của cao su khá lớn nên các bạn có thể yên tâm sử dụng.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Không có nhiều chi tiết ở mặt đáy, ngoài 4 chân cao su thì có 1 miếng kim loại sáng màu, khắc thông tin về sản phẩm, ngoài ra là bộ gạt DIP switch (thường có tác dụng chuyển đổi qua lại giữa các layout gõ phím ở nhiều thị trường các nước khác nhau: Qwerty, Dvorak, và Colemak, tạo cụm phím điều hướng Shilf / Fn/ Pn / Ctrl, đổi vị trí Win và Alt, làm phím Caps Lock hoạt động như phím Fn,…). Chức năng này mình đánh giá là vô dụng tại Việt Nam, chỉ phù hợp với các nước châu Âu sử dụng ngôn ngữ khác.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Hướng dẫn sử dụng DIP Switch 

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Đi sâu vào chi tiết

Keycap trên Pok3r RGB sử dụng là ABS Double shot, chứ không phải PBT, đây là 1 sự thay đổi có thể làm không ít fan từng hâm mộ Pok3r phiên bản cũ với keycap PBT cảm thấy hụt hẫng lẫn thất vọng. Vì PBT cho cảm giác gõ đầm, ít bám mồ hôi, dấu vân tay, nên không bị bóng sau một thời gian sử dụng. Tuy vậy trải nghiệm thực tế trên phiên bản RGB này thì sao: keycap vẫn cho mình cảm giác cao cấp, chắc chắn, khi gõ nghe tiếng khá trong, vui tai, chứ không đục như PBT, phím gõ ôm cong nhẹ, cho độ đàn hồi tốt, và quan trọng nhất là độ bền của keycap ABS cũng khá cao.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Công nghệ double shot (in 2 lớp: phần chữ được in riêng, và phần keycap được in riêng) cho phép keycap có thể xuyên Led qua chữ, giúp sử dụng tốt hơn ở môi trường ít ánh sáng, trong đêm tối với những người mắt kém, hoặc chưa quen với vị trí các phím.

Theo cảm nhận cá nhân của mình thì font chữ trên Pok3r RGB này không đẹp, nhưng cũng không xấu, nhưng mình không thích lắm vì nhìn có cảm giác khá là tàu khựa, và chất lượng in cảm giác nó cũ cũ. Và nếu để ý các bạn sẽ thấy font chữ này khá giống font chữ trên các mẫu bàn phím Ducky One RGB hay iKBC F87 RGB, có vẻ font chữ này là gu chung, sở thích chung, hay sao đó của các hãng sản xuất đến từ Đài Loan chăng ?

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Switch sử dụng cho Vortex Pok3r RGB vẫn là Cherry MX RGB với chất lượng tốt nhất, cao cấp nhất hiện nay, ngoài mang lại cảm giác gõ “sướng”, độ bền cực cao, thì với phần nắp trong suốt, cho phép ánh sáng đèn Led tỏa ra tốt hơn, đều hơn xung quanh, đây tiếp tục là 1 sự nâng cấp của phiên bản RGB với Pok3r trước đây, switch Cherry thường. Trên sản phẩm này, khi tới cửa hàng Techzones, các bạn sẽ có 3 tùy chọn Switch là Red, Blue và Brown (phiên bản mình dùng để đánh giá sử dụng swtich Brown).

Có 1 điểm mà 1 số fan hâm mộ thắc mắc cũng như yêu cầu hãng Vortex sửa lại, đó là switch vẫn được (hay cố tình làm ?!) hàn ngược (chữ Cherry trong nắp switch bị ngược), tuy nhiên qua 2-3 phiên bản rồi nhưng vì 1 lý do gì đó khó hiểu mà Vortex vẫn chưa thực hiện việc này.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Với các phím dài như Space bar, Backspace thì sử dụng Stabilizer cũng của Cherry, là Cherry Plate mounted, được làm kích thước nhỏ đi kha khá, hạn chế tối đa ma sát, cho chất lượng cũng rất tốt, cảm giác gõ cân bằng, không bị lạch cạch lọc cọc, không cần lube mỡ vì stab gây nặng cho các phím dài.

Nói chung hàng của Cherry có thể nói là vô địch về cảm giác sử dụng và độ bền, chưa có đối thủ tại thời điểm hiện tại.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Vài hướng dẫn sử dụng

Do đây là bàn phím mini, thiếu khá nhiều phím, nên các bạn cần thay thế những phím còn thiếu bằng  cách kết hợp phím Fn, điều nay tương đối khó làm quen với những bạn mới sử dụng, nhưng chúng ta có thể nhìn vào những ký tự in trên cạnh nút để biết được vị trí các nút trong Fn layer.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Ví dụ như Fn + phím I J K và L để thay phím 4 phím điều hướng, đây cũng là điểm làm mình khá khó hiểu khi Vortex không sử dụng 4 phím WASD quen thuộc, kế đó là Pok3r RGB cũng có cụm Multimedia nhưng không hiểu sao lại không được in lên cạnh nút.

Điểm khác biệt nữa so với các bàn phím mini của các hãng khác, là Pok3r RGB sử dụng 2 layer phím ẩn: ngoài Fn ra còn có Pn, trong hướng dẫn là Pn nhưng trên bàn phím lại in thành chữ Menu nằm cạnh phím Fn, tại sao tại sao ??

Tuy nhiên đó chính là những điểm hay và thú vị của các loại bàn phím cơ 60% nói chung, và Vortex Pok3r RGB nói riêng. Với 4 layer, trong đó có 3 layer có thể tùy chỉnh program phím được, các bạn có thể tha hồ tùy chỉnh layout bàn phím với các nhu cầu sử dụng khác nhau, từ viết Code, các công việc văn phòng, cho tới chơi game giải trí.

Cách tạo layer program cho các phím 

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Cách chuyển đổi qua lại và nhận biết đang sử dụng layer nào

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Vortex Pok3r RGB được trang bị Led RGB 16.8 triệu màu, màu sắc ánh sáng rất đều và mượt mắt, các chế độ tùy chỉnh led cũng tương đối nhiều cho những bạn thích sự rực rỡ, màu mè.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Chúng ta sẽ không có phần mềm điểu khiển Led đi kèm, tất cả các hiệu ứng và thao tác về Led được tích hợp ngay trên bàn phím, dưới đây là hướng dẫn từ Vortex, khá phức tạp so với đa số các mẫu bàn phím khác trên thị trường.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Tất cả các thiết lập về Led sẽ nằm trong layer PN này, lưu ý PN trên hướng dẫn chính là phím "Menu" trên bàn phím.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Trải nghiệm sử dụng cá nhân

Qua những gì mình đã giới thiệu và đánh giá về độ hoàn thiện, thiết kế,..chắc hẳn phần nào các bạn có thể cảm nhận được cảm giác gõ phím mà Vortex Pok3r RGB mang lại. Trong quá trình mình gõ bài viết này, và qua 1 số bài kiểm tra gõ phím nhanh, thì bàn phím mang lại cảm giác tốt trên từng phím bấm, gõ phím nhẹ, êm, có cảm giác như lướt trên mặt phím, stab cân và trơn hơn, mình hầu như mất rất ít thời gian để làm quen với Pok3r RGB.    

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Kết luận

Thật sự mà nói, bàn phím cơ 60% không phải dành cho tất cả người dùng, không có nhiều thương hiệu sản xuất các mẫu bàn phím 60% do 1 số khuyết điểm, nhược điểm thường thấy: mất 1 khoảng thời gian làm quen, rồi thời gian thiết lập tùy chỉnh các phím bấm cho phù hợp nhu cầu, tích hợp nhiều chức năng trong 1 bàn phím nhỏ gọn nên giá thành cũng tăng,…Nên hãy cân nhắc kỹ nhu cầu và khả năng bản thân, nếu lựa chọn các mẫu bàn phím mini như Vortex Pok3r RGB.

bàn phím Vortex Pok3r RGB

Bên cạnh đó thì với độ hoàn thiện tốt, vỏ kim loại chắc chắn, cứng cáp, switch chất lượng cao, trải nghiệm gõ phím tốt, đèn nền Led cực kỳ bắt mắt, chơi keycap được, tiết kiệm không gian bố trí,..có thể nói là các yếu tố gần như hoàn hảo. Thì Vortex Pok3r RGB là 1 trong những sự lựa chọn hàng đầu cho bàn phím cơ 60%. Ngoài ra các bạn còn có thể lựa chọn phiên bản giới hạn cao cấp hơn có tên là Pok3r Limited Edition, với vỏ nhôm nguyên khối, che toàn bộ chân switch, keycap PBT double shot,..1 siêu phẩm có thể so sánh chất lượng với các mẫu bàn phím custom.

Ưu điểm:

  • Chất lượng build nguyên khối cứng cáp với vỏ nhôm đúc, chắc chắn.
  • Dây cáp Mini USB có thể tháo rời, thay thế dễ dàng
  • Sử dụng Cherry MX RGB chất lượng rất cao, dễ vệ sinh
  • Led RGB 16,8 triệu màu, tùy chỉnh theo ý thích.
  • Không cần phần mềm cài đặt thêm
  • Có thể lập trình Program 3 layer
  • Phím ôm cong nhẹ, gõ phím nhanh, khá êm tai

Nhược điểm:

  • Keycap sử dụng ABS chất lượng tốt, nhưng có 1 bộ phận người dùng thích PBT hơn
  • Switch lộ chân nên dễ bám bụi
  • Không phụ kiện đi kèm
  • Hướng dẫn sử dụng phím chức năng, tùy chỉnh Led, thiết lập,..hơi rối rắm với người mới
  • Mức giá là 1 rào cản

Hiện bàn phím cơ Vortex Pok3r RGB đang được bán tại Techzones với 3 phiên bản Switch (Red, Blue và Brown). Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài đánh giá này. 

Techzones / HảiArt666