Chipset là gì? Điểm giống và khác nhau giữa AMD và Intel

Bạn đã từng nghe đến B350, B360, Z370, Z390, X370 và Z490 …v...v... Nhưng thực chất thì những chỉ số này là gì? Mang ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng Techzones tìm hiểu bài viết sau để hiểu rõ hơn nhé!
Định nghĩa Chipset là gì?
Bạn có thể hiểu, chipset chính là một hệ thống của những con chip, vi mạch trên bo mạch chủ. Chúng làm việc với nhau một cách nhất quán, quyết định những tính năng cơ bản nhất của bo mạch chủ. Nếu CPU là bộ não thì Chipset cũng giống như tủy sống vậy. Intel gọi chipset của mình là PCH – Platform Controller Hub (tạm dịch là “bộ điều khiển nền tảng”). Còn AMD thì chỉ đơn giản gọi là chipset mà thôi. Chipset đóng vai trò kết nối các phần của hệ thống PC lại với nhau cũng như với các kết nối bên ngoài. Đồng thời nó cũng quyết định luôn giới hạn về tính năng của mainboard mang nó, ví dụ B360 thì không thể ép xung như Z390.

Cầu Bắc, Cầu Nam và chipset hợp nhất
Ngày xưa thì người ta phân bổ hệ thống chipset thành 2 cụm chủ yếu là chip cầu Nam và chip cầu Bắc nhưng hiện nay cả Intel và AMD đều đã hợp nhất cầu Nam và cầu Bắc lại thành một cụm duy nhất. Mọi thiết bị trong hệ thống đều sẽ được kết nối với nhau thông qua chipset hợp nhất bao gồm PCIe, SATA, IDE, USB, chip firmware, PCI và âm thanh. Riêng RAM và GPU do cần băng thông lớn và tốc độ cao nên sẽ làm việc trực tiếp với CPU luôn chứ không cần thông qua chipset nữa.

Điểm giống và khác nhau của Chipset Intel và AMD
Đầu tiên chúng ta hãy nói về Intel trước, sau đây là sơ đồ khối của chipset Z390 Intel.

Một chipset hiện đại sẽ có sơ đồ khối tương tự như sơ đồ Z390 trên đây. Và Intel sẽ kết nối chipset của hãng mình với CPU bằng cách thông qua một kết nối sử dụng 4 làn PCIe. Hay còn được gọi là DMI – Direct Media Interface. Ngoài những làm PCIe dùng cho kết nối DMI thì CPU cũng có các làn PCIe của riêng mình để kết nối với GPU cũng như các thiết bị cắm vào khe PCIe. Các kênh RAM cũng được kết nối trực tiếp với CPU. Các CPU hiện đại đều sử dụng IMC (bộ điều khiển bộ nhớ tích hợp) để trực tiếp kiểm soát RAM. Chipset của Intel sẽ kiểm soát những thứ còn lại như các làn PCIe, SATA, USB, chip mạng đều được kiểm soát bởi chipset. Chính vì chipset Intel kiểm soát nhiều thứ nên thường sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa các dòng chipset Giờ là đến phần chipset của AMD. Ở đây chúng ta có sơ đồ khối chung của chipset X570 để các bạn có thể tiện so sánh với Z390. Về cơ bản thì chức năng của chúng tương tự như nhau mặc dù cách thức thực hiện có thể khác một chút.

CPU vẫn có các làn PCIe riêng để để có thể làm việc trực tiếp với GPU giống như cấu hình của Intel nhưng nhiều hơn một chút. Ngoài khe PCIe dành cho GPU và các kênh RAM ra thì CPU AMD còn kiểm soát luôn cả các làn PCIe dành cho thiết bị ngoại vi và kết nối USB nữa. Chính vì CPU của AMD quản lý nhiều thứ hơn nên chipset cũng đóng vai trò ít quan trọng hơn so với nền tảng của Intel. Từ đó mà các chipset của AMD cũng không có sự khác biệt lớn về mặt tính năng như chipset Intel. Một trong những nguyên nhân chính cho việc này là do bản thân AMD không tự phát triển chipset cho các CPU Ryzen của mình mà hợp tác cùng ASMedia – một công ty thuộc quyền sở hữu của Asus, và để tránh sự phụ thuộc vào đối tác thì AMD cần đặt nhiều sự kiểm soát vào CPU hơn. Cũng có một ngoại lệ là chipset X570 do AMD tự tay phát triển dựa trên X370 và X470. Thêm một điểm khác biệt giữa chipset của AMD và Intel mà người dùng dùng phổ thông cần quan tâm chính là là khả năng ép xung. Trong khi tất cả chipset đi chung với CPU Ryzen hiện tại đều hỗ trợ ép xung thì Intel chỉ giới hạn nó trên các chipset cao cấp dòng Z và dòng X mà thôi.

Các dòng chipset
Intel sở hữu một số những dòng chipset trên PC phổ biến như H, B, Z, X.
H Là dòng main giá rẻ, bị hạn chế một số tính năng để ưu tiên về mức giá.
B Là main tầm trung và được tích hợp tương đối đầy đủ tính năng và công nghệ của các nhà sản xuất.
Z Là dòng main cao cấp, có hiệu năng mạnh mẽ, có hỗ trợ ép xung và thường được dùng chung với những CPU cao cấp có khả năng ép xung.
X Là dòng main đặc biệt, thường có chuẩn socket khác hẳn với những dòng còn lại trong cùng một thế hệ. Dòng X có thể xem là mạnh nhất trong các dòng mainboard và thường đi chung với những CPU rất mạnh.
Trong khi đó, AMD lại chia tên chipset thành 3 dòng A, B và X
A Là dòng main giá rẻ, đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của người dùng AMD.
B Là dòng main bình dân, thường được hỗ trợ các công nghệ mới ở mức tương đối, có hỗ trợ ép xung.
X thì chia làm 2 dạng, những chipset như X370/470/570 là bo mạch chủ cao cấp hướng đến đối tượng người dùng phổ thông. X399 là dành cho nền tảng HEDT, có chuẩn socket riêng, được thiết kế để đi chung với những con CPU cực mạnh mà người thường sẽ chẳng bao giờ cần đến.

Bạn có thể tham khảo bài viết:

>>> Wi-Fi so với Ethernet: Kết nối nào tốt hơn?

>>> 12 sự thật game thủ cần phải biết về SSD và HDD

>>> Thẻ lưu trữ SSD của Xbox Series X có thêm 1TB dung lượng

Nguồn: GamersNexus
Velvet Phan