Đánh giá Acer Aspire 5 A515 2020 – VỪA ĐỦ !

Lựa chọn 1 mẫu laptop trong phân khúc phổ thông, có mức giá hợp lý, đáp ứng ở mức độ vừa phải các nhu cầu sử dụng khác nhau: làm việc, giải trí,..không phải là 1 việc dễ dàng với những bạn học sinh sinh viên chưa có nhiều điều kiện, các bạn mới đi làm chưa dư dả về tiền bạc.

Trong bài viết này, Techzones sẽ mang tới cho các bạn gợi ý về 1 mẫu laptop như thế tới từ Acer – 1 thương hiệu laptop quen thuộc.

Kèm theo đó là những chia sẻ về trải nghiệm, cũng như những đánh giá cá nhân để các bạn có thể tham khảo trước khi quyết định. Và “nhân vật chính” mà mình muốn nhắc tới đó là mẫu laptop Acer Aspire 5 A515 (mã A515-54G-56JG phiên bản 2020).

Cấu hình cập nhật và nâng cấp

  • Acer Aspire 5 A515 phiên bản 2020 đang được phân phối tại thị trường Việt Nam với khá nhiều mức giá và tùy chọn cấu hình để người dùng lựa chọn: từ màn hình 14 inch tới 15.6 inch, từ chip core i3 tới i5 thế hệ thứ 10 mới nhất (Comet Lake và Ice Lake), card đồ họa tích hợp và card rời, dung lượng ổ SSD,…
  • Và phiên bản mình đang sử dụng để đánh giá hiện có mức giá cao nhất (gần 19 triệu đồng), máy được trang bị cấu hình: chip intel core i5-10210U, thuộc dòng gen 10 Comet Lake, cho hiệu năng xử lý khá tốt, lại tiết kiệm điện năng với 4 nhân 8 luồng, 6MB Cache, mức xung nhịp cơ bản là 1.6 GHz, cho khả năng boost lên 4.2GHz.
  • Đi cùng với đó là 8GB Ram (4GB Ram hàn trên main, 4GB Ram thanh rời) cho khả năng nâng cấp lên tối đa 20GB, ổ SSD NVMe 512GB, và đặc biệt là máy được trang bị thêm card rời đời mới từ đội xanh Nvidia là Geforce MX350 2GB GDDR5.

 

  • Trong 3 ngày sử dụng máy, thì các công việc văn phòng như soạn thảo văn bản trên Word, làm bảng thống kê bằng Excel,.. đều cho tốc độ xử lý nhanh chóng, không gặp vấn đề gì.
  • Tiếp theo thì mình có sử dụng qua 1 số phần mềm thiết kế 2D và 3D như là AutoCad 2017, hay Sketchup Pro 2018 thì các thao tác hoạt động diễn ra mượt mà, không bị "đứng" hay "đơ" máy.
  • Bên cạnh đó thì mình nhận thấy tốc độ khởi chạy ứng dụng chỉnh sửa ảnh quen thuộc là Photoshop cũng khá nhanh, chỉ tầm 20 giây (Photoshop Pro CC 2019).

Làm bảng tính Excel trên Acer Aspire 5 A515 2020

  • Ngoài ra không thể thiếu các bài test qua các phần mềm benchmark quen thuộc, từ đó giúp các bạn có thể hình dung phần nào khả năng của Acer Aspire 5 A515 2020: từ CPU, GPU, cho tới Ram, tốc độ ổ cứng, cũng như là so sánh 1 vài mẫu máy đời trước hoặc máy có cấu hình gần tương tự: Aspire 5 A515 2018 (i5-8265U, 4GB Ram, Intel UHD 620), Aspire 7 A715 2018 (i5-8300H, 8GB Ram, GTX 1050 4GB), và 1 máy có cấu hình (i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5).

PCMark 10: 3883

Aspire A515 2018 (i5-8265U, 4GB Ram, Intel UHD 620): 3255

Aspire 7 A715 2018 (i5-8300H, 8GB Ram, GTX 1050 4GB): 3726

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 4170

3DMark Sky Diver: 10942

Aspire A515 2018 (i5-8265U, 4GB Ram, Intel UHD 620): 3789

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 8088

3DMark Night Raid: 10511

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 9815

3DMark Fire Strike

V-Ray Benchmark: 3668 (V-Ray) – 33 (V-Ray GPU)

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 4057 (V-Ray) -  32 (V-Ray GPU)

Geekbench 5 (ver 5.1.1.): 1046 (Single Core) – 3390 (Multi Core) – 14868 (OpenCL)

i7-10510U, 16GB Ram, MX250 2GB GDDR5: 1154 (Single Core) – 2947 (Multi Core) – 12525 (OpenCL).

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD trong máy

Corona Benchmark (ver 1.3)

Cinebench R20

Chơi game cũng được đấy !  

Sự kết hợp của chip intel gen 10 mới và card rời MX350 làm mình khá bất ngờ khi thử chơi tựa game bắn súng CS:GO Counter-Strike: Global Offensive, máy đem lại mức FPS trung bình dao động khoảng 75 – 95, cũng tạm đấy chứ ! Tuy nhiên cũng chỉ nên chơi vui vẻ, giải trí với bạn bè mà thôi, chứ còn “try hard” thì bỏ qua nhé !!

Mình chơi thử tiếp qua Fifa Online 4, thì đây là tựa game thể thao không đòi hỏi cao về cấu hình, thế nên việc chơi game này trên Acer Aspire 5 A515 2020 cảm giác khá là mượt mà, các thao tác uyển chuyển, rất ít giật hay bị xé khung hình.

Các cổng kết nối đầy đủ

  • Là 1 laptop hướng tới đối tượng người dùng học sinh sinh viên, dân văn phòng,..thì trang bị đầy đủ các cổng kết nối phổ biến là 1 điểm cộng lớn của Acer Aspire 5 A515 2020.
  • Chúng ta vẫn sẽ có 2 USB type A 3.1, 1 USB type C, 1 cổng HDMI, 1 cổng tai nghe kèm mic 3.5, cổng mang Lan Ethernet, vẫn không có cổng Display Port,...tương tự như phiên bản Aspire 5 2018 mình từng đánh giá, dù độ dày của máy đã giảm đi đáng kể (17,95mm so với 22,5mm trước đây)
  • Sự thay đổi trên phiên bản mới này đó là giờ chúng ta sẽ có thêm 1 cổng USB 2.0, loại bỏ ổ đĩa quang, bỏ luôn cả đầu đọc thẻ SD (chi tiết này có thể sẽ có những ý kiến thắc mắc tại sao lại như thế ?!), 1 trong 2 cổng USB type A 3.1 cũng được nâng cấp thêm với công nghệ Power Delivery giúp sạc cho các thiết bị kết nối bên ngoài có hỗ trợ (điện thoại, máy tính bảng,..).

  • Ngoài ra các cổng kết nối bây giờ cũng được sắp xếp sang 2 cạnh của máy, chứ không còn ở mặt sau có 1 vài cổng kết nối như trước đây.
  • Rồi sự “ẩn mình” của khe thoát nhiệt ở mặt sau của máy cũng có thể coi là 1 thay đổi nữa trên phiên bản 2020 so với thế hệ cũ phiên bản 2018 (nghĩa là phần cạnh mặt sau vẫn có khe thoát nhiệt nhưng khó thấy hơn, và giờ còn được bổ sung thêm 1 khe mình nghĩ là để hút thêm gió).  
  • Theo chia sẻ của hãng Acer, thì trên Aspire 5 A515 2020 này cũng đã được trang bị công nghệ Bluetooth 5.0 và Wifi 6, đặc biệt là cổng mạng Lan (Ethernet) đảm bảo sự ổn định, có khả năng truyền tải nhanh dữ liệu dung lượng lớn, thường chỉ có trên những dòng máy mắc tiền hơn, nặng và dày. Qua đó hỗ trợ tốt hơn cho công việc, học tập, cũng như giải trí của người dùng.

Những điểm nhấn và thay đổi bên ngoài

  • Acer Aspire 5 nói chung vẫn giữ 1 phong cách thiết kế cổ điển, trang nhã, lịch sử xuyên suốt từ trước tới giờ, và qua từng phiên bản sẽ có những đổi mới, những điểm nhấn để thu hút thêm người dùng. Sau thời gian “sờ mó” máy thì mình đã nhận thấy 1 số thay đổi của phiên bản mới này so với phiên bản cũ 2018:
  • Đầu tiên phần nắp vỏ máy vẫn là 1 tấm kim loại nhôm, nhưng bề mặt không còn là dạng phây xước có phần “bóng bẩy”, mà được xử lý cho mịn hơn, màu sắc nhìn thanh lịch hơn, sờ vào cảm thấy hơi sần sần khá thích tay.
  • Độ hoàn thiện chung của phần nắp nhôm mình đánh giá cao, các cạnh được bo góc chỉn chu, liền lạc. Mặt trong máy (khung bàn phím) là nhựa, nhưng được sơn và xử lý bề mặt tạo cảm giác như là kim loại, hiện tượng flex khi thử tì đè mạnh lên phần khung này hay bàn phím là khá thấp, ở mức ổn chấp nhận được.

 

  • Điểm thứ 2 đó là phần bản lề đã quay về lại dạng bản lề đơn, chứ không còn là dạng bản lề đôi như bản 2018 nữa, thay đổi này tạo cho phần không gian giữa mặt B và mặt C của máy cảm giác liền mạch hơn, không còn khoảng hở.
  • Bản lề dạng này cũng tạo sự yên tâm hơn cho người sử dụng khi đóng mở nắp máy (thường phần bản lề là 1 trong những nỗi quan tâm và lo lắng của người dùng khi lựa chọn các dòng laptop giá rẻ, phổ thông).
  • Thực tế sau những ngày sử dụng thì mình thấy phần bản lề của máy khá cứng cáp, đóng mở nắp máy cảm giác chắc chắn, thêm 1 ưu điểm của phần bản lề trên Aspire 5 2020 đó là giúp phần nắp máy có thể mở ra 1 góc 180 độ, nếu mình nhớ không lầm thì ở thời điểm hiện tại có rất ít mẫu laptop trong tầm phân khúc phổ thông có thể mở nắp máy ra như thế.

 

 

  • Duy chỉ có nhược điểm nhỏ đã tồn tại từ thế hệ cũ là phần cạnh trước của máy không được khuyết lõm vào tạo gờ để việc đóng mở nắp máy dễ dàng hơn, thế nên chúng ta sẽ thấy hơi bất tiện đôi chút.
  • Không chỉ độ dày, mà trọng lượng của máy cũng đã được làm nhẹ hơn trước (mẫu 15.6 inch mình sử dụng nặng 1,5kg so với 2kg của phiên bản 2018), thế nên chị em phụ nữ có thể tham khảo lựa chọn mẫu Aspire 5 thế hệ mới này, bên cạnh dòng Swift mỏng nhẹ thời trang cũng của Acer. Việc mang máy di chuyển và bỏ vào balo xách đi giờ đã gọn gàng, nhẹ nhàng hơn. 

Mình khá dễ dàng cầm máy bằng 1 tay 

  • Về phần đáy máy thì mình thấy là 1 tấm nhựa cứng liền, 1 phần diện tích để làm các khe rãnh nhỏ và có thể nhìn xuyên qua thấy được quạt tản và ống đồng bên trong máy. Cá nhân mình thì thích kiểu thiết kế mặt đáy của các thế hệ trước hơn, khi phần đáy được chia làm các “khoang” từng khu vực riêng cho việc tháo lắp, thay thế, nâng cấp, vệ sinh linh kiện dễ dàng mà không cần tháo toàn bộ phần mặt đáy.

Bàn phím và touchpad xài ổn, không khác biệt nhiều so với thế hệ trước

  • Mở nắp máy lên thì bên trong của Aspire 5 A515 2020 được trang bị bàn phím full size với cụm phím theo layout quen thuộc của hãng Acer.
  • Với kiểu bố trí layout thế này, thì với các phím chính các bạn có thể nhanh làm quen, nhưng khi cần phải bấm những phím chức năng ví dụ như các phím multimedia (play, pause,..), Page Up, Page Down,.. thì chúng ta phải mò mẫm và ghi nhớ 1 chút.
  • Các phím chính thường sử dụng nhiều thì có kích thước khá lớn, bề mặt các phím được làm sần sần, chữ và ký tự được in rõ nét, đáng chú ý là đã có đèn nền màu trắng bên dưới bàn phím.
  • Nút nguồn tiếp tục nằm chung layout bàn phím, cảm giác bấm khá nhẹ nên có đôi lúc mình không rõ đã khởi động máy lên chưa !

  • Cảm giác gõ bình thường tương tự như trên phiên bản cũ 2018, không khác biệt nhiều: hành trình khoảng 1,5 mm nhưng độ nẩy không cao, cảm giác bấm mềm. Mình có thể làm quen nhanh và gõ nhanh, nhưng tình trạng xót phím đôi khi xảy ra do độ nẩy thấp, khiến mình dễ hụt tay do nhấn phím không hết hành trình.
  • Aspire 5 A515 2020 tiếp tục có 1 touchpad có kích thước lớn, bề mặt hơi rít tay 1 chút với các bạn dễ đổ mồ hôi tay ví dụ như mình. Mặc dù vậy thì các thao tác vuốt chạm lướt vẫn khá tốt, có độ chính xác cao, vẫn hỗ trợ đầy đủ các thao tác đa điểm. Nhìn chung xài touchpad không có chuột rời vẫn ổn, không trở ngại gì.

Màn hình 15.6inch, Full HD đã được trang bị tấm nền IPS

  • Nếu như trên phiên bản Aspire 5 2018 mình từng đánh giá, màn hình chỉ là tấm nền TN cho chất lượng hiển thị có phần nhợt nhạt, thiếu sức sống, bị biến đổi màu sắc khi nhìn góc nghiêng, thì giờ đây trên phiên bản năm 2020 này.
  • Màn hình đã được sử dụng tấm nền IPS cho góc nhìn rộng hơn, màu sắc ít biến đổi hơn, viền màn hình 2 cạnh bên đã mỏng hơn nữa kết hợp với phần bản lề cho góc mở màn hình lên tới 180 độ càng hỗ trợ tốt hơn cho các nhu cầu sử dụng khác nhau.

  • Mình không có dụng cụ đo màu ở đây, nhưng theo cảm quan cảm nhận thì độ phủ màu của màn hình mới này không cao hơn bao nhiêu so với phiên bản cũ (phiên bản 2018: 60% sRGB và 45% Adobe RGB).
  • Nên màn hình này chỉ ở mức đủ dùng: làm việc, xem phim, chơi game nhẹ, chứ khó mà sử dụng ở các mục đích cần độ chuẩn màu cao như thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh hay in ấn.
  • Bù lại thì mình thấy độ sáng của màn hình nhỉnh hơn trước, tông màu chung có phần sắc nét và rực rỡ hơn nhờ công nghệ Acer Color Intelligence.

  • Không thể thiếu là công nghệ ngăn ánh sáng xanh từ màn hình gây hại cho mắt, rất tốt cho các bạn làm việc hay học tập vào buổi tối hay trong điều kiện thiếu ánh sáng. Hạn chế nhỏ là màn hình chỉ phù hợp sử dụng trong nhà, trong phòng, chứ khó mà sử dụng ở ngoài trời nắng chói, kể cả trong bóng râm.

Hình chụp ngoài trời 

Loa tàm tạm, không đòi hỏi gì hơn

  • Trên Acer Aspire 5 A515 chúng ta có 2 loa đặt ở đáy máy, nằm gần sát cạnh trước của bên. Chất lượng âm thanh trung bình, mức âm lượng khoảng 80dB.
  • Bass yếu, khô, Mid rõ, dãy Treble cao, âm thanh dạng mở, thế nên nghe những bài nhạc dạng EDM hoặc Ascoustic là ok, còn nhạc Bolero, nhạc sến thì không hay.

Nhiệt độ được kiếm soát khá tốt

  • Với lý do là máy mới không tháo đáy máy ra được, nên mình không rõ hệ thống tản nhiệt của Acer Aspire 5 A515 2020 như thế nào, tuy nhiên qua quan sát các khe rãnh nhỏ bên dưới đáy máy thì có vẻ là phiên bản mới không có gì thay đổi so với thế hệ trước cả: vẫn là 1 quạt và 1 ống đồng.
  • Cảm quan chung trong 2 năm gần đây, mình nhận thấy các sản phẩm laptop Acer nói chung mà mình đã sử dụng và đánh giá qua, từ dòng phổ thông, văn phòng, cho tới laptop gaming, dòng cao cấp đều đã và đang có sự thay đổi và cải thiện rất tốt về mặt nhiệt độ máy.
  • Với Aspire 5 A515 2020 khi mình stress test qua Aida64 sau 15 phút, trong điều kiện phòng quạt bình thường, không kê thêm đế tản hay quạt hút, nhiệt độ của GPU mình ghi nhận được là 75 độ C, còn CPU chỉ quanh quẩn 78 - 81 độ C ở cả 4 nhân.

 

  • Sờ vào bề mặt của máy ví dụ như khoảng giữa khung bàn phím và bản lề chỉ thấy ấm nhẹ nhẹ, còn khu vực kê tay thì mát mẻ, không ảnh hưởng tới bàn tay sử dụng. Nhưng được cái này thì mất cái kia mức xung nhịp rớt về dưới mức cơ bản là 1,6GHz.

 

  • Bên cạnh đó, thì do máy có card đồ họa rời, nên mình cũng vừa chơi game vừa kiểm tra nhiệt độ của máy. Và xem qua hình ảnh bên dưới, các bạn có thể thấy hệ thống tản nhiệt “kiểm soát” nhiệt độ của cả CPU và GPU khá tốt, dù đây không phải là mẫu laptop chuyên cho chơi game.

Thời lượng pin khá

  • Viên pin 49Whr được trang bị trong Acer Aspire 5 A515 2020 cho thời gian sử dụng khá ổn. Thử nghiệm máy để độ sáng 50%, không sử dụng làm gì chỉ để máy như thế, thì sau hơn 10 tiếng máy còn 10% pin.

  • Lần thứ 2 tiếp tục ở độ sáng 50%, mình dùng máy cho các công việc văn phòng: soạn văn bản, soạn email, làm bảng tính excel, chat công việc qua zalo, skype, thỉnh thoảng lướt web đọc tin tức thì máy trụ được hơn 5 tiếng 30 phút.
  • Còn khi dùng để giải trí: xem video Full HD tự chuyển liên tục trên Youtube ở độ sáng 75%, mức âm lượng 70 thì kết quả ghi nhận được là 3 tiếng 40 phút.

Tổng kết

  • Đúng như tiêu đề của bài viết, Acer Aspire 5 A515 phiên bản 2020 (mã A515-54G-56JG) mình đánh giá máy bằng 2 chữ: VỪA ĐỦ, từ cấu hình cho tới thiết kế, từ màn hình cho tới khả năng nâng cấp, từ mức giá cho tới độ hoàn thiện.
  • Hy vọng qua bài đánh giá này các bạn có thể có cái nhìn chi tiết hơn về sản phẩm, và có được sự lựa chọn hợp lý cho riêng bản thân. Thêm 1 yếu tố để các bạn cân nhắc đó là từ giờ cho tới hết ngày 30/06/2020 khi mua mẫu Aspire 5 bất kỳ phiên bản nào các bạn sẽ được tặng thêm 1 năm bảo hành, chi tiết các bạn xem thêm tại ĐÂY.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này, Acer Aspire 5 đang được bán chính thức tại Techzones với đầy đủ các cấu hình.

Techzones / HảiArt666

Acer Aspire 5 Series

Acer Aspire 5 Series

11.990.000 ₫
  • Màn hình: 14"/ 15.6" FHD
  • CPU: thế hệ thứ 11
  • RAM: DDR4
  • VGA: UHD / Iris Xe / MX350
  • Nặng: 1.46 ~ 1.65kg