Đánh giá Asus Zenbook 14 UX433FA Touchpad kiêm Numpad có thật sự hữu ích?

Asus Zenbook 14 (UX433FA) mang trên mình dòng chip mới (I5-8265U) đồng thời tích hợp Touchpad kiêm Numpad có gì thú vị và liệu nó có thật sự hữu ích hay không? bây giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu để xem nó như thế nào nhé!

Cấu hình cơ bản

  • Chip: intel I5-8265U 1.6Ghz~3.9Ghz
  • Ram: 8192 MB LPDDR3, 2133 MHz
  • Card đồ họa: intel UHD Graphics 620
  • Màn hình: 14”, 1920x1080 pxl, IPS, Anti-Glare, NanoEdge, 100% sRGB
  • Ổ cứng: 256GB SSD PCIe 3.0 x2
  • Hệ điều hành: Windows 10 Home
  • Kích thước: 319 x 199 x 15.9 mm
  • Pin: 50Wh 3-cell, lithium-polymer battery
  • Cân nặng: 1.09 kg

Cái nhìn tổng tổng quát về thiết kế

Lật qua lật lại mình thấy đẹp nhất là phần nắp trên và dưới mặt đáy, từ màu sắc cho tới bố cục gọn gàng sang trọng, các vòng tròn đồng tâm cao cấp quen thuộc trên dòng Zenbook, logo Asus mạ crom vàng đồng nhìn cũng xinh phết.

Đối với mình, vòng tròn đồng tâm là một trong những họa tiết đắt giá và hợp lý nhất trên laptop. Ngoài việc mang lại cái nhìn cao cấp nó còn là dũng sĩ chống dấu vân tay nữa cực tốt.

asus zenbook 14

asus zenbook 14

Toàn bộ khu vực phía trong màu sắc rất Ok, chỉ có một tội là dán quá nhiều sticker(không ảnh hưởng tại tui khó ở), mấy cái này chúng ta có thể chuyển bớt xuống mặt đáy cũng được, nhìn rối mà lại “kém sang”.

Máy chỉ nhẹ tầm 1kg và độ bền đạt chuẩn quân sự Mỹ (MIL-STD-810G) đây là một hệ thống kiệm nghiệm cao cấp nhất về độ bền của laptop, còn ra sao thì hỏi chị “Google” dùm mình nhé.

Màn hình trên Zenbook 14 có gì đáng giá?

Đọc qua thông số của hãng thì đây là một cái màn hình được đầu tư rất là nghiêm tức từ công nghệ bên trong cho tới cấu trúc bên ngoài. Nhưng mà đầu tư ở điểm nào???

Điểm tuyệt vời đầu tiên có thể nhìn thấy bằng mắt thường đó là bằng một cách nào đó Asus đã nhét vừa 1 chiếc màn hình 14inch vào khung máy chiếc laptop 13inch. Thành quả là chúng ta được tận hưởng màn 14” với độ nhỏ gọn hết cỡ.

asus zenbook 14

Asus còn “quá đáng” hơn khi kết hợp cùng công nghệ viền màn hình siêu mỏng NanoEgde, công nghệ này giúp màn hình “lấn chiếm lòng lề đường” lên đến 92% tỷ lệ thân máy, viền màn hình mỏng nhỏ tới mức mình có cảm giác như là máy không có viền luôn á!

Đi vào màu sắc của màn hình trên Zenbook 14, theo hãng công bố màn có độ phủ màu lên đến 100% sRGB, đây là hệ màu đại diện cho khả năng hiển thị và độ sặc sỡ của hình ảnh.

Thông qua dụng cụ đo màu Spyder 4 cho kết quả đúng như hãng nói (100% sRGB).

asus zenbook 14

Kết quả phần trăm các dãy màu trên UX433FA được đo bằng Spyder 4 

Tuy nhiên độ phủ màu lúc mới mua về chỉ mới đạt 91,6% thôi, các bạn phải tự cân hoặc yêu cầu cửa hàng cân lại mới chính xác được, cả AdobeRGB và DCI P3 đều trên trung bình. Kết luận rằng dù bằng mắt thường hay khoa học hóa thì màn hình của Zenbook 14 rất đẹp. Dĩ nhiên không thể thiếu tấm nến IPS, màn có độ phân giải Full-HD (1920x1080 pxl), tần số quét 60Hz, công nghệ Anti-Glare chống lóa, màn hình có phủ một lớp kính nhìn bóng loáng. Mình không biết là kính gì, nhìn thì đẹp nhưng tốt nhất không nên đụng vô bởi vì nó dính dấu vân tay “tản thần”.

Bản lề Ergo Lift giúp ích được gì!

Kiểu bản lề này bắt đầu có nhiều nên mình cũng không cần nói về nó nữa.

Trên thực tế khi mình sử dụng nó so với loại thường thì Ergo Lift thích hơn nhiều. Điều đầu tiên “đập” vào mắt là nhìn nó vô cùng “xịn sò”, giúp tạo độ nghiêng nên bấm phím đúng là dễ chịu như quảng cáo.

Điều thứ hai, tản nhiệt tốt hơn.

Đúng như lý thuyết và thực tế mình thấy bản lề tạo rất nhiều không gian lấy gió và điều này có chiều hướng tốt giúp giảm độ nóng đồng thời nâng cao tuổi thọ linh kiện trong máy.

Thêm một lợi ích nữa về âm thanh, tất nhiên không gian thoáng sẽ giúp âm thanh phát tán đều hơn thay vì “bí bách” như chân đế thường. 

asus zenbook 14

Hệ thống cổng kết nối

Lướt nhanh hai bên hông máy mình thấy, các cổng kết nối trên UX433FA thuộc dạng “cơm no áo ấm”, nó có hết từ HDMI, USB 2.0, 3.0, khe microSD, audio/micro combo cho tới USB 3.1 type-C.

Điểm mình thích đầu tiên là khe MicroSD, với mình nó tiện hơn khe lớn nhiều, có thể các bạn thừa biết các thiết bị công nghệ bây giờ ngày một nhỏ gọn, cho nên thẻ Micro là một ý tưởng rất tuyệt vời cho việc lưu giữ, điển hình như điện thoại, camera hành trình ble...ble...

asus zenbook 14
 

Thậm chí thẻ trong máy chụp hình bây giờ người ta cũng kết hợp dùng thẻ nhỏ gắn vào cái lớn để khi chụp xong vẫn là thẻ micro dễ kết nối hơn.

Cái đến là cổng C, chỉ là chuẩn thường không thunderbolt 3, nhưng có còn hơn không, thử nghiệm thì nó không kết nối được với màn hình, nhiệm vụ chính là cho tốc độ truyền tải cao hơn so với mấy cổng USB 3.0, USB 2.0. 

 Hơi buồn nhẹ vì không có cảm biến vân tay, rất may vẫn còn có camera hồng ngoại gỡ lại, đăng nhập bằng cách nhận diện khuôn mặt, dù chưa quen nhưng mình thấy nó cũng tiện không kém gì quét vân tay. 

Âm Thanh tuyệt vời hay chỉ là quảng cáo!

Đa số các laptop cao cấp và cận cao cấp của Asus lúc nào cũng có công nghệ âm thanh SonicMaster, hỏi “chị” Google thì Asus đã hợp tác với Harman Kardon để cho ra một hệ thống âm thanh chất lượng cao “chới với”

Đó mới chỉ là quảng cáo, theo trải nghiệm thực tế cho thấy bass có cường độ mạnh, dày, âm trường sâu giúp cho bài nhạc có độ sâu, độ mềm thấy rỏ.

Cho dù bạn không phải là người chuyên nghe âm thanh cũng có thể nghe thấy độ chi tiết của dãy mid và độ bén nhưng không chói cũng dãy Treble.

Thật ra nó cũng không phải là cái gì quá siêu nhiên, ý của mình muốn phân biệt cho các thấy âm thanh trên UX433FA rất chất lượng, có thể dùng để nghe giải trí và tự tin rằng nó hơn rất nhiều hệ thống loa khác cùng phân khúc.

asus zenbook 14

Bàn phím - Touchpad

Nói tới bàn phím của UX433FA mình có 2 ý kiến trái chiều như sau. Nếu hỏi kiểu dáng nó có đẹp không, cá nhân mình trả lời là “hơi đẹp” thôi vì nhìn nó hơi sến, loại này trên con MSI PS42 mình gặp rồi, lần đầu thấy không đẹp nhưng mấy lần sau này bắt đầu có thiện cảm với nó, bởi vì hành trình sâu, êm, độ phản hồi good vô cùng, phím to “chà bá nái”.

Bàn phím bình thường nếu độ phản hồi cao thì hành trình sẽ ngắn, gõ mỏi tay riêng cái này vừa nhanh vừa không mỏi tay. Phải chi kiểu dáng tinh tế xíu nữa thì bá đạo lắm “à nghen”.

asus zenbook 14

Touchpad của UX433FA gây tò vô cùng, nó có thế phát sáng và khơi động thành 1 bảng bao gồm số và các dấu cộng trừ nhân chia, mò qua mò lại thì công dụng chính của cái numpad này chỉ là để chúng ta nhập số nhanh hơn, phục vụ cho những công việc cần nhập số liệu, tính toán liên tục, chứ không đa năng như trên Zenbook Pro 14 và 15 mình từng gặp.

Đúng như quảng cáo, thực nghiệm bằng việc nhập số liệu liên tục bằng số cho thấy numpad cho hiệu suất cao hơn so với mình dùng dãy phím số mặt định có sẵn. Đồng thời khi kích hoạt numpad chúng ta vẫn có thể dùng touchpad song song với nhau rất tiện lợi.

Theo mình thì numpad này thích hợp với một số công việc cần số liệu và tính toán nhiều, đối với người bình thường cũng không giúp được gì nhiều, nhưng đúng là có numpad máy nhìn độc đáo hẳn ra.

asus zenbook 14 asus zenbook 14

 

Tốc độ Ổ cứng

Ổ cứng gắn trong là của Western Digital (WD PC SN520 SDAPNUW) 256GB. Theo hãng công bố tốc độ đọc tối đa của nó lên đến 1700 M/s và ghi 1400M/s. Trong bài test bằng phần mềm CrystalDiskmark cho thấy tộc độ đọc chuẩn và ghi hơi thấp hơi xíu, Tốc độ này phù hợp với những người có nhiều thao tác chép file hoặc gần giống vậy thì mới nhận thấy độ nhanh của nó.

asus zenbook 14

asus zenbook 14

Cấu hình và hiệu năng

Đối với laptop văn phòng thì cấu hình 58SS(mình tự đặt ra) (I5-8GB-SSD) không còn gì xa lạ với mình và với ai đã dùng qua những đời máy sau này, nhưng lần này không phải là I5-8250 nữa mà là I5-8265.

Theo "điều tra" sơ bộ thì I5-8265U cho tốc độ xung nhịp cao hơn mặc dù kiến trúc, tính năng là như nhau và Intel ước tính hiệu năng của nó cao hơn từ 3-11% so với thế hệ Kaby-Lake-R cũ. Về Ram thì con này không thể nâng cấp được.

asus zenbook 14

Bảng so sánh số điểm bằng phần mềm Cinebench R15 của UX433FA với các máy khác cùng phân khúc

Đầu tiên mình sẽ cho các bạn thấy phần so sánh của người dùng trên Userbenchmark.com về hai con chip này như thế nào. Nhìn vào biểu đồ sẽ thấy 84% người dùng I5-8265U đánh giá xung nhịp của nó ở mức tích cực khi rơi vào khoảng 1.8Ghz và tối đa 3.8Ghz, dù chưa tới mức 3.9 Ghz như công bố nhưng đã nhanh hơn nhiều so với đời cũ I5-8250U

asus zenbook 14

Rất tiếc mình không giữ được lâu để test thêm nhiều cái khác cho nó khách quan hơn, nhưng các bạn yên tâm con chip này đã và đang tấn công vào thị trường laptop trong năm 2019, chắc chắn mình sẽ gặp lại nó lần tới, nhìn chung thì hiệu năng của nó không lệch nhiều so với chip cũ.

Nếu bạn chỉ xài cơ bản và thích thiết kế của nó thì I5-8250 hay I5-8265 cái nào cũng được.

Bởi vì tốc độ này mình không thể cảm nhận bằng cảm giác mà phải thông qua số liệu chứng minh,nên các bạn thích thì mua không thì thôi.

asus zenbook 14

Bảng so sánh số điểm bằng phần mềm PCMark của UX433FA với các máy khác cùng phân khúc

Thời lượng pin như thế nào!

Quá trình thử thời lượng pin lần này mình tập trung 60% cho việc đánh Word trên google nên nó sẽ hao pin hơn word bình thường, 20% xem youtube, 10% lướt web đọc tin tức và 10% máy nghỉ tại chổ, trong đó độ sáng luôn ở mức 90%, có kết nối chuột bluetooth.

Kết quả được 8 tiếng. Trong 8 tiếng này mọi hoạt động đều ở mức tiêu chuẩn chứ chưa hết công suất.

Nếu bạn làm sale hoặc những công việc đại loại như trả lời tin nhắn cho khách thì thời lượng sẽ khác chút.

Trong quá trình sử dụng mình chưa lần nào ép máy chạy 100% CPU cả, nên máy luôn giữ nhiệt độ ở mức ấm ấm, nếu ngồi phòng lạnh thì gần như không có bất kì ảnh hưởng nhiệt nào. Sử dụng trên 2 tiếng tản nhiệt có hơi nóng khu vực bản lề nhưng không ồn dù có nóng hơn nữa.

Tổng kết

Tóm gọn lại mình nghĩ con này hợp với doanh nhân, những người kinh doanh có nhu cầu show ảnh nhiều, đi xa hoặc sinh viên các ngành hay soạn thảo văn bản. Bởi vì thứ nhất nó cực kì nhẹ (1kg) thứ hai thời lượng pin cao, màn hình hiển thị rất tốt.

Ưu điểm

  • Mẫu mã cao cấp
  • Màn hình chất lương cao
  • Loa cho âm thanh tốt
  • Touchpad kiêm Numpad độc lạ
  • Thời lượng pin ấn tượng trong phân khúc
  • Giá trung bình, không quá kén người mua
  • Chip mới tăng hiệu suất cho máy dù không quá nhiều

Hạn chế

  • Thiết kế bàn phím hơi thô
  • Độ hoàn thiện thân máy còn thiếu sót
  • Sticker dán hơi nhiều (cái này không ảnh hưởng, tại tui khó ở thôi)

Asus Zenbook 14 (UX433FA) đang được bán tại Techzones với mức giá tùy chọn theo cấu hình từ 21.390.000đ đến 26.990.000đ cùng với một số quà tặng, chi tiết sàn phẩm xem tại website techzones.vn.

THỎ MẶP