Đánh giá Dell Alienware 17R5 2018 - Người ngoài hành tinh trở lại !

Nhắc tới laptop gaming với thiết kế hầm hố, cá tính, cùng cấu hình và hiệu năng mạnh mẽ, mà không đề cập tới dòng sản phẩm Dell Alienware quả thật là 1 thiếu sót vô cùng lớn !

Tới đây chắc hẳn các bạn đã đoán ra được nội dung bài viết này là gì rồi đúng không nào ? Và đây thưa các bạn, Dell Alienware 17R5 2018.

 

Ngay sau đây là chi tiết về sản phẩm này, và những trải nghiệm nhanh của Techzones, cùng xem nhé !

Ngoại hình không nhiều thay đổi so với phiên bản trước
Điểm đầu tiên mình cảm nhận được ngay khi cầm trên tay đó là máy khá nặng, khoảng 4kg4, cộng thêm cục sạc nữa chắc có lẽ cũng tròn 5kg ! Nó nặng hơn con Predator Helios 500, và nhẹ hơn con MSI GT83 Titan, đây là 2 sản phẩm mình từng đánh giá trước đây. 

Rõ ràng có thể thấy rằng là Alienware 17R5 sẽ không nằm trong danh sách các laptop gaming mỏng nhẹ, dễ dàng mang đi tới đi lui, để các bạn lựa chọn. Máy mang 1 thiết kế mạnh mẽ, chắc chắn, tạo cảm giác hơi cồng kềnh, với chất liệu chủ đạo của phần nắp máy là hợp kim nhôm và magie có độ bền cao.

Về tổng thể thì Dell Alienware 17R5 2018 gần như giống hoàn toàn với phiên bản trước đó là 17R4, như là 1 bản photocopy vậy đó. Từ các chi tiết như phần mặt trước, dải led ở các góc cạnh, khe tản nhiệt hầm hố, nút nguồn, dòng chữ Alienware. Cho tới phần touchpad và kê tay lớn, bàn phím fullsize vẫn giữ nguyên bố cục sắp xếp, cùng font chữ truyền thống của Dell Alienware, mắt cảm biến Tobii,..

Thậm chí là vị trí và số lượng các cổng kết nối cũng y chang, mình thấy đủ xài thôi, chứ số lượng cổng USB 3.0  type A hơi ít, bù lại thì vẫn có những kết nối quen thuộc và cần thiết ở phần cạnh sau của máy: ví dụ như cổng Mini Display Port, HDMI, USB type C đi kèm Thunderbolt 3, cổng Amplifier giúp các bạn gắn thêm 1 card đồ họa ngoài eGPU,....

Các cổng kết nối ở 2 cạnh của Dell Alienware 17R5

Nhìn chung thì Dell không chú trọng việc thay đổi ngoại hình cho sản phẩm mới 2018 này, điểm khác nhau giúp các bạn dễ phân biệt nhất đó là 17R5 được sơn màu đen nhám, chứ không phải màu bạc khá quen thuộc như các phiên bản trước đây, điều này cũng phần nào giúp máy trở nên lạ mắt hơn, thu hút hơn khá nhiều.

Sẽ có người thích, người không về việc giữ nguyên thiết kế, nhưng điều quan trọng nhất là chất lượng build của máy cũng không thay đổi, vẫn rất tốt và cao cấp.  

Bàn phím
Đi sâu hơn vào thiết kế nội thất bên trong của Alienware 17R5, thì như đã nói bàn phím của máy cũng tương tự thế hệ trước. Sử dụng hàng “cây nhà lá vườn” là bàn phím TactX: hành trình phím dài 2,2mm, gõ êm và có độ nảy, gõ văn bản hay chơi game đều cảm thấy tốt, ít mỏi tay dù không phải phím cơ.

Touchpad ổn, có đèn nền sáng mỗi khi chạm vào, các bạn có thể tắt đi nếu không thích, hỗ trợ nhiều cử chỉ thao tác đa điểm. 2 nút chuột trái phải cũng khá mềm, dễ ấn.

Máy được trang bị dãy phím Macro bên cạnh trái, đây là điểm mình không thích đầu tiên trên chiếc máy này.

Bản thân mình sau nhiều lần được tiếp xúc với các sản phẩm Alienware như laptop, bàn phím,.. đã không thích kiểu bố trí dãy nút hỗ trợ ở khu vực này vì rất dễ bấm nhầm, ngay trong quá trình trải nghiệm thực tế trên con 17R5 này để đánh giá, mình không nhớ đã bấm nhầm bao nhiều các tổ hợp phím quen thuộc như Ctrl + C, Ctrl + V, Ctrl + A,..

Màn hình
Chê rồi, giờ khen 1 chút, về khả năng hiển thị, thì các bạn sẽ hoàn toàn không cảm thấy thất vọng khi Dell trang bị cho Alienware 17R5 màn hình chất lượng cao với kích thước 17,3 inch, cùng nhiều tùy chọn độ phân giải khác nhau từ Full HD, 2K cho tới 4K.

Ở lựa chọn FullHD và 4K thì máy sử dụng tấm nền IPS với góc nhìn rộng và các chỉ số độ phủ màu RGB cao (100% Adobe RGB với màn hình 4K, đáp ứng tốt nhu cầu các người dùng các công việc cần độ chính xác màu cao như thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh...)

Còn phiên bản máy mình đang có ở đây là màn 2K, sử dụng tấm nền TN, khoan vội thất vọng !

Đúng là màn TN vẫn làm hình ảnh, màu sắc biến đổi khi nhìn góc nghiêng, nhưng mình tin nếu nhìn thực tế các bạn sẽ rất bất ngờ về chất lượng hình ảnh máy mang lại, với các chỉ số ấn tượng mình đo được là: 110% sRGB, tần số quét 120Hz, độ sáng cao 400 nits, cùng công nghệ G-Sync, hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm hình ảnh khi chơi game từ phê tới sướng, nhất là các tựa game hành động, bắn súng fps !  

Viền màn hình của 17R5 khá dày, camera ở cạnh trên thì có vẻ không được đầu tư nên chất lượng tàm tạm thôi, cạnh dưới thì được tích hợp công nghệ mắt cảm biến Tobii, cho nên cạnh này lại càng dày hơn.

Về công nghệ Tobii Eye này mình sẽ nói chi tiết hơn trong phần trải nghiệm game. 

Cấu hình được nâng cấp, mang lại hiệu năng khủng
Thiết kế dày và nặng như thế này, nên Dell dư sức trang bị cấu hình “khủng” trên con 17R5, khủng nhất là tùy chọn core i9 - 8950HK có khả năng ép xung lên 5GHz (theo công bố của nhà sản xuất), cùng card đồ họa GTX 1080 8GB mạnh mẽ.

Ở tùy chọn thấp hơn, cụ thể là trên máy mình đang cầm, trang bị core i7 – 8750H cùng card GTX 1070 có khả năng OverClock mang lại hiệu năng mạnh không kém.

Trải nghiệm thực tế qua việc mở gần 50 tab Google Chrome để đọc báo, xem youtube, xem phim, nghe nhạc,..máy vẫn cho thao tác mượt mà, gần như không gặp hiện tượng giật lag. Mở các phần mềm như photoshop hay khởi động window rất nhanh với ổ SSD NVMe 512GB.

Và mình cũng đã thực nghiệm rất nhiều các bài test hiệu năng benchmark CPU và GPU, test tốc độ đọc / ghi của ổ cứng,…thì máy đạt được các điểm số vượt trội so với thế hệ trước, và nhiều đối thủ cùng phân khúc.

Cinebench R15

3DMark - Fire Strike Ultra

3DMark - Time Spy Extreme

3DMark - Sky Diver 

PCMark 10

Geekbench 4 - CPU

Geekbench 4 - GPU

Benchmark

Heaven Benchmark 4

 

Chơi game

Còn về khả năng chơi game, với cấu hình mình đã giới thiệu qua thì có thể nói Alienware 17R5 không ngán bất kỳ tựa game hạng nặng nào hiện nay trên thị trường, mặc định là khi vào các trò chơi sẽ tự động nhận cấu hình và đẩy lên tùy chọn đồ họa cao nhất, trên độ phân giải 2K của màn hình. 

Ở một số khung cảnh có nhiều vật thể, nhiều hiệu ứng, mức FPS có thể drop xuống kha khá, nhưng với công nghệ G-Sync hỗ trợ, thì FPS này được khóa luôn ở mức 40-60fps, hạn chế tối đa tình trạng giật lag hay giảm khung hình khi chơi, mang lại trải nghiệm chơi game rất tốt. 

Tuy nhiên để đánh giá khách quan và chính xác hơn về khả năng chiến game của chiếc máy này, mình đã tắt tính năng G-Sync của màn hình, tắt V-Sync trong các game, đẩy các tùy chỉnh khác “hành hạ” CPU và GPU lên mức cao hơn ví dụ như screen scale, hiệu ứng ánh sáng, bóng đổ,..vv…và chỉnh mức đồ họa cao nhất trong từng game, đây là các chỉ số mà mình có được:

Game CS:GO (Counter Strike:Global Offensive) 

Độ phân giải 2K, mức đồ họa cao nhất là High: khung hình tối thiểu 120 fps, tối đa 260 fps, trung bình 180-220 fps

Game Rise of Tomb Rider

Độ phân giải 2K, mức đồ họa Very High: khung hình tối thiểu 50 fps, tối đa 120 fps, trung bình 70-90 fps

Game PUBG (PlayerUnknown's Battlegrounds)

Độ phân giải 2K, mức đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 60 fps, tối đa 110 fps, trung bình 75-90 fps

Game DOOM

Độ phân giải 2K, mức đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 58-60 fps, tối đa 120 fps, trung bình 78-95 fps 

Game Far Cry 5 

Đầu tiên mình test bằng tính năng benchmark tích hợp sẵn trong game 

Độ phân giải 2K, mức đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 54 fps, tối đa 73 fps, trung bình 62 fps

Các công nghệ hỗ trợ
Vì là 1 chiếc laptop gaming, nên Alienware 17R5 được Dell đầu tư khá nhiều công nghệ, phần mềm hỗ trợ cho việc chơi game, đầu tiên là cảm biến Tobii Eyes: đây là một công nghệ quan sát, theo dõi hướng nhìn của mắt người và đồng bộ nó với con trỏ của màn hình, để xác định đúng vùng màn hình mà mắt đang nhìn tới.

Chỉ cần sử dụng đôi mắt, người dùng có thể điều khiển máy tính một cách dễ dàng mà không cần bất cứ thiết bị ngoại vi nào khác như chuột hay bàn phím. 

Công nghệ này từng được áp dụng thử nghiệm qua 1 số giải đấu CS:GO, còn mình thì đã thử chơi tựa game có hỗ trợ công nghệ này như Rise of Tomb Rider, và Far Cry 5, các bạn có thể ẩn hiện các thanh công cụ, thông báo dựa trên hướng mắt, thể hiện vị trí cần di chuyển cho những pha chuyển động nhanh gọn lẹ, hỗ trợ hướng nhắm cho những cú head shot,…

Tobii EyeX nhận chuyển động mắt nhanh, khá nhạy theo mắt người nhìn, với độ trễ rất thấp. 

Tiếp theo là phần mềm tùy chỉnh Alienware Command Center, đã được nâng cấp, đổi mới hoàn toàn cả về giao diện lẫn cách sử dụng.

Phiên bản này hiện chỉ được áp dụng cho 2 chiếc laptop gaming Alienware mới nhất là 17R5 và 15R4. Dù các bạn chưa từng sử dụng qua, hay đã biết phần mềm này qua các laptop Dell Alienware thế hệ trước, thì cũng phải mất chút thời gian tìm hiểu và làm quen.

Cải tiến lớn nhất đó là menu FUSION, trên các phiên bản cũ thì người dùng có khá ít lựa chọn tùy chỉnh hiệu năng máy, tốc độ quạt, qua phiên bản mới này đã có thể thay đổi dễ dàng hơn, và không thể thiếu những bổ sung thêm tính năng khác, cho phù hợp với 1 chiếc laptop gaming cao cấp 2018. 

Ví dụ như: trong tab Thermal Profile, các bạn có thể thiết lập tốc độ quạt nhanh hay chậm tùy vào nhiệt độ tại thời điểm đó thông qua mục ADVANCED.

Tab Audio Recon Profiles, tính năng giả lập âm thanh theo nhiều hướng, hơi cheat 1 chút đấy, vì có tính năng này các bạn dễ dàng hơn trong việc định vị được hướng của kẻ địch trong các tựa game FPS (khá giống tính năng Sonic Radar trên con Asus ROG Strix Scar II mình từng đánh giá)

Kích hoạt/ ngừng kích hoạt tính năng này bằng tổ hợp phím LCtrl + LShift + S.

Và còn nhiều phần mềm độc quyền khác được cài sẵn trong máy, chờ các bạn khám phá, ví dụ như kết nối điện thoại thông minh (tương tự như con Asus Zenbook Pro 15 mình từng đánh giá trước đây)… 

Nếu hiệu năng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, người dùng có thể mở rộng kết nối và sử dụng card đồ họa gắn ngoài. Chơi game và làm thiết kế đồ họa, chỉnh sửa video thật sự có thể nói là không còn giới hạn !

Hiệu quả tản nhiệt
Vừa rồi mình đã giới thiệu và trải nghiệm 1 số nâng cấp của Dell cho chiếc máy này, nhưng nâng cấp tiếp theo đây mình nghĩ là điểm rất quan trọng trên 1 chiếc laptop gaming, đó là tản nhiệt của máy sử dụng hệ thống ống đồng có kích thước lớn hơn bản thế hệ trước là 17R4, cũng sử dụng card đồ họa GTX 1070.

Đây là một điều rất cần thiết khi mà 17R5 trang bị con chip mạnh hơn, và card GTX 1070 có khả năng OverClock, sẽ tỏa ra nhiệt lượng cao hơn nhiều, và nghe google đồn là nhà sản xuất hệ thống tản nhiệt cũng được thay đổi.

Qua việc chơi game thì nhiệt độ mình thấy ở mức mát mẻ (trung bình là 45-70 với GPU, và 60-80 với CPU), có thể coi là 1 điểm cộng lớn cho 17R5.

Còn qua các bài stresstest trong thời gian 20-30 phút, ở điều kiện phòng máy lạnh 25 độ, không kê thêm đế tản, quạt balanced (auto) thì nhiệt độ máy vẫn khá cao 90 độ, đôi khi có hiện tượng giảm xung nhịp, giảm hiệu năng. 

Nhiệt độ ban đầu của máy

Stresstest qua FurMark 

Stresstest qua Aida64

Stresstest qua Prime95

Thật sự mà nói nếu các bạn có thể trải nghiệm thực tế sản phẩm sẽ thấy đó không phải vấn đề, vì xung vẫn ở mức cao, và laptop gaming mà, máy nào mà không nóng chứ ! 

Pin
Về thời lượng pin cũng đã được cải tiến, cho thời gian sử dụng lâu hơn, nhưng mình nghĩ nên cắm sạc khi sử dụng: ngoài việc không làm chai pin, cung cấp điện năng đầy đủ, còn mang lại trải nghiệm chơi game tốt hơn, không bị drop FPS. 

 

Kết luận
Không được thay đổi nhiều về thiết kế, nên cảm giác sử dụng ban đầu sẽ không khác biệt so với phiên bản cũ, nhưng sau 1 thời gian sử dụng, mình đánh giá cao khả năng của Dell Alienware 17R5

Nâng cấp về chip và card đồ họa mang lại hiệu năng trên lý thuyết và các tác vụ đơn nhân, đa nhân mượt hơn, nhanh hơn rất nhiều, còn về khả năng chơi game có thể sẽ có 1 số ý kiến đánh giá chiếc máy này không quá vượt trội so với các đối thủ khác. Dù sao máy cũng chỉ mới được ra mắt chưa lâu, và trong tương lai mình nghĩ sẽ có những bản cập nhật Bios mới, mang lại sự cân bằng tốt hơn giữa các yếu tố hiệu năng và nhiệt độ.

Nếu giá tiền và cân nặng của máy không phải vấn đề lớn của các bạn, và các bạn thích Led RGB ở nhiều vị trí đẹp mắt. Thì Dell Alienware 17R5 là lựa chọn mình nghĩ rất xứng đáng trong tầm giá. Các bạn có thể xem thêm chi tiết trên website Techzones.vn, hoặc tới cửa hàng để trải nghiệm thực tế sản phẩm đang rất hot hiện nay. 

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.

Techzones / HảiArt666