Đánh giá laptop gaming Asus ROG Strix Scar II GL504 : "Sinh ra" để dành cho game thủ FPS

Tiếp nối sự thành công của bộ đôi laptop gaming GL503 thuộc phân khúc tầm trung là Scar và Hero. Asus ROG năm nay tiếp tục phát triển, và cho ra mắt phiên bản thế hệ 2 tại triển lãm Computex 2018. Được dành riêng cho các tựa games esports (FPS & MOBA), đồng thời Scar II và Hero II là những dòng laptop đầu tiên trên thế giới sở hữu các công nghệ độc đáo, cùng những nâng cấp mạnh mẽ. 


Video Đánh giá Chi tiết Asus ROG Strix Scar II (GL504GM) 


Techzones may mắn đã được hãng Asus cho mượn chiếc Strix Scar II (mã GL504GM-ES044T), để có những trải nghiệm nhanh về khả năng, cũng như là những đánh giá ban đầu về chiếc laptop này. 

Cùng theo dõi xem nó có điểm gì ấn tượng, và đột phá qua bài viết bên dưới nhé !






Cải tiến vẻ ngoài bắt mắt 
Có thể nói với những điều tốt đẹp của thế hệ trước mang lại, thì năm nay Asus tiếp tục khiến các game thủ háo hức với phiên bản mới Scar II này. Ấn tượng đầu tiên của mình về chiếc laptop này, đó là kiểu dáng cực kỳ gọn gàng và bắt mắt của nó. Ngay từ kích thước, Asus ROG Strix Scar II đã được cải tiến khá nhiều khi loại bỏ phần viền màn hình dày, có thể coi là truyền thống của dòng laptop ROG. 

Scar II là laptop gaming có viền mỏng nhất mà Asus từng làm cho tới nay, nhờ vậy thân máy khá nhỏ gọn so với kích thước màn hình 15.6 inch. Với độ dày 2,6cm, thì nó chỉ dày hơn một chút xíu so với con ROG Zephyrus M (chiếc laptop mình đã từng đánh giá trước đây, được coi là chiếc laptop gaming mỏng nhất thế giới chạy chip Intel Core i7 thế hệ thứ 8), nhưng trọng lượng thì ngang nhau là khoảng 2,4kg. Có vẻ như Asus đang muốn thiết lập thêm 1 tiêu chuẩn mới, dành cho các dòng laptop gaming tầm trung của hãng. 

Thứ 2 đó là nếu các bạn có sự quan tâm tới các loại súng đạn, yêu thích hình ảnh các lính đặc nhiệm,..hay đơn giản là game thủ các tựa game bắn súng FPS, thì có lẽ các bạn không xa lạ gì khi nghe tên khẩu súng SCAR, ngay trong cách đặt tên sản phẩm laptop này là biết chiếc máy này dành cho ai rồi. 
Mình nghĩ đây là 1 cách hay để tạo đặc trưng riêng cho từng sản phẩm, giúp người dùng dễ dàng phân biệt.



Vẻ ngoài nhìn chung Asus ROG Strix Scar II GL504GM gần như không có gì khác biệt nhiều, so với các thế hệ anh em trước đó như là GL503 hay GL703, thậm chí nếu nhìn thẳng từ trên xuống, ban đầu nhìn lướt qua mình còn nhầm là con Zephyrus M.
Phần nắp máy vẫn là thiết kế mới của Asus trong 2 năm gần đây, dù đã quen mắt nhưng mình vẫn thấy thiết kế này đẹp, cuốn hút. Vỏ làm bằng kim loại với đường vát chéo lớn, có các đường vân xước đan vào nhau cùng logo ROG đặt lệch sang 1 bên (logo cũng được cải tiến, không còn chỉ là mạ chrome bóng và sáng màu led đỏ khi máy hoạt động như trước nữa, mà sẽ được đồng bộ chung với Led nền RGB của bàn phím).
Bỏ qua yếu tố bám mồ hôi, dấu vân tay thì cảm giác sờ vào phần nắp kim loại này rất đã, mát mát sướng cả tay ! 

Thêm 1 đặc điểm của ROG Strix Scar II đó là mặt trước, có 1 dải Led RGB rất thu hút, nếu các bạn đặt máy lên 1 mặt bàn màu sáng, mặt trơn bóng, mặt kính…thì hiệu ứng đèn chiếu lên mặt sẽ rất đẹp mắt. 

Các hiệu ứng đèn Led RGB “ảo diệu” sẽ được đồng bộ chung cho tất cả qua Aura Sync: từ đèn nền bàn phím, logo ROG trên nắp máy,.. cho tới các thiết bị ngoại vi khác như: bàn phím, chuột, tai nghe. Vô cùng bắt mắt ngay cả khi các bạn sử dụng máy trong không gian có độ sáng cao.
 


Các đường nét trên nắp máy được hoàn thiện sắc xảo, tinh tế, góc cạnh.  Bản lề kép được đặt ở 2 cạnh sau của góc máy, làm chắc chắn nên đóng mở nắp máy bằng 1 tay khá dễ dàng và nhẹ nhàng. Với mục đích theo mình suy đoán là để luồng khí thoát ra tối ưu hơn, hỗ trợ cho 2 khe tản nhiệt phía sau, nên hãng Asus đã khoét 1 khoảng hở trên phần nắp máy, điều này khiến cho thiết kế của máy không được liền lạc, vững chãi. 

Khung máy, bàn phím và mặt dưới cứng cáp, không có tình trạng ọp ẹp khi các bạn cầm nắm, hay nhấn và tì đè 1 lực mạnh lên đó. Mặt dưới đáy của Asus ROG Strix Scar II, có thiết kế khá đẹp với logo ROG, và các họa tiết cắt xéo ấn tượng không kém mặt trên. Các bạn cũng có thể thay thế nhanh ổ cứng SSD và nâng cấp RAM nếu có nhu cầu.
 

 
Phần khung bàn phím và khu vực kê tay được trang trí các lớp vân 3D giả carbon, với họa tiết rằn ri camo rất lạ mắt, nhìn cực kỳ ngầu. Trên ROG Strix Scar II được trang bị bàn phím Full size có tên gọi là HyperStrike Pro, giúp mang lại khả năng điều khiển và nhập liệu chính xác.
Điểm thu hút sự chú ý của mình bên cạnh các hiệu ứng đèn nền Led, đó là 4 phím W, A, S và D được thiết kế trong suốt và nổi bật. Đây là 4 phím mà các bạn game thủ FPS thường xuyên sử dụng trong game, giúp các bạn dễ dàng định vị trong lúc gây cấn “dầu sôi lửa bỏng”. Dĩ nhiên, tất cả 4 phím đều được tích hợp đèn Led RGB như các phím khác, để các bạn có thể tuỳ biến theo ý mình.
Tiếp theo đó là phím Ctrl bên phải được làm dài hơn bình thường (mình chưa hiểu mục đích lắm ?), và điều đó có thể đã làm cho 3 trong 4 phím điều hướng phải nằm xuống dưới, khá tách biệt ! Các nút điều hướng cùng phần phím số hơi nhỏ có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm chơi game hay làm việc.
 


Bàn phím có bề mặt ôm cong nhẹ, khoảng cách phím tương đối, cho cảm giác gõ tốt, hành trình phím 1,8mm, độ nhạy phím khá cao. Keycap sử dụng chất liệu phủ không bám vân tay, khu vực kê tay rộng rãi thoải mái. Sử dụng công nghệ độc quyền ROG Overstroke giúp nhận phím nhanh và chính xác. Ngoài ra tính năng N-Key Rollover, cho khả năng nhận đồng thời 30 phím, theo Asus thì độ bền phím lên tới 20 triệu lần nhấn.

Các bạn có thể sử dụng máy để làm các công việc văn phòng, và đối với nhu cầu chơi game, độ thoải mái và chính xác khi nhấn phím là ở mức ổn, việc trang bị một bàn phím cơ gắn ngoài có hay không thì cũng không thành vấn đề.

Các chi tiết còn lại gần như được Asus giữ nguyên như trên phiên bản trước, với bốn nút bấm chức năng bố trí phía trên đầu khu vực bàn phím gồm: tăng/giảm âm lượng, bật/tắt mic và khởi chạy nhanh công cụ ROG Gaming Center. Kế bên sẽ là hốc tản nhiệt phụ được làm khá lớn, nút nguồn có đèn nền, được làm hơi gồ lên, và khá mềm khi nhấn.
 






Touchpad của ROG Strix Scar II tốt dù kích thước không lớn cho lắm, hỗ trợ thao tác đa điểm, cảm giác rê vuốt tương đối mượt mà, 2 phím chuột trái và phải được làm cách ra, nhấn có “cảm giác” nẩy rõ rệt.



Công nghệ Aura Sync cho phép game thủ tùy chỉnh và đồng bộ các hiệu ứng ánh sáng cho chuột, tai nghe, bàn phím và các thiết bị khác nằm trong hệ sinh thái của Asus ROG. Với Aura Sync, người dùng sẽ được tiếp cận thêm nhiều hiệu ứng ánh sáng như Rainbow, thay đổi theo nhạc hoặc nhiệt độ CPU. Các bạn có thể tùy biến các hiệu ứng và màu sắc theo ý muốn cá nhân một cách dễ dàng thông qua ứng dụng Aura Core đi kèm ROG Gaming Center.



Tuy không có khả năng chỉnh màu Led trên từng phím nhưng bù lại là đèn nền theo khu vực. Nhờ vậy, các game thủ có thể chỉnh chế độ đèn để bàn phím tạo điểm nhấn ở khu vực mình hay sử dụng. Ví dụ như W A S D cho các game FPS hoặc Q W E R cho các tựa game Moba.


 
Là một cỗ máy chuyên game, Asus ROG Strix Scar II (GL504GM) mang đến cho người dùng đầy đủ những cổng kết nối cần thiết nhất. Bên cạnh trái sẽ là nơi đặt cổng nguồn, 1 cổng mạng LAN, 1 cổng mini DisplayPort, 1 cổng HDMI 2.0, 2 cổng USB 3.0, 1 cổng USB 3.1 type C không tích hợp Thunderbolt 3, và 1 jack cắm tai nghe kèm mic 3,5mm. Trong khi đó cạnh còn lại đơn giản hơn, chỉ có bao gồm 1 khe đọc thẻ nhớ SD (được đặt khá thấp xuống dưới đáy), 1 cổng USB 3.1, 1 khe tản nhiệt. Ngoài ra, ở 2 cạnh dưới đáy máy, gần mặt trước chúng ta còn có thêm 2 cái loa nằm đối xứng nhau. 






Chất lượng màn hình cũng là một điểm được Asus ROG chú trọng nâng cấp, Asus ROG Strix Scar II sở hữu màn hình chống chói 15,6 inch độ phân giải Full HD, viền màn hình mỏng (độ dày gọn hơn 2,3cm so với các thế hệ trước), sử dụng tấm nền IPS chất lượng cao, có tần số quét màn hình lên đến 144Hz và tốc độ phản hồi chỉ 3ms. 

Với các yếu tố ấn tượng kết hợp lại, thì Scar II hứa hẹn đem lại khả năng hiển thị rất tốt, màu sắc sống động với góc nhìn rộng, đáp ứng nhu cầu chơi game mượt mà, chính xác của game thủ, mang lại lợi thế tối đa trong các tựa games cần phản xạ nhanh. 

Đặc biệt, máy còn có một viền cao su bao quanh màn hình để giảm thiểu hỏng hóc, thiệt hại khi đánh rơi máy, khi đóng nắp máy lại, mà còn tăng thêm độ mỏng của khung viền cho cảm giác sống động hơn. Viền 3 cạnh mỏng, nên không bố trí cụm camera vào được, hãng Asus đã nhét nó ở sát cạnh dưới, dù không quá ảnh hưởng tới việc sử dụng, nhưng vui 1 chút là nếu bạn nào hay chat video, thì lên camera mặt sẽ bị mập !! 



Nhìn chung, màn hình của máy có độ sáng cao so với 1 màn hình laptop (trung bình là 300 nits), góc nhìn rất rộng là 178 độ, và màu sắc hiển thị khá chính xác, có độ tươi, rõ nét.  Vì thế các bạn còn có thể sử dụng Asus ROG Strix Scar II để chỉnh sửa hình ảnh, biên tập video (trong điều kiện phòng kín nhiều ánh sáng đèn phức tạp, các thông số tương đối về màn hình của máy mình đo được là: độ phủ màu sRGB 89,9%, và 65,7% màu AdobeRGB).

  




 
Đến với nhu cầu chơi game, việc sở hữu tần số quét rất cao là 144Hz trong điều kiện sử dụng bình thường sẽ khó thấy được sự khác biệt, thế nhưng khi chơi các tựa game có tốc độ chuyển cảnh nhanh (nhất là các tựa game bắn súng FPS, hành động, đua xe) thì công nghệ này lại rất cần thiết để chống hiện tượng xé hình, gây khó chịu, thường gặp trên các màn hình tiêu chuẩn (tần số quét chỉ 60Hz).


Theo chia sẻ của Asus, trước đây hãng chỉ tập trung phát triển chất lượng của cổng Ethernet, nhưng sau đó họ nhận ra rằng, ngày càng nhiều game thủ chơi game với mạng wifi vì độ tiện dụng của nó. Chính vì vậy mà ROG Strix Scar II, mặc dù có cổng mạng Lan / ethernet, vẫn được trang bị đến 4 ăng-ten wifi ac (802.11ac Wave2 với tổng băng thông cao hơn), gấp đôi so với laptop thông thường, để đảm bảo độ ổn định kết nối khi chơi game. Công nghệ Range Boost của ASUS cũng tăng tầm bắt sóng lên khoảng 30%. Một nâng cấp rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm chơi game. 

 

Cấu hình hai tùy chọn card đồ họa
Về mặt cấu hình thì Asus ROG Strix Scar II sử dụng chip i7-8750H, tương tự với mẫu laptop Asus ROG Zephyrus M và 1 số mẫu laptop tầm trung khác, mà mình đã từng đánh giá, nên trong bài viết này mình sẽ không nói quá sâu về hiệu năng của chiếc Scar II, các bạn có thể xem thêm các bài test, điểm số đánh giá qua các hình ảnh bên dưới. 
Scar II có 2 phiên bản sử dụng card GTX 1060 6GB và 1070 8GB, phiên bản máy mình có ở đây là 1060, phiên bản kia ngoài khác về card đồ họa thì thiết kế tương tự, cùng tùy chọn nâng cấp ổ cứng SSD và SSHD. 

Thông tin cơ bản về cấu hình



2 ổ cứng trong máy





Đánh giá hiệu năng CPU qua Geekbench 4











Đánh giá hiệu năng GPU qua Geekbench 4
 


Điểm số hiệu năng Đa nhân và Đơn nhân
 





1 số đánh giá Benchmark 
 











Điểm hiệu năng qua bài test PCMark 10





Điểm hiệu năng qua 3DMark
Fire Strike Ultra 



Time Spy Extreme





 


Chơi game

Với 1 chiếc laptop gaming tầm trung cao cấp như ROG Strix Scar II, thì chắc chắn các bạn game thủ rất háo hức muốn biết trải nghiệm chơi game như thế nào. Sở hữu cấu hình tốt, trải nghiệm chơi game, nhất là các tựa game bắn súng FPS trên màn hình tần số quét 144Hz, tốc độ phản hồi 3ms quá tuyệt vời.

Những hoạt cảnh trong game từ chuyển động của nhân vật, lá cây đung đưa trong gió, ánh nắng đổ bóng, các hiệu ứng cháy nổ, tia lửa khi va chạm xe, cho đến việc lia súng để tiêu diệt đối phương rất mượt mà, mang đến trải nghiệm sướng hơn rất nhiều so với tấm nền tần số quét 60Hz thông dụng hiện nay. 

Dưới đây là thông số FPS và nhiệt độ CPU, GPU của máy mà mình test được với một vài tựa game đặc sắc, giúp các bạn có thể nhìn nhận khách quan hơn về khả năng của máy. Để đo tỉ lệ khung hình chính xác thì trên con ROG Strix Scar II này, mình đã tắt V-Sync trong game.


Game Far Cry 5 
đầu tiên test bằng tính năng benchmark tích hợp sẵn trong game
Độ phân giải FHD, mức đồ họa High: khung hình tối thiểu 48 fps, tối đa 76 fps, trung bình 63 fps 
Độ phân giải FHD, mức đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 42 fps, tối đa 68 fps, trung bình 58 fps





Thực tế trong game Far Cry 5 
 
Độ phân giải FHD, mức đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 42 fps, tối đa 68-70 fps, trung bình 53-55 fps






Game PUBG (PlayerUnknown's Battlegrounds)

Độ phân giải FHD, mức đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 38 - 40 fps, tối đa 76 fps, trung bình 48 - 55 fps










Game CS:GO ( Counter Strike : Global Offensive) 

Độ phân giải FHD, mức đồ họa cao nhất là High: khung hình tối thiểu 90 fps, tối đa 180-190 fps, trung bình 120-130 fps





Game Need for Speed: Pay Back

 






Game Rise of Tomb Rider

 Độ phân giải FHD, mức đồ họa High: khung hình tối thiểu 55 fps, tối đa 80 fps, trung bình 60 - 72 fps







Game Rise of Tomb Rider

 Độ phân giải FHD, mức đồ họa Very High: khung hình tối thiểu 45-48 fps, tối đa 66-70 fps, trung bình 50-52 fps








Game Overwatch

Độ phân giải FHD, mức đồ họa High: khung hình tối thiểu 80-84 fps, tối đa 105-110 fps, trung bình 90 - 97 fps







Tản nhiệt 

Chơi game trên 1 chiếc máy mỏng nhẹ như thế này, chắc hẳn điều các bạn quan tâm đó là khả năng tản nhiệt
Để làm mát hiệu quả cho cấu hình cao trong máy, ROG Strix Scar II sử dụng hệ thống tản nhiệt HyperCool Pro với nhiều tính năng cao cấp như: 2 quạt 12V mạnh mẽ với lưu lượng khí cao hơn 43% so với quạt 5V bình thường; hỗ trợ khả năng chống bụi, giúp tăng cường độ ổn định và độ bền hệ thống qua thời gian; 3 khe tản có kích thước lớn với nhiều lá đồng siêu mỏng. 

Mặc định là hệ thống tản nhiệt sẽ tự động chạy, và chuyển đổi chế độ quạt tùy theo điều kiện sử dụng của người dùng. 

Với tổ hợp phím Fn + F5, hoặc vào ROG Gaming Center, người dùng cũng có thể dễ dàng chọn các chế độ quạt phù hợp, với độ ồn và khả năng làm mát khác nhau như: Silent (yên tĩnh), Balanced (cân bằng), Overboost (làm mát tối đa).



Khi so sánh với quạt 5V truyền thống, quạt 12V được sử dụng trong máy tính xách tay SCAR II nhanh hơn 20%, cung cấp thêm luồng khí 42,5% và tạo thêm 92% áp suất không khí, để không khí mát có thể bay vào vây làm mát bằng hợp kim đặc biệt nằm trong mặt sau của máy. Với thiết kế vây chỉ dày 0,1mm, vùng tiếp xúc tăng 10% và khả năng chống không khí giảm 7% để đạt được hệ thống làm mát cao cấp.

Tất nhiên quạt mạnh hơn thì cũng kêu to hơn, nhiệt độ qua các bài stress test luôn được giữ mức ổn định, chỗ nóng nhất là khe tản nhiệt phụ bên trên. 
Nhiệt độ của CPU và GPU, ở mức 88 - 95 độ C, cao nhất là 98 độ C ở chế độ cân bằng (balanced), còn nếu các bạn bật overboost lên thì chỉ còn 75 – 80 độ C mà thôi.

Nhiệt độ ban đầu của máy 





Stress Test CPU và GPU 






Stress Test CPU và GPU 







Stress Test CPU qua FurMark



Stress Test GPU qua FurMark






ROG Gaming Center

Qua  ROG Gaming Center, bạn có thể truy cập vào tất cả các chức năng cần thiết trên một bảng điều khiển đơn - tìm thông tin hệ thống (tốc độ và nhiệt độ CPU, GPU và bộ nhớ), thiết lập ánh sáng AURA RGB, xác định phím nóng cho các lệnh trong trò chơi nhanh hơn, điều chỉnh cài đặt âm thanh hoặc ghi lại gameplay...






Ngoài ra, công nghệ ROG GameFirst V tối ưu hóa lưu lượng mạng cho trò chơi trực tuyến, livestream, chia sẻ dữ liệu,.. nhanh hơn và không bị giật lag. Tùy chọn chuyển đổi, điều chỉnh tốc độ quạt với 3 mức qua OverBoost. Điều khiển chế độ hiển thị GameVisual có được trải nghiệm hình ảnh tốt hơn (cung cấp các chế độ cài sẵn cho những nhu cầu game thủ như FPS, RTS / RPG, sRGB, Đua xe,..).







Sonic Studio III tăng cường âm thanh, hỗ trợ khả năng ghi âm và phát trực tuyến của máy. Game thủ có thể điều chỉnh các chế độ âm thanh, chẳng hạn như tăng âm trầm, tăng cường giọng nói và tăng treble. Cải thiện chất lượng âm thanh của micrô, chẳng hạn như giảm nhiễu, ổn định giọng nói và tắt  âm thanh….

Chất lượng âm thanh của Scar II theo mình ở mức tốt với mục đích chơi game, các chi tiết âm thanh như tiếng súng, bước chân, hiệu ứng cháy nổ,... được khắc họa khá chân thực, và tạo cảm giác định hướng không gian cho người chơi. Tuy nhiên, nếu dùng để nghe nhạc, thì độ chi tiết của các dải âm trên chiếc máy này, sẽ khó làm thỏa mãn tai nghe của bạn đâu.



Và còn nhiều điều trong ROG Gaming Center để các bạn khám phá và trải nghiệm nữa, ví dụ như Sonic Radar III. 


Sonic Radar III

Đối với những người chơi game FPS, ngoài việc chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trên màn hình, điều quan trọng không kém là lắng nghe, và phán đoán hướng đối phương tấn công.
Thông qua mô phỏng phần mềm, Asus ROG giới thiệu tới các game thủ Sonic Radar III, là radar để hiển thị các hiệu ứng âm thanh. Âm thanh trong trò chơi được phân tích bằng các thuật toán đặc biệt, sau đó được hiển thị trên một radar để các game thủ có thể dễ dàng biết được âm thanh đến từ đâu.Từ đó tính toán và đưa ra phương án hành động, chủ động đối phó. 



Khi Sonic Radar III được kích hoạt, nó sẽ quét tìm các trò chơi được hỗ trợ. Phần mềm này có khả năng tính toán hướng của âm thanh trong trò chơi nếu trò chơi hỗ trợ âm thanh 5.1 (ví dụ như PUBG, CSGO,..) 
Một số ý kiến cho rằng đây là hành vi “hack game”, hay “cheat game”,…tuy nhiên, tính năng này chỉ đơn giản là phân tích và mô phỏng âm thanh của trò chơi. Mình thấy nó hỗ trợ khá đắc lực cho người chơi, mang lại thế chủ động trong cuộc chơi, nhưng khi quá nhiều thứ xuất hiện trên màn hình, cũng nhức hết cả mắt đấy ! 



Pin
 

Pin trâu chắc chắn chưa bao giờ là điểm mạnh của các dòng laptop gaming nói chung, và ngay cả ROG Strix Scar II GL504GM cũng vậy, nhất là khi máy lại dùng dòng CPU hiệu năng cao của Intel. Mình ngồi chơi CS:GO khoảng hơn 2 tiếng thì máy bắt đầu báo pin yếu và cần sạc, các game nặng như Far Cry 5, GTA ,.. thì chỉ trụ lại khoảng trên dưới 1 tiếng. Nếu sử dụng với những tác vụ văn phòng bình thường như word, excel, xem phim HD 1080, nghe nhạc... thì máy có thể cho thời gian sử dụng được tới 4 tiếng hơn.


Tuy nhiên, nói gì nói thì các bạn vẫn cần vừa cắm sạc vừa sử dụng, bởi khi đó Strix Scar II sẽ được cung cấp đầy đủ điện năng và cho trải nghiệm khi chơi game sẽ tốt hơn. Bằng chứng là khi chơi các tựa game FPS, nếu mình không cắm sạc thì FPS sẽ bị tụt khá thê thảm, còn khi đã cắm sạc thì FPS lên tới ngưỡng 180 - 200 trong CS:GO là chuyện bình thường.


Kết luận


Asus ROG Strix Scar II (GL504GM) là một chiếc laptop gaming sở hữu thiết kế rất đẹp mắt, mỏng nhẹ trong phân khúc laptop màn hình 15,6 inch. Sức mạnh phần cứng, các công nghệ mới tối ưu được áp dụng, cũng như màn hình tần số quét cao, tốc độ phản hồi nhanh là một điểm cộng rất lớn để người dùng quyết định lựa chọn sử dụng chiếc máy này. Còn các bạn nghĩ sao ? Điểm gì trên chiếc máy này gây ấn tượng với các bạn ? Sản phẩm chuẩn bị có hàng sẵn tại cửa hàng Techzones, các bạn có thể đến và trải nghiệm thực tế ROG Strix Scar II, với 2 phiên bản card GTX 1060 và 1070. Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này. 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        Techzones / HảiArt666