Đánh giá LG gram 14": rất nhẹ, viền mỏng, hiệu năng tốt, pin rất trâu, giá 28,2 triệu đồng

Dòng laptop siêu mỏng nhẹ Gram của LG sẽ được bán chính hãng tại Việt Nam với 3 cỡ màn hình gồm 13", 14" và 15". Phiên bản mình giới thiệu đến anh em trong bài này là 14" (mã Z970-G) trọng lượng chưa đến 1 kg, sở hữu màn hình đẹp, viền mỏng, cấu hình văn phòng và thời lượng sử dụng pin rất lâu. Mời anh em xem chi tiết:

LG không chỉ làm điện thoại hay đồ gia dụng mà hãng này cũng sản xuất laptop nhưng chủ yếu bán tại Hàn Quốc. Gram là dòng laptop đầu tiên được LG đem ra thị trường quốc tế vào năm 2015. LG Gram thuộc hàng Ultrabook với trọng lượng chưa đến 1 kg và cũng là một trong những dòng máy sở hữu thiết kế viền mỏng sexy đầu tiên trên thế giới.

Thiết kế:

LG Gram

Một chiếc laptop của LG khiến mình rất tò mò về thiết kế bởi nó rất xa lạ, ít ra Samsung còn quen hơn. LG Gram sở hữu một cái thiết kế cực kỳ đơn giản với vẻ ngoài không có yếu tố gì nổi bật. Phiên bản 14" này chỉ có một màu sắc duy nhất là xám tối, góc trên cùng bên phải nắp máy có logo LG mạ chrome nhưng cũng khá chìm. Nếu chỉ nhìn sơ qua thì bạn khó mà biết cái laptop này của hãng nào.

LG Gram

Thiết kế viền mỏng nên LG Gram 14" có form như máy 13". Kích thước các cạnh là 32,3 x 21,2 cm và dày 1,45 - 1,67 cm. Với form máy này cùng với trọng lượng chỉ 970 g thì LG Gram có tính di động rất cao, bỏ trong balo hầu như không cảm giác được có cái máy bên trong.

LG Gram

Trọng lượng nhẹ có được nhờ chất liệu chế tạo vỏ máy của Gram, cụ thể là hợp kim Magnesium Carbon Nano. Magnesium là giải pháp "giảm cân" mà nhiều hãng sản xuất laptop sử dụng, điển hình như Microsoft với dòng Surface. Dĩ nhiên cảm giác sờ vào Magnesium rất đặc trưng, đó là thô ráp, hơi rít chứ không mượt như bề mặt anodize của nhôm. Nếu anh em đang dùng Surface thì cảm giác tương tự.

LG Gram

Thêm vào đó hợp kim Magnesium mà LG sử dụng dù có độ bền cao nhưng khá dẻo, cầm màn hình và ấn nhẹ là cong. Do đó khi sử dụng LG thì mình không có cảm giác cao cấp và chắc chắn như chất liệu nhôm xử lý anodize của MacBook hay XPS 13.

LG Gram

Các cổng kết nối trên LG Gram rất đầy đủ với 2 x USB 3.0 (USB-A), 1 x USB 3.0 (USB-C) (không hỗ trợ Thunderbolt 3), HDMI, jack âm thanh 3,5" và khe đọc thẻ microSD. LG Gram dùng cổng sạc chân kim và cổng USB-C cũng hỗ trợ sạc luôn. Trang bị này rất tiện nhưng tại sao LG không bỏ luôn cổng sạc riêng cho đỡ rườm rà? LG có tặng kèm một chiếc adapter USB-C ra LAN để anh em dùng mạng dây khi cần.

LG Gram

Phần bản lề của LG Gram được chế tạo rất rất tốt, mình có thể mở màn hình bằng một tay và cảm giác mở rất mượt. Tuy nhiên điểm mình buộc phải chê trên thiết kế bản lề này là phần ốp bên ngoài hoàn thiện rất chán.

Màn hình và âm thanh:

LG Gram

Màn hình 14" của LG Gram Z970-G có thiết kế viền mỏng, viền trên là 8,9 mm và viền 2 bên 5,9 mm, dày hơn đôi chút so với Dell XPS 13 (5,2 mm), HP Spectre x360 (5,45 mm) nhưng vẫn mỏng hơn nhiều dòng laptop viền mỏng khác như ASUS Zenbook 3 (7,6 mm), ASUS Zenbook UX430 (7,18 mm).

LG Gram

Mặc dù không phủ kiếng tràn viền nhưng màn hình của LG Gram 14" lại được hoàn thiện kiểu glossy với bề mặt bóng. Ưu điểm của kiểu màn hình glossy là mang lại sự trong trẻo, hấp dẫn hơn so với bề mặt nhám matte nhưng nhược điểm là phản chiếu mạnh. Tuy nhiên, LG có trang bị tính năng Daylight cho màn hình, đẩy độ tương phản lên giúp quan sát tốt hơn khi sử dụng ngoài trời, khá giống tính năng ClearBlack trên điện thoại Lumia hồi xưa.

LG Gram

Trải nghiệm sơ lược với màn hình của LG Gram 14" thì mình nhận thấy chất lượng hiển thị của màn hình rất tốt. Kiểm ta nhanh bằng AIDA64 và đo thử bằng Spyder4Elite thì tấm nền LG trang bị cho Gram 14" có mã LP140WF7, mình có kiểm tra màn hình này cũng được Lenovo sử dụng cho dòng Yoga 710-14IKB bán tại một số thị trường nước ngoài.

LG Gram

Màn hình có độ phân giải FHD 1920 x 1080 px, tỉ lệ 16:9, như vậy mật độ điểm ảnh là 157 ppi với màn hình 14". Độ mịn khá cao nhưng vẫn có thể thấy được điểm ảnh khi quan sát ở cự ly gần.

LG Gram

Độ sáng màn hình tối đa là 327 nit, cao hơn mức sáng được xem là tiêu chuẩn trên màn hình laptop là 300 nit và ở độ sáng tối đa thì độ tương phản màn hình đạt 650, ở 50% thì tương phản 570 và ở 0% thì độ tương phản đến 23720. Với black level là 0.5 thì màn hình của LG Gram 14" mang lại trải nghiệm rất hút mắt, màu đen rất đen và sâu, rất phù hợp để giải trí với phim ảnh. Độ bao phủ dải màu đạt 74% AdobeRGB, 68% NTSC và 93% sRGB mang lại màu sắc tươi và thực.

Độ chênh sáng và sai lệch màu sắc giữa các vùng màn mình cũng không đáng kể. Tuy nhiên độ chính xác màu sắc theo thang Delta-E của màn hình lại khá cao đối với một số màu sắc thuộc vàng, đỏ và cam, Delta-E đến 12 tức mắt bạn có thể nhận ra rõ ràng sự khác biệt khi so với màu chuẩn. Mặc dù vậy các màu sắc khác đều có Delta-E thấp hơn, dưới 6 và trung bình là 3,64. Với tỉ lệ này thì màn hình của LG Gram hợp với giải trí phim ảnh hơn bởi màu sắc tươi, bắt mắt nhưng chỉnh sửa ảnh hay vẽ vời sẽ sai màu nhiều.

LG Gram
LG Gram

Webcam được tích hợp luôn vào giữa bản lề đi kèm với 2 mic, vị trí này lần đầu tiên mình thấy trên một chiếc laptop, thường thì nằm trên viền màn hình, viền trên hoặc viền dưới. Vị trí này khiến góc quay ít linh hoạt hơn đôi chút nhưng nếu bạn sử dụng ở các tư thế thông thường thì không thành vấn đề. Chất lượng của webcam cũng rất kém, nhiễu hạt và bị quá sáng.

LG Gram

LG Gram 14" được trang bị 2 loa tại đáy, công suất mỗi loa 1 W và chất lượng âm thanh được tăng cường bằng phần mềm DTS Audio. Âm lượng đầu ra của cặp loa này trung bình là 78 dB, rất lớn đối với một chiếc Ultrabook. Thêm vào đó phần mềm DTS Audio bổ sung nhiều tùy chỉnh rất hay, chẳng hạn như Surround Sound - giả lập âm thanh vòm, khi mở thì âm thanh vang hơn, độ lớn cũng tăng đến 87 dB mang lại trải nghiệm xem phim thú vị hơn.

Bàn phím và bàn rê:

LG Gram

Nội thất của LG Gram khá đẹp, vẫn là chất liệu hợp kim Magnesium nguyên khối với bàn phím đen, kích thước phím bấm lớn với kích thước 16 x 16 mm cho các phím chính. Hành trình phím khoảng 1,5 mm và cảm giác bấm khá lạ. Kết cấu xương phím cắt kéo với độ nẩy cao, điểm lực rõ ràng và đồng đều trên mọi phím nên cảm giác bấm rất tự tin dù hành trình không quá sâu.

LG Gram

Layout phím được thiết kế hợp lý và thân thiện. Các phím điều hướng dù không to nhưng tách bạch, dễ bấm. Hàng phím Fn được tích hợp thêm nhiều tính năng với biểu tượng được làm màu cam khá đẹp mắt. Nút nguồn cũng được tích hợp vào phần bàn phím nhưng thiết kế "chống bấm nhầm" khi nằm thụt hẳn xuống, bằng với bề mặt vỉ phím và có đèn LED báo trạng thái. Nói tới đèn thì bàn phím cũng có đèn backlit với 2 mức sáng.

LG Gram

Bàn rê của LG Gram 14" cũng rất chất lượng với kích thước 10,2 x 6,8 cm khá lớn, cho phép chúng ta thao thác nhiều ngón tay thoải mái. Bề mặt bàn rê được phủ kiếng, bề mặt sần mịn giảm thiểu ma sát giúp di trỏ chuột dễ hơn và thực hiện cử chỉ trên Windows 10 chính xác hơn. 2 phím chuột được tích hợp dưới bàn rê và có độ nẩy cực tốt, phải nói là tốt nhất và có cảm giác nhất mà mình từng dùng trên những chiếc Ultrabook chạy Windows. Khi nhấn xuống phím chuột phát ra tiếng click rõ ràng nhưng không quá ồn.

Điều đáng tiếc là bàn rê này không dùng driver Microsoft Precision Touchpad nên nhiều thao tác không được mượt, chẳng hạn như thao tác phóng to thu nhỏ trên trình duyệt rất khựng dù đã thử với Microsoft Edge.

Hiệu năng:

LG Gram

Về cấu hình, LG Gram 14" Z970-G được trang bị cấu hình như sau:

  • CPU: Intel Core i5-7200U (Kaby Lake) 2 nhân 4 luồng, tốc độ 2,5 - 3,1 GHz, 3 MB Cache, TDP 15 W;
  • GPU: Intel HD Graphics 620;
  • RAM: 8 GB DDR4-2133 MHz;
  • SSD: 256 GB SanDisk M.2 SATA;
  • Kết nối: Bluetooth 4.1, Intel Dual Band Wireless-AC 8265 (2x2), LAN (kèm adapter USB > RJ45);
  • Pin: Li-Po 4 cell 60 Wh;
  • OS: Windows 10 Home Single Language 64-bit (bản quyền).

 

Với cấu hình này thì LG Gram mang lại hiệu năng khá tốt, dĩ nhiên là dành cho người dùng văn phòng. Mình kiểm tra trên trang LG Việt Nam thì đối với phiên bản Gram 14" chỉ có tùy chọn Core i5-7200U, trang LG Mỹ thì có Core i7. Core i5-7200U là con CPU tiết kiệm điện năng rất phổ biến trên các dòng laptop văn phòng năm nay. 3,1 GHz tốc độ Turbo Boost, qua các bài test thì CPU có thể đạt tối đa 3,092 GHz và xung nhịp này có thể duy trì ở mức ổn định 3,06 đến 3,09 GHz.

PCMark Ultrabook Core i5 (2017)

LG Gram

Thử nghiệm với PCMark, LG Gram đạt điểm số rất cao so với nhiều mẫu máy dùng Core i5-7200U. Lợi thế của LG Gram là 8 GB RAM DDR4-2133 MHz nhưng máy chỉ có 1 khe SO-DIMM, thành ra bạn không thể gắn thêm RAM để chạy kênh đôi. Tuy nhiên, điểm yếu của LG Gram là ổ SSD SATA AHCI thay vì PCIe NVMe. Ở tầm giá 28 triệu này thì chúng ta hoàn toàn có quyền đòi hỏi một chiếc ổ SSD xịn hơn.

Tốc độ ổ cứng là 537 MB/s đọc và 350 MB/s ghi tuần tự Q32T1, tốc độ truy xuất 4 Kb ngẫu nhiên là 151 MB/s đọc và 233 MB/s ghi Q32T1. Nếu LG trang bị cho máy ổ dùng giao tiếp PCIe NVMe thì hiệu năng của LG Gram sẽ còn cao hơn nữa. Liệu có thể nâng cấp ổ M.2 PCIe 3.0 x4 NVMe? Mình đã kiểm tra và LG Gram không hỗ trợ chuẩn ổ này.

3DMark Ultrabook Core i5 (2017)

LG Gram

Về khả năng xử lý đồ họa, LG Gram dùng GPU tích hợp Intel HD Graphics 620 theo CPU Core i5-7200U. Hiệu năng đồ họa của con GPU này dĩ nhiên chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu giải trí cơ bản, chơi game online với thiết lập đồ họa thấp. Thử benchmark với 3DMark thì LG Gram cho thấy hiệu năng ngang nửa với các mẫu máy trong bảng so sánh trên. Mặc dù vậy, một số nội dung thì LG Gram lại cho điểm số thấp hơn đôi chút do thiết lập RAM chạy đơn kênh.

Trải nghiệm của mình trên LG Gram cũng tương tự như những chiếc Ultrabook chạy Core i5-7200U khác. Tốc độ xử lý như nhau nhưng khả năng đa nhiệm tốt hơn nhờ dung lượng RAM lớn, mình có thử chơi game như LoL, Paladins trên chiếc máy này và nó đáp ứng được với thiết lập cấu hình thấp để đạt được khung hình cao. Nhưng có một điều mình thật sự lo ngại…

Nhiệt độ và pin:

LG Gram khi sử dụng văn phòng thông thường rất mát mẻ với nhiệt độ bề mặt như tại khu vực chiếu nghỉ tay chỉ 31 độ, vùng phím giữa nóng nhất 37 độ và các cùng xung quanh xê dịch từ 33 đến 35 độ C. Nhiệt độ đáy máy cũng khá lý tưởng với khoảng 35 - 36 độ C, bạn có thể đặt máy trên đùi để sử dụng mà không khó chịu.

Tuy nhiên, hệ thống tản nhiệt của LG Gram với 1 quạt nhỏ và 1 ống đồng cũng rất nhỏ và ngắn khiến CPU nhanh chóng bị quá nhiệt. Chỉ cần mở trình duyệt web như Chrome và duyệt vài ba tab là nhiệt độ CPU từ trạng thái nghỉ 45 độ C lên trên 50 độ C và khi mở YouTube để xem video thì nhiệt độ CPU chạm ngưỡng 60 độ C. Điều đáng chú ý là nhiệt độ trồi sụt liên tục, mình theo dõi khi duyệt web thì nhiệt độ tối đa của CPU là 67 độ C, rồi tụt xuống 63 độ C nhưng sau đó lại tăng.

LG Gram

Mình thử kiểm tra bằng AIDA64 thì phát hiện hệ thống tản nhiệt hoạt động khá lạ, đó là khi phát hiện CPU vượt ngưỡng 85 độ C, quạt có vẻ như chạy nhanh hơn khi mình nghe được tiếng quạt và nhiệt độ CPU giảm xuống mức 75 độ C. Thế nhưng sau đó quạt lại chạy chậm đi, nhiệt độ CPU tăng trở lại mức 87 - 88 độ C, lại throttle và lần này lại throttle lâu hơn. Quạt lại được kích trở lại và mãi gần 1 phút sau nhiệt độ mới giảm xuống mức 73 độ C. Và điệp khúc cũ tái diễn. CPU ở giai đoạn throttle rớt xung xuống còn 2,6 GHz. Như vậy chúng ta nên sử dụng LG Gram với các tác vụ văn phòng nhẹ nhàng là chính, chơi game nhiệt độ CPU có thể lên đến 90 độ C (Tj 105 độ C) không an toàn. Dĩ nhiên LG Gram không phải là dòng máy để chơi game nên mình chỉ khuyên anh em vậy thôi nếu mua.

LG Gram 14" được trang bị cục pin dung lượng đến 60 Wh - rất lớn đối với một chiếc máy mỏng nhẹ. Thời lượng sử dụng pin thuộc loại dài hơi nhất trong số những chiếc Ultrabook mà mình từng dùng qua. Bên cạnh các chế độ pin thông thường của Windows 10 thì LG có một profile pin riêng được gọi là LG All-Day Mode. Mình thử nghiệm với các thiết lập sau:

  • PCMark 8 Home chạy ở chế độ pin Balanced Mode, mô phỏng điều kiện làm việc thông thường như lướt web, soạn thảo văn bản, chỉnh sửa hình ảnh, gọi video, chơi game nhẹ với độ sáng màn hình 75% > 6 giờ 23 phút.
  • Xem phim online bằng Chrome với 1 tab, phân giải FHD, chế độ pin LG All-Day Mode âm lượng 100%, độ sáng 75% > mòn mỏi trong 8 giờ 20 phút.
  • Xem phim online bằng Chrome với 1 tab, phân giải FHD, chế độ pin Power Saver, âm lượng 100%, độ sáng 40% > 12 giờ 15 phút.

 

Mình thật sự ấn tượng với thời lượng pin của LG Gram và chiếc máy này có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc của bạn trong hơn nửa ngày. Nếu sử dụng với ít tác vụ hơn và cũng tùy theo chế độ pin thì bạn có thể để cục sạc ở nhà.

Nói đến chuyện sạc thì mặc dù LG Gram trang bị cho máy một cục sạc chân kim nhưng cổng USB-C trên máy cũng hỗ trợ sạc. Đây là một tính năng rất hay bởi bạn có thể tận dụng cục sạc của những thiết bị khác dùng cổng USB-C. Chẳng hạn như mình dùng cục sạc của Innergie 45 W và nó sạc tốt cho chiếc LG Gram này.

Kết luận:

Trong quá trình sử dụng mình có nhiều ấn tượng với LG Gram. Đầu tiên là trọng lượng khó cưỡng của nó, chưa đến 1 kg, rất cơ động nhưng không kém phần chắc chắn với lớp vỏ bằng hợp kim Magnesium. Tiếp theo là màn hình tốt với độ bao phủ dải màu rộng và độ tương phản khá cao hợp với giải trí. Mặc dù có lớp gương phản sáng mạnh nhưng lớp gương này cũng khiến hình ảnh trong trẻo và bắt mắt hơn, rất phù hợp để giải trí bằng phim ảnh. Thiết kế viền mỏng cũng là một điểm cộng. Trải nghiệm gõ phím và bàn rê rất thích tay, các cổng kết nối khá đầy đủ đặc biệt là cổng USB-C đa năng. Mình nghĩ với cấu hình văn phòng và thời lượng sử dụng pin rất lâu thì LG Gram rất phù hợp cho những ai cần tính cơ động cao, nhu cầu làm việc văn phòng thông thường.

LG Gram

Tuy nhiên, LG Gram vẫn có một vài điểm mà mình chưa thích. Nếu xét về thiết kế và hoàn thiện thì LG Gram lại không mang lại cho bạn một cảm giác hay cái nhìn cao cấp như nhiều dòng máy ở cùng phân khúc có thể. Vấn đề nằm ở chất liệu Magnesium, với màu sắc xám này thì chiếc máy không nổi bật, nó chỉ mang lại cảm giác cứng cáp và bền bỉ nhưng thiếu sự sang trọng.

Qua trải nghiệm, LG Gram vẫn vận hành trơn tru, mát mẻ nhưng khuyến cáo anh em không nên ép chiếc máy chạy những tác vụ nặng quá lâu bởi hệ thống tản nhiệt không đủ sức làm mát CPU trong thời gian dài. Với những tác vụ văn phòng thì mình nghĩ không thành vấn đề. Một điểm nữa là ở tầm giá 28 triệu này, LG Gram không được trang bị các tính năng như bảo mật vân tay, một thứ mà giờ đây đã bắt đầu xuất hiện phổ biến hơn trên laptop từ phân khúc trung cấp. Thêm vào đó là mình rất ghét vị trí của webcam bởi chỉ cần mở góc hẹp tí là bị che khuất một phần vì thân máy. Viền màn hình phía trên vẫn dày nhưng LG không đặt webcam.

Điểm mình thích:

  • Trọng lượng rất nhẹ, gọn, vỏ bằng chất liệu bền;
  • Màn hình đẹp, giải trí tốt, viền mỏng, có thể mở nắp bằng một tay;
  • Bàn phím gõ thích, layout tiện dụng;
  • Bàn rê đa điểm mượt, 2 phím chuột tách bạch;
  • Đầy đủ các cổng kết nối, USB-C hỗ trợ sạc rất tiện;
  • Hiệu năng tốt;
  • Pin rất lâu;
  • Có Windows 10 bản quyền.

 

Điểm mình chưa thích:

  • Vẻ ngoài không cao cấp;
  • Webcam đặt tại vị trí chưa phù hợp;
  • Bàn rê không hỗ trợ driver Precision Touchpad nên nhiều thao tác đa điểm bị khựng;
  • Ổ SSD tốc độ không cao, đáng ra nên PCIe NVMe;
  • Hệ thống tản nhiệt hoạt động chưa hiệu quả với các tác vụ chiếm nhiều tài nguyên CPU;
  • Không có cảm biến vân tay, rất đáng tiếc;
  • Giá bán cao.

 

Theo: Tinhte