Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Strix Scar như nhiều bạn đã biết là tên của 1 dòng laptop gaming cao cấp và nổi tiếng của thương hiệu Asus ROG. Trong khoảng 4-5 năm gần đây các thế hệ sản phẩm Strix Scar đã và đang tạo được nhiều ấn tượng tốt với người dùng bởi: thiết kế vẻ ngoài mang nhiều sự đột phá và sáng tạo mới, cấu hình luôn được cập nhật những trang bị mới nhất theo từng giai đoạn, cùng với đó là những cải tiến và nâng cấp về các công nghệ bổ trợ, nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất, phê nhất cho người dùng nói chung, và nhất là anh em game thủ nói riêng.

Tiếp đà phát triển đó, trong năm 2022 này chúng ta sẽ có mẫu Asus ROG Strix Scar 15 2022 (mã G533ZM-LN013W), hiện đang được bán tại cửa hàng Techzones với mức giá gần 54 triệu đồng (thời điểm tháng 04/2022). Câu hỏi đặt ra là mẫu laptop gaming mới nhất thuộc dòng Strix Scar này sẽ có những đặc điểm nổi bật gì ấn tượng, và đột phá để tương xứng với mức giá trên? Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài đánh giá nhanh dưới đây của Techzones.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Tổng thể không nhiều khác biệt, nhưng thiết kế vẫn rất ấn tượng và có độ hoàn thiện cao của ASUS ROG Strix Scar 15 2022

Ngôn ngữ thiết kế của dòng laptop gaming Strix Scar nhìn chung trong những năm trở lại đây luôn gây được nhiều sự thu hút, và thích thú cho game thủ. Dù có thể vẻ ngoài của nó sẽ không hợp mắt, hợp gu với một số anh em yêu thích style tinh tế, sang trọng và lịch lãm, nhưng mình vẫn đánh giá cao tư duy đột phá và sáng tạo của hãng Asus.  

Asus ROG Strix Scar 15 2022 vẫn mang trên mình các chi tiết đặc điểm quen thuộc: đường cắt xéo đặc trưng trên phần nắp máy (mặt A) và trên khung bàn phím (mặt C), lớp vỏ ngoài được làm từ chất liệu hợp kim nhôm và magie, với chất lượng hoàn thiện cao, chắc chắn và cứng cáp. Logo ROG có thể thay đổi màu Led, bản lề dạng đôi cho thao tác đóng mở nắp máy nhẹ nhàng và mượt mà, uyển chuyển, dải Led RGB đẹp mắt và nổi bật chạy dọc xung quanh mặt trước phần đáy máy, cũng như vẫn có thêm dải led nhỏ ở mặt đáy của viền dưới khung màn hình….Bên cạnh đó thì phiên bản của năm 2022 cũng sẽ một vài điểm thay đổi để người dùng có thể phân biệt với các thế hệ trước đó, cả ở vẻ ngoài lẫn ở mặt trong, và mình sẽ liệt kê nhanh bên dưới đây để các anh em biết:

- Đầu tiên là ở nắp máy (mặt A), chúng ta sẽ không có 2 phần tách biệt nhau bởi đường cắt xéo như bản 2021, trên bản 2022 đơn giản chỉ là một bề mặt được làm nhẵn và sơn nhám mờ, trên đó có hai đường gạch chéo song song nhau, ở giữa hai đường này có vô số các logo ROG, theo mình tìm hiểu thì chi tiết này được hãng gọi là đường chỉ ROG Slash. Ở phần mặt C bên trong cũng có hai đường chéo với logo như mặt A nhưng nổi bật hơn với nền màu trắng mờ. Giờ thì rất dễ dàng để phân biệt Strix Scar 15 2022 với các thế hệ trước nhờ các chi tiết trên. Cá nhân mình vẫn đánh giá cao sự khác biệt từ phần nắp máy của các mẫu Scar trước đây hơn.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

- Logo mắt cú ROG trên phần nắp máy cũng có sự thay đổi nhỏ, đó là hệ thống Led RGB ở logo trên phiên bản 2022 không được phủ hết toàn bộ bề mặt như là bản 2021, mà chúng ta sẽ có Led ở viền bọc xung quanh các chi tiết đường nét của phần logo. Đẹp mắt hay không là tùy thuộc đánh giá mỗi người, riêng mình thì thấy thích kiểu của bản 2022 này hơn, nó có sự thu hút và “ngầu” ở mức vừa đủ ấn tượng, mang lại đúng chất gaming, không cần quá nổi bật.

 - Cụm tản nhiệt lồi ra ở mặt sau quen thuộc với phần ốp máy ở góc có tên gọi Armor Cap tương tự bản 2021, nhưng trên bản 2022 thì miếng ốp này có thêm vài chi tiết thiết kế nhận diện nhỏ trên bề mặt, cộng thêm cảm giác tháo lắp theo mình thấy là dễ và mượt hơn phiên bản cũ. Ngoài ra khi tháo phần ốp này, các bạn có thể thấy được cả một bên phần khung bản lề của Scar 15 G533, và nếu bạn là người thích thử nghiệm, thích tự mày mò làm này làm kia thì chúng ta có thể tra dầu vào đó để phần bản lề vốn đã mượt lại càng mượt hơn!! Tuy nhiên cũng như các thế hệ trước, mình vẫn không thích cụm tản lồi ra có nhiều lỗ nhỏ li ti này cho lắm, vì một phần do nó tạo cảm giác sẽ rất dễ bám bụi và hơi khó để vệ sinh sạch sẽ.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Như các bạn có thể thấy ROG Scar 15 G533 2022 về mặt thiết kế vẫn rất bắt mắt, ấn tượng, lôi cuốn nhưng theo cảm nhận của cá nhân mình, thì thế hệ mới nhất của dòng Scar này chưa mang lại nhiều sự đổi mới sáng tạo, và đột phá như cái cách mà hãng Asus đã từng làm trên các mẫu laptop gaming Scar trước đó nói riêng, cũng như dòng ROG nói chung. 

Bàn phím không còn là phím cơ quang học, trải nghiệm vẫn tốt, gõ phím rất êm.

Chất lượng gia công và hoàn thiện của Scar 15 G533 ở cả mặt ngoài lẫn bên trong mình đánh giá cao, rất hiếm khi có hiện tượng ọp ẹp hay flex xảy ra. Bố cục bàn phím vẫn không có gì thay đổi so với 2 thế hệ trước: khoảng cách giữa các phím khá thoáng, bề mặt phím được làm ôm cong nhẹ và sử dụng lớp chất liệu phủ không bám vân tay, cụm numpad vẫn sẽ được tích hợp chung với phần touchpad, khu vực kê tay khá rộng rãi và thoải mái, bề mặt được xử lý mịn và êm khi đặt cổ tay lên, và cũng hạn chế đi khá nhiều tình trạng bám dấu tay và mồ hôi, không thiếu đó là cụm 5 phím nóng chức năng ở phía trên đầu khu vực bàn phím.

Ở phiên bản mới này, về phần bàn phím thì Asus ROG đã có một sự thay đổi mà mình không biết có nên gọi là “cải lùi” hay không, khi chúng ta sẽ không còn một bàn phím cơ quang học như bản 2021 nữa, và lại là bàn phím chicklet thông thường, tại sao vậy Asus?? Không phải là tệ khi mà gõ thử vẫn ok, êm ái và thoải mái, nhưng với mình thì cái cảm giác gõ nó lại không phê và sướng như trước, không còn cảm nhận xúc giác với các tiếng “tách tách” rõ rệt và thích tai nữa. Nếu mình có điều kiện mua con Scar G533 2022 này thì mình sẽ sắm thêm một bàn phím cơ riêng để gõ, chứ sẽ hạn chế dùng bàn phím chính của máy.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Trang bị led RGB per-key nên việc các phím chuyên dụng cho chơi game như là W A S D không được làm nổi bật (trong suốt hay viền màu) cũng đã không còn là vấn đề phải lo lắng. Các anh em có thể tùy biến tùy chỉnh Led lung linh ở nhiều vị trí trên máy với nhiều hiệu ứng độc đáo theo sở thích bằng phần mềm Armoury Crate. Với 1 số bạn lần đầu tiếp xúc với Scar 15 G533 2022 hay với cả bản 2021 trước đây sẽ mất đôi chút thời gian làm quen bàn phím, do cách sắp xếp phím không phải dạng full size như các mẫu laptop 15,6 inch khác, và 1 số phím chức năng cũng nằm ở các vị trí hơi khác so với bố cục thông thường.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Phần touchpad trên Scar 15 G533 vẫn cho trải nghiệm tốt, các thao tác rê vuốt lướt mượt mà và thoải mái, cảm giác nhấn nhạy, kích thước của phần touchpad theo cảm quan của mình là có tăng lên hơn so với trước. Bề mặt được phủ 1 lớp kính, tay mình dễ đổ mồ hôi nhưng nhận diện cử chỉ vẫn chính xác. Numpad được tích hợp chung với touchpad tương tự như bản cũ mang tới sự tiện dụng và linh hoạt, nhưng mình vẫn đánh giá đây dù sao cũng không phải là lựa chọn tối ưu nhất, bàn phím số bấm vật lý ít nhiều vẫn cho trải nghiệm tốt hơn, bởi thói quen gõ nhấn của phần lớn người dùng, không phải liếc nhìn xuống nhiều như là bàn phím ảo.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Keystone như 1 điểm nhấn độc đáo tạo nên sự khác biệt cho dòng Scar, về khả năng của em ấy thì mình đã từng chia sẻ trước đây qua bài đánh giá mẫu Scar III 2019, cũng như nhiều bài viết trên mạng đã nhắc tới. Chỉ là mình mong muốn cái cục này ở các phiên bản Scar thế hệ tiếp theo trong tương lai có thể làm được nhiều điều hơn thế nữa, ví dụ như là để kích hoạt tính năng ép xung cho máy hoạt động hết công suất, mang lại sức mạnh hiệu năng cao hơn, hoặc có thể đóng vai trò như một ổ cứng rời mở rộng có dung lượng lớn tốc độ cao chẳng hạn,….

Màn hình chất lượng cao với độ phân giải 2K cùng tần số quét 240Hz.

Scar 15 G533 2022 mình đang có trên tay để đánh giá có màn hình sắc nét với độ phân giải 2K WQHD như của bản 2021, nhưng tần số quét đã được nâng cấp lên cao hơn là 240Hz (so với 165Hz của 2021), 2K240Hz cũng là mức thông số khá cao so với mặt bằng chung thời điểm đầu năm 2022 này, nhưng sẽ dần dần trở nên phổ biến trên các dòng laptop gaming cao cấp cũng như cận cao cấp.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Trang bị tấm nền IPS-level chất lượng cao, độ phủ màu của màn hình đo qua Spyder lần lượt là 100% sRGB, 100% DCI-P3, 86% Adobe RGB, độ sáng trung bình là 300 nits, các chỉ số rất tốt kết hợp với tốc độ phản hồi 3ms, màn hình chống lóa và còn có hỗ trợ công nghệ Adaptive Sync. Hứa hẹn đem lại khả năng hiển thị hình ảnh sắc nét, màu sắc sống động với góc nhìn rộng, đáp ứng không chỉ nhu cầu chơi game mượt mà, chính xác của game thủ, mang lại lợi thế tối đa trong các tựa games cần phản xạ nhanh. Mà còn phục vụ cho những nhu cầu giải trí như xem phim, xem youtube đã mắt, và các công việc chuyên môn cần có độ chuẩn màu cao như thiết kế đồ họa, in ấn, chỉnh sửa ảnh và video.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đây không phải là mẫu laptop gaming đầu tiên mà mình được trải nghiệm có sự kết hợp giữa các thông số nổi bật như trên, nhưng nhờ những ấn tượng tốt về mặt cảm quan bên ngoài: thiết kế, bàn phím, led RGB, viền màn hình rất mỏng,…đã tạo cho mình sự phấn khích và háo hức muốn trải nghiệm “ngay và luôn” con Scar 15 G533 2022 này.

Cổng kết nối đầy đủ, hỗ trợ công nghệ mới, và được bố trí hợp lý.

Scar 15 G533 thế hệ mới mang tới cho người dùng đầy đủ các cổng kết nối có thể coi mới nhất và xịn xò nhất hiện nay trên laptop, và tương tự như thế hệ trước trên phiên bản mới này cách sắp xếp vị trí các cổng kết nối vẫn mang lại sự tiện dụng và thoải mái cho người dùng.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Bên cạnh trái chúng ta sẽ vẫn thấy sự xuất hiện của 2 cổng USB type A 3.2 gen 1 và 1 cổng tai nghe kèm mic 3.5mm. Ngoài ra thì ở cạnh sau của máy của máy chúng ta có cổng cắm nguồn, cổng mạng Lan RJ45, cổng HDMI 2.1B, cổng USB-C 3.2 Gen 2 kiêm luôn cổng Displayport 1.4 và hỗ trợ chức năng sạc nhanh Power Delivery, các bạn có thể sạc máy qua cổng này với công suất là 100W. Đặc biệt thay đổi của phiên bản 2022 về cổng kết nối đó là có thêm 1 cổng USB-C nữa thay cho cổng USB-A 3.2 Gen 1 vốn có của bản 2021, và cổng C này có hỗ trợ Thunderbolt 4, giờ thì với Asus ROG Strix Scar 15 G533 các bạn có thể vô tư làm việc đa nhiệm đa tác vụ đa màn hình khi máy có thể xuất ra ít nhất là 3 màn hình bên ngoài.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Nhìn chung sự bố trí cổng kết nối hợp lý đã mang lại một không gian thoáng đãng cho cạnh phải của máy, chúng ta sẽ không có cổng nào ở đây cả, từ đó giúp tránh tình trạng các thiết bị có dây kết nối dài và rườm rà sẽ làm vướng víu tay, cản trở thao tác sử dụng chuột rời.

Scar 15 G533 2022 hỗ trợ kết nối không dây Wi-Fi 6E và Bluetooth 5.2, và vẫn không được trang bị Webcam. Tương tự như nhiều “anh em” trước đây thì máy cũng không được trang bị khe đọc thẻ SD hay micro SD, với các game thủ thì khe này chẳng có gì quan trọng, nhưng với những người có nhu cầu đa dạng như mình là làm mảng media truyền thông, các anh em làm thiết kế, chụp ảnh, quay video,… thì khe đọc thẻ này là cần thiết. Mặc dù có thể mua đầu đọc thẻ rời, cũng như mua webcam rời chất lượng cao, tuy nhiên việc thiếu vắng 2 yếu tố này cũng vô tình thu hẹp lại đối tượng khách hàng của Scar 15 G533.

Cấu hình mạnh mẽ với chip Intel thế hệ 12 mới nhất - Trải nghiệm hiệu năng và chơi game.

Từ khoảng cuối năm 2019 tới giữa năm 2021, nói riêng về mảng cấu hình laptop gaming thì AMD đang cho thấy sự vượt trội hơn Intel về mặt hiệu năng cũng như mức giá thành sản phẩm, ngoài ra dòng chip AMD Ryzen đã được tối ưu hóa để kết hợp tốt hơn với các mẫu card đồ họa rời của đội xanh Nvidia. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, Intel đang trở lại và lợi hại hơn xưa khi giới thiệu ra mắt công chúng dòng chip Intel thế hệ 12 mới nhất Alder Lake trên cả laptop lẫn máy bàn Destop với nhiều cải tiến và nâng cấp giá trị. Cấu hình của chiếc máy mình đang có ở đây cũng là phiên bản đang được bán tại cửa hàng Techzones, chúng ta sẽ có:

  • CPU: Intel Core i7-12700H (14 nhân 20 luồng, bộ nhớ đệm L3 Cache 16MB, mức xung nhịp boost 4,7GHz)
  • RAM: 16GB (2 thanh 8GB DDR5 bus 4800MHz chạy Dual, có thể nâng cấp lên tối đa 64GB)
  • Ổ cứng: SSD 1TB M.2 NVMe PCIe Gen 4
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 3060 6GB GDDR6 (TGP 115W)

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

 Nói về Core i7-12700H thì đây là vi xử lý hiệu năng cao thế hệ 12 Alder Lake mới nhất vừa ra mắt đầu năm 2022 của Intel, và nó sẽ dần dần xuất hiện phổ biến trên các dòng laptop gaming cao cấp trong năm nay. So với thế hệ 11 Tiger Lake-H thì Alder Lake là một bước cải tiến lớn với sự thay đổi về kiến trúc và tiến trình sản xuất, với hiệu năng đơn nhân nhanh hơn 25% và hiệu năng đa nhân nhanh hơn tới 43%. Nó có mức xung nhịp có thể Turbo Boost lên 4,7 GHz (turbo nhân hiệu năng cao: 4.7 GHz, turbo nhân tiết kiệm điện: 3.5GHz), được sản xuất trên tiến trình 10 nm Enhanced SuperFin mà Intel gọi tên là “Intel 7”.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Ram trong máy cũng là một điểm đặc biệt đáng chú ý, có thể coi là đặc biệt thứ 2 sau con chip Intel 12, Scar 15 G533 được trang bị Ram DDR5 thế hệ mới nhất, với tốc bộ bus lên tới 4800MHz, dung lượng 16GB với 2 thanh Ram chạy Dual, có thể nâng cấp lên tới 64GB. Cùng với đó là việc hỗ trợ ổ cứng lưu trữ SSD cũng là thế hệ mới Gen 4 x4, hỗ trợ tối ưu cho người dùng sử dụng ở mọi tác vụ đơn nhân đa nhân từ nhẹ cho tới nặng. Ngoài ra máy còn được cài đặt sẵn Windows 11 bản quyền, thế nên các bạn có thể trải nghiệm và khám phá những tính năng mới, công nghệ mới, ứng dụng phần mềm mới,…được Microsoft hỗ trợ.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Cấu hình trên kết hợp với mẫu card đồ họa rời RTX 3060 6GB với mức TGP mặc định là 115W, có thể được boost lên tận 140W nhờ công nghệ đặc biệt của Asus (ROG Boost), mang lại khả năng chiến tốt mọi tựa game hiện nay với mức khung hình ổn định trên thiết lập đồ họa cao, các anh em sẽ không cần phải quá chú ý tới cấu hình đề xuất! Trải nghiệm chiến game, nhất là các tựa game bắn súng FPS trên màn hình tần số quét cao 240Hz, tốc độ phản hồi 3ms là rất tuyệt vời.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

CHƠI GAME - Hiệu năng chơi game mạnh mẽ

Sau đây là các điểm số FPS trung bình mình ghi nhận được trong quá trình chơi nhanh 2 tựa game yêu thích của bản thân trên Scar 15 G533: Assassin's Creed  Odyssey và God of War, do thời gian mượn máy không được lâu nên mình chưa kịp test nhiều game khác nhau để so sánh mức FPS của nó với những “anh em” chung thương hiệu Asus ROG, cũng như các đối thủ khác cùng phân khúc có cấu hình gần tương đương.

Assassin's Creed  Odyssey, thiết lập đồ họa Ultra High, 2K WQHD, máy chạy chế độ Turbo.  

Mức FPS cao nhất: 100 FPS, FPS trung bình: 62 FPS.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

God of War, thiết lập đồ họa High, 2K WQHD, máy chạy chế độ Turbo.

Mức FPS cao nhất: 90 FPS, FPS trung bình: 55 FPS

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Mình cũng chưa kịp trải nghiệm tính năng thời thượng và đang được quan tâm nhất hiện nay trên các dòng laptop gaming nói chung, và của dòng Asus ROG nói riêng đó là công nghệ MUX Switch, hiểu nôm na đây là công nghệ giúp các anh em game thủ có tắt card đồ họa tích hợp trên CPU (card onboard, iGPU), để sử dụng full hiệu năng của card đồ họa rời GPU, khi bật lên thì GPU rời sẽ xuất hình ảnh trực tiếp lên màn hình thay vì thông qua iGPU tích hợp, giảm độ trễ trong việc xử lý hình ảnh xuống hết mức có thể, mang lại hiệu năng và hiệu suất đồ họa tốt hơn, tăng mức FPS lên khi chơi game từ 10 tới 15%.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Nhìn chung công nghệ mới được áp dụng của Scar 15 G533 2022 này cũng tương tự như chế độ Hybrid Mode của Lenovo Legion 5 2021, nhưng Asus đã mang tới nhiều sự đột phá hơn, với 3 chế độ riêng biệt để người dùng tùy chỉnh cho phù hợp: Eco (tắt hẳn card rời, chạy card on), Standard (card rời kết hợp card on như bình thường), và Optimized (hệ thống tự phân biệt tác vụ nào sẽ cần chạy card nào cho phù hợp), ưu điểm trước mắt dễ thấy nhất của công nghệ mới so với Hybrid mode đó là khi chuyển đổi giữa 3 chế độ các bạn không cần khởi động lại máy. Để tắt card on hoàn toàn thì các bạn có thể chọn Discrete GPU, khi chọn cái này thì sẽ cần khởi động lại máy để thay đổi được áp dụng. Hẹn anh em dịp khác nếu có thể mượn lại chiếc máy này, hoặc các mẫu máy khác có công nghệ tương tự, mình sẽ trải nghiệm và chia sẻ nhiều hơn.

KIỂM TRA HIỆU NĂNG - Kiểm tra và đánh giá hiệu năng qua Benchmark

Tiếp theo mình kiểm tra hiệu năng của Scar 15 G533 2022 qua các phần mềm Benchmark phổ biến: PCMark, 3DMark, Cinebench, Final Fantasy XV Windows Edition Benchmark,...và đây là kết quả:

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Thêm 1 vài điểm số hiệu năng khác của Asus ROG Strix Scar 15 G533 2022:

Corona Benchmark (ver 1.3)

Asus ROG Strix Scar 15 G533 2021 (AMD Ryzen 9-5900HX) Render Time: 0:01:52

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Geekbench 5 (ver 5.4.4)

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

V-Ray Benchmark (ver 5.0.20)

Asus ROG Strix Scar 15 G533 2021 (Ryzen 9-5900HX & RTX 3070 8GB)

V-Ray: 8836 / V-Ray GPU RTX: 1383

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Storage Benchmark (v1.0)

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

3DMark Night Raid

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

CPU Profile (v1.0)

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Bản thân mình với chuyên môn chính là kiến trúc sư thì thường dùng trên laptop 1 số phần mềm như Sketchup, Auto Cad, 3Ds Max, V-Ray,…Với hỗ trợ của công nghệ RTX 3000 series thế hệ mới thì mình dựng hình kỹ thuật, mô phỏng ánh sáng, render phối cảnh,..... tốt hơn nhiều so với dòng card GTX và RTX 2000 series trước đây. Tuy nhiên điều mình muốn chia sẻ ở đây là các anh em nên mua máy khi đã nắm rõ nhu cầu sử dụng của bản thân, khả năng tài chính thế nào,...chứ đừng mua vì nó có hỗ trợ những công nghệ mới thường được quảng cáo chủ yếu cho chơi game và đồ họa.

Trang bị keo tản nhiệt kim loại lỏng và công nghệ Tản nhiệt thông minh

Chơi game trên 1 chiếc laptop cấu hình mạnh, nhiều công nghệ mới đã được đầu tư, có độ dày vào khoảng 2,3cm, thế nên hệ thống tản nhiệt và hiệu quả hoạt động của nó chắc chắn là điều được tất cả các game thủ quan tâm. Trên Scar 15 G533 2022 vẫn được trang bị 2 quạt tản có kích thước và công suất lớn (Arc Flow), mỗi quạt sẽ có 84 cánh với kiểu dáng mỏng hơn trước, tối đa hóa luồng khí lưu thông để giảm tiếng ồn phát ra ở mức thấp nhất có thể (theo tìm hiểu của mình là không vượt quá mức 40dB ở chế độ Performance). Công nghệ Tản nhiệt Thông minh ROG Intelligent Cooling kết hợp với keo tản nhiệt kim loại lỏng hiệu con gấu Thermal Grizzly: Conductonaut Extreme thế hệ mới dành cho CPU, theo thông tin công bố thì đây là loại vật liệu tản nhiệt có hiệu suất cực cao, Conductonaut Extreme có thể duy trì nhiệt độ của CPU mát hơn tới 15°C, gấp 17 lần so với keo tản nhiệt truyền thống, giúp tăng hiệu suất truyền nhiệt từ CPU và GPU ra 6 ống đồng kích thước lớn, cùng sự hỗ trợ từ 4 khe tản nhiệt ở các cạnh của máy.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Phần cụm tản nhiệt gù ở phía sau với vô số các lỗ nhỏ li ti cũng giúp tăng thêm diện tích bề mặt thoát nhiệt, không thể thiếu là thiết kế rãnh dẫn chống bụi, tận dụng lực ly tâm để đẩy bụi ra khỏi các đường ống, hạn chế bụi bẩn bám vào các linh kiện phần cứng bên trong gây nóng máy sau thời gian dài sử dụng, qua đó tăng cường độ bền cho máy.

Trong điều kiện phòng máy lạnh 27 độ, máy ở chế độ turbo, sau khoảng gần 4 tiếng test hiệu năng và chơi game liên tục thì mình ghi nhận nhiệt độ trung bình của CPU rơi vào khoảng 75 – 80 độ C (cao nhất là tầm 85 độ C), còn GPU trung bình vào khoảng 77 độ C, mức nhiệt có thể coi là quá ổn với 1 laptop gaming hiệu năng cao như Scar 15 G533 2022.

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Trong máy vẫn được hãng Asus trang bị công nghệ Dynamic Boost (ROG Boost), giúp hệ thống tự giảm bớt lượng điện áp không cần thiết ở CPU và đẩy qua cho GPU để đạt mức hiệu năng mạnh hơn, “trâu bò” hơn (RTX 3060 trong Scar 15 G533 2022 có mức TGP là 115W + 25W từ công nghệ Dynamic Boost hỗ trợ thêm lên thành 140W), nên mức điện tiêu thụ không đổi, máy không bị nóng hơn nhưng FPS khi chiến game sẽ tăng lên cao hơn. Tùy thuộc vào bài test hiệu năng và tựa game đó có “ngốn” CPU nhiều hay ít, có một số trường hợp thì thậm chí nhiệt độ CPU còn ở dưới 70 độ C, rất mát mẻ!!

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Đánh giá nhanh Asus ROG Strix Scar 15 G533ZM-LN013W

Do thời gian mượn máy không được lâu, thế nên mình chưa kịp test kỹ hơn về nhiệt độ của máy, cũng như khả năng của hệ thống tản nhiệt sẽ có thể tốt hơn trước như thế nào. Thực tế trải nghiệm thì mình thấy dù ở mức hoạt động hiệu suất cao (Turbo) thì hơi nóng thoát ra từ các khe tản không hề bốc về phía tay người dùng, các dãy phím bấm và khu vực kê tay vẫn mát mẻ thoải mái, một phần là nhờ hãng Asus đã thiết kế các lỗ thông khí nhỏ quanh khu vực cụm phím W A S D (hãng gọi là Coolzone), cho phép quạt hút gió thêm vào bên trong và giảm nhiệt độ bề mặt. Điều này rõ ràng đã giúp trải nghiệm sử dụng, trải nghiệm chiến game được thoải mái hơn, đã và sướng hơn rất nhiều. Có 1 số ý kiến cho rằng khe tản nhiệt bên phải sẽ thoát hơi nóng ra phần tay thường dùng chuột rời chơi game của người dùng, nhưng trải nghiệm thực tế của mình thì hơi nóng thoát ra rất ít ảnh hưởng tới bàn tay, hoặc khó tính 1 chút thì cũng không thấy khó chịu nhiều!

Kết luận về Laptop Gaming ASUS ROG Strix Scar 15 2022

Được định hướng tới đối tượng game thủ chuyên nghiệp lẫn bán chuyên trên thể loại game bắn súng FPS, với tần số quét rất cao (240Hz – 300Hz), thời gian phản hồi 3ms. Tuy nhiên Asus ROG Strix Scar 15 G533 2022 vẫn rất phù hợp với nhiều đối tượng người dùng cần 1 mẫu laptop có cấu hình mạnh, trang bị chip Intel thế hệ 12 mới nhất Alder Lake với kiến trúc lai hiệu năng cao, card đồ họa RTX 3000 series hỗ trợ nhiều công nghệ đồ họa đỉnh, màn hình đẹp và sắc nét độ phân giải 2K,….đáp ứng đa dạng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

Bên cạnh đó là những điểm nhấn ấn tượng như là: thiết kế luôn được đổi mới, đảm bảo tính cá nhân với Keystone, hệ thống Led RGB đẹp mắt và ảo diệu, tản nhiệt xài kem tản kim loại lỏng,..…Nếu các anh em không phải là người quá khó tính, dễ bị ám ảnh bởi vấn đề nhiệt độ, hay không cần sự có mặt của webcam, khe đọc thẻ nhớ, và cụm phím số numpad vật lý, thì mình đánh giá rằng mẫu Scar 15 G533 là 1 lựa chọn xứng đáng trong tầm giá, khi kết hợp hài hòa các yếu tố mà người dùng nhất là game thủ tìm kiếm. À đó là trong trường hợp túi tiền của anh em dư dả nữa nhé!!

Xin cảm ơn các anh em đã xem bài đánh giá này, chi tiết hơn về sản phẩm có thể coi thêm trên website Techzones.vn hoặc tới trực tiếp cửa hàng để trải nghiệm.

Techzones / Leo666

ASUS ROG Strix Scar 15 G533

ASUS ROG Strix Scar 15 G533

51.990.000 ₫
59.990.000 ₫
  • Màn hình 15.6" IPS 165/300Hz
  • CPU: AMD Ryzen
  • RAM: DDR4-3200
  • SSD: 512GB / 1TB
  • VGA: RTX 3060/ 3070 / 3080
  • Nặng: 2.30kg