Đánh giá tai nghe in-ear 1More 1M301

Trong bài viết lần trước về dòng tai nghe in-ear của hãng 1More - hãng sản xuất tai nghe giá rẻ tới từ trung quốc, thì Techzones đã giới thiệu cho các bạn về chiếc tai nghe E1003 (hay còn được gọi là Piston Classic), các bạn có thể xem lại bài qua link này: 1More E1003, còn trong bài viết này thì chúng tôi sẽ giới thiệu và đánh giá về 1 chiếc tai nghe khác cũng của 1More, cũng được sản xuất và hoàn thiện ở mức độ cao, và cũng có mức giá rẻ dưới 1 triệu đồng. Vâng xin giới thiệu chiếc tai nghe in-ear 1More 1M301. 

Thông số kỹ thuật: 
Frequency Range:   20-20,000 Hz (Dải tần) 
Sensitivity:    98dB  (Độ nhạy)
Impedance:     32 ohm  (Trở kháng) 
Rated Power:    5mW   (Công suất khuyên dùng) 
Plug:     3.5 mm Gold Plated  (Giắc cắm) 
Cable Length:     1.2m  (Chiều dài cáp) 

Xin được nhắc lại một chút thông tin về hãng 1More cho các bạn chưa biết: 1More là 1 hãng sản xuất tai nghe bắt đầu khởi nghiệp tại trung quốc, bằng sự hợp tác cùng hãng sản xuất điện thoại nổi tiếng ở trung quốc là xiaomi, một bên bỏ tiền đầu tư và một bên bỏ chất xám thiết kế mẫu tai nghe.
Sự hợp tác này đã mang lại thành công và nhiều lợi nhuận cho cả 2 bên, với sự đón nhận nhiệt tình của người dùng trong nước và quốc tế cho các sản phẩm tiêu biểu như: xiaomi piston, piston 2.0, piston 2.1,....... tuy nhiên sau khoảng vài năm làm mưa làm gió trên thị trường thì xiaomi đã quyết định khai tử các mẫu tai nghe này và thay thế bằng những phiên bản cao cấp hơn, nhưng hãng 1More đã không để đứa con đẻ của mình bị quên lãng, họ quyết định tiếp tục cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện các sản phẩm, kết quả là cho ra đời 2 phiên bản tai nghe tiêu biểu của riêng hãng ở phân khúc dưới 1 triệu đồng là E1003 và 1M301.

Mở hộp xem xét thiết kế và cảm nhận chung ban đầu về sản phẩm: 

 
Nếu đã nhìn qua cách đóng gói sản phẩm của mẫu tai nghe E1003 thì các bạn có thể nhận thấy rõ sự khác biệt ban đầu của nó với 1M301, ở E1003 là dạng hộp hình vuông nhỏ, hộp được làm từ giấy tái chế có màu vàng nhạt, còn ở 1M301 là dạng hộp chữ nhật khá lớn, làm từ bìa cứng với tông màu chủ đạo là đỏ và đen khá bắt mắt.
Bên trong 1M301 thì có hộp nhựa cứng đựng tai nghe, tai nghe được quấn gọn gàng trong một hộp đệm cao su, thường hay gọi là “xương cá” cuốn tai nghe, giúp hạn chế việc trầy xước tai nghe và cũng khá gọn gàng để mang theo hàng ngày, bên dưới hộp đệm có thêm 3 bộ mút tai với các kích cỡ khác nhau (XS, S và L). Mặt sau của hộp nhựa là các thông số kỹ thuật của tai nghe. 
Ngoài ra trong hộp của 1M301 chúng ta còn có 1 miếng dán sticker hình vuông không rõ dùng để dán ở đâu !!! Một hộp nhỏ đựng túi vải và một kẹp áo bằng nhôm.
Khác về kiểu đóng gói hộp nhưng lại rất giống nhau về kiểu cách và các phụ kiện bên trong, đó là nhận xét ban đầu khi so sánh giữa 1M301 và E1003. 

1More 1M301 có thiết kế đeo thẳng xuống dạng cord down, kiểu thiết kế có hơi gây một chút bất tiện với những người đã quen đeo tai nghe kiểu vòng dây qua vành tai, phần housing tai nghe thiết kế bầu ra, được làm từ nhựa và nhôm phay xước, phần nhựa người viết không đánh giá cao về tính thẩm mỹ, cầm trên tay không thấy "đã" nhưng bù lại cho cảm giác nhét tai khá dễ chịu, ký hiệu R và L ở 2 bên rất dễ thấy. Phiên bản mà Techzones đang cầm trên tay có màu đen với nút bịt màu đỏ, phần mặt ngoài có nhiều đường tròn đồng tâm được làm bằng máy CNC đẹp. Ống dẫn âm của tai được đặt chéo, có đường kính tiêu chuẩn nên dùng được nhiều loại tips. Đây được coi là phiên bản tiêu chuẩn cho thị trường quốc tế, vì 1More 1M301 còn có 1 phiên bản khác với logo quảng cáo cho chương trình The Voice của trung quốc, ch khác một chút ở vỏ bên ngoài và ít phụ kiện hơn.

 
Ống nozzle được đặt chéo 45 độ thay vì 90 độ như tai nghe thông thường (ống thẳng) sẽ tạo cảm giác đeo thoải mái hơn, ít tạo áp lực lên tai hơn, nhưng nhược điểm là đôi khi khả năng cách âm không được hoàn hảo. Với 1M301 thì phần ống này được làm ngắn hơn so với dòng tai nghe tương tự khác nên cách âm vẫn khá tốt, khi chọn đúng tips. 

Dây tai nghe của 1M301 tương tự với E1003, dây cũng được chia làm 2 phần, phần dây cáp tín hiệu  dưới (từ phần cụm nút điều khiển tới giắc cắm) là đồng tráng men được bọc sợi kevlar (tạm hiểu là dạng dây vải bọc dù) tăng độ bền và hạn chế tối đa vấn đề đứt khi kéo, còn đoạn từ phần cụm nút điều khiển tới tai nghe thì được bọc cao su mềm TPE để hạn chế đứt ngầm, nhược điểm là cũng khá dễ rối, có thể nhiều bạn sẽ không thích kiểu dây chia 2 phần này, nhưng đây cũng có thể là ý riêng của nhà sản xuất, cho độc lạ hơn các tai nghe khác chẳng hạn ! Dây của 1M301 thì có màu đỏ khá nổi bật, giắc cắm cũng là 3.5 dạng chữ I được mạ vàng, nhìn giắc cắm khá chắc chắn và có độ nhám khi sờ vào. 

Một trong những cải tiến của 1More để tiện dụng hơn cho người dùng so với E1003 là micro và cụm nút điều khiển được làm hợp lý hơn, đặt gần sát miệng. Tuy vậy có điểm hơi kỳ lạ ở chỗ 1More để phần này ở bên phải, thay vì bên trái như hầu hết tai nghe thông thường. Hãng 1More sử dụng micro MEMS có độ nhạy cao thì việc đàm thoại rảnh tay rất thuận tiện và chất lượng âm thanh cuộc gọi tốt, cụm 3 nút điều khiển (mic thu âm, nút chuyển bài, chỉnh âm lượng,..) làm gọn và cũng được bố trí thẳng hàng ở cùng một bên với gờ nổi nhận diện nút giữa với 2 bên, nên rất dễ làm quen sử dụng mà không cần nhìn, tương thích hoàn toàn với các thiết bị chạy hệ điều hành IOS, Android và Window phone.


1More 1M301 nhìn chung không có nhiều điểm đặc biệt trong thiết kế, hãng 1More làm mẫu tai nghe này theo hướng tiện dụng nhiều hơn, các chi tiết được thiết kế gọn gàng và hợp lý, không bị dư thừa.
 

Tìm hiểu về cấu tạo bên trong và trải nghiệm chất âm mang lại:

Như đã viết ở trên thì 1M301 được thiết kế theo hướng tiện dụng và hợp lý, nên dù vẫn ch sử dụng một driver dynamic, nhưng 1More đã cải tiến ở chỗ sử dụng màng loa 3 lớp Diaphragm, với mục tiêu chính là tăng cường khả năng đáp ứng tốt hơn của dải mid và treble (độ nét và đầy) với cường độ cao trong thời gian lâu. Màng loa này bao gồm 1 lớp kim loại tiêu chuẩn hàng không ở giữa, và bên ngoài là 2 lớp nhựa polymer PET đàn hồi, có lẽ sẽ nhẹ hơn kiểu thiết kế thông thường mà vẫn chắc chắn. Không chỉ vậy, họ còn bố trí thêm 2 buồng âm cộng hưởng để tăng cường dải bass tốt hơn. Mặc dù không công bố rộng rãi, song theo một vài thông tin lượm lặt trên mạng thì được biết 1More sử dụng driver cỡ 8mm cho sản phẩm này. Và 1More vẫn tiếp tục hợp tác với nghệ sĩ Luca Bignardi nổi tiếng từng đạt giải Grammy để hoàn thiện và tinh chỉnh âm thanh cho mẫu tai nghe này.

Thử nghiệm thực tế trên chiếc điện thoại iphone 4 và 6plus, người viết không dùng phẩn mềm hỗ trợ để đảm bảo có thể nhận xét khách quan nhất về sản phẩm và sát với thực tế các bạn sử dụng hàng ngày. Với thông số kỹ thuật như đã nói ở trên, cùng trở kháng 32 Ohm và độ nhạy 96dB, nên 1M301 không hề tỏ ra khó khăn khi chơi với nhiều loại nguồn phát nhạc1M301 về tổng thể có một chất âm khá hiện đại, có phần khá giống với chiếc Xiaomi Piston 2.1 mà trước đây 1More đã giúp Xiaomi thiết kế. Chất âm hơi được nhấn nhẹ vào dải bass trầm, với mid hơi sáng và có một chút điện tử, treble nhiều lượng và có không gian chơi rộng. Tất cả làm nên một chất âm mượt mà, khỏe khoắn và rất hợp với nhạc dance, Pop...

Bass:

1More 1M301 có lượng bass khá và là điểm nhấn nhẹ trên chiếc tai nghe này. Bass chắc và có độ vang, lượng vừa đủ để tạo điểm nhấn, chứ không nhiều lên hẳn và lan rộng sang 2 bên. Thử với bài Tuý ca bass nền khá đều và tròn tạo cảm giác ấm,vẫn có độ trong trẻo cần có. Với một số bài nhạc trẻ nhẹ nhàng [Tôi là ai trong em - Erik] [Góc ban công - Vũ Cát Tường], chất âm được thể hiện một cách tình cảm, ngọt ngào và có cảm xúc. Chuyển qua thử thể loại nhạc EDM và các bài rock nh, lượng bass đã thể hiện khá rõ lợi thế của mình, bass đánh chắc và đã, lượng nhiều đủ đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu như một vài bạn nghiện EDM nhiều, thì bass này hơi chậm nghe sẽ khó đã tới mức get high. 

Bass của 1M301 được phân bố khá đều từ sub bass lên tới mid bass và high bass. Ở tầm giá này, việc có khả năng thể hiện được một chút sub-bass để tạo cảm giác đầy đặn là điều đáng khen, giúp các nhịp trống không bị “mất hồn”, dù rằng chưa thực sự xuống được sâu. Phần này được làm khá ngọt, mềm và nhẹ nên không có ù nền, một điểm cộng, khiến cho tai nghe trở nên dễ nghe hơn một chút. Chủ yếu là phần mid bass được chơi gọn gàng, tốc độ vừa phải nên các đoạn trống tốc độ cao vẫn chơi được mà không bị dính vào nhau, phần high bass không dính vào low mid.

Mid:

Phần mid của tai nghe không bị dính vào bass nên mang hướng sáng sủa và trong trẻo, nhấn nhẹ vào high mid dù chưa được chi tiết. Điểm ấn tượng nhất của phần mid là hơi có một chút điện tử. Nó không rõ ràng chỉ thoáng qua, không làm biến dạng giọng ca sĩ mà tạo cảm giác giọng nhấn nhá, không quá tinh tế nhưng dễ nghe và không gây nhàm chán. Đặc điểm này rất phù hợp với các bài nhạc Pop hiện đại của Justin Timberlake, nhóm Maroon 5, Chris Brown hay Sia.

Mid được làm mỏng nên cũng thiên về thể hiện các giọng ca sĩ nữ hơn là ca sĩ nam. Phần bass được kiểm soát tốt nên phần low mid của tai nghe thể hiện tự do mà không bị dính vào nhau. Độ chi tiết ở phần trung của tai nghe cũng khá tốt, giọng ca sĩ thể hiện được khá rõ các tiếng khàn và tiếng lấy hơi. Vì có hơi hướng điện tử nhẹ nên phần mid này sẽ rất hợp với nhạc Pop, với phần âm trung có một chút Auto Tune, và cần có phần giọng nổi lên so với âm nhạc rất mạnh ở phía sau [Cheap Thrills - Sia ft. Sean Paul]. Dù có đôi khi hiện tượng sibilance có xảy ra đôi chút. (tạm hiểu sibilance là tiếng của phụ âm dùng đầu lưỡi để phát âm ra, ví dụ như khi cần yên lặng người ta dùng từ "suỵt" )

Treble:

Treble lượng khá dồi dào, không thiếu, nhẹ nhàng êm ái, hơi bị roll off một chút.  Với bài [Get up - Korn ft. Skrillex] thì treble thể hiện năng lượng mạnh và có không gian chơi rất rộng rãi, treble mang hơi hướng điện tử nhẹ nhưng không sắc và lạnh nên những bài house và EDM có thêm sự sôi động, mạnh mẽ. Với những bạn quen nghe các loại nhạc có tính kĩ thuật cao thì sẽ có cảm giác hơi thiếu chút ít cảm giác phiêu hay bay bổng. 

Âm trường:

Là một tai nghe tầm thấp và trung, nên 1More 1M301 không thể có được âm trường rộng rãi như những tai nghe cao cấp hơn. Nhưng với việc thay đổi thiết kế ống dẫn âm đặt chéo, âm trường của 1M301 có phần rộng rãi hơn so với các đàn anh khác, cho cảm giác thoáng đãng, nền âm không bị ù, âm mid được đẩy về phía trước mặt và sáng nên 1M301 vẫn tạo được một không gian đủ rộng, có cảm giác đa chiều. Âm trường này không rộng thênh thang, nhưng vẫn đủ dùng vì được sắp xếp vừa phải, cho cảm giác đầy đặn.


Kết luận: 

Các bạn tìm một tai nghe thoải mái, để thư giãn, nghe được nhiều loại nhạc, thì 1More 1M301 đáp ứng tốt nhu cầu đó, không hơn không kém. Với sự đầu tư nghiêm túc trong quy cách sản xuất, đa chức năng, hoàn thiện cao và đóng gói sản phẩm, thì các bạn thích nghe nhiều thể loại nhạc, hay các bạn mới tập chơi có lẽ nên quên đi những tai nghe được bày bán trôi nổi trên các trang mạng hiện nay và đặt niềm tin vào 1More là vừa, dù đây là hàng từ trung quốc, theo Techzones quan điểm hàng tàu xài không tốt không bền thì không phải lúc nào cũng đúng ! 

Ưu điểm: 

- Giá bán hợp lý với chất âm mang lại
- Chất lượng hoàn thiện và thiết kế khá tốt, hợp lý
- Phụ kiện khá đa dạng, cụm nút điều khiển tiện dụng, dùng được trên nhiều loại điện thoại
- Tổng thể âm thanh dễ nghe, nghe được nhiều thể loại nhạc, âm bass nhiều nhưng vẫn khá hài hòa

Nhược điểm: 
- Độ cách âm không bằng tai đeo thẳng truyền thống
- Dây có ít màu để lựa chọn
- Dải mid hơi yếu so với 2 dải còn lại

Được bán tại Techzones với mức giá 750.000 vnđ, đây là một tai nghe đáng trải nghiệm với khả năng tương thích với cả hai hệ điều hành phổ biến là ios và android, không kén chọn nguồn phát lẫn thể loại nhạc, từ những bản nhạc nhẹ nhàng du dương, nhạc vàng, nhạc trữ tình, hay edm thì 1More 1M301 đều có khả năng thể hiện tốt.

 

Bài viết: www.techzones.vn / HaiArt666