Đánh giá Tai nghe Tiso i4 phá vỡ định kiến giá rẻ chất lượng thấp

Giữa một “rừng” tai nghe không dây (True Wireless headphone) với nhiều mức giá khác nhau thì đâu mới là sự chọn hợp lý. Điển hình cho một trong những chiếc tai nghe không dây giá rẻ đang lên “cơn sốt” trong thời gian qua có thể kể tới Tiso i4, sản phẩm của một Star-up đến từ Hongkong-giá dưới một triệu đồng. Có thiết kế đẹp và mức giá rẻ “bất chấp” nhưng liệu nó có thật sự đáng mua hay không, hãy cùng Techzones trải nghiệm và đánh giá chi tiết chiếc tai nghe này nhé.

Thiết kế

Ấn tượng tốt đầu tiên dành cho Tiso i4 là case sạc rất khác biệt và lạ mắt. Vẫn là dùng nam châm để cố định tai nghe nhưng sase sạc không dùng nắp đậy mà để cho tai nghe “lộ hàng” luôn. Kiểu show hàng này khá mới lạ, độc đáo và gây ấn tượng với mình, mình rất thích. Nam châm trong case hút tai nghe rất chặt, gần như khó có thể rơi ra trừ khi đập mạnh xuống đất. Case sạc làm bằng nhựa, sơn nhám mịn. Mình nghĩ không riêng gì tai nghe mà những thiết bị thường xuyên tiếp xúc với tay người như laptop, remote...thì sơn nhám hoặc vân xước là sự lựa chọn thông minh.

Trong lúc sạc, đèn trên tai nghe phát ra ánh sáng đỏ cũng khá ngầu và bạn có thể nhìn thấy không giống như các case có nắp đậy. Trên case có một cổng mirco USB, hai đèn tính hiệu (một báo đang sạc và một báo case đã đầy). Thời gian để sạc đầy case là khoảng 1,5 tiếng. Tuy nhiên, sử dụng thời gian dài bạn sẽ phải dùng cọ để vệ sinh bên trong khoang do bụi bám vào. Chưa tính đến việc các nút sạc bằng đồng sẽ bị oxi hóa nhanh hơn do liên tục tiếp xúc với không khí bên ngoài, nhưng chắc đến nổi nào đâu.

So với Pamu Scroll, Xiaomi Airdots hay các “chị em bạn dì” khác trong thế giới tai nghe tầm trung thì thiết kế của Tiso i4 chiếm ưu thế hơn khi có kích thước rất nhỏ gọn, tính tế, sang trọng. Tiso i4 rất “xã hội đen” bởi vì từ case sạc cho đến tai nghe gần như toàn là màu đen. Kích thước và màu sắc khá đơn giản chắc chắn sẽ giúp Tiso i4 dễ tiếp cận với khách hàng cả nam lẫn nữ. Nhìn chung tai nghe không có điểm nhấn nào nổi bật, chỉ ở mức gọn gàn, vừa mắt thôi.

Theo thông tin dán trên hộp thì Tiso i4 là hàng nhập khẩu và được bảo hành 12 tháng. Hãng này không mấy nổi tiếng, ngoài Tiso i4, hãng chỉ có thêm một số dòng tầm trung khác như Tiso S8 có mức giá cũng rẻ “bèo”. Phụ kiện đi kèm bao gồm một dây sạc Micro, 6 bộ núm tai (eartip) nhiều kích thước cho người dùng thay đổi theo kích thước của mình. Trong tờ hướng dẫn (bằng tiếng anh) có cho chúng ta lời khuyên dùng loại nào cho từng hoạt động (nghe nhạc, chơi thể thao).

So với Xiaomi Airdots cùng phân khúc, Tiso i4 “bờ-rồ” hơn với khả năng chống nước IPX5 (Mi Airdots không chống nước) - chống tia nước áp lực thấp dưới 3 phút, có nghĩa là nếu bất chợt trời mưa chúng ta vẫn có thể tháo và cất tai nghe một cách chậm rãi, không lo lắng. Rất hoan nghênh khi Tiso i4 có khả năng này.

Kết nối

Giấy hướng dẫn sử dụng sẽ chỉ cho các bạn cách kết nối. Tuy nhiên, nếu bạn là khách hàng “có thù với ngoại ngữ” thì chỉ cần chú một điểm này. Để đồng bộ hai tai nghe (Stereo mode) các bạn phải nhấn giữ cả hai, sao cho đèn chuyển từ trắng sang đỏ rồi sang hồng, sau đó nhấn mở lần nữa để mở nguồn là xong. Nếu bỏ qua bước này, khi dò thiết bị sẽ xuất hiện cả hai tên “Tiso-i4_R”, “Tiso-i4_L”, lúc này bạn chỉ nghe được một tai. Tai nghe không có khả năng kết nối 2 thiết bị cùng lúc.

Khi bỏ tai nghe vào case sạc (phải là tai bên phải) tai nghe sẽ mất kết nối để tiến hành sạc, nếu muốn nghe một bên thì cất tai bên trái vào case là được. Sẽ có một câu hỏi được đặt ra là “muốn nghe một bên nhưng là bên trái thì sao?” Không sao hết, tai nghe thiết kế đối xứng như nhau, chúng ta giữ lại tai nghe bên phải sau đó gắn qua lỗ tai bên trái là xong. tiện ích hiện phần trăm pin chỉ có trên thiết bị Bluetooth 5.0 mà thôi.

Khả năng ghi nhớ và kết nối lại với thiết bị đã từng kết nối khá nhanh, Thử nghiệm với hai thiết bị có chuẩn Blueooth 4.0 (Surface Pro 4, Samsung Galaxy A7-2015) cho thấy đường truyền cũng tương đối ổn định, đôi khi có lag nhẹ nhưng tần xuất rất ít. Trên chiếc A7-2015 của mình ban đầu kết nối nghe nhạc hơi lag, mình thử chạy lại máy (Reset Factory) thì đã hết lag, không chắc máy nào cũng vậy nhưng nếu gặp trường hợp này các bạn có thể thử.

Chúng ta có thể tương tác với tai nghe thông qua các nút vật lý, với giá này nếu có cảm ứng mình cũng không ham, mắc công nó cùi cùi thì mệt. Nút vật lý cả hai tai nghe có chức năng như nhau chúng ta có thể nhấn x1-click/pause/play, x2-click/ next bài, x3-click/quay lại đầu bài. Tuy nhiên, không có thao tác quay lại bài trước đâu nhé. Hơi bất ngờ là nó có thể tương thích với các câu lệnh của trợ lý ảo trên điện thoại như “Hey Siri” của iOS, “OK Google” của Android hay “Hi Galaxy” (S-Voice) trên điện thoại samsung. Thật lòng thì các bạn nên chọn list nhạc cần nghe trước bởi vì bấm nút liên tục trên Tiso i4 không mấy thoải mái.

Chất âm

Chất âm của Tiso i4 chính xác là dành cho người dùng “nghe tạp”. Dạng này âm bass thường đánh rất mạnh và dày, nghe “bốc tới nóc” đổi lại hai dãy Mid và Treble luôn bị mờ. Tai nghe không bị delay nhạc và hình nên chúng ta có thể dùng để xem video bình thường. Điểm mạnh trên Tiso i4 là bass dày nhưng đánh dứt khoát không kéo đuôi (bass kéo đuôi nghe dễ bị rối), có độ sâu dù không nhiều. Cũng chính ưu điểm này dẫn tới nhược điểm tai nghe không phân tách được các dòng nhạc khác nhau, mà chỉ trình diễn một màu. Vocal và nhạc cụ bị “mờ” thiếu độ “sắt bén”. Với Tiso i4 bạn không nên nghe quá hai tiếng sẽ dễ bị nhứt đầu.

Các eartips tặng kèm rất êm tai hỗ trợ cản âm tốt khi ở ngoài đường. Nếu bạn đeo eartips to hơn khoang tai xíu sẽ cản âm nhiều hơn nhưng không nên, nên chọn kích thước sao cho âm nghe theo dạng 7-3 (7 phần nhạc và 3 phần tiếng bên ngoài) sẽ an toàn hơn. Loại âm này sẽ rất được lòng người dùng cuồng nghe Bass, nhưng mình thấy 3 dãy Bass-Mid-Treble lệch nhau hơi nhiều, hy vọng sản phẩm kế tiếp hãng sẽ điều chỉnh giảm Bass xuống tăng Mid lên chút sẽ tuyệt vời hơn.   

Khi có cuộc gọi đến, tai nghe thường thông báo sau điện thoại 3-4s, chúng ta nhấn 1x-click để bắt đầu cuộc gọi, âm lượng cuộc gọi vẫn ổn như điện thoại bình thường, với điều kiện trong nhà hoặc trong phòng kín, còn đi ngoài đường thì gần như rất khó để đầu dây bên kia có thể nghe được. Những ứng dụng nào bạn tùy chọn hiển thị âm báo trên điện thoại (SMS, Zalo…) đều sẽ thông báo trên tai nghe khi bạn kết nối.

Thời lượng pin

So sánh thời lượng pin thì Tiso i4 “ăn đứt” Pamu Scroll và là một trong những tai nghe không dây hoàn toàn có thời lương pin cao “chới với”. Thời lượng cho gọi điện và nghe nhạc liên tục ít nhất cũng được 4h đồng hồ, nếu chỉ nghe nhạc thì cao hơn nhiều. Trải nghiệm như người dùng thật sự trong 1 tuần mình rút ra kết luận. Với Tiso i4 mình ít khi nghe báo hết pin, bởi vì bản thân tai nghe cho thời lượng pin cao và theo quán tính tai nghe nhỏ nên lúc nào mình cũng mang theo case sạc, vừa bảo vệ tai nghe vừa sạc luôn, khi lấy ra thì tai nghe lại đầy, bản thân case sạc cũng cho chúng ta ít nhất 5,6 lần sạc.

Ưu điểm

  • Gọn và ưa nhìn hơn rất nhiều tai nghe cùng phân khúc
  • Thời lương pin “khủng long”
  • Tương thích trợ lý ảo
  • Case sạc hợp lý và lạ mắt
  • Chống nước tương đối
  • Kết nối lại tương đối nhanh (bluetooth 5.0)
  • Giá hợp lý

Hạn chế

  • Chất âm hơi “tạp”
  • Đôi khi hơi lag với thiết bị bluetooth 4.0
  • Nút vật lý mềm hơn thì tốt

Thỏ mặp