Keychron K4 - BÀN PHÍM CƠ ĐA NĂNG VÀ THÚ VỊ !

Thời điểm hiện tại, khi các mẫu bàn phím cơ đã trở nên phổ biến, cùng mức giá phù hợp túi tiền nhiều người hơn, thì người dùng sẽ cần và mong muốn những sản phẩm mới có thêm những tính năng mới lạ, hoặc những đặc điểm và chi tiết độc đáo, để nâng tầm trải nghiệm tốt hơn.

Keychron K4 là 1 sản phẩm bàn phím cơ mang lại trải nghiệm có thể nói là khá thú vị, và đó cũng là sản phẩm mà Techzones muốn giới thiệu tới các bạn trong bài đánh giá này.

Thông Số Kỹ Thuật

Phiên bản Keychron K4 mình đang sử dụng để đánh giá có thông số kỹ thuật như sau:

  • Chất liệu: vỏ nhôm
  • Kích thước và cân nặng: 376 x 129 x 38 mm / 933g
  • Layout 96%, 96 phím trong đó có 12 phím đa phương tiện
  • Keycap: nhựa ABS (Single Shot)
  • Switch: Blue của Gateron
  • Kết nối: qua cổng USB type C (để kết nối với các thiết bị ngoài / để sạc pin) / có kết nối Bluetooth 3.0
  • Pin: 4000mAh
  • Thời gian sử dụng: theo nhà sản xuất là từ 3 – 5 tuần nếu không bật Led nền, và từ 20 – 80h nếu có bật đèn Led, cũng như phụ thuộc tần suất sử dụng của người dùng.
  • Thời gian sạc đầy: gần 3 tiếng
  • Có 2 nút gạt chức năng:
  • 1 nút để chuyển chế độ Bluetooth / chế độ dây Cable / Off bàn phím
  • 1 nút để chuyển qua lại giữa các nền tảng hệ điều hành: Windows + Android / Mac + iOS

Thiết kế chung quen thuộc, tương tự thế hệ trước

Keychron K4 như 1 phiên bản “chân dài” của thế hệ tiền nhiệm là Keychron K2 (K4 có 96 phím, còn K2 là 81 phím), vẫn style quen thuộc là bố trí các phím sát nhau, thế nên dù là layout 96% nhỉnh hơn chuẩn TKL 1 chút thôi, nhưng K4 vẫn mang lại cho chúng ta 1 trải nghiệm bàn phím full size khá hoàn chỉnh, với đầy đủ các phím chính lẫn cụm phím số.

Với sự bổ sung cụm phím số theo mình là cần thiết và đáng giá, thì K4 sẽ là 1 lựa chọn để những khách hàng làm các công việc chuyên môn: kế toán, nhập liệu, lập trình viên, hoặc có liên quan nhiều tới các con số,..có thể tham khảo và xem xét. Bản thân mình thì không sử dụng cụm phím số nhiều, công việc hay phải di chuyển cần bàn phím gọn nhẹ, nhưng khi cần dùng nhập liệu máy tính thì thấy nó cần thiết !! Nên K4 trong quá trình mình trải nghiệm thì thấy rất tiện lợi, khá nhỏ gọn để mang đi.

Ưu điểm là như thế, còn nhược điểm là layout có chút thay đổi, đôi lúc hay bị gõ nhầm phím, cụm phím điều hướng nằm sát cụm phím chính và phím số, mỗi khi bấm phải nhìn để định vị ! Nói chung người dùng mới sẽ cần 1 khoảng thời gian tương đối để làm quen.

Khung bàn phím K4 được làm từ nhôm, xử lý bề mặt dạng sần sần hột hột, độ hoàn thiện mình đánh giá khá ổn, cầm trên tay cảm thấy cứng cáp, chắc tay, không ọp ẹp, bề mặt hạn chế bám mồ hôi, dấu tay, xước xát khá tốt.

Mặt dưới có 2 chân cao su, cùng 2 chân chống mở ra để tạo độ nghiêng, trong quá trình sử dụng thì mình thường phải mở chân chống nghiêng ra, do phần đế của khung K4 làm hơi cao, để gõ thì người dùng sẽ phải chếch cổ tay lên cao hơn bình thường, sẽ nhanh mỏi cổ tay.

Thế nên nếu dùng theo kiểu đặt thẳng bàn phím lên bàn thì người dùng sẽ cần mua thêm miếng kê tay.

Switch Blue gõ đã tay, keycap phối màu ổn, nhưng chất lượng không cao theo thời gian

Keychron K4 có phần keycap được làm cong nhẹ để ôm đầu ngón tay, chất liệu keycap vẫn là nhựa ABS khá mỏng tương tự như K2, ký tự được khắc laser khá sắc nét, có thể xuyên Led khá đẹp mắt và nhẹ nhàng, chứ không quá màu mè lòe loẹt. K4 có tặng kèm thêm những phím dành riêng cho Mac ví dụ như Control, Command, Option (Ctrl, Alt, Windows trên hệ điều hành Windows).

Tuy vậy chất lượng keycap là điểm mình không đánh giá cao trên K4: phím mỏng, ký tự trên bề mặt tương đối dễ “bay màu”, phím cũng dễ bị bóng lên sau 1 thời gian ngắn sử dụng, nhất là với anh em hay đổ mồ hôi tay, kích cỡ font cũng hơi nhỏ,…

Nói vui thì có vẻ nhà sản xuất đang muốn tạo điều kiện để người dùng tự chơi keycap ngoài để phù hợp cá tính riêng, và K4 khá dễ để anh em “chơi” keycap, mình đã thử set keycap PBT DSA Carbon vào, cảm giác gõ đã hơn hẳn !!

Mẫu K4 mình sử dụng trang bị switch Blue của Gatero (Clicky, Tactile, 60g), mang lại cảm giác gõ đầy chất “cơ”, đã tay, chắc nịch, phản hồi nhanh, tiếng tạch tạch phát ra có tính kích thích khá lớn !! Theo đánh giá cá nhân của mình thì switch này cân bằng khá tốt giữa chơi game và gõ phím làm việc, nhưng anh em cần lưu ý môi trường sử dụng nhé !!

Trên mẫu K4 này ngoài switch Blue thì còn các tùy chọn Brown, Red, Yellow (linear, 50g) và đặc biệt nhất là 2 mẫu switch quang học Optical Blue và Red do Flaretech sản xuất, rất đa dạng để người dùng lựa chọn loại switch phù hợp nhu cầu.

K4 có đèn Led nền RGB, bấm 1 nút để chuyển đổi qua lại giữa các chế độ chứ không có phần mềm điều chỉnh, nhưng có vẻ phần này không được chăm chút đầu tư cho lắm, khi Led có độ sáng không lớn, dù chỉnh mức cao nhất, thế nên các hiệu ứng chuyển màu cũng không quá nổi bật.

Cá nhân mình thì thấy với style của K4 thì không nên làm Led nền, hoặc nếu có Led thì Led trắng đơn sắc để dùng buổi tối là đủ, không cần lòe loẹt quá.

Kết nối nhanh và đơn giản, tối đa 3 thiết bị, Pin trâu

Keychron K4 sử dụng 2 cách thức kết nối hiện đại: cáp USB type C và Bluetooth, cạnh trái của bàn phím có 2 nút gạt chức năng rất tiện lợi: 1 nút để chuyển chế độ Bluetooth / chế độ dây Cable / Off bàn phím, còn 1 nút để chuyển qua lại giữa các nền tảng hệ điều hành: Windows + Android / Mac + iOS.

Người dùng có thể kết nối với 3 thiết bị khác nhau và lưu trữ lại thông tin, chuyển đổi qua lại giữa các thiết bị qua tổ hợp Fn + 1 / hoặc 2 hay 3.

Thời gian chuyển đổi rất nhanh, trong quá trình mình thử nghiệm chuyển qua lại giữa 1 điện thoại Android, 1 laptop Windows và 1 chiếc MacBook thì kết nối mất khoảng 2-3 giây mà thôi. Trên phần khung của K4 có 2 đèn báo trạng thái Pin (ký tự tia sét) và Kết nối (ký tự Bluetooth), khi ở trạng thái chuẩn bị sẵn sàng thì đèn kết nối sẽ nhấp nháy liên tục dễ quan sát.

Trải nghiệm kết nối Bluetooth mình thấy xài tốt, ổn định, độ trễ thấp, mình thì chưa thử qua việc chơi game nhưng mình thấy để sử dụng thì nên dùng dây cáp là ok nhất.

Về pin thì trong K4 có viên pin dung lượng đến 4000 mAh, nhà sản xuất cho biết K4 có thể hoạt động liên tục 3 tuần mà không cần cắm sạc, có thể lâu hơn tới tận 5 tuần nếu tắt Led nền. Bản thân mình thì không giữ sản phẩm đủ lâu để thử nghiệm (do hàng mượn mà !!) nhưng con số mà nhà sản xuất đưa ra là khá ấn tượng với mình, thực tế thì sau 3 ngày mình giữ K4 sử dụng thì sản phẩm vẫn còn pin (đèn trạng thái vẫn màu xanh lá !). Thời gian sạc qua cổng USB-C của K4 cũng ấn tượng, khi chỉ 3 tiếng là đầy pin (nhanh hơn thế hệ trước phải hơn 5-6 tiếng mới đầy).

Tổng kết

Keychron K4 là 1 sản phẩm bàn phím cơ mang lại trải nghiệm thú vị, đa năng và tiện dụng cho nhiều nhu cầu, hình thức bên ngoài và kết cấu ổn, đa dạng các loại switch và hỗ trợ nhiều hệ điều hành để người dùng lựa chọn, mức giá theo mình là khá hợp lý và chấp nhận được nếu bỏ qua 1 số nhược điểm nhỏ của sản phẩm.

K4 hiện đang được bán tại Techzones với đầy đủ các phiên bản và switch để các bạn tham khảo. Xem thêm thông tin trên website: Techzones.vn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài đánh giá này.

Techzones / HảiArt666