LG 32GK850F - Màn 2K chất lượng, giá hợp lý, nhưng không dành cho tất cả

Màn hình độ phân giải cao đi kèm với tần số quét cao, đang dần trở nên phổ biến, và cũng là thử thách cho các nhà sản xuất để chứng minh rằng, màn hình LCD có thể làm được những điều tương tự như màn OLED. 

Trước đây, mình đã từng sử dụng qua 1 số màn hình độ phân giải 2K (2560x1440), với tần số quét cao là 144Hz của Acer, Samsung, Dell, Asus,..tuy nhiên đây mới chỉ dừng lại ở kích thước màn hình 27inch. 
Thì mới đây hãng LG đã nâng cao giới hạn này lên, bằng việc cho ra mắt chiếc màn hình 32inch, tên đầy đủ của nó là LG 32GK850F
Hãng LG đã đầu tư gì vào màn hình này ? Và liệu rằng chúng ta có nên bỏ tiền mua nó không ? Sau đây sẽ là một số đánh giá của Techzones để các bạn tham khảo. 





Thiết kế ngoại hình 
Đầu tiên nhìn vào chiếc màn hình LG 32GK850F này, thì mình thấy nó không khác biệt nhiều so với các mẫu màn hình 24inch hay 27inch Full HD, 2K, hay 4K khác cũng của LG đang được bán tại thị trường Việt Nam. Cũng là kiểu thiết kế viền màn hình siêu mỏng, hay nói theo kiểu quảng cáo, bán hàng là không viền cho nghe cao cấp hơn! Đây là kiểu thiết kế đang rất được yêu thích hiện nay, mang đến trải nghiệm xem hầu như không có đường viền, giúp tập trung vào trải nghiệm hình ảnh đẹp và chính xác. Cùng với đó là chân đế dạng chữ V (dạng rộng chứ không phải dạng vừa !!) khá quen thuộc trên các dòng màn hình chơi game tầm trung và cao cấp của LG (ví dụ như con 24MP59G, hay 34UC79G)



Màn 32GK850F được hãng phối màu đen mờ “nguyên con”, thêm vài nét nổi bật màu đỏ ở phần mặt lưng và mặt sau của chân đế cho bắt mắt hơn. Có thể cảm nhận khá rõ là chiếc màn hình này sẽ thu hút sự chú ý của các game thủ nhiều hơn là người dùng thông thường. 



Độ linh hoạt của chân đế tốt, bên cạnh việc nâng lên hạ xuống màn hình rất nhẹ nhàng, thì các bạn có thể xoay màn hình theo phương dọc 1 góc 90 độ theo chiều kim đồng hồ, xoay trái xoay phải khoảng 20 độ. Ngoài ra thì màn hình cũng khả năng gập xuống, hoặc nghiêng lên để người dùng tùy chỉnh góc nhìn thuận tiện hơn. Thao tác tháo lắp chân đế với màn khá dễ dàng, các bạn có thể tự làm 1 mình được, các khớp nối chắc chắn càng tăng thêm vẻ cứng cáp cho màn hình. 
Mình hy vọng những điều trên trong tương lai, sẽ trở thành tiêu chuẩn phải có trên tất cả các mẫu màn hình máy tính, không phân biệt cao cấp hay bình dân, để phù hợp với nhiều người dùng, cũng như là với nhu cầu và phong cách sử dụng khác nhau.

Về phần mặt sau, dù 99,99% là mặt luôn hướng vào trong tường và ít người nhìn vào, nhưng nó vẫn được thiết kế chỉn chu, kỹ lưỡng. Và nếu các bạn thuộc tuýt người kỹ tính, nhìn vào mặt sau của màn hình này, mình nghĩ các bạn sẽ vẫn thấy nó đẹp và đậm chất gaming. Mặt sau có dải màu đỏ hình tròn, đây cũng là nơi chứa hệ thống chiếu sáng Sphere, khi hoạt động có thể tùy chỉnh các chế độ nhiều màu khác nhau, để làm dịu mắt nhìn và tạo sự mới lạ cho không gian của bạn. Nó làm mình nhớ tới công nghệ Ambilight, viết tắt của “ambient lighting”, là một hệ thống chiếu sáng cho tivi được phát triển bởi Philips, nhưng Ambilight thì hấp dẫn hơn ở điểm là nó tạo ra hiệu ứng ánh sáng xung quanh tivi tương ứng với nội dung hiển thị.



Để màn hình hoạt động thì không thể thiếu cổng nguồn, và các cổng kết nối xuất hình ảnh. Ở màn hình 32GK850F này chúng ta có các cổng: 1 cổng DisplayPort 1.2, 2 cổng HDMI 1.4, 1 cổng USB 3.0 type B (thường dùng kết nối ổ cứng, modem, máy in, máy scan,…), 2 cổng USB 3.0 type A kết nối với các thiết bị ngoại vi ví dụ như bàn phím,..với 1 cổng có hỗ trợ công nghệ sạc nhanh với nguồn điện 5V - 1,5A (có thể cắm sạc smartphone, hoặc laptop có hỗ trợ sạc). Các cổng kết nối khá đầy đủ, tuy nhiên vị trí đặt các cổng này mình thấy không tiện lợi cho lắm, dây nhợ lằng nhằng nữa, mình nghĩ hãng có thể tham khảo 1 số đối thủ ví dụ như Acer hay BenQ, đặt các cổng cắm ở bên cạnh màn hình chẳng hạn.



Ngoài ra 1 điểm đặc biệt mình thấy không nhiều màn hình của các hãng khác có, đó là LG 32GK850F có jack 3.5 để cắm tai nghe hoặc loa ngoài, bù lại là trong màn hình không có loa bên trong, dù mình thấy cũng không cần thiết lắm. Bên cạnh đó, màn hình cũng sẽ có 1 phụ kiện (hoặc có thể gọi là cái ngàm) để gắn vào phía sau chân đế, giúp giữ cho các dây cáp gọn gàng hơn, tuy nhiên màn hình mình mượn của hãng là bản sample (bản mẫu thử nghiệm) nên không có phụ kiện đó ở đây. 

LG 32GK850F hoàn toàn không có nhiều nút bấm như các mẫu màn hình khác trên thị trường, nó chỉ có 1 nút bấm dạng joystick bên dưới màn hình, điều này làm mình nhớ đến mẫu màn hình trước đây mình đã từng đánh giá là LG 27UK850W (các bạn có thể tham khảo thêm thông tin về mẫu màn hình này trên website: Techzones.vn), và nếu các bạn để ý thì đa phần các mẫu màn hình của LG, trong những năm gần đây đều sử dụng kiểu nút này. 
Qua nút joystick các bạn có thể tùy chỉnh tất cả các thiết lập có trên màn hình: bật tắt màn hình, tinh chỉnh độ sáng, màu sắc, chuyển đổi giữa các chế độ hiển thị hay điều khiển âm lượng của tai nghe…...
Thao tác sử dụng dễ dàng nhờ cách bố trí menu khoa học của LG, nhấn có “cảm giác” rõ, và hiển nhiên các bạn sẽ không bao giờ lo bị bấm nhầm, hay phải ghi nhớ trong đầu vị trí từng nút bấm như trên các mẫu màn hình khác.



Nhìn chung về thiết kế vẻ ngoài, thì mình thấy LG 32GK850F đơn giản, vừa đủ đẹp, không cầu kỳ diêm dúa như các dòng màn hình gaming khác. Có lẽ vì thế giá ít bị đội lên quá cao, trong khi vẫn giữ 1 chất lượng hiển thị tốt, và đó mới chính là yếu tố quan trọng nhất trên 1 chiếc màn hình máy tính.
 

Thông số và đánh giá
Màn hình mình đánh giá là bản sample (bản mẫu thử nghiệm) được hãng LG cho mượn, nên các thông số mang tính tương đối để các bạn tham khảo. 

Là 1 màn hình có kích cỡ là 32inch, độ sâu màu 8bit hiển thị 16,7 triệu màu, trải nghiệm thực tế thì tuy đây chỉ là bản mẫu, nhưng mình thấy LG 32GK850F cũng được hãng cân màu khá đẹp, màu sắc hài hòa, tươi tắn, tự nhiên, không bị ám màu quá nhiều. 

Với các thông số mình đo được: sRGB là 95,8%, Adobe RGB là 84,5% (Adobe RGB được quan tâm bởi các nhà thiết kế, đồ họa, chụp và chỉnh sửa ảnh), và DCI P3 là 88,6% (DCI P3 là tiêu chuẩn màu thường được áp dụng trong phim ảnh, truyền hình). Với các thông số trên đây là màn hình duy nhất dưới 15tr, hoặc thậm chí là so với các màn cao cấp trên 20tr, có thể vừa chơi game vừa làm đồ họa cao cấp, mình rất bất ngờ về các chỉ số của chiếc LG 32GK850F này. Đối với các bạn có yêu cầu, mong muốn màu “chuẩn hơn” thì có thể lựa chọn các giải pháp cân màu tự động của chính LG, hoặc sử dụng các thiết bị cân màu phổ biến như spyder. 
 
(bên Techzones có hỗ trợ cân màu miễn phí, trên bất cứ sản phẩm màn hình máy tính nào các bạn mua tại cửa hàng)



Gamut coverage là tỉ lệ của hệ màu màn hình bao phủ. Gamut volume bao gồm độ phủ ngoài hệ màu đó.


Màn hình có độ phân giải vẫn có thể được coi là cao, trong thời điểm công nghệ hiện nay là 2K (2560x1440), hỗ trợ HDR cùng độ sáng trung bình 350nits (tối thiểu 280nits). Mật độ điểm ảnh cũng khá cao là gần 92 PPI (Pixels per Inch), cho trải nghiệm hình ảnh rõ nét, sống động, độ mịn hình ảnh mình đánh giá ổn. 



Tỉ lệ màn hình 16:9, đây vẫn là sự lựa chọn hàng đầu giúp các bạn chơi 100% các game hiện nay, mà không cần phải quan tâm đến sự tương thích tỉ lệ màn hình. Dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng, game hỗ trợ tỉ lệ 21:9 sẽ đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người chơi. Điển hình là đối với những trò chơi có đồ hoạ đẹp và thiết kế thế giới mở như Far Cry 5, Rise of Tomb Raider, GTA 5,... thì góc nhìn rộng của tỉ lệ 21:9 sẽ giúp các bạn dễ dàng hoà mình hơn vào thế giới ảo. Cũng cần lưu ý là các bạn vẫn có thể chơi những game chỉ hỗ trợ 16:9 trên màn hình 21:9, với tuỳ chọn kéo dãn ra hoặc chấp nhận viền đen trái phải, tuy nhiên như vậy thì không được tối ưu cho lắm.



Màn hình LG 32GK850F sử dụng tấm nền VA (cụ thể là Advanced MVA – AMVA), tới đây một số bạn có thể hơi thất vọng, tuy nhiên hãy đọc tiếp để có góc nhìn khách quan hơn về công nghệ tấm nền này. So với IPS mà các bạn thường thấy trên các màn hình chơi game hiện nay, thì VA có góc nhìn hẹp hơn, độ tươi, rực rỡ của màu sắc không bằng. Nhưng VA có ưu điểm đó là độ sâu màu đen tốt hơn so với IPS và đồng nhất, màn hình có độ lệch màu thấp trên bề mặt. Từ đó nâng cao độ tương phản, cũng như nó tránh được hiện tượng hở sáng, làm rất nhiều bạn khó chịu thường thấy trên các màn IPS tầm trung, giá rẻ. 



Màn hình LG 32GK850F sử dụng công nghệ AMD FreeSync, làm giảm hiện tượng chồng hình và giật hình xảy ra, do sự khác biệt giữa tốc độ khung hình của card đồ họa và tần số quét của màn hình. Độ phân giải và tần số quét cao, đòi hỏi một hệ thống máy cũng phải từ mức khá cao trở lên, nên lựa chọn FreeSync mình thấy cũng khá hợp lý, vẫn hỗ trợ được các máy cấu hình vừa phải. 
Nhờ có FreeSync, các game thủ sử dụng card đồ họa tới từ hãng AMD, có thể trải nghiệm chơi game liền mạch, mượt mà trong những trò chơi có độ phân giải cao và phải xử lý hình ảnh nặng.



Màn hình cũng hỗ trợ các tính năng chơi game (ví dụ như tạo điểm ngắm trong các tựa game hành động, tính năng cân bằng tối, giúp hiển thị chi tiết các gam màu đen trong các cảnh tối màu,..). Kết hợp với tần số quét cao là 144Hz mang lại độ mượt (có thể overlock lên 165Hz, nhưng khi đó các bạn sẽ cần phải chấp nhận, là sai lệch màu sẽ cao hơn bình thường), cùng với độ phân giải cũng cao là 2K, càng giúp người chơi đắm chìm trong không gian giải trí, chơi game sống động.



Mình nghĩ màn hình LG 32GK850F phù hợp cho các bạn chơi các tựa game đồ họa màu sắc vừa phải, hoặc thích xem phim. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian đáp ứng từ trắng sang đen mặc dù thấp (dưới 5ms), nhưng nó có xu hướng tăng cao giữa hai tông màu đen, vì vậy cũng vẫn sẽ có trường hợp xảy ra hiện tượng “bóng ma”.




Kết luận:
LG 32GK850F là 1 trong số ít các màn hình có kích thước lớn (32inch) sử dụng tấm nền VA. Nó có sự cạnh tranh khá tốt khi so sánh với các màn tấm nền IPS hay TN, với tỉ lệ tương phản cao, độ sâu màu tối tốt, cũng như mức độ lệch màu thấp. 
Có mức giá hiện nay mình thấy chỉ hơn 11 triệu 1 chút thôi, thì đây là 1 sự lựa chọn mà mình nghĩ các bạn game thủ có thể cân nhắc, đáp ứng các nhu cầu giải trí tốt. Tuy vẫn còn vài hạn chế, khiếm khuyết, nhưng đôi khi  “trăm lần đọc bài, không bằng một lần trải nghiệm thực tế”, và tại cửa hàng Techzones vẫn có rất nhiều mẫu màn hình khác cho các bạn tham khảo. Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.


                                                                                                                                                Techzones / HảiArt666