Trải nghiệm MSI Prestige 14 (2019): KHÔNG CHỈ CÓ ĐẸP !

Đối tượng khách hàng là người dùng cho công việc sáng tạo, chụp ảnh, thiết kế đồ họa, họa sĩ 2D, 3D, chỉnh sửa video…và cả doanh nhân đã và đang là “mục tiêu” chiến lược được nhắm tới của các hãng sản xuất laptop trong khoảng 2 năm đổ lại đây.

Tất nhiên MSI - một trong những thương hiệu sản xuất laptop lớn nhất trên thế giới cũng không phải ngoại lệ. Trước đây mình đã từng có dịp đánh giá chiếc máy thuộc dòng P-series (Prestige) của hãng là P65 Creator 8RF. Đây là 1 mẫu máy mình đánh giá là đẹp, màu sắc bắt mắt, cấu hình tốt, nhưng với không ít người, thì nói đi nói lại mẫu laptop này vẫn chỉ được coi như là phiên bản “make up” lại màu sắc từ mẫu GS65 Stealth Thin.

Là dòng sản phẩm hướng tới Creator, những khách hàng chuyên biệt thì việc vẻ ngoài y đúc mẫu laptop khác, dù đều là “anh em bà con họ hàng” chung với nhau, và vẫn còn chút hơi hướng gaming thì cũng khó chấp nhận nhỉ. Cho đến vài ngày trước đây mình được hãng đưa cho mẫu Prestige 14 (MSI Prestige 14 A10RB-028VN) mới nhất này, mọi suy nghĩ chủ quan và áp đặt trước đây của mình về những mẫu laptop creator của MSI đã hoàn toàn bị thay đổi. Lý do vì sao thế ? Các bạn sẽ được biết sau bài viết này, hãy xem tiếp nhé !

Trải nghiệm Prestige 14 (2020)

Những ấn tượng ban đầu

Mặc dù đã tiếp xúc không ít các mẫu laptop có màu sắc nổi bật, bắt mắt (màu trắng, màu vàng, màu đỏ,..), nhưng Prestige 14 vẫn gây được ấn tượng đặc biệt với mình bởi lớp vỏ của máy: Phần vỏ mang tông màu trắng tinh cực kỳ trẻ trung, điểm nhấn ngay phần nắp là logo rồng xương MSI quen thuộc được khắc chìm màu xám bạc, xen kẽ là các đường cắt kim cương màu bạc sáng bóng dọc theo cạnh của máy. Tổng thể máy được thiết kế vuông vức nhưng nhìn vẫn nhẹ nhàng và thanh thoát, với “3 vòng” lần lượt là: Dài 319 x Rộng 215 x Dày 15.9 mm, cùng trọng lượng máy chỉ khoảng 1,29kg, những số đo khá lý tưởng cho 1 mẫu laptop trong phân khúc mỏng nhẹ, cấu hình khá.

Ngoài phiên bản màu trắng (Pure White) mình đang có, thì Prestige 14 còn có phiên bản màu xám đen Carbon, và thậm chí cả màu hồng (Rose Pink) nữa, cả 3 phiên bản màu sắc này đều có xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Mình thì không phải là fan của màu trắng, nhưng mình thích cách mà hãng MSI đã xử lý bề mặt của phần nắp kim loại trên Prestige 14, thực sự khó diễn tả cảm giác “phê” ra sao cho các bạn hình dung, nếu không trực tiếp dùng tay sờ lên lớp vỏ này: nó mịn và “êm” tay, khó thấy dấu vân tay, rất ít bị tình trạng bám bẩn, và nếu có cũng dễ lau chùi. Mình không có nhiều thời gian kiểm tra, nhưng cảm nhận cá nhân mình đánh giá sắc trắng của máy sẽ rất là lâu mới bị ngả màu / xuống màu nếu có.

Trải nghiệm Prestige 14 (2020)

Kiểu dáng của mẫu Prestige 14 này nếu nhìn lướt lướt qua thì có thể 1 số bạn sẽ khó phân biệt, và nhầm lẫn với những mẫu laptop khác cũng thuộc dòng P-series, có thể kể tới như PS42 hay PS63. Thế nên để giúp phân biệt dễ hơn thì MSI đã có 1 sự thay đổi nhỏ trên mẫu Prestige 14 này: Đó là phần bản lề của máy đã được thay đổi kiểu dáng và “kết cấu” đóng mở khác so với các thế hệ trước. Thiết kế mang nhiều nét tương tự như ErgoLift học hỏi từ thương hiệu Asus (Zenbook, Vivibook), cộng 1 chút cải tiến: thêm phần chân đế / gờ đệm bằng cao su kiểu gần giống trên HP Envy 13, để hạn chế tối đa việc trầy xước phần cạnh đáy của nắp máy khi mở lên. 

Ưu điểm của kiểu bản lề dạng ErgoLift thì có thể dễ dàng liệt kê ra: giúp việc gõ phím trở nên thoải mái hơn, góc mở rộng của màn hình lớn hơn bình thường, tăng hiệu quả tản nhiệt bên trong máy, mang lại trải nghiệm âm thanh tốt hơn. Thực tế trên Prestige 14 thì như thế nào ? Mình sẽ chia sẻ trải nghiệm ở phần dưới của bài viết.

Có thể do đây là máy mới, cũng có thể là hãng MSI đã đầu tư và chăm chút hơn, thế nên khi sờ mó, đụng chạm, săm soi kỹ chiếc Prestige 14 này, thì mình cảm nhận thấy độ chắc chắn của máy, khung màn hình đã tốt hơn. Tình trạng flex hay ọp ẹp nhẹ khi ấn tay lực mạnh lên 1 số vị trí của máy là không thể tránh khỏi với những mẫu notebook mỏng nhẹ rồi, có chăng là tùy mức độ cảm nhận của mỗi người và “chấp nhận được” của nó hay không.

Cảm giác đóng mở nắp Prestige 14 cũng đã chắc chắn và linh hoạt hơn các mẫu laptop MSI trước đây, điểm tốt thì nên học hỏi dù là từ đối thủ, lại còn cải tiến và hoàn thiện hơn để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Rõ ràng trên Prestige 14 ngay từ những trải nghiệm đầu tiên đã ghi điểm với bản thân mình.

Mặt đáy máy giờ đã được nâng lên cao hơn, thế nên MSI cũng có sự đầu tư hơn ở phần đáy này: Sử dụng chất liệu nhựa cứng, và các lỗ tản nhiệt thông gió bên dưới chính là điểm thu hút nhất: chúng được đục lỗ cách điệu một hàng dài lên xuống nhìn như những đợt sóng âm thanh.

Nhìn chung về mặt thẩm mỹ bên trong lẫn bên ngoài, mình thấy Prestige 14 thật sự rất đẹp. Từ lớp vỏ kim loại, cho tới khu vực bàn phím, touchpad, kê tay đều được bao phủ bằng màu trắng. Nó tạo ra cảm giác cuốn hút, bắt mắt, sang trọng, hoàn toàn phù hợp với những người dùng sáng tạo, cũng như môi trường công ty, doanh nghiệp. 

Trải nghiệm Prestige 14 (2020)

Màn hình

Là 1 mẫu laptop được làm ra để phục vụ cho công việc sáng tạo, thế nên chi tiết mà người dùng sẽ quan tâm đầu tiên hẳn nhiên đó là màn hình. Prestige 14 trang bị màn hình 14inch, tỷ lệ hiển thị lớn lên đến hơn 90% diện tích mặt trước, với 3 viền xung quanh rất mỏng, nên máy vốn nhìn đã nhỏ nay lại còn gọn gàng hơn.

Thông tin từ nhà sản xuất thì sẽ có 2 tùy chọn độ phân giải là Full HD và 4K cho mẫu Prestige 14 này (tương tự như P65 Creator 8RF). Ở thị trường Việt Nam theo mình biết thì hiện tại chỉ có phiên bản Full HD mà thôi, nhưng đều được hãng chú trọng đến chất lượng hiển thị của màn hình. Mẫu Prestige 14 mà mình đang sử dụng để đánh giá ở đây, sử dụng tấm nền IPS của 1 thương hiệu trung quốc có tên là Chi Mei (model là CMN14D5), tỷ lệ màn hình 16:9.

Trải nghiệm Prestige 14 (2020)

Sử dụng công cụ đo đạc thì mình ghi nhận được độ phủ màu sRGB của màn hình là gần 100% (98%), Adobe RGB80% (Adobe RGB được quan tâm bởi các nhà thiết kế, đồ họa, chụp và chỉnh sửa ảnh), và 77% DCI P3 (DCI P3 là tiêu chuẩn màu thường được áp dụng trong phim ảnh, truyền hình), bên cạnh đó là độ tương phản và độ sáng cao của màn hình, trung bình là hơn 300nits. Những con số khá ấn tượng, mang lại trải nghiệm về mặt thị giác đã mắt hơn, màu sắc có độ sai lệch ít, phục vụ tốt cho nhu cầu công việc sáng tạo, in ấn hình ảnh, và cả trong nhu cầu giải trí như là xem phim với góc quan sát rộng.

Trong trường hợp các bạn chuyên nghiệp cần độ chính xác màu cao hơn nữa, thì Techzones có nhận cân chỉnh màu màn hình miễn phí khi mua máy nhé ! Chưa kể là ứng dụng riêng True Color của MSI có thể giúp chỉnh thêm màu sắc đáp ứng tốt hơn, đồng thời hỗ trợ các chế độ màu sắc riêng cho các nhu cầu khác nhau, cũng như chế độ chống ánh sáng xanh không tốt cho mắt.

Phần bản lề linh hoạt của máy cho góc mở lên tới 180 độ, việc chia sẻ nội dung công việc với người xung quanh, hỗ trợ việc thuyết trình, làm việc ở nhiều tư thế khác nhau,….đã trở nên dễ dàng hơn, ngoài ra là lớp chống chói tăng cường khả năng hiển thị rõ nét dù sử dụng ở ngoài trời nắng.

Tuy chiếc máy này không có màn hình cảm ứng và chức năng gập 360 độ, nhưng trên máy có 1 phím chức năng xoay màn hình làm việc ngược lại để trình chiếu nội dung cho người ngồi đối diện, khá là thú vị đấy ! 

Cấu hình và trải nghiệm hiệu năng

Yếu tố tiếp theo mà người dùng quan tâm chắc hẳn là cấu hình của máy, Prestige 14 mà mình đang có được trang bị:

  • CPU: intel core i7-10510U (chip intel thế hệ thứ 10 Comet Lake mới nhất: 4 nhân 8 luồng, 8MB Cache, mức xung: 1.8 – 4.9GHz, mức TDP: 15W)
  • Ram: 16GB (DDR4-2666MHz), Single-channel, chỉ có 1 khe duy nhất, tối đa là 32GB. 
  • GPU rời: Geforce MX250 GDDR5 2GB (phiên bản có hiệu năng cao, mức TDP 25W)
  • Ổ lưu trữ: SSD 512GB M.2 NVMe PCIe, có thể thay thế và nâng cấp dung lượng.

Laptop được định hướng cho người dùng công việc sáng tạo, doanh nhân, thì mẫu máy đó cần phải có khả năng đa nhiệm, đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng cùng lúc và liên tục. Cấu hình của Prestige 14 mà mình sử dụng thuộc mức khá trở lên, các công việc văn phòng khó mà gây khó dễ được cho máy. Và nó cũng có thể xử lý khá tốt các ứng dụng đồ họa, thiết kế và dựng phim như là bộ công cụ Adobe: Pts, Illustrator, Premiere,..v..vv..

Trong thử nghiệm chỉnh sửa video trong Premiere Pro CC 2018, mình làm thử 1 đoạn clip dài khoảng 8 phút 21 giây ở độ phân giải Full HD 1080p, có thêm vài hiệu ứng nhỏ nhỏ, sự kết hợp giữa hiệu năng của MX250 và xung nhịp của i7-10510U là khá ổn mang lại cho mình khả năng sử dụng mượt mà, thời gian render mất chưa tới 10 phút.

Bên cạnh đó về tác vụ thông thường như lướt web, giải trí, xem phim là vô cùng thoải mái, mở rất nhiều tab google chrome nhưng máy vẫn chạy mượt mà. Cụ thể là mình thường xuyên mở khoảng 30 tab Google Chrome: trong đó là khoảng 15 tab tin tức các thể loại, 2 tab nghe nhạc online, 5 tab youtube mở video Full HD lẫn 4K cùng lúc, 2 tab xem phim, và các tab phục vụ cho công việc như: duyệt Gmail, lưu trữ file Google Drive,.. Trong 5 ngày sử dụng làm việc và trải nghiệm thì mình không gặp tình trạng giật lag, đứng hình trên Prestige 14.

Cảm nhận thì mỗi người sẽ khác nhau, nên để cụ thể và khách quan hơn, các bạn hãy xem các hình ảnh bên dưới, đây là kết quả 1 số bài test, đánh giá hiệu năng CPU  và GPU của chiếc máy này, rồi tốc độ của ổ SSD trong máy,..v...vv…mà mình đã thực hiện.

PCMark 10: 4170 (so sánh nhẹ với vài mẫu laptop văn phòng mình từng sử dụng qua) 

Avita Liber i3-8130U: 3002 / Dell Inspiron 13 i5-8250U: 3567 / Asus Zenbook 13 U333: i5-8265U: 3696

3DMark Time Spy: 1130 (so sánh với 1 số mẫu laptop có card đồ họa rời khác) 

(Acer Aspire 7 A715: i5-8300H + GTX 1050 4GB: 1839 / Asus TUF FX705GE: i7-8750H + GTX 1050Ti 4GB: 2544 / MSI PS42: i5-8250U + MX150 2GB: 1012)

3DMark - Night Raid

3DMark - Sky Diver

Unigine Superposition Benchmark (1080p Medium): 2556 (so sánh với 1 số mẫu laptop có card đồ họa rời khác) 

(Asus Zenbook 15 UX553: i5-8265U + GTX 1050 Max-Q 2GB: 3701)

V-Ray Benchmark: 4057 và 32

(So sánh với Lenovo Legion Y74: i7-8750H + RTX 2070 Max-Q 8GB: 8335 và 140) 


Geekbench 5

Thông tin và tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD

Tốc độ của ổ SSD đến từ Toshiba mình đánh giá khá ổn thôi chứ không “ngon” trong thời điểm hiện tại. Công việc của mình sử dụng khá thường xuyên 2 phần mềm Sketchup Pro 2019, và Adobe Photoshop CC 2019, tốc độ khởi chạy của các phần mềm này lần lượt là 16 giây và 10 giây. Prestige 14 cho mình trải nghiệm sử dụng trơn tru: các công cụ dựng hình dùng nhanh, việc thao tác chỉnh ảnh mượt. 

MX250 tuy chỉ là dòng card đồ họa phổ thông, giá rẻ, nhưng nó vẫn mạnh hơn GPU tích hợp rất nhiều. Không chỉ giúp cho chiếc laptop có thể xử lý các tác vụ đồ họa từ cơ bản cho tới trung bình khá, mà còn có thể giúp người dùng giải trí qua việc chơi những game nhẹ như LoL, Dota 2, CS:GO ở mức thiết lập cao trên độ phân giải Full HD một cách khá “ngon lành”.

Mình không có chủ đích chơi game trên mẫu máy này, nhưng để có thêm trải nghiệm, thì mình đã test nhanh 1 số game trên Prestige 14: đầu tiên là tựa game CS:GO, ở thiết lập High (mặc định trong game) thì mức FPS mình ghi nhận được trung bình là 90 FPS, đôi khi trong 1 số khung cảnh không quá nhiều chi tiết thì FPS có thể tăng lên đôi chút: 100 FPS. Chuyển qua tựa game Rise of the Tomb Raider, thì mình đạt được mức FPS trung bình là 35 ở thiết lập đồ họa Low, không bị giật lag nhiều, nói chung là chơi cho biết cốt truyện thì tàm tạm ổn, không đòi hỏi gì hơn !!

Đồng thời Nvidia Geforce MX250 cũng tương thích hoàn hảo với công nghệ Nvidia Optimus mang lại sự cân bằng hoàn hảo giữa hiệu suất và thời lượng pin.

Hiệu quả tản nhiệt

Là 1 chiếc laptop cần có khả năng đa nhiệm, thế nên quan tâm 1 chút về phần tản nhiệt cũng là điều cần thiết. Với lý do vì đây là máy mới nên mình không được mở nắp máy ra, nhưng qua tìm hiểu 1 số trang mạng nước ngoài thì mình được xem hình ảnh bên trong của Prestige 14. Chúng ta sẽ có 1 quạt tản cùng 2 ống đồng dẫn nhiệt cho cả CPU và GPU rời. 

Trong điều kiện phòng quạt 34 độ, quạt để chế độ auto, máy đặt trên mặt bàn gỗ, không sử dụng đế tản hay quạt hút, sau khoảng gần 3 tiếng sử dụng (dựng hình trong Sketchup, chỉnh khoảng 15 tấm ảnh dung lượng khoảng 2MB mỗi tấm qua photoshop, mở Chrome lướt web và xem phim online), cũng như test game nhanh giải trí trong vòng 30 phút sau đó. Thì nhiệt độ cao nhất mình ghi nhận được qua phần mềm của CPU là 65 độ C, còn GPU là 58 độ C.

Theo cảm nhận và đánh giá cá nhân của mình thì nhiệt độ máy như vậy là rất bình thường, không hề nóng chút nào cả, hoàn toàn không ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng máy: khu vực bàn phím và kê tay mát mẻ. 1 phần lý do là thiết kế bản lề đã tăng thêm không gian cho việc lưu thông khí và hút gió, thoát hơi nóng bên trong (do mặt đáy đã được nâng lên cao). Mình cũng có thử kiểm tra tản nhiệt của máy qua bài stress test bằng FurMark bao gồm cả CPU và GPU.

Nhiệt độ ban đầu trước khi stress test

Stress test CPU trong 10 phút

Stress test GPU trong 5 phút

Cổng kết nối trên máy

Thêm 1 yếu tố quan trọng của 1 chiếc laptop đa nhiệm phục vụ công việc nói chung, và các ngành nghề đặc thù nói riêng, đó là các cổng kết nối trên máy. Mặc dù trên Prestige 14 chúng ta có khá đầy đủ các cổng kết nối cần thiết (2 cổng USB type A, cổng 3.5 mic và tai nghe kết hợp, khe đọc thẻ micro SD) và cập nhật công nghệ (2 cổng USB type C có Thunderbolt 3, hỗ trợ sạc Power Delivery).

Nhưng thật khó hiểu khi ở thời điểm cuối 2019 đầu 2020 mà MSI chỉ trang bị cổng USB type A 2.0 cho laptop ?? Rồi lại bố trí 2 cổng này và cổng tai nghe kết hợp mic nằm cùng cạnh bên phải của máy, thường là nơi tay người dùng sử dụng chuột rời, rõ ràng sẽ gây 1 sự vướng víu khi sử dụng đồng thời. Ngoài ra dẫu biết là Prestige 14 theo thiên hướng laptop mỏng nhẹ, nhưng máy cũng không phải quá mỏng tới mức lại phải bỏ đi cả cổng HDMI (bỏ cổng mạng RJ45 tạm chấp nhận được) ?! Thật sự mình đã có 1 chút hụt hẫng không hề nhẹ !! 

Bàn phím và touchpad

Về bàn phím thì layout sắp xếp, font chữ và ký hiệu phím trên Prestige 14 đã có sự khác biệt so với những mẫu thuộc P-series trước đây mình từng tiếp xúc qua (PS42, PS63, P65,..). Nút nguồn khởi động máy giờ đây được “nhét” chung vào bàn phím và cũng không có cụm phím số numpad.

Gõ thử bàn phím thì mình thấy ổn, hành trình phím khoảng 1,2 - 1,4mm, lực ấn nhẹ, không cần dùng sức nhiều do phần bản lề đã nâng góc máy lên, tạo sự thoải mái hơn cho cổ tay người dùng khi gõ phím. Trên Prestige 14 cũng chỉ có Led nền bàn phím màu trắng đơn sắc với 3 cấp độ sáng. Dù sao đây cũng là dòng sản phẩm cho công việc, nên bớt màu mè RGB gây phân tâm người dùng cũng là điều dễ hiểu.

Phần touchpad thì có kích thước khá lớn, chủ yếu là rộng bề ngang tương tự như PS63 Modern. Mình ít khi sử dụng touchpad nên xài được là được, các thao tác đa điểm trên Prestige 14 cho độ phản hồi khá nhanh, 2 phím chuột trái phải bấm có độ nẩy tốt, dù không được tách riêng biệt ra nhưng cũng dễ sử dụng. Bề mặt touchpad được làm nhám mịn nên cảm giác vuốt lướt với 1 người dễ đổ mồ hôi tay như mình là khá thoải mái. Trên phần bề mặt touchpad cũng được trang bị cảm biến vân tay 1 chạm tương tự như các mẫu Prestige và Creator của MSI trước đây, nhận diện nhanh nhưng kích cỡ cảm biến hơi nhỏ so với ngón tay hơi to của mình.

Loa

Loa trên Prestige 14 vẫn được bố trí ở 2 bên cạnh sát mép của mặt dưới đáy máy, tương tự như phần lớn các mẫu laptop MSI trước đây. Qua việc mở thử 1 số bài nhạc, xem youtube, coi phim,…thì mình thấy loa ngoài của máy chỉ ở mức tạm chấp nhận được, độ chi tiết phù hợp nghe nhạc nhẹ và trữ tình. Các bạn có thể tối ưu hơn âm thanh bằng công nghệ âm thanh Nahimic được tích hợp trong ứng dụng Creator Center: chọn cài đặt cho các nhu cầu sử dụng như nghe nhạc, phim ảnh, chơi game. 

Nói chung thì ngồi mò mẫm tí cho vui, chứ cũng chỉ cải thiện một chút chất lượng âm thanh mà thôi. Thế nên nếu sử dụng máy để chỉnh nhạc DJ hay chỉnh âm thanh cho video clip, các bạn nên cân nhắc sử dụng thêm tai nghe hoặc loa ngoài.

Pin và thời lượng

Viên pin của MSI Prestige 14 có dung lượng 52Wh, và theo thông tin của nhà sản xuất thì pin sẽ cho thời gian sử dụng là 10 tiếng. Trải nghiệm thực tế qua các công việc văn phòng nhẹ ví dụ như gõ bài đánh giá này, làm báo giá qua excel, lướt web xem tin tức, nghe nhạc, xem youtube ở mức âm lượng 70, độ sáng màn hình 25% thì máy còn 10% sau hơn 5 tiếng. 

Còn khi sử dụng các phần mềm đồ họa như PTS, AI, render Video full HD qua Premiere ở độ sáng 75% thì máy trụ được khoảng 2 tiếng 30 phút. Thử nghiệm tiếp qua phần mềm thì thời gian của Prestige 14 là 5 tiếng 30 phút. Nhìn chung thì cũng tạm gọi là đủ cho 1 ngày làm việc ở mức độ khá, cục sạc với công nghệ sạc nhanh cũng hỗ trợ tốt cho người dùng (với 15 phút sạc sẽ cho thêm 1 tiếng 30 phút sử dụng).

Tổng kết

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp có đầu tư và cải tiến mang lại trải nghiệm tốt.
  •  Trọng lượng nhẹ, tính di động cao.
  •  Màn hình có chất lượng hiển thị tốt.
  •  Cấu hình khá với con chip mới, card đồ họa mới trên 1 mẫu laptop thiên hướng văn phòng và sáng tạo.
  •  Pin khá, có hỗ trợ sạc nhanh.

Nhược điểm: 

  •  Không có cổng HDMI.
  •  Loa tạm.
  • Chỉ có 1 khe Ram, hiện ở thị trường Việt Nam chỉ có bản 16GB. 
Là lựa chọn phù hợp: nếu bạn tìm kiếm 1 mẫu notebook laptop mang thương hiệu lớn, màu sắc bắt mắt, thiết kế cải tiến, gọn nhẹ, con chip mới, màn hình thể hiện màu sắc tốt. Không phù hợp: nếu bạn cần sức mạnh đa nhiệm hơn và mạnh hơn cho công việc, có thể là cả chơi game nữa, cũng như thời lượng pin tốt hơn. 
 
Techzones / HảiArt666

 

MSI Prestige 14

MSI Prestige 14

28.990.000 ₫
  • Màn hình: 14" FHD/UHD IPS
  • CPU: thế hệ thứ 11
  • RAM: DDR4-3200
  • SSD: 512GB / 1TB
  • VGA: Iris Xe / GTX1650
  • Nặng: 1.29 kg