Trên tay HP ProBook 450 G7 và HP 348 G7: "ĂN CHẮC MẶC BỀN"

Ngoài cấu hình và hiệu năng ổn định, thiết kế gọn gàng và thanh lịch, thì mức giá hợp lý, phù hợp túi tiền là những yếu tố mà người dùng có thể tìm thấy ở những mẫu laptop văn phòng của hãng HP dù ở bất kỳ phân khúc nào.  

Và mẫu laptop HP ProBook 450 G7HP 348 G7Techzones muốn nhắc tới trong bài viết này là những minh chứng cụ thể cho nhận định trên, 1 sự lựa chọn laptop phổ thông mà theo mình đánh giá là hợp lý dành cho dân văn phòng, học sinh sinh viên, đáp ứng đúng tiêu chí: “ăn chắc mặc bền”.

Cấu hình phổ thông, hiệu năng khá

Cả 2 mẫu laptop này đều được trang bị bộ vi xử lý Intel Core i thế hệ thứ 10 (Comet Lake) được ra mắt vào cuối năm ngoái 2019, card đồ họa tích hợp Intel UHD Graphics 620, với dung lượng Ram là 4GB, và 1 ổ SSD 256GB M.2 NVMe PCIe.

HP ProBook 450 G7

  • i5-10210U (4 nhân 8 luồng, 6MB Cache, mức xung nhịp: 1.6 GHz - 4.2 GHz, TDP: 15W)
  • Intel UHD Graphics 620
  • 4GB Ram (2666 MHz, có tổng cộng 2 khe Ram, hỗ trợ tối đa 32GB)
  • SSD 256GB (M.2 NVMe PCIe)
  • 15.6 inch FHD 45% NTSC

HP 348 G7

  • i3-10110U (2 nhân 4 luồng, 4MB Cache, mức xung nhịp: 2.1 GHz - 4.1 GHz, TDP: 15W)
  • Intel UHD Graphics 620
  • 4GB Ram (2666 MHz, có tổng cộng 2 khe Ram, hỗ trợ tối đa 32GB)
  • SSD 256GB (M.2 NVMe PCIe)
  • 14 inch FHD 45% NTSC

Sau 3 ngày sử dụng, thì trong các công việc văn phòng: mình hay soạn thảo văn bản trên Word, làm báo giá cho khách hàng qua Excel, thỉnh thoảng thì lướt web đọc tin tức và kiểm tra mail, chat qua Zalo và Skype,… đều không phải vấn đề với ProBook 450 G7 và 348 G7. Chuyển sang các công việc mang tính chuyên môn cao hơn: mình dùng phần mềm Sketchup Pro 2018 để thiết kế nội ngoại thất (file khoảng gần 100MB), hay chỉnh sửa 10 – 15 tấm hình (mỗi tấm 3MB) qua Photoshop CC 2019, thì không thấy xảy ra trục trặc hay “đứng hình”, 2 máy vẫn cho khả năng xử lý khá nhanh chóng và ổn định.

Mặc dù ổ SSD M.2 bên trong 2 mẫu laptop này không phải thuộc loại “dữ dằn” (ProBook 450 G7 sử dụng của hãng Samsung, còn 348 G7 sử dụng của Kioxia – 1 thương hiệu tách ra từ hãng Toshiba, trước đây lấy tên là Toshiba Memory), nhưng cảm nhận thực tế của mình thì tốc độ khởi động Win cũng như mở các phần mềm chuyên dụng là khá nhanh: ví dụ như Sketchup và Photoshop mình khởi động mất khoảng 10 giây là có thể sử dụng, còn khởi động máy thì từ lúc nhấn nút khởi động cho tới màn hình đăng nhập là khoảng 7 - 8 giây. Và với 2 mẫu máy này, người dùng hoàn toàn có thể nâng cấp thêm dung lượng để có thêm “không gian” lưu trữ tài liệu cá nhân, hay cài đặt các ứng dụng cần thiết.

Ổ SSD trong ProBook 450 G7

Ổ SSD trong 348 G7

Không thể thiếu là các bài test đánh giá hiệu năng máy thể hiện qua các điểm số, các bạn có thể xem qua những hình ảnh bên dưới để có những hình dung rõ hơn về khả năng của 2 mẫu laptop này. 

PCMark 10

3DMark -Sky Diver

V-Ray Next Benchmark 

Corona 1.3 Benchmark

Geekbench 5

HP ProBook 450 G7 và HP 348 G7 là những mẫu laptop văn phòng, không dành cho chơi game, tuy vậy mình cũng đã thử “sức mạnh” của 2 mẫu máy này qua tựa game bóng đá phổ biến hiện nay là Fifa Online 4. Đây là 1 tựa game thể thao không đòi hỏi cấu hình cao, thế nên trải nghiệm chơi game mình đánh giá ở mức trung bình khá trở lên, chơi vui vẻ giải trí xả “xì trét” cũng tạm ổn, hình ảnh trong game cũng khá sắc nét dù ở độ phân giải thấp.

Tản nhiệt hoạt động khá hiệu quả

Trên các mẫu laptop văn phòng nói chung, và dòng phổ thông nói riêng, thì hệ thống tản nhiệt là 1 cái gì đó chỉ để cho có mà thôi ! Tuy vậy trong quá trình test máy, thử chơi game, thử làm các công việc chuyên môn khá là nặng, thì mình cảm nhận nhiệt độ trong máy được kiểm soát khá tốt, nhất là mẫu ProBook 450 G7, lý do là vì kích thước cũng như số lượng khe tản nhiệt nhiều hơn so với 348 G7, thêm 1 lý do nữa là phần mặt A của ProBook 450 G7 được làm bằng kim loại trong khi 348 G7 là bằng nhựa.

Khe tản nhiệt trên ProBook 450 G7

Khe tản nhiệt trên 348 G7

Kiểm tra khả năng tản nhiệt của máy qua bài stress test CPU trong 10 phút bằng FurMark, trong điều kiện phòng quạt 31 độ C, mình ghi nhận được nhiệt độ trung bình của ProBook 450 G7 là 77 độ C, còn của 348 G7 là 84 độ C. Mức nhiệt độ của 348 G7 có vẻ là khá cao đôi khi có ảnh hưởng đôi chút tới hiệu năng của máy, nhưng nhìn chung là chấp nhận được vì toàn bộ phần vỏ máy là làm bằng nhựa.

Chỉ lưu ý các bạn là nên sử dụng máy điều độ hơn, nhất là khi cần sử dụng nhiều các tác vụ nặng cùng một lúc trong thời gian dài 4-5 tiếng trở lên, và có thể thì nên sử dụng máy trong phòng máy lạnh, kê đít máy lên cao hơn vì bên dưới mặt đáy máy có các khe hút gió hỗ trợ thêm cho tản nhiệt.

Thời lượng pin tốt

Thời lượng pin tốt là 1 điểm cộng của cả 2 mẫu laptop ProBook 450 G7 và 348 G7 này. Trong bài test của mình: để cả 2 máy ở độ sáng 50%, có kết nối wifi nhưng không sử dụng làm gì cả, chỉ để nguyên màn hình sáng như vậy, thì sau gần 9 tiếng đồng hồ (ProBook 450 G7 – pin 44Whr) và 8 tiếng 30 phút (348 G7 – pin 42Whr) thì máy mới cạn pin cần sạc.

Chuyển qua bài test thứ 2, vẫn có kết nối wifi, mình chỉnh độ sáng lên cao hơn là 75%, loa mở mức 80%, mở Youtube cho các video FHD chạy liên tục, thì kết quả thu lại được trung bình là khoảng 6 tiếng đối với cả 2 mẫu máy này.

Tiếp tục bài test thứ 3, mình sử dụng các phần mềm làm việc chuyên môn: Sketchup, Photoshop,..làm việc thường xuyên, thỉnh thoảng có lướt web kiếm thêm tư liệu, thì ProBook 450 G7 trụ được 5 tiếng 30 phút, còn 348 G7 thì ít hơn đôi chút. Với các công việc văn phòng thông thường, các tác vụ không cần sử dụng hết hiệu năng thì chắc chắn thời lượng pin sẽ còn tốt hơn nữa.

Tuy các kết quả trên cũng chỉ mang tính tương đối, để tham khảo, vì thời lượng pin còn phụ thuộc vào cách các bạn sử dụng 2 mẫu máy này, cũng như cách chúng ta sạc pin xả pin đúng để pin lâu chai hơn, ít hỏng hóc hơn. Nhưng có thể thấy các kết quả mình ghi nhận được là khá khả quan, thời lượng pin vừa đủ để đáp ứng cho 1 ngày 8 tiếng làm việc, học tập.

Cổng kết nối đầy đủ nhưng bố trí chưa hợp lý

Thêm 1 điểm cộng cho ProBook 450 G7 và 348 G7 đó là chúng ta sẽ có gần như đầy đủ các cổng kết nối quan trọng và cần thiết:

HP ProBook 450 G7

  • 1 USB Type C 3.1 Gen 1 (kiêm luôn cổng DisplayPort, hỗ trợ sạc Power Delivery)
  • 2 USB Type A 3.1 Gen 1
  • 1 USB Type A 2.0 (Powered Port – hiểu nôm na là cổng USB được cấp nguồn điện lớn hơn thông thường, có thể dùng để cắm ổ cứng rời 2.5 inch, hoặc sạc 1 số thiết bị di động)
  • 1 cổng HMDI 1.4
  • 1 cổng mạng Ethernet RJ-45
  • 1 cổng tai nghe kèm mic 3.5mm
  • 1 khe thẻ nhớ SD
  • Cổng sạc và cổng khóa Kensington

HP 348 G7

  • 1 USB Type C 3.1 Gen 1 thường
  • 2 USB type A 3.1 Gen 1
  • 1 USB Type A 3.1 Gen 1 (hỗ trợ sạc Power Delivery)
  • 1 cổng HDMI 1.4
  • 1 cổng tai nghe kèm mic 3.5mm
  • 1 cổng mạng Ethernet RJ-45
  • 1 khe thẻ nhớ SD
  • Cổng sạc và cổng khóa Kensington

Tuy nhiên việc bố trí các cổng kết nối theo đánh giá của mình là chưa hợp lý: Ví dụ như trên ProBook 450 G7 hãng HP nên cân đối lại các cổng kết nối đều ra 2 cạnh bên hơn, hiện tại thì các cổng kết nối chính, thường hay sử dụng như là USB type C, 2 USB type A 3.1, HDMI,… lại nằm dồn hết về bên cạnh phải của máy, sẽ gây vướng víu khi sử dụng chuột rời trong trường hợp chúng ta sử dụng cùng lúc nhiều kết nối (cắm usb dữ liệu, cắm ổ cứng, cắm kết nối ra màn hình ngoài,…).

Cả cổng tai nghe kèm mic cũng nằm bên cạnh phải của ProBook 450 G7, giả dụ như mình dùng tai nghe cắm dây vào thì cũng sẽ gây vướng víu khi cần sử dụng bàn phím. Những nhược điểm nhỏ trên cũng xảy ra tương tự với 348 G7 !!

Bàn phím và touchpad sử dụng ổn, 348 G7 không có đèn nền bàn phím

Vẫn là layout bàn phím quen thuộc từ trước tới nay mà HP đã áp dụng cho các mẫu laptop văn phòng của hãng. Nhưng trên 348 G7 thì sẽ không có dãy phím số numpad, bù lại thì kích cỡ chữ và ký tự trên mặt phím to và dày hơn, dễ nhìn hơn so với bàn phím trên ProBook 450 G7.

Cảm giác gõ phím trên 2 mẫu laptop này mình cảm nhận thấy là khá ổn, bề mặt phím có độ sần nhẹ giúp bám tay hơn, layout sắp xếp phím quen thuộc, gõ êm ít phát ra tiếng động. Khoảng cách giữa các phím cũng như hành trình phím vừa đủ sự thoải mái và dễ chịu để người dùng có thể gõ nhanh mà vẫn gõ đúng ký tự.

Ngoài việc không có cụm phím số numpad, thì trên 348 G7 còn 1 nhược điểm đó bàn phím không có đèn nền, sẽ khá bất tiện khi chúng ta phải làm việc ở những nơi thiếu ánh sáng, hoặc làm việc buổi tối đêm. Trên ProBook 450 G7 thì có đèn nền phím màu trắng với 3 mức độ sáng.

Touchpad trên ProBook 450 G7 và 348 G7 đều có kích thước tương đối, không lớn không nhỏ và nằm lệch sang bên trái (trên ProBook 450 G7 thì độ lệch nhiều hơn ảnh hưởng đôi chút tới phần kê tay bên trái, và trên touchpad không có chia ra nút chuột trái và phải như 348 G7).

Tương tự với phần bề mặt phím, thì touchpad (bàn di) trên 348 G7 cũng có phần bề mặt được xử lý nhám, cảm giác vuốt chạm lướt là tương đối mượt chứ chưa được trơn tru, linh hoạt cho lắm. Và mình thấy touchpad này hơi rít tay với những bạn dễ đổ mồ hôi tay ví dụ như mình ! Giải pháp lúc này thì chúng ta nên trang bị thêm chuột rời để việc sử dụng được mượt mà hơn.

Trái ngược lại đôi chút thì touchpad trên ProBook 450 G7 cho trải nghiệm tốt hơn, bề mặt cũng được làm nhám nhưng mịn hơn trên 348 G7, mang lại độ chính xác cao hơn, việc lướt và nhấp chọn dễ dàng hơn.

Cả 2 mẫu laptop này đều có trang bị cảm biến vân tay, ProBook 450 G7 thì đặt sát bên cạnh phải của máy, còn 348 G7 thì ngược lại sát bên cạnh trái của máy, ở vị trí này thì thường người dùng sẽ có xu hướng dùng các ngón bên tay trái để mở khóa máy cho thuận tiện hơn. Cảm biến vân tay mình thấy cho nhận diện nhanh, tiện dụng, ngoài ra các bạn có thể kết hợp thêm Windows Hello để tăng cường tính bảo mật (ví dụ như thêm nhận diện gương mặt qua webcam, trên ProBook 450 G7 còn có thêm nút gạc để che webcam đi khi không sử dụng, tránh bị hacker xâm nhập), mang lại sự yên tâm trong quá trình sử dụng làm việc, học tập.

Màn hình bình thường, khả năng hiển thị trung bình khá.

Không có gì để nói nhiều về màn hình trên ProBook 450 G7 (15.6 inch – AUO sản xuất) và 348 G7 (14 inch – BOE sản xuất), phần viền màn hình 2 cạnh bên đã được gọt mỏng hơn, nhưng cạnh trên và dưới vẫn còn khá dày. Độ phân giải Full HD, tấm nền IPS cho góc nhìn 2 bên rộng rãi hơn, chất lượng hiển thị trung bình khá, màu sắc tương đối (45% NTSC), không rực rỡ cho lắm, có phần hơi nhợt nhạt. 

Cả 2 đều được trang bị lớp chống chói trên màn hình, thế nên người dùng có thể sử dụng máy ở môi trường bên ngoài như quán café ngoài trời, dưới bóng râm, màn hình ít bị tình trạng bóng mờ.

Điểm đặc biệt có thể nhắc tới là ở trên ProBook 450 G7 bản lề cho góc mở màn hình ra 180 độ, mang tới sự linh hoạt cần thiết cho người sử dụng trong 1 số trường hợp ví dụ như là làm việc nhóm, thuyết trình,…

Độ bền đạt chuẩn quân đội trong 1 thiết kế đơn giản, không kém phần thanh lịch !

Theo thông tin mình tìm hiểu được thì 2 mẫu ProBook 450 G7 và 348 G7 đều đã vượt qua nhiều bài test theo tiêu chuẩn quân đội MIL-STD 810H dành cho HP BUSINESS PCs (tiêu chuẩn laptop dành cho doanh nghiệp), cụ thể là ProBook 450 G7 đã vượt qua 19 bài test còn 348 G7 là 13 bài test. Đây là những bài kiểm tra khả năng chống chịu với việc thả rơi máy, khả năng chống sock, bụi bẩn và cát,….độ bền của máy khi sử dụng trong nhiều điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, khí hậu khắc nghiệt,…

Thiết kế chung của 2 mẫu laptop này theo cảm nhận của mình là khá đơn giản, không cầu kỳ, ở mức an toàn. Nhưng nhờ được sơn lớp vỏ ngoài màu bạc sáng nhìn khá sang chảnh, logo HP mạ bóng bắt mắt ngay phần giữa nắp máy, các góc cạnh của máy thì vừa được vát vừa được bo cong mang tới sự thoải mái dễ dàng cho việc cầm máy trên tay, thế nên ProBook 450 G7 và 348 G7 vẫn gây được thiện cảm và ấn tượng tốt với người dùng.

Màu bạc của phần vỏ cũng giúp cho 2 mẫu máy ít bị thấy dấu vân tay, mồ hôi bám lên hơn, rồi còn tạo cảm giác như là máy làm phần vỏ bằng kim loại vậy, nhưng thực tế thì 348 G7 làm hoàn toàn bằng nhựa (trọng lượng máy 1,5kg), riêng có ProBook 450 G7 thì phần nắp máy (mặt A) là làm bằng kim loại nhôm (trọng lượng máy 2kg).

Độ hoàn thiện chung của 2 mẫu laptop này mình đánh giá ở mức khá, tình trạng flex khi dùng lực mạnh nhấn ngón tay lên phần nắp và đáy máy, cho tới phần bàn phím và khung bàn phím là có xảy ra, nhưng ở mức tối thiểu chấp nhận được với 1 chiếc laptop văn phòng phổ thông. Bản lề chắc, thao tác mở nắp máy cần dùng cả 2 tay. 

Tổng kết

Vừa rồi là những trải nghiệm và đánh giá của mình về 2 mẫu laptop phổ thông dành cho học sinh sinh viên, và giới văn phòng doanh nhân mới vừa được ra mắt của HP: HP ProBook 450 G7HP 348 G7, hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để tham khảo, và chọn mua cho mình 1 mẫu laptop phù hợp nhất.

Hiện tại 2 mẫu laptop này đều đang được bán tại cửa hàng Techzones với đầy đủ các tùy chọn cấu hình và mức giá khác nhau, các bạn có thể khảo thêm thông tin trên website Techzones.vn. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài đánh giá này.

Techzones / HảiArt666