Những điều bạn cần biết về tính năng chống thấm nước và các thiết bị wearables



"Sản phẩm này có chống thấm nước không?" một câu hỏi quen thuộc bên cạnh các câu hỏi khác như "Thời lượng pin của sản phẩm là bao lâu?" hay "Sản phẩm có những tính năng nổi bật nào?" Đây là những câu sẽ được hỏi khi một thiết bị theo dõi thể thao, đồng hồ thông minh hoặc thiết bị wearable dành cho bơi lội mới được thông báo ra mắt.

Chúng tôi không chắc rằng tất cả người dùng yêu thích bơi lội luôn sẵn sàng mang theo các thiết bị wearables bóng loáng xuống hồ bơi, vấn đề ở đây là người dùng nên biết được điều gì sẽ xảy ra khi các thiết bị này mang xuống nước. Tuy nhiên khá nhiều hãng sản xuất không đề cập rõ chuyện này, như việc: Giải thích chỉ số IP nghĩa là gì? Khả năng chống nước có khác với chống thấm nước?...

Chúng tôi sẽ phân tích chi tiết các ý nghĩa của từng chỉ số, và những khả năng mà các hãng sản xuất thiết bị wearables cung cấp bên trong cho việc chống thấm nước.


Chống thấm nước hay chống nước? 

Đây là 2 thuật ngữ gây tranh cãi và nhầm lẫn có thể khiến người sở hữu không hiểu tại sao thiết bị của mình lại bị hư hại. Bởi vì đây là 2 điều khác biệt nhau và không có sự thống nhất rõ ràng về định nghĩa cho cả 2 thuật ngữ này.
Chống nước (Water resistant) cung cấp mức bảo vệ thấp nhất, về cơ bản thuật ngữ này có nghĩa là thiết bị được thiết kế để làm cho nước khó xâm nhập vào bên trong.
Chống thấm nước (Waterproof) thì lại có nghĩa là "một cái gì đó không thấm nước". Vấn đề là hiện tại chúng ta không có tiêu chuẩn chung nào được lập ra trong ngành sản xuất chế tạo wearables, để phân biệt thế nào là "một cái gì đó chống thấm nước". Đó là lý do tại sao một vài thiết bị được gắn nhãn chống thấm nước nhưng thực sự thì không phải vậy, mà có thể chỉ là chiêu trò kinh doanh. 


Giải thích ý nghĩa một số từ về khả năng chống nước:

IP - Viết tắt của Ingress Protection, nghĩa là bảo vệ khỏi sự thâm nhập, và là một hệ thống đánh giá thiết lập bởi tổ chức International Electrotechnical Commission (IEC). Bạn thường hay thấy các chỉ số như IP67, IP68 hoặc tương tự như vậy.

Chỉ số bao gồm 2 phần: chữ số đầu tiên thể hiện khả năng bảo vệ sự thâm nhập các vật ở thể rắn như bụi, chữ số thứ 2 liên quan đến khả năng chống chất lỏng. Các chỉ số càng cao thì khả năng được bảo vệ của các thiết bị wearable càng cao, qua đó chống lại những thứ có thể gây tổn hại nghiêm trọng. 

ATM – Viết tắt của Atmospheres, nghĩa là khí quyển và có liên quan đến các bài kiểm tra đo lường áp suất. Các phép đo áp suất khí quyển được chuyển đổi sang độ sâu của nước để chỉ ra mức chịu đựng của thiết bị. Do đó, nếu smartwatch của bạn được giới thiệu có chỉ số chống thấm nước 5ATM: nghĩa là nó có khả năng chịu được áp suất tương đương ở độ sâu 50 mét. Đồng hồ của hãng Pebble là một ví dụ (theo minh hoạ trên web của hãng)

Áp lực của nước dĩ nhiên sẽ thay đổi, đặc biệt là khi bơi lội, do đó bạn có thể thấy mỗi thiết bị wearable sẽ có mức ATM khác nhau, và thực sự thì không phải thiết bị nào cũng có thể làm người dùng yên tâm khi nhúng chìm trong nước. Các thiết bị với mức 1ATM hay 3ATM đều được khuyến cáo không dùng cho việc bơi lội. Bạn nên kiểm tra kỹ càng thông tin chi tiết trên trang web của các hãng sản xuất, bởi vì các mức này sẽ khác nhau theo từng hãng.


Apple Watch Series 2

Với Apple Watch nguyên bản, bạn không thể "nhúng" nước được, nhưng với dòng Apple Watch Series 2 thì có thể, với khả năng chống thấm nước với độ sâu 50 mét trong nước biển (nước muối) hay nước sông hồ. Bạn có thể đeo đồng hồ để bơi trong hồ bơi hay biển, cùng tính năng theo dõi hoạt động bơi trong hồ hoặc ở vùng nước mở (biển, hồ).

Với độ sâu tương đối thì khả năng chống thấm nước hoạt động vẫn hiệu quả, nhưng Apple khuyến cáo rằng đồng hồ này không phù hợp cho các môn thể thao như: lặn với bình khí, lướt sóng, các hoạt động liên quan đến vận tốc bắn nước cao hoặc mực nước sâu.


Apple Watch/Apple Watch Series 1

Chiếc Apple Watch đời đầu có khả năng chống nước ở mức IPX7, chỉ chống tạt nước và chống nước ở mức thấp, nghĩa là đồng hồ vẫn hoạt động tốt trong các trường hợp đổ mồ hôi khi bạn đang trong phòng tập gym, mắc mưa ngoài trời và khi bạn rửa tay. Đồng hồ hoàn toàn không có khả năng chống thấm nước, và tất nhiên là không thể dùng khi bơi lội được đâu nhé!

Cũng có vài video lan truyền trên mạng mục đích để chứng tỏ rằng các thiết bị đời đầu của Apple vẫn có khả năng chống thấm nước tốt hơn những gợi ý của hãng. Tuy nhiên để rõ ràng vấn đề, một công ty tên Cupertino đã đưa ra khuyến nghị: Không nên nhúng nước chiếc đồng hồ, nhảy vào bồn tắm hay tắm vòi sen. Ngay cả việc đeo đồng hồ trong lúc tắm sauna hay xông hơi cũng không được khuyến khích. May mắn là những chiếc dây da cao cấp nhiều màu sắc không bị nhũn khi bị thấm nước.


Fitbit

Hãng bán chạy nhất các thiết bị wearable cuối cùng cũng quyết định cho ra đời thiết bi theo dõi hoạt động thể thao có thể dùng cho môn bơi lội – dây đeo Fitbit Flex 2. Cũng giống như Apple Watch series 2, thiết bị này có khả năng chống thấm nước ở độ sâu 50 mét trong nước biển và nước hồ, bạn có thể đeo trong lúc tắm vòi sen.

Các dòng sản phẩm còn lại của Fitbit, công ty không đưa rõ ra mức độ chống nước nhưng vẫn gợi ý chiếc Fitbit Charge 2 và Alta HR có thể chống nước văng, mồ hôi và mưa, bạn không thể đeo để bơi lội hay tắm vòi sen. Đây là các thông tin chính thức từ trang hỗ trợ: “Chúng tôi không khuyến khích bạn tắm vòi sen cùng với thiết bị, mặc dù một lượng nước nhỏ sẽ không làm hư hại thiết bị, và việc đeo thiết bị thường xuyên 24/7 làm da bạn không được cảm thấy "thông thoáng". Khi thiết bị theo dõi bị ướt, bạn nên lập tức lau khô ngay thật kỹ trước khi sử dụng lại”

Chiếc Fitbit Surge có khả năng chống thấm nước 5ATM nhưng cũng giống như các thành viên khác trong gia đình thiết bị theo dõi, thiết bị không dùng để bơi lội được, nên bạn cần giữ thiết bị tránh xa nước.


Đồng hồ Android Wear

Phần lớn các dòng đồng hồ thông minh Android Wear đều có khả năng chống nước là IP67 (ngoại lệ là chiếc đồng hồ Tag Heuer Connected Modular 45 vừa ra mắt có thể dùng cho việc bơi lội).

Chỉ số trên có nghĩa là bạn có thể nhúng đồng hồ dưới nước với độ sâu 1 mét trong vòng 30 phút, nghe có vẻ như bạn có thể đeo đồng hồ để đi bơi được nhưng hãy khoan! Chỉ số này thực chất có nghĩa là đồng hồ không được thiết kế để bơi lội, lặn hay dùng trong nước sâu. Nếu bạn đeo đồng hồ trong lúc rửa xe hay rửa tay thì vẫn ổn, còn các trường hợp khác thì thiết bị sẽ bị thấm nước.

Đây cũng không phải là mặt thiếu sót của các thiết bị Android Wear đối với những người yêu thích hoạt động dưới nước. Chiếc Sony Smartwatch 3 tuy đã cũ nhưng vẫn được ưa chuộng có chỉ số chống nước IP68, theo Sony thì bạn có thể dùng trong môi trường nước ngọt, ở độ sâu khoảng 10 mét và không quá 30 phút. Nếu bạn sử dụng trong hồ bơi có chứa clo thì bạn nên rửa lại bằng nước thường sau khi bơi. Đặc biệt khuyến cáo: không dùng trong nước biển hoặc nước nhiễm mặn / nước muối.

Một tin vui là có thêm một số thành viên mới vừa gia nhập gia đình Android Wear – đồng hồ thông minh cho hoạt động ngoài trời Casio Smart Outdoor Watch WSD-F20 với khả năng chống thấm nước là 50 mét. Chiếc đồng hồ Mission của Nixon chống thấm nước 10ATM, bạn có thể đi bơi với độ sâu lên đến 100 mét, đây là mức chống thấm nước cao nhất hiện nay của dòng đồng hồ Android Wear.


Garmin

Garmin khá chắc chắn việc các thiết bị theo dõi của hãng có thể dùng trong hồ bơi được. Chiếc Vivosmart 3 và Vivosmart HR+ đều có khả năng chống thấm nước 5ATM, bạn có thể đeo trong lúc bơi lội với độ sâu 50 mét và dĩ nhiên cả trong lúc tắm vòi sen.

Nếu bạn yêu thích đồng hồ thông minh với phong cách quân đội, bạn có thể tìm hiểu về dòng sản phẩm dành cho vận động viên 3 môn phối hợp của Garmin như chiếc Forerunner 935 hay Fenix 5, cả 2 đều chống thấm nước 5ATM.

Nguồn: Wareable / Michael Sawh 
Dịch: Techzones / HảiArt666