Những điều cần biết và Danh sách những mẫu SmartWatch ECG tốt nhất hiện nay

Theo dõi nhịp tim đã trở thành 1 phần không thể thiếu của đa số các mẫu đồng hồ thông minh và theo dõi tập luyện thể thao hiện nay, nhưng cảm biến điện tâm đồ (Electrocardiogram ECG/EKG) mới là tính năng mới đáng chú ý trong năm 2021 này.

Công nghệ này được nghiên cứu phát triển nhằm giúp người dùng có thể theo dõi chặt chẽ hơn về sức khỏe tim mạch của bản thân, và thậm chí có thể được sử dụng để xác định hiện tượng rung tâm nhĩ (Afib)-1 tình trạng của chứng loạn nhịp tim (tim đập không đều), nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ và suy tim.

Thiết bị tiêu biểu nhất có tính năng điện tâm đồ (ECG) có thể kể tới là các mẫu Apple Watch, hiện dự kiến nó sẽ được trang bị trên các thiết bị thông minh khác như Galaxy Watch 3 của Samsung, và mẫu Fitbit Sense mới.

Điện tâm đồ ECG là gì và tại sao nó là một tính năng quan trọng cần có trên đồng hồ thông minh? Các bạn hãy theo dõi bài viết ngay dưới đây để biết thêm chi tiết. (bài viết được cập nhật vào thời điểm tháng 2 - tháng 3 năm 2021)

Điện tâm đồ ECG là gì?

  • Hầu hết các thiết bị đeo trên thị trường hiện nay đều có tính năng đo nhịp tim quang học, đây là 1 màn hình sử dụng đèn Led nhấp nháy để xuyên qua da và phát hiện lưu lượng máu.
  • Khi ánh sáng bị phản xạ khỏi dòng luân chuyển của máu, nó sẽ được các cảm biến ghi nhận lại. Sau đó các thuật toán bắt đầu hoạt động để tạo ra dữ liệu về nhịp tim.
  • Nhưng đây cũng chỉ là thông số mang tính tham khảo, không chính xác đến mức có thể hoàn toàn tin tưởng vào nó, đặc biệt nếu có liên quan tới các vấn đề y tế.
  • Còn với điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) thay vì đo lưu lượng máu, thì nó được phát triển để đo tình trạng tim của bạn đang hoạt động như thế nào.
  • Đây là 1 thuật ngữ mà bạn sẽ thường nghe trong ngành y tế, dùng để chỉ máy đo điện tim được sử dụng để phát hiện bất kỳ bất thường nào về tim mạch.

Sản phẩm liên quan:

Tại sao người dùng nên mua đồng hồ thông minh ECG?

  • Tại sao lại nên mua đồng hồ thông minh có ECG? Đối với phần lớn chúng ta (trong đó có cả chúng tôi) thì tính năng là thứ gì đó mà có thể chỉ sử dụng trong 1-2 lần rồi sau đó quên đi và chả quan tâm tới nữa. Nhưng với số ít còn lại thì điện tâm đồ là điều rất quan trọng và cần thiết.
  • “Điện tâm đồ ECG trên các thiết bị đeo mang giá trị rất lớn lao đối với 1 phân khúc khách hàng nhỏ.” - Tiến sĩ Conor Heneghan, Giám đốc Nghiên cứu Thuật toán tại Fitbit chia sẻ với Wareable.
  • “Afib có thể đến và đi, cũng như các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn. Thế nên 1 thiết bị có thể cung cấp dữ liệu tại chỗ bất cứ lúc nào, sẽ là 1 công cụ hỗ trợ sức khỏe đắc lực và mạnh mẽ.” ông nói.

Mẫu đồng hồ thông minh nào có điện tâm đồ ECG?

Dưới đây là danh sách các mẫu đồng hồ thông minh hiện nay có trang bị điện tâm đồ ECG:

  • Apple Watch Series 4
  • Apple Watch Series 6
  • Samsung Galaxy Watch Active 2
  • Samsung Galaxy Watch 3
  • Fitbit Sense
  • Withings ScanWatch
  • Withings Move ECG
  • Amazfit Smartwatch 2
  • Asus VivoWatch SP 

Apple Watch Series 6

Giá tại thời điểm bài viết: 399 $ (phiên bản có GPS)

  • Thế hệ Apple Watch mới này có trang bị ECG với các cảm biến được tích hợp chung trong màn hình đo nhịp tim bên dưới đồng hồ, và bạn sẽ đo bằng cách sử dụng núm vặn Digital Crown mới.
  • Khởi động ứng dụng ECG, đặt ngón tay của bạn lên núm vặn và bạn sẽ được hướng dẫn. Sau đó bạn sẽ nhận được thông báo về kết quả là bình thường hay Afib, và biểu đồ nhịp tim của bạn sẽ được lưu vào ứng dụng thông minh Apple Health.
  • Apple đã được FDA (Food and Drug Administration: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) thông qua về tính năng ECG trên thiết bị của hãng, cũng như ở hơn 20 quốc gia thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (European Economic Arena) như là 1 tính năng hỗ trợ về mặt y tế.

Fitbit Sense

Giá tại thời điểm bài viết: 329 $

  • Fitbit Sense là mẫu đồng hồ theo dõi sức khỏe đầu tiên của hãng Fitbit, và nó mang đến 1 loạt các cảm biến mới bao gồm cả điện tâm đồ ECG.
  • Khi mở ứng dụng kiểm tra điện tâm đồ trên đồng hồ, bạn chạm ngón tay vào phần vỏ nhôm và giữ như hướng dẫn trên đồng hồ và đợi lấy kết quả.
  • Cảm biến PPG (Photoplethysmography hay còn gọi là áp lực tĩnh mạch đồ hồng ngoại) cũng quét và ghi nhận các bất thường như nhịp tim cao và thấp.
  • Tính năng ECG trên Fitbit đang được FDA xem xét lần cuối để phê duyệt sử dụng ở Hoa Kỳ, và công ty đã thông báo xác nhận với Wareable rằng nó sẽ được phê duyệt chậm nhất là vào các dịp lễ cuối năm nay.

Samsung Galaxy Watch 3

Giá tại thời điểm bài viết: 399 $

  • Galaxy Watch 3 là mẫu đồng hồ thông minh thứ hai của Samsung có điện tâm đồ ECG, cùng với Galaxy Watch Active 2.
  • Sẽ mất khoảng 30 giây để thiết bị đọc từ lúc bạn đặt ngón tay lên cảm biến được tích hợp trong nút vật lý ở trên cùng của đồng hồ. Người dùng sẽ cần giữ yên phần khuỷa tay trên 1 bề mặt phẳng như là mặt bàn.
  • Ứng dụng Theo dõi và Giám sát Sức khỏe (Samsung’s Health Monitor) của Samsung đã có mặt ở Mỹ và Hàn Quốc, nó cũng đã nhận được giấy phép ở châu Âu, cụ thể là các quốc gia sau:
  • Iceland, Đức, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hungary, Ireland, Ý, Latvia, Bỉ, Litva, Hà Lan, Hy Lạp, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo và Vương quốc Anh.
  • Tại thị trường Nhật Bản, Indonesia, UAE, Chile, Ấn Độ và Trung Quốc thì cũng đều được xác nhận sẽ có giấy phép trong năm 2021 này.

Samsung Galaxy Watch Active 2

Giá tại thời điểm bài viết: 279 $

Watch Active 2 là mẫu đồng hồ thông minh đầu tiên có hỗ trợ đo điện tâm đồ ECG của Samsung, cách thức thực hiện phép đo cũng tương tự như của Galaxy Watch 3 ở trên.

Nó đã được ra mắt ở Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu và sẽ đến với nhiều quốc gia hơn trên toàn thế giới trong năm nay.

Withings Move ECG

Giá tại thời điểm bài viết: 129,95 $

Mẫu đồng hồ lai (hybrid watch) đầu tiên có khả năng đọc điện tâm đồ, giúp phát hiện các dấu hiệu của rung tâm nhĩ Afib. Đồng hồ Move ECG cũng có khả năng chống nước ở độ sâu đến 50 mét, và sẽ tự động theo dõi các hoạt động của bạn.

Thật không may, thiết bị này hiện vẫn đang được FDA Hoa Kỳ kiểm tra lâm sàng, mặc dù nó đã có sẵn ở thị trường EU.

Withings ScanWatch

Giá tại thời điểm bài viết: 249 $

  • Được công bố giới thiệu tại CES 2020 và cũng đang chờ FDA phê duyệt, mẫu đồng hồ ScanWatch cung cấp nhiều cảm biến hơn, với tính năng SpO2 có thể phát hiện tình trạng ngưng thở khi ngủ cũng được tích hợp sẵn.
  • Bạn có thể đọc điện tâm đồ để kiểm tra có bị afib không, và kết quả có thể được trình bày dưới dạng PDF để chia sẻ với bác sĩ của bạn.
  • Cảm biến nhịp tim quang học có thể kiểm tra xem nhịp tim của bạn suốt 1 ngày có đều hay không, và nếu thiết bị cho rằng bạn có bị tình trạng đó, nó sẽ gợi ý bạn kiểm tra điện tâm đồ.
  • Có vẻ như ScanWatch đã chuẩn bị để phát hành ở khu vực Châu Âu, nhưng điều tương tự ở thị trường Hoa Kỳ thì chúng tôi chưa chắc.

Amazfit Verge 2

Giá trong khoảng 145 $

  • Mẫu đồng hồ mới nhất và được đánh giá cao của Amazfit là Verge 2 cũng được tích hợp công nghệ ECG, và đây là 1 đối thủ cạnh tranh lớn với các mẫu đồng hồ khác có trong danh sách này của chúng tôi. Nó hoạt động bằng cách sử dụng chip AI số 1 của Huami là Huanghan.
  • Con chip tiện lợi này có một công cụ sinh trắc học tim để theo dõi nhịp tim của bạn chính xác hơn, bao gồm cả việc sàng lọc phân tích chứng rối loạn nhịp tim và rung tâm nhĩ afib.
  • Tuy nhiên, hiện tại Verge 2 chỉ có sẵn ở thị trường Trung Quốc, còn việc ra mắt ở Mỹ và châu Âu thì hãng thông báo đã được lên kế hoạch.

 Asus VivoWatch SP

Giá tại thời điểm bài viết: 9.500.000 VNĐ 

Asus VivoWatch SP là dòng sản phẩm được hãng Asus giới thiệu là 1 thiết bị theo dõi sức khỏe hơn là 1 chiếc smartwatch thông thường.

 Nó cũng là mẫu đồng hồ thông minh đầu tiên trên thế giới có khả năng đo huyết áp, bên cạnh đó là đo nhịp tim, nồng độ Oxy trong máu, Body Harmony (tạm hiểu là chỉ số thư giãn hài hòa của cơ thể), mức độ căng thẳng stress,…

Công nghệ ECG trên đồng hồ thông minh hoạt động như thế nào?

Điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện nhỏ được tạo ra bởi nhịp đập trái tim dưới lớp da của bạn, nó thể hiện dưới dạng dấu vết. Sau đó các dữ liệu hay chỉ số sẽ được máy móc, thiết bị hoặc các chuyên gia phân tích về cách quả tim của bạn đang hoạt động ra sao, qua đó xác định xem có điều gì bất thường hay không.

“Hiểu cách đơn giản nhất, nó có thể cho bạn biết nhịp tim (nhanh ra sao), nhịp điệu (đều như thế nào), trạng thái của hệ thống truyền dẫn máu và mô cơ (các cơn đau tim), và thậm chí cung cấp cả mức độ của một số chất trong máu như là Kalim, và tác dụng của thuốc, ”Tiến sĩ Keith Grimes cho biết - Bác sĩ Tổng quát kiêm Giám đốc Y Khoa của Babylon Health (1 ứng dụng di động về y tế, cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa với các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe hàng đầu).

Máy đo điện tâm đồ trong các cơ sở y tế thường phải đặt các điện cực lên vùng da gần tim để đo tín hiệu điện do tim tạo ra khi co bóp.

Tín hiệu điện được gửi đến một máy thu ghi nhận thông tin, và đây là thiết bị có thể phân tích nhịp tim và phát hiện những điều bất thường.

Nhưng công nghệ trang bị bên trong Apple Watch (và các thiết bị đọc điện tâm đồ khác mà bạn có thể sử dụng ở nhà) lại có cách hoạt động khác.

Ví dụ: thay vì đặt các điện cực trên da, Apple Watch sẽ yêu cầu bạn giữ ngón tay của mình trên núm vặn Digital Crown của thiết bị. Chờ trong 30 giây sẽ có 1 dấu màu đỏ xuất hiện trên màn hình, sau đó ứng dụng sẽ cho biết dấu hiệu ghi nhận nhịp tim có bình thường hay không.

Trên Fitbit Sense mới khi bạn mở ứng dụng ECG, bạn cũng sẽ được nhắc đặt ngón tay lên các góc của khung đồng hồ trong 30 giây để thiết bị đọc. Sau đó nó sẽ cho biết nhịp tim của bạn có bình thường hay bất thường, liệu có dấu hiệu nào cho thấy bạn có thể bị afib rung tâm nhĩ? Hay chỉ là 1 kết quả không xác định được.

 Trên mẫu đồng hồ thông minh của Samsung thì sử dụng nút cảm ứng làm cảm biến để người dùng đặt ngón tay lên trong 30 giây.

Sau đó nó sẽ đo nhịp tim và nhịp điệu tim của bạn, rồi phân loại nó thành nhịp xoang (bình thường) hoặc Afib.

Sự khác biệt lớn nhất giữa công nghệ điện tâm đồ ECG trên các mẫu đồng hồ thông minh và máy đo điện tim tại cơ sở bệnh viện đầu tiên đó là quy trình 1 bước và 12 bước, nói 1 cách đơn giản là với những người cần theo dõi sức khỏe tim mạch, thì quy trình 12 bước sẽ cho họ nhiều cảm nhận rõ nét hơn về trái tim.

Điều đó cũng có nghĩa tính năng điện tâm đồ với quy trình 1 bước có khả năng hạn chế chưa hoàn thiện, và khó cung cấp cái nhìn bao quát tổng thể về trái tim.

Không thể dựa vào thiết bị để phát hiện tất cả các bất thường về nhịp tim hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác. Nó cũng không thể được lấy làm công cụ để phát hiện những thay đổi diễn ra trong cơn đau tim, hoặc các cấu trúc tim bất thường.

Apple cũng đã làm rõ điều này khi công bố tính năng ECG, và điều quan trọng nhất vẫn là người dùng cần phân biệt rõ giữa những gì công nghệ mà họ sử dụng có thể mang lại, và những gì máy đo điện tim tại bệnh viện có thể làm được.

Công nghệ điện tâm đồ ECG có thể cứu mạng bạn như thế nào?

Dưới đây là 1 số cách mà công nghệ ECG trên Apple Watch và các mẫu đồng hồ thông minh của Samsung có thể cứu mạng bạn, xác định những vấn đề mà người dùng có thể gặp phải.

Rung tâm nhĩ

Rung tâm nhĩ (Afib: Atrial Fibrillation) là 1 tình trạng của chứng loạn nhịp tim (nhịp tim nhanh, đập không đều và bất thường). Nó diễn tiến không liên tục và rất khó phát hiện, có khả năng gây ra đột quỵ chế người. Đây là chi tiết mà cả Apple và Samsung được FDA thông qua cho phép thực hiện việc đo, còn trên Sense của Fitbit thì vẫn đang được xem xét.

Cây viết Jason Perlow của ZDNet đã tham gia thử nghiệm về khả năng phát hiện Afib của Apple, và nhờ các dữ liệu thu thập đã xác định được sớm các vấn đề với tim của anh ấy vào năm 2018.

Lý do mà Perlow trích dẫn cho hiệu quả của việc nhận biết rối loạn nhịp tim trên các thiết bị cá nhân này, đó là vì người dùng có thể sử dụng chúng bất cứ lúc nào.

Không như điện tâm đồ tại bệnh viện, bạn có thể theo dõi tim của mình suốt cả ngày: “Sự bất thường về nhịp tim có thể xảy ra theo từng giai đoạn và khó để nắm bắt được” Tiến sĩ Grimmes giải thích.

“Vì vậy 1 thiết bị điện tâm đồ ECG cá nhân mà bạn có thể mang theo bên người sẽ giúp ích cho bác sĩ có các chẩn đoán lâm sàng ghi nhận các tình trạng bất thường”.

Có nghĩa bạn chỉ mất 30 giây để thực hiện 1 phép đo điện tâm đồ ECG bất cứ khi nào bạn cảm thấy các triệu chứng không bình thường, và cũng sẽ hiểu rõ hơn về các tình huống hay nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này, ví dụ như: bạn vừa thực hiện 1 buổi chạy bộ và cảm thấy bị hụt hơi.

Tiến sĩ Tony Faranesh, nhà nghiên cứu khoa học cấp cao tại Fitbit cho biết cách tối ưu để xác định rung tâm nhĩ afib thông qua theo dõi nhịp tim đó là thực hiện đo khi đang nghỉ ngơi, hoặc trong giấc ngủ.

Tiến sĩ Julia Reynolds, Phó Giám đốc tại Innovation Agency chia sẻ thêm: “Các cá nhân có thể được các chuyên gia về y tế và sức khỏe cung cấp 1 thiết bị điện tâm đồ di động, nếu họ cảm thấy lo ngại bản thân bị rung tâm nhĩ. Theo đó họ có thể tự kiểm tra và đo điện tâm đồ khi bản thân thấy các dấu hiệu và triệu chứng bất thường.”

Nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim)

Cả Apple Watch 4 hoặc KardiaBand (phụ kiện đo nhịp tim) đều không dễ dàng gì để phát hiện các biểu hiện nhịp tim bất thường khác, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể cung cấp cho bạn hoặc 1 chuyên gia về các dữ liệu tham khảo quan trọng.

Nhóm nghiên cứu tại AliveCor đã có thể sử dụng dữ liệu từ KardiaBand để phát hiện Hội chứng QT dài (LQTS – long QT syndrome), 1 tình trạng có thể gây ra loạn nhịp tim không đều nguy hiểm, có thể dẫn đến ngất xỉu và đột tử.

Người phát ngôn của AliveCor cho biết: “Vào tháng 7 năm 2018, AliveCor đã hợp tác với Phòng khám Mayo để phát triển các công cụ hỗ trợ sàng lọc LQTS.

“Mặc dù tính năng này chưa được thương mại hóa, nhưng đây là một bước tiến đầy hứa hẹn để phát hiện ra chứng rối loạn chết người này trước khi quá muộn”.

Giống như Rung tâm nhĩ Afib, một trong những lý do mà các thiết bị điện tâm đồ cá nhân có thể tự phát hiện tình trạng như LQTS là do nó thường xảy ra trong khi chúng ta tập thể dục và khi căng thẳng.

Có nghĩa là ngay cả lúc bạn đang được 1 chuyên gia y tế hay 1 bác sĩ kiểm tra điện tâm đồ, thì tình trạng này có thể sẽ không được phát hiện.

Đau tim

Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên (STEMI) là một cơn đau tim nghiêm trọng xảy ra khi một trong những động mạch chính của tim bị tắc nghẽn.

Giống như LQTS, không có thông tin chính thức nào cho thấy các thiết bị điện tâm đồ cá nhân có thể phát hiện những cơn đau tim. Nhưng lại 1 lần nữa AliveCor lại dùng công nghệ của mình để thử.

“Vào tháng 11 năm 2018, phát hiện từ nghiên cứu STLEUIS International Multicenter Study cho biết là phiên bản thử nghiệm công nghệ điện tâm đồ của AliveCor có khả năng xác định STEMI,” phát ngôn viên của AliveCor chia sẻ với chúng tôi.

Nghiên cứu đã kiểm tra ECG 12 bước tiêu chuẩn (giống như 1 chuyên gia y tế sẽ làm) so với ECG di động và ứng dụng AliveCor, để kiểm chứng xem phiên bản di động mang lại hiệu quả trong việc xác định STEMI với độ nhạy cao ra sao so với các bước thử nghiệm chuyên nghiệp.

Thay đổi nhận thức về sức khỏe

Phát hiện một cơn đau tim hoặc rung tâm nhĩ Afib có thể giúp cứu mạng 1 ai đó, nhưng công nghệ điện tâm đồ còn mang lại nhiều lợi ich trong việc giúp người dùng cảm nhận rõ hơn về sức khỏe và thể chất của họ.

QardioCore là 1 màn hình đo điện tâm đồ đeo ở ngực, không giống như Apple Watch thì thiết bị có thể đeo suốt cả ngày và thu thập hơn 20 triệu điểm dữ liệu.

Mặc dù nó cũng có thể phát hiện những bất thường về nhịp tim, nhưng thiết kế của nó lại phù hợp với nhóm những người tập luyện thể thao và cần những thông số ghi nhận đáng tin cậy khi nhịp tim dao động.

Kết hợp với các thông tin tìm hiểu về nhiệt độ cơ thể, nhịp thở và mức độ căng thẳng, phép đo điện tâm đồ có thể được sử dụng để tìm hiểu thêm về cơ thể của bạn, và cách nó phản ứng với việc tập thể dục thể thao ra sao.

Tôi nên kiểm tra điện tâm đồ bao lâu một lần?

Nếu trái tim của bạn có nhịp xoang bình thường, bạn có thể chỉ cần làm xét nghiệm điện tâm đồ định kỳ, đơn giản chỉ kiểm tra mọi thứ đã ổn định chưa.

Nhưng nếu bạn gặp tình trạng tim đập nhanh, đánh trống ngực hoặc cảm thấy không khỏe, thì bạn nên sử dụng ứng dụng ECG bất cứ khi nào cần thiết. Và nó sẽ là 1 công cụ hỗ trợ sức khỏe vô cùng quan trọng.

Giám đốc Nghiên cứu Thuật toán của Fitbit, Conor Heneghan nói: “Vấn đề về nhịp và tim là chúng bị ngắt quãng.”

“Đối với những người bị đánh trống ngực hoặc các triệu chứng khác, ECG có thể là một sự trấn an. Và nếu họ cảm thấy có điều gì đó hơi kỳ lạ đang diễn ra về mặt sinh lý, họ có thể ghi chú lại khoảnh khắc đó để chia sẻ với bác sĩ của họ về điều đó,”anh tiếp tục.

Fitbit cũng khuyến cáo rằng tính năng ECG chỉ nên được sử dụng bởi những người từ 22 tuổi trở lên.

Các vấn đề với “dương tính giả” và “âm tính giả”

Các thiết bị điện tâm đồ cung cấp cho người tiêu dùng khả năng phát hiện các vấn đề về tim, nhưng điều đó không có nghĩa bạn có thể trì hoãn việc tới gặp bác sĩ của bạn.

Tiến sĩ Grimes giải thích: “Đo và đọc điện tâm đồ rất khó. Công nghệ hiện tại sử dụng máy móc hiện đại để phát hiện những bất thường phổ biến, nhưng điện tâm đồ cá nhân giống như tính năng bạn tìm thấy trên Apple Watch, không hoàn toàn chính xác như các thiết bị y tế”.

Thiết bị điện tâm đồ cá nhân đã được chứng minh là có thể cứu sống mạng người, nhưng mặt trái là nó vẫn có thể bỏ sót các biểu hiện nghiêm trọng, hoặc khiến người dùng lo lắng thái quá rằng tim họ đang có vấn đề dù thực tế họ hoàn toàn bình thường. Tiến sĩ Grimes gọi đây là “âm tính giả” và “dương tính giả”.

Mặc dù nhiều chuyên gia trong ngành y tế đang khuyến cáo mọi người nên tỉnh táo với kết quả họ nhận được từ Apple Watch hoặc thiết bị điện tâm đồ khác, nhưng xu hướng theo dõi và kiểm soát nhiều hơn về sức khỏe cá nhân tại nhà sẽ vẫn ngày càng phổ biến hơn theo thời gian.

Điều đó có nghĩa là thay vì khuyên mọi người không nên sử dụng các thiết bị điện tâm đồ, thì chúng ta cần được phổ cập nhiều kiến thức hơn về sức khỏe, cũng như coi các kết quả đo được trên các thiết bị chỉ mang tính tham khảo.

Tốt nhất chúng ta nên đến gặp các bác sĩ, các chuyên gia về y tế để kiểm tra nếu kết quả làm bạn thấy lo lắng.

Nguồn: Wareable 

Bài viết liên quan:

 

Techzones / Leo666

ASUS VivoWatch SP

ASUS VivoWatch SP

Giá: Liên hệ
  • Kích thước: 46mm
  • Mặt kính:
  • Dây: silicone
  • Chống nước: 5ATM
  • Pin: lên đến 10 ngày