CYPHER - Bàn phím cơ layout 65% đầu tiên của Vortex có gì đặc biệt ?



Cảm nhận bên ngoài

  • Mình chưa có dịp cầm trên tay nhiều sản phẩm của Vortex, nhưng thực sự có thể nói là hãng này luôn đem lại cho mình khá nhiều bất ngờ qua từng sản phẩm.
  • Với con CYPHER này thì 2 điểm bất ngờ (hoặc gọi là khác biệt cũng được) đầu tiên mà mình có thể nhận thấy luôn đó là: thứ 1 phím Spacebar được chia làm 2 (lý do hay ý đồ thế nào thì mình sẽ tìm hiểu sau, cũng theo 1 số thông tin mình lượm lặt trên mạng thì CYPHER vẫn có phiên bản mà phím Spacebar bình thường).
  • Và thứ 2 đó là vỏ của bàn phím bằng nhựa, các sản phẩm bàn phím cơ trước đây của Vortex ví dụ như VIBE, POK3R, CORE,..đều làm bằng nhôm nguyên khối CNC. 
  • Đây cũng là điểm mình chưa ưng lắm ở em này, mình vẫn thích kiểu làm bằng kim loại hơn, nó đem lại sự cứng cáp và chắc chắn, gõ phím cũng có “cảm giác” hơn, dù gần như chắc chắn là giá thành sản phẩm sẽ cao hơn. 
  • Ngoài bàn phím, thì chúng ta có được kèm thêm 1 sợi dây cáp cao su, dài khoảng 1,8 m để kết nối vào máy tính, đầu USB mạ vàng, và đặc biệt nhất đó là đầu cắm vào bàn phím sử dụng USB Type C. Đây có thể coi là 1 nâng cấp đáng ghi nhận của Vortex.
  • Vì ngoài việc có thể hỗ trợ tốc độ nhận phím nhanh hơn, thì có 1 lý do đơn giản đó là khi bạn cắm vào không phải nhìn xem đầu cắm đúng chiều hay không ! 
  • Phía dưới bàn phím chúng ta có 4 chân đế cao su, làm tốt “nhiệm vụ” giữ cho bàn phím không bị xê xích. Mình không có nhiều thời gian để kiểm tra, nhưng mình hy vọng lớp cao su này không dễ bị tróc, hay bị ảnh hưởng nhiệt độ mà chảy bết dính ra lên mặt bàn.
  •  CYPHER cũng không có chân đế điều chỉnh độ cao như đa phần các sản phẩm bàn phím cơ khác của Vortex, tuy nhiên mình nghĩ rằng điều này không quan trọng trên 1 bàn phím kích thước nhỏ và gọn như CYPHER. Và mặt dưới chúng ta có khe gắn pin tiểu 3A, để cung cấp năng lượng cho bàn phím kết nối bluetooth với máy tính.
  •  Bàn phím Vortex CYPHER có kích thước (Rộng 315 x Dài 107 x Dày 43 mm), và trọng lượng nhẹ khoảng 0,5kg, nếu so sánh với một bàn phím cơ mình đã từng dùng qua cũng của Vortex là POK3R, thì CYPHER nhẹ hơn mặc dù có kích thước lớn hơn (65% so với 60%)
  • Nói về size (số phím) thì CYPHER là một bàn phím 65%, với hai tùy chọn bố cục (layout), hoặc nói đúng hơn là hai tùy chọn phím dài Space bar, như mình đã nhắc đến ở phần đầu bài (1 là chia hai, hoặc 2 là bình thường).
  •  Trong bài này mình thực hiện khá nhiều so sánh, mục đích là để các bạn đọc bài viết, có thể cảm nhận rõ hơn sự đặc biệt và khác lạ của các sản phẩm Vortex nói chung, và của CYPHER nói riêng. 
  •  Giờ mình so sánh nó với con Vortex RACE 3, đây được coi là 1 bàn phím 75%, thì CYPHER có cùng chiều rộng, nhưng CYPHER không có hàng phím đầu bổ sung như trên RACE 3, cụ thể là các bạn sẽ không tìm thấy các phím từ F1 tới F12 chuyên dụng, hoặc phím xóa Delete.
  •  Trên cả hai loại, chúng ta đều có một dãy phím bổ sung, xếp dọc theo góc phải của bàn phím, bao gồm các phím: Home, Page Up, Page Down và End. Hãng Vortex cũng ráng nhét thêm các phím mũi tên điều hướng, và việc này buộc họ phải giảm kích thước của các phím bên phải như: Shift, phím Alt, phím Function (Fn), và Program (Pn).
  • Mình thấy việc này là cần thiết, vì theo quan điểm riêng của mình, thì bàn phím làm gì làm cũng nên có các phím điều hướng chuyên dụng.

Đánh giá Trải nghiệm bàn phím

  • Qua quá trình trải nghiệm nhanh, thì mình không thấy được nhiều sự hữu dụng của việc chia phím Spacebar làm 2 cho lắm, tuy sử dụng vẫn dễ dàng, không thấy bất tiện gì.
  • Bên cạnh đó, KRO (Key rollover – khả năng ghi nhận nhiều phím bấm cùng lúc) của bàn phím, mình chơi thử 1 số game thì có vẻ chỉ dừng ở 6 phím. 
  •  Và các bạn chơi keycap có thể sẽ không thích điều này, vì phím spacebar là phím có kích thước lớn nhất trên bàn phím, nên nhiều bạn chọn để thay keycap nhằm tạo sự nổi bật, bắt mắt, cá tính riêng. Giờ nó lại chia đôi thì việc kiếm keycap coi bộ “hơi căng”.
  •  Dù sao đây cũng là sản phẩm mới ra mắt của Vortex, nên chúng ta cần 1 khoảng thời gian để xem hãng hay các bên thứ 3 có sản xuất ra keycap phù hợp không, cũng như các bản firmware (nếu có) cập nhật thêm các tính năng của phím Spacebar, hoặc tính năng hay ho gì khác. 
  •  Phím Spacebar chia 2 làm mình nhớ đến 1 tựa game cũ, vào thời điểm những năm “hồi đó” là Virtua Cop - Cảnh sát đặc nhiệm, game này có hỗ trợ chơi 2 người trên 1 bàn phím, với CYPHER thì khi đó mỗi người có riêng 1 phím Spacebar để sử dụng ! (không liên quan lắm nhỉ !!!)
  •  Nếu các bạn đã sử dụng qua các bàn phím loại TKL 87% (Tenkeyless), thì các bạn có thể làm quen khá nhanh với CYPHER. 
  • Sử dụng phím Chức năng (Fn) + một phím nào đó ví dụ số 1 tới 9, bạn có thể truy cập các tính năng bổ sung trong function layer. Các bạn có thể tham khảo bảng bên dưới (hiển thị gần như đầy đủ)


Các phím chức năng

 

 


 





Tiếp theo để kích hoạt các dạng bàn phím gõ như là COLEMAK, các bạn nhấn Fn + Page Up, còn DVORAK thì dùng “combo” phím Fn + Page Down, quay về QWERTY quen thuộc thì  Fn + Home. Ngoài ra cụm phím Fn + End sẽ vô hiệu hóa hoặc kích hoạt phím Windows.


Chất liệu Keycap và Switch

  • Chất liệu Keycap của CYPHER là PBT (Polybutylene Terephtalate) chất lượng tốt, không bị bóng hay ngả màu khi sử dụng lâu, sử dụng profile (độ cao của mỗi loại keycap) theo mình nghĩ là OEM (profile Cherry thì thấp hơn 1 chút), độ dày phím khoảng 1,3mm, được sơn tông màu xám đen, khi gõ nghe tiếng đục và “bụp bụp”, Brown switch cho cảm giác gõ tốt, đồng thời không gây tiếng ồn nhiều để sử dụng thoải mái. 

 

  • Kí tự thì Vortex sử dụng font chữ Bank Gothic, được khắc laser (laser engraved), chứ không phải dye-sub hay doubleshot, kí tự hơi nổi lên so với bề mặt keycap, mình thấy cũng ổn, cảm giác gõ có vẻ mượt mà hơn, nhưng mình chưa rõ màu trắng ngà của kí tự có giữ được lâu, và có dễ bẩn hay không ?! 
 

Một điểm khá đáng tiếc là cũng giống như Vortex VIBE, thì CYPHER không hỗ trợ Led nền RGB toàn bộ bàn phím. 

  •  Cherry MX Black
  •  Cherry MX Brown
  • Cherry MX Blue
  • Cherry MX Red
  • Cherry MX Clear
  • Cherry MX Silver
  • Cherry MX Silent Black
  • Cherry MX Silent Red

 CYPHER có rất nhiều lựa chọn Switch cho người dùng. Và mình thực sự đánh giá cao việc Vortex bổ sung các Switch Silent vào dòng sản phẩm. 

Lập trình phím

  •  Sẽ có hai cách chính để lập trình phím trên CYPHER. 
  •  Cách đầu tiên, là lập trình dựa trên phần cứng được tích hợp trong bàn phím, bất cứ điều gì bạn tùy chỉnh sẽ được lưu lại, và việc này không yêu cầu các bạn phải cài thêm phần mềm gì khác. 
  •  Nếu bạn gặp bất trục trặc gì đó trong khi lập trình, hoặc bạn muốn đặt lại toàn bộ bàn phím, để tất cả các layer trở về mặc định, bạn có thể nhấn và giữ 2 phím Alt trái và Alt phải, cho đến khi đèn Led màu trắng ngừng nhấp nháy.


 
  • Cách thứ hai, là lập trình phím, chức năng, macro,..ngay trên web của Vortex, các bạn sẽ có được một tệp đuôi .cys để tải về sử dụng với Firmware. Hiện tại mình nghĩ nó đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nên mình tạm thời chưa thử nghiệm trực tiếp qua. 
  •  Theo thông tin mình nắm được, thì người dùng có thể lập trình lên đến 100 kí tự cho phím, thay vì 32 như là trên POK3R. Và có ba layer lập trình sẵn để các bạn lựa chọn, ở mỗi lựa chọn sẽ có đèn Led màu riêng (xanh lá, đỏ, xanh dương,...), hiện bên dưới phím Spacebar bên trái để cho các bạn biết layer nào được kích hoạt.
  • Quá nhiều điểm thú vị và ấn tượng phải không nào !?

 Kết luận 

  • Vortex CYPHER có thể được coi là phiên bản cải tiến của POK3R đã được nhiều người dùng yêu thích, cung cấp thêm 1 vài bổ sung cho layout 60%, có thêm các phím điều hướng, lập trình phím được đầu tư tốt… 
  • Nếu các bạn là người có công việc thường xuyên di chuyển, hoặc là 1 coder ? Bạn có nhu cầu chơi keycap đẹp ? Bạn thích một chút thử thách? Bạn thích một chút khác biệt ? Hay muốn trải nghiệm cảm giác sử dụng độc đáo ? 
  • Bạn nên suy nghĩ tới việc sắm Vortex CYPHER, những gì còn thiếu, hãy bổ sung nó bằng lập trình tính năng phím có sẵn. 
  • Còn các bạn game thủ yêu thích sự nhỏ gọn, nhưng muốn cảm giác phím “đã” hơn, thì mình gợi ý các bạn tham khảo qua RACE 3 (tất nhiên là nếu các bạn có điều kiện kinh tế !)"

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này. 

                                                                                                                                              Techzones / HảiArt666