Đánh giá máy trạm di động Asus ProArt StudioBook X W730: HIỆU NĂNG và TRẢI NGHIỆM

Là 1 cộng đồng đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng trong 3-4 năm gần đây, những nhà sáng tạo nội dung số (Content Creators): Kiến trúc sư, thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh gia, youtuber, nhà sản xuất và phát triển game, biên tập phim ảnh video clip,…hẳn nhiên sẽ có nhu cầu về các thiết bị công nghệ mang tính đặc thù chuyên môn, ví dụ như laptop, màn hình,…

Asus ngoài mảng sản xuất dành cho anh em game thủ, thì vẫn có những mảng thiết bị chuyên dụng khác, và mới đây với việc ra mắt dải sản phẩm mang tên ProArt thì hãng Asus mong muốn sẽ xây dựng 1 hệ sinh thái hoàn chỉnh, chuyên biệt, xoay quanh và hỗ trợ tối ưu cho những đối tượng người dùng trong những ngành nghề sáng tạo, cho phép họ phát triển tối đa khả năng, cũng như đảm bảo quy trình làm việc trơn tru và chuyên nghiệp nhất có thể.

Trong đó nổi bật nhất là loạt máy trạm di động ProArt StudioBook với tổng cộng 4 mẫu sản phẩm: ProArt StudioBook One, ProArt StudioBook Pro X W730, ProArt StudioBook Pro 17 W700, ProArt StudioBook Pro 15 W500. ProArt giúp hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo thành những sản phẩm chuyên nghiệp nhờ ứng dụng các công nghệ mới và cao cấp: như sử dụng giải pháp đồ họa Quadro RTX hoặc Geforce RTX từ Nvidia cho khả năng mô phỏng ánh sáng theo thời gian thực, tối ưu cho các tác vụ render 3D, hỗ trợ ứng dụng về trí thông minh nhân tạo AI, mô phỏng vật lí hoặc xem trước hiệu ứng trên video. Kết hợp cùng với sức mạnh vi xử lí Intel Xeon Processor hoặc Intel Core Processor mới nhất giúp nâng khả năng làm việc lên một tầm cao mới, giúp người dùng làm việc đa nhiệm một cách mượt mà và hiệu quả.

Bên cạnh đó, màn hình cũng là tiêu chí vô cùng quan trọng đối với người làm sáng tạo, ProArt với màn hình có dải màu bao phủ cực rộng, và tất cả màn hình của dòng sản phẩm ProArt StudioBook đều được chứng nhận quốc tế từ Pantone về độ chuẩn xác màu, mang lại sự yên tâm cho người dùng trong quá trình làm việc. Không thể thiếu là sự đa dạng các cổng kết nối, khả năng nâng cấp mạnh mẽ, cùng với độ bền ổn định đã được kiểm chứng,…giúp cho loạt máy trạm ProArt StudioBook mới này trở nên hoàn hảo để đáp ứng được các nhu cầu công việc của các chuyên gia sáng tạo, mà vẫn đảm bảo được khả năng di chuyển cơ động.

Và sản phẩm mà Techzones muốn giới thiệu tới các bạn trong bài viết này, cũng như mang tới những trải nghiệm và đánh giá cá nhân là mẫu ProArt StudioBook Pro X W730 (tên mã Pro X W730G2T-H8007T). Đây có thể coi là đối trọng mà Asus muốn sử dụng để cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ khác trong phân khúc máy trạm di động dòng trung và cao cấp: ThinkPad tới từ Lenovo, Zbook của HP, và Precision “gà chiến” của Dell.

Màn hình chất lượng đỉnh

Là 1 mẫu laptop được “sinh” ra để phục vụ cho nhu cầu và những công việc sáng tạo, thế nên chi tiết đầu tiên mà mình muốn đề cập và mình tin rằng sẽ có rất nhiều người dùng quan tâm tới đó là màn hình, cũng như chất lượng hiển thị của Pro X W730.

Chiếc máy mình đang có được trang bị màn hình 17inch với các thông số khá ấn tượng và đặc biệt: Tỉ lệ màn hình là 16:10 chứ không phải 16:9 như thông thường, cộng với công nghệ NanoEdge viền mỏng 3,8mm mang lại không gian hiển thị lớn hơn, tới 92% diện tích phần thân máy. Độ phân giải của Pro X W730 là WUXGA (Wide Ultra eXtended Graphics Array 1920 x 1200 pixels), có mật độ điểm ảnh cao hơn các loại màn hình khác có cùng 1 kích thước màn, cho khả năng hiển thị sắc nét hơn, hình ảnh đẹp hơn, sáng và mịn.

Ở thị trường Việt Nam theo mình biết thì hiện tại Pro X W730 chỉ có phiên bản WUXGA mà thôi (chứ không có 2K hay 4K), nhưng đều được hãng Asus chú trọng và hiệu chuẩn chất lượng hiển thị của màn hình. Mẫu W73014 mà mình đang sử dụng để đánh giá ở đây, trang bị tấm nền IPS (model 170PUW1-A00) của HannStar, 1 thương hiệu có trụ sở tại Đài Loan. 

Sử dụng công cụ đo Spyder 4 thì mình ghi nhận được độ phủ màu sRGB của màn hình là 100%, NTSC là 86%, đặc biệt là Adobe RGB đạt 89% (Adobe RGB được quan tâm bởi các nhà thiết kế, đồ họa, chụp và chỉnh sửa ảnh), và 98% DCI P3 (DCI P3 là tiêu chuẩn màu thường được áp dụng trong phim ảnh, truyền hình).

Bên cạnh đó là mức Delta E < 1.5 (độ lệch giữa màu màn hình hiển thị và màu chuẩn – reference, số càng thấp là càng chuẩn), rồi độ tương phản tốt và độ sáng cao của màn hình, trung bình là hơn 300nits (328), những con số phải nói là rất ấn tượng, 1 lựa chọn máy trạm di động có màn hình hiển thị rất tốt đạt chứng nhận quốc tế của Pantone, mang lại trải nghiệm về mặt thị giác đã mắt hơn, màu sắc có độ sai lệch ít, phục vụ tối ưu cho nhu cầu công việc sáng tạo, in ấn hình ảnh, và cả trong nhu cầu giải trí như là xem phim với góc quan sát rộng.

Khuyết điểm nếu ngồi săm soi “vạch lá tìm sâu” của màn hình Pro X W730 thì chỉ là màn hình không có cảm ứng, và bản lề không cho phép mở ra 180 độ hoặc gập 360 độ. Trong trường hợp các bạn chuyên nghiệp cần độ chính xác màu cao hơn nữa, thì Techzones có nhận cân chỉnh màu màn hình miễn phí khi mua máy nhé ! Không thể thiếu là lớp màn chống lóa, chống chói để tăng cường khả năng hiển thị rõ ràng hơn dù sử dụng máy ở ngoài trời nắng.

Hiệu năng mạnh mẽ

Yếu tố quan trọng tiếp theo mà người dùng quan tâm chắc hẳn là cấu hình của máy, Asus ProArt StudioBook Pro X W730 mà mình đang có được trang bị:

  • CPU: intel core i7-9750H (6 nhân 12 luồng, 12MB Cache, mức xung: 2.6 – 4.5GHz, mức TDP: 45W)
  • Ram: 32GB (DDR4-2666MHz), Dual-channel, có tổng cộng 4 khe Ram, hỗ trợ tối đa là 128GB.
  • GPU đồ họa rời: Nvidia Quadro T2000 4GB GDDR5
  • Ổ lưu trữ: SSD 1TB M.2 NVMe PCIe, có thể thay thế và nâng cấp dung lượng, còn có thêm 1 khe M.2, hỗ trợ RAID 0/1

Máy trạm di động được định hướng cho người dùng công việc sáng tạo ở nhiều lĩnh vực đa dạng, thì mẫu máy đó cần phải có khả năng đa nhiệm, đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng cùng lúc và liên tục. Cấu hình của Pro X W730 mà mình sử dụng thuộc mức khá tốt hiện nay, các công việc văn phòng thông thường khó mà gây khó dễ được cho chiếc máy này. Và máy cũng có thể xử lý tốt các ứng dụng đồ họa, thiết kế và dựng phim như là bộ công cụ Adobe: Pts, Illustrator, Premiere,..v..vv..hay các phần mềm dựng hình, thiết kế cho ngành nghề kiến trúc, xây dựng: Sketchup, 3Ds Max..

Trong thử nghiệm dựng hình và render thiết kế kiến trúc qua Sketchup Pro 2019 cùng V-Ray Sketchup 4.0, mình có thiết kế 1 shop quần áo: dung lượng file 136MB, có set up ánh sáng đèn, có đổ bóng, kèm thêm 1 số thiết lập khác. Pro X W730 với sự kết hợp giữa hiệu năng của Quadro T2000 và xung nhịp của i7-9750H là rất tốt, máy cho mình phát huy khả năng sử dụng phần mềm mượt mà, trôi chảy, thời gian render mất chưa tới 10 phút.

Chuyển qua thử sức bằng công việc chỉnh sửa video trong Premiere Pro CC 2018, mình dựng thử 1 đoạn video dài khoảng 9 phút 30 giây ở độ phân giải Full HD 1080p, có thêm vài hiệu ứng chuyển cảnh, hiện chữ và hoạt họa nhỏ nhỏ, kết quả ghi nhận được thời gian render mất gần 15 phút mà thôi.

Bên cạnh đó về tác vụ thông thường như lướt web, giải trí, xem phim là vô cùng thoải mái, mở rất nhiều tab google chrome nhưng máy vẫn chạy mượt mà. Cụ thể là mình thường xuyên mở khoảng 30 - 40 tab google chrome: trong đó là khoảng 20 tab đọc tin tức và xem thông tin đủ các thể loại, 2 tab nghe nhạc online, 5 tab youtube mở video Full HD lẫn 4K, thêm 2 tab xem phim, và các tab phục vụ cho công việc như: duyệt Gmail, lưu trữ file Google Drive,.. Trong 1 ngày sử dụng làm việc và trải nghiệm thì mình không gặp tình trạng giật lag, đứng hình trên Pro X W730.

Cảm nhận thì mỗi người sẽ khác nhau, nên để cụ thể và khách quan hơn, các bạn hãy xem các hình ảnh bên dưới, đây là kết quả 1 số bài test, đánh giá hiệu năng CPU và GPU của chiếc máy này, rồi tốc độ của ổ SSD trong máy,…mà mình đã thực hiện.

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD 1TB M.2 NVMe PCIe trong máy

Xem kết quả đo tốc độ của ổ SSD 1TB đến từ Intel trong Pro X W730, các bạn có thể thấy nó hoạt động khá tốt ở thời điểm hiện tại, tốc độ ĐỌC/GHI các tập tin từ bình thường cho tới 4K đạt kết quả khá cao, nếu so sánh với các sản phẩm laptop trong cùng tầm giá, cùng phân khúc thì tốc độ ổ SSD trong Asus ProArt StudioBook Pro X W730 cũng không phải dạng vừa đâu !

Công việc của mình sử dụng khá thường xuyên 2 phần mềm Sketchup Pro 2019, và Adobe Photoshop CC 2019, tốc độ khởi chạy của các phần mềm này lần lượt là 12 giây và 8 giây. Pro X W730 cho mình trải nghiệm sử dụng trơn tru: các công cụ dựng hình dùng nhanh, thao tác chỉnh ảnh mượt.

Geekbench 5 (ver 5.2.3)

Specviewperf 13

Unigine Superposition Benchmark

Và như mọi lần, mình có để thêm điểm số của những mẫu laptop mà mình đã từng sử dụng qua, đã từng trải nghiệm và đánh giá qua để anh em tham khảo:

Final Fantasy XV Windows Edition Benchmark

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB)

Standard Quality, Full HD: 5536

High Quality, Full HD: 4237

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB)

Standard Quality, Full HD: 5418

High Quality, Full HD: 3885

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB)

Standard Quality, Full HD: 5180

High Quality, Full HD: 3669

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB) Standard Quality, Full HD: 5421

HP Pavilion Gaming 15 2019 (i7-9750H và GTX 1650 4GB) Standard Quality, Full HD: 5148

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB) High Quality, Full HD: 4326

Cinebench R20

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB) đa nhân CPU: 2636, đơn nhân CPU: 445

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB) đa nhân CPU: 3243, đơn nhân CPU: 485

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB) đa nhân CPU: 2007, đơn nhân CPU: 450

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB) đa nhân CPU: 3913, đơn nhân CPU: 485

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB) đa nhân: 2222, đơn nhân: 446

I7-9750H đa nhân: 2576, đơn nhân: 427

Corona 1.3 Benchmark

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB) thời gian render: 0:03:02

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB) thời gian render: 0:02:35

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB) thời gian render: 0:04:04

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 0:02:21

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB): 0:03:55

3DMark

3DMark Time Spy

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB): 3743

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 3736

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 3499

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 3878

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB): 3791

Asus TUF Gaming FX505 (i5-8300H và GTX 1060 6GB): 3584

HP Pavilion Gaming 15 2019 (i7-9750H và GTX 1650 4GB): 3710

3DMark Time Spy Extreme

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB): 1701

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 1761

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 1636

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 1772

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB): 1742

3DMark Fire Strike

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB): 8482

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 8729

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 8228

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 9052

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB): 9059

MSI GF63 (i7-9750H và GTX 1650 Max-Q 4GB): 7246

HP Pavilion Gaming 15 2019 (i7-9750H và GTX 1650 4GB): 8252

Asus TUF Gaming FX505 (i5-8300H và GTX 1060 6GB): 9284

3DMark Fire Strike Extreme

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB): 4227

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 4201

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 4053

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 4467

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB): 4429

HP Pavilion Gaming 15 2019 (i7-9750H và GTX 1650 4GB): 4069

3DMark Fire Strike Ultra

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB): 1972

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 2022

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 1950

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 2094

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB): 2123

MSI GF63 (i7-9750H và GTX 1650 Max-Q 4GB): 1666

3DMark Sky Diver

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB): 26438

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 25551

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 22814

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 25682

Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB): 23364

HP Pavilion Gaming 15 2019 (i7-9750H và GTX 1650 4GB): 24633

3DMark Night Raid

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000 4GB): 26717

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 29957

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 25694

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 26487

 Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB):  25396

PCMark 10

Pro X W730 (i7-9750H và Quadro T2000): 4766

Lenovo Legion 5 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 4841

Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 4588

Asus TUF Gaming A15 (AMD Ryzen R7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 5115

MSI GF63 (i7-9750H và GTX 1650 Max-Q 4GB): 4739

HP Pavilion Gaming 15 2019 (i7-9750H và GTX 1650 4GB): 4347

Quadro T2000 tuy chỉ là dòng card đồ họa tầm trung, sức mạnh hiệu năng theo đánh giá cá nhân của mình nằm đâu đó giữa GTX 1650 và GTX 1650Ti, nhưng T2000 không chỉ giúp cho W730 có thể xử lý các tác vụ đồ họa từ mức trung bình khá cho tới cao hơn, mà còn có thể giúp người dùng giải trí qua việc chơi những game phổ biến như LoL, Dota 2, CS:GO ở mức thiết lập cao trên độ phân giải WUXGA một cách khá “ngon lành”.

Mình không có chủ đích chơi game trên mẫu máy này, nhưng để có thêm trải nghiệm, thì mình đã test nhanh 1 số game trên Pro X W730: đầu tiên là tựa game Assassin’s Creed: Odyssey, ở thiết lập High thì mức FPS mình ghi nhận được trung bình là 40 - 42 FPS, đôi khi trong 1 số hoạt cảnh không quá nhiều chi tiết thì FPS có thể tăng lên đôi chút: 45 - 48 FPS.

Chuyển qua tựa game Shadow of Tomb Raider, thì mình đạt được mức FPS trung bình là 50 ở thiết lập đồ họa Highest, không bị giật lag nhiều, nói chung là chơi cho biết cốt truyện thì khá ổn, không đòi hỏi gì hơn !!

Về khả năng nâng cấp thì như đã có nói sơ qua ở trên, Pro X W730 có 4 khe Ram hỗ trợ tối đa 128GB (khá bất tiện là có 2 khe Ram lại nằm phía sau mainboard !!), 2 khe M.2 (1 khe đang sử dụng có dung lượng 1TB), và viên pin 95Whr. Theo mình tìm hiểu thì Asus còn mang tới 1 tùy chọn cấu hình mà trong đó viên pin sẽ có mức dung lượng thấp hơn: 63Whr, bù lại là 1 khay 2.5inch trong trường hợp người dùng cần thêm nhiều thật nhiều không gian lưu trữ dữ liệu, nhưng chưa rõ là có xuất hiện chính thức tại thị trường Việt Nam hay không ?! 

Tóm tắt chung lại có thể thấy là 2 yếu tố chính, cần quan tâm nhất đối với 1 mẫu laptop chuyên cho công việc sáng tạo: là màn hình và cấu hình, thì Pro X W730 đã đáp ứng tốt. Vậy còn các yếu tố khác thì sao ? Cùng tìm hiểu tiếp nào !!

Tản nhiệt tạm ổn

Là 1 mẫu máy trạm di động cần có khả năng đa nhiệm, thế nên quan tâm 1 chút về phần tản nhiệt cũng là điều cần thiết phải không các bạn ? Với lý do vì đây là máy mượn của hãng Asus, cũng như thời gian mượn hơi gấp rút nên mình không mở nắp máy ra, nhưng qua tìm hiểu 1 số trang mạng nước ngoài thì mình đã xem được 1 số hình ảnh “mổ xẻ” bên trong của Pro X W730: hệ thống tản nhiệt chúng ta sẽ có 2 quạt tản cùng 4 ống đồng dẫn nhiệt cho cả CPU và GPU.

Trong điều kiện phòng quạt 32 độ C, máy đặt chế độ High Performance, TDP là 45W chưa Undervolt, để máy trực tiếp trên mặt bàn gỗ không sử dụng thêm đế tản hay quạt hút, sau khoảng gần 3 tiếng sử dụng (dựng hình trong Sketchup, chỉnh khoảng 15 tấm ảnh dung lượng khoảng 2-3MB mỗi tấm qua photoshop, mở Chrome lướt web và xem phim online), cũng như test game nhanh giải trí trong vòng 45 phút sau đó. Thì nhiệt độ cao nhất mình ghi nhận được qua phần mềm của CPU là 90 độ C, còn GPU là 80 độ C.

Theo cảm nhận và đánh giá cá nhân của mình thì nhiệt độ máy như vậy là khá cao, sờ tay chạm vào 1 số vị trí trên mặt C của máy ví dụ như khúc giữa màn hình và bàn phím sẽ thấy nóng, ngược lại thì khu vực kê tay và quanh cụm phím W A S D tương đối mát mẻ, nên trải nghiệm sử dụng máy không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Tất nhiên là không quên kiểm tra hệ thống tản nhiệt của Pro X W730 qua bài stress test Aida64 trong hơn 30 phút.

Nhiệt độ ban đầu trước khi stress test

Stress test qua Aida64 sau hơn 30 phút

Pin khá ấn tượng

Viên pin của  Pro X W730 có dung lượng 95Whr, còn cục sạc là 280W có trọng lượng khá nặng. Sử dụng thực tế qua các công việc văn phòng nhẹ ví dụ như gõ bài đánh giá này, làm báo giá qua excel, có kết nối wifi lướt web xem tin tức, độ sáng màn hình 50%, pin ở chế độ Power Saver thì máy còn 10% sau hơn 8 tiếng 22 phút (trung bình sau 1 tiếng thì % pin tụt khoảng 12%).

Tiếp tục ở chế độ tiết kiệm pin (Power Saver), bật Youtue coi liên tục các video khác nhau ở độ phân giải của màn hình, độ sáng 50% thì thời gian sử dụng sẽ là gần 7 tiếng.

Còn khi sử dụng các phần mềm đồ họa như PTS, AI, render Video full HD qua Premiere ở độ sáng màn hình 50%, pin chế độ High Performance thì máy trụ được khoảng 2 tiếng 15 phút. Nhìn chung thì cũng tạm coi là đủ cho 1 ngày làm việc ở mức độ trung bình và khá.

Còn tiếp.....

Techzones / HảiArt666

ASUS ProArt StudioBook Pro X

ASUS ProArt StudioBook Pro X

55.990.000 ₫
  • Màn hình 17" WUXGA IPS
  • CPU: Core i7 / Xeon E-2276M
  • RAM: DDR4-2666
  • SSD: lên tới 4TB
  • VGA: RTX 5000
  • Nặng: 2.5 kg
  • ScreenPad