Đánh giá bàn phím cơ Durgod Taurus K320 - Ôi thật bất ngờ !

Thị trường gaming gear đã và đang phát triển mạnh, từ các thương hiệu lớn đã có tiếng từ lâu, cho tới các hãng sản xuất vô danh cũng dần dần xuất hiện, mang tới cho các bạn game thủ vô vàn sự lựa chọn. Trong bài viết này, Techzones sẽ giới thiệu tới các bạn 1 mẫu bàn phím cơ của 1 thương hiệu còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam, chỉ mới được biết tới qua vài sản phẩm tại thời điểm cuối năm 2018 vừa qua.

Tên sản phẩm là gì ? Nó mang trong mình những điểm gì ấn tượng và đặc biệt ? Mức giá của nó là bao nhiêu ?…..Các bạn sẽ được biết ngay sau đây, bật mí 1 chút tên sản phẩm là Durgod Taurus K320, 1 mẫu bàn phím cơ sử dụng switch của Cherry MX, cáp tháo rời được, và không hề có Led nền bàn phím !

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Những ấn tượng ban đầu

Trong giai đoạn mà cái món gì trên thùng máy PC, hay laptop  đều ít hay nhiều phải có Led RGB màu mè, nhiều hiệu ứng bắt mắt,…thì các sản phẩm có thiết kế mang tính đơn giản hơn, nói không với Led vẫn có 1 lượng khách hàng đông đảo, với riêng sản phẩm bàn phím cơ thì điều họ tìm kiếm là độ hoàn thiện, chất lượng keycap, đem lại cảm giác gõ tốt.

1 số thương hiệu đã lựa chọn hướng phát triển này có thể kể đến như là Leopold, Filco, tuy vậy các sản phẩm không dành cho đại đa số do mức giá thành cao. Còn ở tầm giá rẻ hơn thì chúng ta có iKBC, và giờ là Durgod với sản phẩm Taurus K320.

Vỏ hộp nhìn đơn giản nhưng khá đẹp mắt, nhờ kết hợp tông xanh dương và đen, tạo cảm giác chắc chắn. Trên vỏ hộp không có hình ảnh bàn phím, mà chỉ có 1 số thông tin về sản phẩm. Mở hộp ra thì mình thấy bàn phím được “che chắn” khá kỹ, ngoài 1 miếng nhựa để che bụi, thì còn có thêm 1 túi mỏng nữa.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Trong hộp ngoài bàn phím thì chúng ta có khá đầy đủ các phụ kiện cần thiết và hiện đại: như là sợi cáp USB type C 2 đầu, rồi thêm 1 sợi cáp 1 đầu USB type C và 1 đầu USB type A, 2 sợi cáp thì không được bọc dù và đầu USB không được mạ vàng. Ngoài ra là “cây đánh trứng” keypuller, dây để quấn gọn sợi cáp, và 1 miếng dán logo Durgod để trang trí.

Mình đánh giá cao việc Durgod trang bị sợi cáp USB type C 2 đầu, rất tiện cho các thiết bị đời mới, ví dụ như là Macbook Pro mới toàn cổng Type C, bất ngờ hơn là mình còn có thể dùng để gõ chữ trên điện thoại Android của mình: Samsung Galaxy Note 8.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Quay trở lại với nhân vật chính của chúng ta: Durgod Taurus K320, là 1 bàn phím TKL nhỏ gọn, nhưng vẫn có đầy đủ các phím chức năng cho người dùng, sử dụng layout ANSI (hoặc còn gọi là US) với profile (độ cao phím) OEM quen thuộc. Bàn phím này cho mình khá nhiều thiện cảm, đầu tiên là sự đẹp mắt qua cách phối màu keycap của nó: sử dụng tông màu đen và xám, kết hợp với chữ màu trắng khá nổi bật.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Thêm 1 điểm chú ý nữa là trên “cây đánh trứng” có logo Hardcap, đây là 1 công ty con của hãng Ducky, thì keycap trên chiếc bàn phím Taurus K320 là sản phẩm của thương hiệu Hardcap này.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Keycap mình thấy được làm vát bề mặt khá nhiều, hơi nhám, tạo độ ôm đầu ngón tay tốt, sử dụng chất liệu nhựa PBT (là chất liệu cứng và bền nhất hiện nay để dùng trong keycap) với kỹ thuật Doubleshot dày dặn, nên chất lượng phím rất tốt, gần như mặt phím không hề bị bóng dù tay mình dễ đổ mồ hôi. Gõ thử nghe tiếng đục và “bụp bụp” khá đặc trưng. Chữ trên phím sắc nét, dễ nhìn, font chữ khá đẹp, phù hợp với tổng thể chung, đơn giản nhưng vẫn ấn tượng.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Thiết kế chủ đạo sử dụng nhiều các cạnh vát, các đường vát, nhất là các mặt bên và đáy bên dưới bàn phím. Phần mặt đáy của Taurus K320 ngoài 5 chân đế cao su, thì còn có thêm 2 khớp nâng độ cao bàn phím với 2 nấc, trên mỗi nấc cũng có đế cao su tăng thêm độ bám. Bên cạnh chúng ta còn có khe đi dây, lỗ cắm cáp. Mặt dưới đáy bàn phím nhìn khá hiện đại, nhưng theo mình thấy thì nó hơi rườm rà, có vài chi tiết thừa.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Phần khung bàn phím làm từ nhựa nhưng hoàn thiện tạo cảm giác giống như là kim loại, cứng cáp, cầm trên tay có độ đầm, chắc chắn. Các cạnh mép được gia công tốt, bề mặt khung kiểu vân nhám giúp giảm đáng kể tình trạng bám mồ hôi và vân tay. Ở giữa phần khung và phím có 1 khoảng hở nhỏ, với 1 số bạn khó tính thì đây sẽ là 1 điểm trừ, vì khi nhìn từ cạnh bên thì có cảm giác không liền lạc, và dĩ nhiên bụi bẩn cũng dễ lọt vào hơn.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Nhìn chung tổng thể của Durgod Taurus K320 dù là sản phẩm của 1 hãng gaming gear, nhưng nó mang lại cảm giác chân phương hơn, nếu các bạn game thủ đã quen nhìn hoặc sử dụng các mẫu bàn phím cơ của Corsair hay Razer thì có thể sẽ không ưng mắt kiểu thiết kế tối giản này cho lắm ! Bù lại là kết cấu chắc, không có hiện tượng flex, trọng lượng bàn phím tương đối (0,9kg) và dây cáp rời nên mang đi lại cũng dễ dàng, màu sắc keycap phối đẹp cũng tạo cảm giác hơi hướng gaming đôi chút, đi kèm 2 sợi cáp có thể sử dụng trên khá nhiều thiết bị khác nhau.

Đi sâu vào chi tiết và trải nghiệm

Durgod sử dụng switch của Cherry cho tất cả các sản phẩm bàn phím cơ của hãng, và mẫu Taurus K320 mà mình sử dụng đánh giá trong bài viết này mang switch Blue, với những thông số đã quen thuộc: độ bền 50 triệu lần nhấn, có khấc (tactile) và tiếng clicky, lực nhấn 50g,… Kết hợp với keycap PBT trên bàn phím cho âm thanh khi gõ khá to và vang, đúng chất clicky.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Ngoài ra là theo thông tin từ nhà sản xuất, các switch đều được lube (tra dầu) sẵn để cảm giác gõ mượt mà hơn, trơn tru hơn. Tuy sự khác biệt khó mà mô tả và cảm nhận rõ rệt được, trừ khi các bạn có thêm 2-3 mẫu bàn phím cơ khác bên cạnh để trải nghiệm. Hoặc khi các bạn sử dụng bàn phím này trong 1 khoảng thời gian nhất định.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Switch thì vẫn theo “truyền thống” của Cherry là hàn ngược, và mình nghĩ rằng bản mạch cũng có thể chế thêm Led, các bạn có thể nghiên cứu thêm vấn đề này nếu vẫn thích Led RGB.

Stabilizer vẫn là Cherry stab  giống như những mẫu bàn phím tầm trung khác, và cũng được lube, đảm bảo cho cảm giác gõ mượt những phím dài. Thực tế thì sao ? Khi nhấn phím Space bar mình cảm thấy nặng hơn khá nhiều, nhấn ở 2 đầu bị nặng, khi tháo ra xem thì mình thấy 1 điều khá lạ lùng, đó là Durgod sử dụng thêm 1 loại switch là Cherry Green (có độ nặng gần 80g) thay vì Blue (45-50g) cho riêng nút Space. Đây là bàn phím cơ đầu tiên mà mình từng sử dụng và đánh giá qua có điểm đặc biệt này.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Sẽ có bạn thích hoặc không thích chi tiết này, vì cảm nhận mỗi người là khác nhau, sử dụng thực tế thì mình cần phải sử dụng khớp nâng chiều cao bàn phím lên, 1 phần vì khung bàn phím thấp hơn dãy phím, chưa kể 1 số bạn còn sử dụng miếng kê tay rời, nếu không sử dụng khớp nâng cao thì gõ sẽ hơi với, dùng lâu sẽ đau ngón tay. Cảm giác lọc xọc cũng còn tương đối, nhưng không quá khó chịu, chủ yếu là khi nhấn 2 đầu mép phím. Và mình cũng không rõ các phiên bản switch khác (Black, Red, Brown, Silver) có sự khác biệt ở nút Space bar như bản Blue switch mà mình đang dùng hay không ?!

Trong môi trường văn phòng hay công cộng, độ ồn của phím với switch Blue đủ để khiến những người xung quanh phải khó chịu, đây là một điểm mà các bạn cần cân nhắc. Dù có phần ồn ào nhưng theo quan điểm của mình thì Cherry MX Blue là loại switch tốt cho những bạn mới tập chơi phím cơ, để họ cảm nhận được sự khác biệt rõ giữa phím cơ và phím cao su truyền thống.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Như đã nói ở trên, thì chất liệu keycap của Taurus K320 là nhựa PBT, với Doubleshot và profile OEM cơ bản thường thấy. Điều này mang lại cảm giác gõ cực kỳ đầm tay và chắc chắn, cả khi gõ văn bản hay chơi game, đánh giá cá nhân thì mình thích cảm giác gõ mà mẫu Durgod mang lại hơn 1 số mẫu của iKBC, Vortex, hay Razer,.. cùng tầm giá.

Switch lên xuống mượt mà và đều, stablizer hơi nặng, khi gõ chạm đáy cho cảm giác khá phê ! Khung bàn phím chắc chắn nên khi gõ mạnh hay khi chơi game sử dụng combo nhiều phím không bị tình trạng rung lắc, kẹt phím,..1 trải nghiệm có thể nói là “đáng đồng tiền bát gạo” !

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Dù không có Led nền bàn phím RGB, nhưng Taurus 320 vẫn có 1 phần mềm hỗ trợ đi kèm theo để người dùng có thể tùy chỉnh 1 số chức năng, đặt macro,.có tên gọi là Durgod Zeus Engine. Tính năng lập trình phím không hẳn là cái gì quá cần thiết với người dùng phổ thông, nhưng rõ ràng có còn hơn không.

Phần mềm xài thì tạm tạm, chưa ổn, ít chức năng, không có phím tắt đổi nhanh qua lại giữa các profile đã tạo.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Kết luận

Thật bất ngờ ! Mình phải thốt lên như thế khi trải nghiệm sử dụng qua mẫu bàn phím Durgod Taurus K320. Có thể thấy rằng, tuy là 1 thương hiệu còn khá mới mẻ, nhưng Durgod đã đầu tư rất nhiều vào các sản phẩm của mình, đủ để tự tin cạnh tranh với những thương hiệu quen thuộc, lâu năm khác trên thị trường Việt Nam. Chiến lược tập trung vào trải nghiệm gõ, độ hoàn thiện tốt, hình thức đơn giản nhưng vẫn đặc sắc,..với riêng bản thân mình đánh giá là rất hợp lý.

Chưa kể là keycap chất lượng, switch cao cấp, cáp USB type C thời thượng, cùng mức giá hợp lý, mình dần dần thấy hình bóng 1 đại diện sừng sỏ trong thị phần bàn phím cơ tại Việt Nam.

bàn phím cơ Durgod Taurus K320

Không phải là không có nhược điểm: đầu USB không được mạ vàng có thể rỉ sét sau 1 thời gian nếu không bảo quản kỹ, Stab khá nặng không phải game thủ nào cũng thích, không có Led dù chỉ là Led đơn sắc, độ chắc chắn cần thêm thời gian kiểm chứng,..…nhưng mình nghĩ những khuyết điểm có thể được bỏ qua, so với những ưu điểm mà Taurus K320 mang lại, và hãng Durgod hoàn toàn có thể khắc phục và chăm chút hơn cho những sản phẩm thế hệ sau.

Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này. Sản phẩm đang được bán tại cửa hàng Techzones, hãy tới trải nghiệm nếu các bạn muốn thử 1 mẫu bàn phím cơ còn xa lạ, nhưng chất lượng sẽ khiến các bạn bất ngờ !

Techzones / HảiArt666