ĐÁNH GIÁ LEGION 5 2021 – TIẾP TỤC LÀ TÂM ĐIỂM LAPTOP GAMING TẦM TRUNG

Có 1 câu nói “cái gì đã tốt thì không nên thay đổi”, mình thấy điều đó đúng khi áp dụng vào Lenovo Legion 5, nhìn qua các hình ảnh chụp sản phẩm thế hệ mới 2021 chắc hẳn anh em dễ dàng nhận ra nó vẫn mang 1 thiết kế quen thuộc, tạo ấn tượng tốt về mặt cảm quan, và tiếp tục được rất nhiều người dùng đón nhận.

Chủ yếu ở bài đánh giá này Techzones sẽ chia sẻ cảm nhận nhiều hơn về quá trình trải nghiệm chiếc máy, các thay đổi về vẻ ngoài nếu có, và so sánh hiệu năng của máy với các mẫu laptop khác đã từng đánh giá và có tầm giá gần tương đương nhau.

Cùng tìm hiểu mẫu laptop gaming mới nhất vừa được ra mắt thuộc dòng Legion của Lenovo: Legion 5 phiên bản 2021 (mã Lenovo Legion 5 15ACH6)

Kiểu dáng quen thuộc, thêm vài thay đổi nhỏ

  • Gọi là “bình cũ rượu mới” cho Legion 5 2021 chắc chắn đúng, nhưng nói là “rượu ngon bình cũng mới mới” thì cũng không có gì sai.
  • Thay đổi dễ nhận thấy nhất ở phần vẻ ngoài để người dùng phân biệt đó là ở lớp sơn, mặt A (nắp máy) và mặt C (khung bàn phím và kê tay) của Legion 5 2021 sẽ là 1 lớp sơn nhám màu xanh đen / xanh biển đậm, tạo cảm giác lạ mắt hơn so với màu xám đen nhám xi măng đã quen thuộc ở các thế hệ cũ.

  • Điểm thay đổi thứ 2 đó là viền màn hình, cụ thể là phần viền trên của Legion 5, về độ dày chung thì đã được làm mỏng hơn đôi chút so với trước, vẫn có cụm camera và mic được làm thành gờ hơi lồi ra, nhưng nút gạt che camera lại được bố trí ở cạnh phải của máy chứ không ở gần cụm camera như trên bản 2020.
  • Đây cũng là các chi tiết được áp dụng chung cho các mẫu sản phẩm laptop Legion ra mắt trong năm 2021 này của Lenovo như là Legion 7 và Legion 5 Pro.

  • Chỉ hơi tiếc 2 điều là theo ý kiến của mình thì thứ 1 Lenovo hoàn toàn có thể làm phần viền dưới mỏng hơn cho Legion 5 2021 tương tự 2 sản phẩm kia, từ đó mang tỉ lệ 16:10 và màn 16inch vào sản phẩm thế hệ mới này.
  • Thứ 2 là hãng cũng có thể cho phần chữ Y trong logo Legion hoặc cả logo trên phần nắp thêm Led sáng (Led sáng trắng hoặc led RGB) để nổi bật hơn, chứ không phải kiểu mạ chrome tông màu RGB 7 sắc cầu vồng, và màu sẽ thay đổi theo góc nhìn của người dùng như trước.
  • Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhờ theo kiểu tối giản ít Led ở phần nắp máy, nên Legion 5 2021 vẫn cho cảm giác nó là 1 chiếc laptop có thể sử dụng ở nhiều môi trường và không gian khác nhau: từ văn phòng công ty, mang tới trường học, đi gặp đối tác khách hàng, ra quán café làm việc giải trí, hay đơn thuần sử dụng như là 1 laptop gaming thông thường.

  • Về tổng thể thì lớp vỏ ngoài Legion 5 2021 vẫn được làm hoàn toàn từ nhựa ABS cao cấp, cảm giác cầm nắm với 1 số anh em có thể không được phê hay cao cấp lắm, nhưng trải nghiệm mang lại thì mình đánh giá cao, khi dùng tay sờ mó đụng chạm mặt ngoài lẫn mặt trong thì lớp sơn được xử lý bề mặt khá mịn như kiểu phủ lớp nhung, phần nhựa của máy tương đối dày và cứng cáp.
  • Dễ dàng vệ sinh bụi bẩn, lau chùi vết mồ hôi, dấu tay trên máy, và ngoài ra do lớp vỏ ít hầm hố, gân sọc này kia nên các bạn trẻ năng động cũng có thể dễ dàng trang trí lên Legion 5 với lớp skin dán, sticker để tăng thêm phần cá tính.
  • Với các anh em kỹ tính, khó tính thì độ hoàn thiện của phần khung màn hình, khung bàn phím, cũng như phần bản lề sẽ chưa được chắc chắn và cứng cáp cho lắm, cảm thấy không khác gì thế hệ cũ, vẫn sẽ gặp tình trạng flex nhẹ khi dùng lực tay ấn mạnh lên các vị trí này.
  • Tuy nhiên với kinh nghiệm đã sử dụng và đánh giá qua khá nhiều mẫu laptop Legion (từ Y520, Y530, Y540, Y740, Legion 5 2020, Legion 7 2020,..) thì mình vẫn dành lời khen cho thiết kế của Legion 5, nó vẫn đạt mức cứng chắc cần thiết với kiểu bản lề này. Và trên các diễn đàn công nghệ, các group nhóm trên các trang mạng xã hội thì bản thân mình cũng chưa thấy ai phản hồi về việc bản lề gãy / hay phải đi bảo hành phần bản lề cho các mẫu Legion cả.

Đa dạng các cổng kết nối thế hệ mới

  • Thêm 1 lời khen cho Legion 5 khi đa số các cổng kết nối và cổng sạc tiếp tục được bố trí ở mặt sau của máy, tạo sự thông thoáng cho không gian ở 2 cạnh bên khi sử dụng nhiều kết nối có dây như: kết nối ra màn hình ngoài, gắn ổ cứng di động, sử dụng chuột rời,….

  • Trên phiên bản mới 2021 chúng ta có đầy đủ các cổng kết nối cơ bản và cần thiết: sẽ vẫn có tận 4 cổng USB-A (được nâng cấp từ 3.1 lên 3.2, trong đó vẫn có 1 cổng Always On để sạc các thiết bị ngoại vi khác kể cả khi chúng ta tắt máy), cổng tai nghe kèm míc 3.5mm, cổng HDMI 2.1, cổng mạng Ethernet (RJ45), cổng cắm sạc.
  • Đặc biệt sẽ có 2 cổng USB-C thế hệ mới 3.2 Gen 2 (2020 chỉ có 1 cổng USB-C), ngoài chức năng hỗ trợ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, kiêm luôn cổng xuất hình Display Port 1.4, thì cổng USB-C ở mặt sau còn tích hợp tính năng sạc Power Delivery.

  • Mình thấy 2 bên cạnh của máy khoảng trống còn khá nhiều nhưng không hiểu sao Lenovo lại không tích hợp thêm khe đọc thẻ nhớ SD lên Legion 5 2021, tuy nhiên thiếu sót này không phải vấn đề quá lớn của máy, khi với nhiều cổng kết nối USB thì người dùng hoàn toàn có thể sử dụng các thiết bị hub có đầu đọc thẻ nhớ. Về kết nối không dây thì Legion 5 hỗ trợ Wifi 6 và Bluetooth 5.1.

Màn hình nâng cấp với G-Sync và tần số quét 165Hz

  • Ngoài những yếu tố kỹ thuật quen thuộc đã có ở thế hệ trước như màn độ phân giải FullHD, tấm nền IPS cho góc nhìn rộng, viền mỏng, độ sáng trung bình cao 300 nits, bản lề cho phép màn hình mở 1 góc 180 độ, lớp chống chói Anti Glare,…..
  • Màn hình 15.6 inch trên Legion 5 2021 mình đang trải nghiệm có tần số quét đã được nâng cấp lên 165Hz. Dù đây có thể không phải là mức tần số quét “dữ dằn” ở thời điểm này, khi 1 số hãng đối thủ đã lên tới 240Hz, 300Hz.
  • Nhưng quan trọng vẫn là trải nghiệm người dùng. 165Hz vẫn dư dùng cho các thao tác sử dụng hằng ngày: từ làm việc cho tới chiến game, khung hình không bị giật lag, thao tác lướt chuột mượt mà,….Bên cạnh đó dòng Legion tại Techzones cũng có Legion 5 Pro và Legion 7 2021 với màn hình chất lượng cao hơn, độ phân giải 2K cộng để anh em tham khảo lựa chọn.

  • Các thông số kỹ thuật khác về màn hình trên Legion 5 thế hệ mới cũng rất ấn tượng: Độ phủ màu sRGB đạt 100% và 79% Adobe RGB, màn hình đã được cân chỉnh sẵn từ nhà máy sản xuất trước khi tới tay người dùng, cho chất lượng hiển thị hình ảnh và màu sắc sinh động, sắc nét, độ sai lệch màu khá thấp Delta E khoảng 2,1.
  • Đạt chuẩn định dạng hình ảnh cao cấp Dolby Vision, hỗ trợ công nghệ chống xé hình ảnh G-Sync lẫn Free-Sync, ngoài ra còn có thêm công nghệ DC Dimmer (giúp điều chỉnh độ sáng đèn màn hình khi cần thiết, giảm lượng điện tiêu thụ, qua đó tăng thời lượng sử dụng pin của máy),…
  • Có thể thấy Lenovo đã tập trung gần như toàn bộ những công nghệ đỉnh trên màn hình laptop gaming phân khúc tầm trung cận cao cấp vào con Legion 5 2021.
  • Hứa hẹn mang lại trải nghiệm rất tốt và tối ưu cho cả những anh em game thủ lẫn người dùng sáng tạo, và dân thiết kế: đồ họa 2D, 3D, chỉnh sửa ảnh và video, kiến trúc xây dựng render,…..Và việc đi cân màu màn hình với những anh em có yêu cầu cao thì cũng dễ dàng hơn.

  • Chia sẻ thêm với các anh em chưa biết, sẽ có trường hợp các bạn mua Legion 5 2021 về mở Nvidia Control Panel nhưng không thấy mục Display để thiết lập công nghệ G-Sync, lúc này các bạn cần mở ứng dụng Lenovo Vantage tắt chế độ ON ở mục Hybrid Mode ở Lenovo Edge, khởi động lại máy thì trong Nvidia Control Panel sẽ hiện lên G-Sync.

Trong trường hợp bạn vẫn để Hybrid Mode ON, vừa muốn bật G-Sync lên thì có thể vào lại Nvidia Control Panel, chọn mục Manage Display Mode ở menu 3D settings, nhấp chọn Nvidia GPU Only để kích hoạt G-Sync lên. 

Bàn phím vẫn cho trải nghiệm rất tốt trong phân khúc laptop gaming tầm trung

  • Legion 5 2021 vẫn kế thừa rất tốt những ưu điểm về bàn phím của thế hệ trước: bố cục sắp xếp thoải mái, khoảng cách giữa các phím hợp lý, bề mặt các phím được làm hơi lõm ôm cong đầu ngón tay,…
  • Nên cảm giác gõ phím mang lại rất tốt, gõ êm, nhanh và mượt.
  • Hành trình phím không quá sâu nên không tốn nhiều lực khi gõ phím, độ nảy tốt nên tạo cảm giác nhấn phím chắc và chuẩn, ngay cả người chưa quen dùng laptop cũng có thể nhấn nhanh mà không cần nhìn bàn phím.

 

  • Máy vẫn được trang bị bàn phím Legion TrueStrike: cho thời gian phản hồi nhanh hơn (dưới 1s), tiếng gõ phím êm ái, gõ mượt và nhạy hơn.
  • Sử dụng switch soft landing và anti-ghosting 100% tất cả các phím, mang lại cảm giác gõ gần như bàn phím trên các mẫu Thinkpad cao cấp, lại còn mang thêm cái chất của laptop gaming nhờ hệ thống Led RGB nền 4 vùng sinh động và đẹp mắt, người dùng có thể tùy chỉnh hiệu ứng chuyển màu và thiết lập các chế độ màu qua ứng dụng cài sẵn trong máy Lenovo Vantage.
  • Theo đánh giá cá nhân của mình thì không quá lời khi cho rằng trong phân khúc laptop gaming tầm trung, chưa có sản phẩm nào cho trải nghiệm bàn phím tốt và thoải mái như trên Lenovo Legion 5.

  • Cũng giống như Legion 5 2020, các phím trên phiên bản mới không còn được viền đáy trong suốt, nên dù có Led nền RGB đó, vẫn có nhiều hiệu ứng chuyển màu sinh động đó, nhưng sự lung linh và bắt mắt thì lại không bằng thế hệ Y540 và Y740 trước đây (Y530 thì chỉ có Led trắng, còn Y520 là Led đỏ).
  • Touchpad và các phím trái phải thì sử dụng tốt, bề mặt mịn, di mượt, nhấn nhạy, hỗ trợ đầy đủ các thao tác đa điểm. Mình chỉ ý kiến việc là touchpad không chia các phím trái phải ra tách biệt, nhấn hơi lún ở 2 góc. Kích cỡ touchpad thì hơi nhỏ so với bàn tay của mình, cảm giác hơi tù túng đôi chút, bù lại thì khu vực kê tay khá rộng rãi và thoải mái.

Ấn tượng với hiệu năng khá cao của RTX 3050 TGP 95W

Ở thời điểm đã qua hết nửa năm 2021 này, Legion 5 được trang bị con chip AMD R7 thế hệ Zen 3 mới nhất hiện nay: Ryzen 7 -5800H với 8 nhân 16 luồng, bộ nhớ đệm Cache 16MB, mức xung nhịp khá cao dao động từ 3,2GHz – 4,4GHz.

Card đồ họa thế hệ mới series 30 tới từ đội xanh lá Nvidia: RTX 3050 với mức TGP (Total Graphics Power) là 95W (tiêu chuẩn là 80W được boost lên thêm 15W nhờ công nghệ Dynamic Boost 2.0).

  • AMD Ryzen 7-5800H
  • 8GB Ram DDR4 3200MHz (có 2 khe Ram hỗ trợ tối đa 64GB)
  • RTX 3050 4GB GDDR6
  • SSD 512GB M.2 NVMe PCIe (loại 2280)

Cấu hình trên mình nghĩ dư sức cho các nhu cầu sử dụng vừa phải như làm việc văn phòng: sử dụng các phần mềm office, gõ văn bản, báo cáo bảng tính, lập trình,..

Kể cả những công việc nặng hơn như thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh và video, khai triển bản vẽ kiến trúc.

Tất nhiên Legion 5 2021 cũng hỗ trợ người dùng nâng cấp đầy đủ để cỗ máy mạnh hơn, xử lý đa nhiệm nhanh và mượt hơn: Ram và SSD.

Nói riêng về nâng cấp ổ cứng, thì Legion 5 2021 cũng đã bỏ đi khay SATA 2.5 inch có từ thế hệ trước (bản 2020 có 1 khay SATA 2.5 inch và 1 khe SSD M.2.

Nhưng người dùng chỉ được chọn lắp đặt 1 trong 2 mà thôi, vì khe M.2 thứ 2 nằm ngay bên dưới khay 2.5 inch!!)

Dưới đây là 1 vài điểm số hiệu năng của Legion 5 2021 mà mình đã test được qua 1 số phần mềm chuyên dụng quen thuộc.

Mình có so sánh nhẹ các điểm số của Legion 5 với 1 số mẫu laptop có cấu hình ngang ngửa, và tương tự nhau mà mình đã từng đánh giá qua để các bạn có thể tham khảo thêm, cũng như có sự hình dung rõ nét hơn về sức mạnh hiệu năng của Lenovo Legion 5 2021.

Máy hoạt động ở chế độ High Performance, và quạt tản nhiệt ở chế độ Performance. 

 

Thêm 1 vài điểm số hiệu năng khác của Legion 5 2021 (Ryzen 7-5800H, 8GB Single, card RTX 3050 4G TGP 95W)

Corona 1.3 Benchmark

Legion 5 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3050 4GB) thời gian render 0:02:03

Legion 7 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) thời gian render 0:01:49

Legion Slim 7 (Intel i9-10980HK và RTX 2060 Max-Q) thời gian render 0:03:45

ROG Strix G17 G713 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) thời gian render 0:01:50

TUF Gaming A15 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 GB) thời gian render 0:01:51

Legion 5 Pro (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) thời gian render 0:01:45

V-Ray Benchmark 5.0

Legion 5 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3050 4GB) V-Ray: 8422, V-Ray GPU RTX: 626

Legion 7 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) V-Ray: 8904, V-Ray GPU RTX: 1227

ROG Strix G17 G713 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) V-Ray: 9109,V-Ray GPU RTX: 960

TUF Gaming A15 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) V-Ray: 8581, V-Ray GPU RTX: 719

Legion 5 Pro (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB) V-Ray: 9034, V-Ray GPU RTX: 724

3DMark Night Raid

Legion 5 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3050): 39870

TUF Gaming A15 2021 (Ryzen 7-5800H và RTX 3060): 39785

TUF Gaming A15 2020 (Ryzen 7-4800H và GTX 1650Ti 4GB): 26487

Legion 5 Pro (Ryzen 7-5800H và RTX 3060 6GB): 51820

Legion 5 2020 (Ryzen 5-4600H và GTX 1650Ti 4GB): 26808

Legion 5 2020 (i7-10750H và GTX 1650 4GB): 29957

 Lenovo IdeaPad Gaming 3 (i5-10300H và GTX 1650 4GB): 25694

 Acer Nitro 5 2020 (i5-10300H và GTX 1650Ti 4GB):  25396

3DMark - CPU Profile

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD trong Legion 5 2021

GeekBench 5 (ver 5.4.1) 

Các bài test đơn thuần là lý thuyết, nhưng cũng giúp người dùng thấy được phần nào hiệu năng chung của sản phẩm, thì qua việc ghi nhận các điểm số mình nghĩ rằng các bạn cũng thấy được hiệu năng của Legion 5 phiên bản AMD Ryzen 7-5800H và card RTX 3050 là khá ấn tượng. Có thể kể đến điểm số PCMark 10 của các dòng chip Ryzen mới có phần vượt trội hơn hẳn chip Intel, rồi điểm số đơn nhân lẫn đa nhân ở bài test Cinebench R20 cũng cao hơn kha khá. Qua bài test render với Corona, V-Ray hoặc nhất là các bài 3DMark thì sức mạnh của R7-5800H và RTX 3050 4GB cũng không bị “hụt hơi” quá nhiều khi so với R7-5800H và RTX 3060 6GB. 

Tuy nhiên, có 1 điểm cần lưu ý các bạn đó là mặc định trong ứng dụng Lenovo Vantage ở mục Legion Edge thì tùy chọn Hybrid Mode đã auto là ON, thế nên khi sử dụng cho các tác vụ nhẹ nhàng ví dụ như làm việc văn phòng, giải trí lướt web xem phim,.....thì Legion 5 sẽ chạy bằng iGPU AMD Radeon Graphics, cộng thêm máy sẽ "chia sẻ" bớt khoảng 2GB Ram cho card đồ họa tích hợp này, dẫn tới việc đôi lúc máy hơi bị khựng khựng nhẹ.

Thêm 1 phần lý do là máy chỉ mới có 1 thanh Ram (kênh đơn Single Channel) nên để tối ưu hơn, mang lại trải nghiệm tốt hơn thì chúng ta nên nâng cấp thêm 1 thanh Ram nữa để máy chạy Dual Channel. 

Chơi game là 1 phần không thể thiếu đối với những mẫu laptop gaming rồi, Legion 5 mình đang sử dụng với RTX 3050 có kiến trúc Ampere, cùng các công nghệ Ray Tracing và DLSS thế hệ mới, máy hoàn toàn có thể chiến tốt các tựa game phổ biến hiện nay, từ online cho tới offline ở mức thiết lập đồ họa từ Medium và High trở lên: dòng game Assassin’s Creed, Battlefield, Days Gone,….hay là các tựa game hỗ trợ công nghệ Ray Tracing và DLSS như Shadow of the Tomb Raider, Cyberpunk 2077. Sau đây là các điểm số mức FPS mà mình ghi nhận được trong quá trình chơi game:

  • Tất nhiên để có trải nghiệm hình ảnh sống động, mượt mà nhất ở mức khung hình ổn định nhất có thể thì anh em nên cân đối để thiết lập đồ họa giữa Medium và High là tối ưu.
  • Bên cạnh đó thì card đồ họa rời này vẫn có thể thực hiện khá tốt những công việc liên quan tới thiết kế, đồ họa đa phương tiện, các ứng dụng dựng hình, họa sĩ 2D và 3D. RTX 3050 đủ "khỏe" để chinh chiến cùng người dùng thêm 2-3 năm nữa mà không quá lo lắng bị lỗi thời.
  • Nhưng vẫn câu nói quen thuộc “của bền tại người”, để máy bền và mượt, mang lại trải nghiệm tốt về lâu về dài, thì chúng ta nên vệ sinh máy và tra thêm kem tản nhiệt mỗi 6 tháng, cũng như sử dụng máy điều độ 1 chút nhé các bạn!! 

Hiệu năng cao nhưng nhiệt độ vẫn quá tốt

  • Các dòng laptop Legion 5 nói riêng, và các dòng laptop gaming Legion nói chung trong khoảng 2 năm trở lại đây rất được đánh giá cao về khả năng tản nhiệt tốt.
  • Máy được trang bị công nghệ tản nhiệt Legion Coldfront 1.0, rồi tới 2.0, và giờ là 3.0 tiên tiến: là 1 hệ thống có 2 quạt kích thước lớn, gồm rất nhiều cánh quạt nhỏ được phủ polymer tinh thể lỏng, và các ống đồng dẫn nhiệt giúp tối ưu hóa hoạt động hơn.
  • Ngoài ra, Legion 5 còn bố trí thêm 4 khe thoát khí kích cỡ lớn, cộng với mặt hút gió được đục nhiều lỗ như kiểu than tổ ong ở dưới đáy để cải thiện luồng khí cho nhiệt độ của máy mát mẻ hơn.
  • Và quan trọng không kém khi bật chế độ Performance và khi máy hoạt động ở hiệu suất cao, thì tiếng quạt kêu khá êm tai và ít gây khó chịu, không vù vù như máy giặt như đa phần các mẫu laptop gaming khác trên thị trường. 

  • Qua đó thì hãng sản xuất cho phép các mẫu laptop Legion, cụ thể là CPU và GPU được “cắn” nhiều điện năng hơn, đạt mức TDP lẫn TGP cao hơn, qua đó sẽ mang lại hiệu năng cao hơn khoảng từ 10-15% so với các mẫu laptop có mức TDP, TGP bình thường khác cùng phân khúc.
  • Ví dụ như trong quá trình mình kiểm tra hiệu năng và cả khi chơi game, mức xung nhịp nhân (Core Clock) của RTX 3050 luôn ở mức rất cao trên 1900MHz nhờ "ăn" nhiều điện hơn (tiêu chuẩn 80W được tăng thêm 15W nhờ Dynamic Boost 2.0), tương tự với xung nhịp bộ nhớ Memory Clock và xung nhịp CPU.

  • Sau hơn 3 tiếng test hiệu năng và chơi game liên tục, trên mặt bàn gỗ, không kê thêm đế tản hay gắn quạt hút, phòng bật quạt trần và nhiệt độ ngoài trời khoảng 30 độ C, mình chỉnh tản nhiệt chế độ Performance ở Thermal Mode trong ứng dụng Lenovo Vantage, máy thì để ở High Performance.
  • Thì 75 độ C là nhiệt độ cao nhất của CPU mình ghi nhận được trong quá trình chạy các bài test hiệu năng, còn GPU thì mát mẻ ở mức trên dưới 70 độ C 1 chút. Còn khi chơi qua 5 tựa game thì ghi nhận nhiệt độ cao nhất của CPU là 90 độ C (trung bình là khoảng 85-86 độ C), còn GPU vẫn khá mát mẻ ở mức là 79 độ C (trung bình là khoảng 73-75 độ C),

Kiểm tra thêm qua các bài stress test: sau hơn 15 phút chạy FurMark và Prime95 cùng lúc, ghi nhận được nhiệt độ cao nhất của CPU là 94 độ C (trung bình là 84 độ C), của GPU là 82 độ C (trung bình là 79 độ C), mức xung nhịp CPU cao và ổn định ở mức 3,9GHz, đảm bảo trải nghiệm sử dụng đa tác vụ từ nhẹ cho tới khá nặng được liền mạch.

  • Tiếp tục với hơn 30 phút stress test qua Aida64, nhiệt độ của CPU trong khoảng 5 phút đầu chạy test vọt lên tận 102 độ C, nhưng sau đó thì hệ thống tản nhiệt bắt đầu hoạt động mạnh hơn thì nhiệt độ giảm dần xuống còn 95-96 độ C, còn GPU là 85 độ C, mức xung nhịp trung bình giữa các nhân vẫn khá cao và ổn định ở mức 3,7-3,8GHz.

  • Tất nhiên thì thực tế khi sờ lên nắp máy, sờ lên 1 số khu vực phần gần khung màn hình và bàn phím.
  • Mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau: có người sẽ thấy rất nóng, có người thì thấy nóng vừa vừa,…., nhưng các con số thể hiện nhiệt độ cũng là 1 cơ sở tham chiếu để chúng ta phần nào đánh giá được hiệu quả của hệ thống tản nhiệt trên Legion 5 2021.
  • Có 1 điểm không hẳn là nhược điểm, nhưng mà có thể 1 số bạn sẽ không thích lắm đó là khe tản nhiệt bên phải của máy khi máy hoạt động ở cường độ cao, quạt tản thoát khí nóng ra sẽ gây đôi chút khó chịu tới tay cầm chuột rời.

Hệ thống âm thanh mới cho trải nghiệm ấn tượng

  • Loa trên Legion 5 2021 nhận được sự “bảo trợ” của Nahimic – 1 thương hiệu về âm thanh nổi tiếng, vốn khá quen thuộc trên các dòng laptop gaming của MSI hay Dell, Legion 5 của năm nay không còn “chơi” với Harman như bản 2020 nữa!
  • Thường trên các mẫu laptop gaming phổ thông và tầm trung thì loa sẽ được đặt ở mặt đáy, và kích thước cũng khá nhỏ, nên chất lượng nói chung không cao.
  • Tuy nhiên công nghệ âm thanh do Nahimic đầu tư trên Legion 5 2021 cho mình cảm nhận thấy khá rõ sự cân bằng giữa các dải âm với nhau: từ bass, mid cho tới treble.
  • Loa có độ vang và độ tỏa trong không gian nhỏ lẫn trung bình là rất tốt, không bị rè hay méo tiếng. Bass mạnh và chắc, mid và treble thì đồng đều, được kiểm soát tốt.

  • Hỗ trợ nhiều chế độ âm thanh tối ưu cho từng trường hợp sử dụng: nghe nhạc, xem phim, chơi game... với công nghệ Volume Stabilizer giúp ổn định âm lượng khi phát ra, cho bạn cảm giác dễ chịu hơn, không bị chói tai, giật mình khi âm thanh thay đổi bất thường.
  • Ngoài ra tính năng Sound Tracker giúp bạn định vị được các vị trí phát ra âm thanh như tiếng súng, tiếng bước chân khi chơi game, cảm giác như âm thanh phát ra từ xung quanh bạn.
  • Qua đó tăng sự thú vị và đắm chìm vào không gian đồ họa trong game, cũng như hỗ trợ anh em game thủ tốt hơn trong các tựa game bắn súng FPS và sinh tồn ví dụ như CS:GO và PUBG….. Echo cancellation (ngăn tiếng vang) ngăn Micro lại bất kỳ âm thanh nào phản xạ từ loa, loại bỏ các tạp âm do các thiết bị điện tử tạo ra.

  • Sound Sharing cho khả năng kết nối với nhiều hình thức giao tiếp: Jack tai nghe, wifi, bluetooth, USB... giúp bạn tận hưởng âm thanh một cách thoải mái nhất thông qua các thiết bị kết nối khác nhau: Loa ngoài, tai nghe, tivi,..

Techzones / Leo666

Lenovo Legion 5 2021

Lenovo Legion 5 2021

22.890.000 ₫
26.990.000 ₫
  • 15.6" FHD IPS 165Hz 100% SRGB 1 tỉ màu
  • CPU: Intel / AMD
  • Ram: DDR4-2933
  • SSD: 512GB / 1TB
  • VGA: RTX 30 Series
  • Nặng: 2.4 kg