Đánh giá tai nghe in-ear Radius HP-TWF11

Radius là hãng tai nghe gây được nhiều tiếng vang tại Nhật và có mặt ở Việt Nam thời gian gần đây. Bản thân người viết đã có dịp nghe thử và khá ấn tượng với chất âm của 2 chiếc tai nghe in ear tầm trung là HP-HZD11 và HP-NHR11. Điểm nhấn của loạt tai nghe Radius là sự đa dạng về phân khúc và tầm giá, nhưng không chỉ gói gọn như thế, mà điều đặc biệt còn tới từ yếu tố công nghệ driver cũng như thiết kế đệm silicon ở từng sản phẩm.

Trong bài viết này, các bạn hãy cùng Techzones.vn tìm hiểu qua một vài điểm đặc biệt mà Radius sử dụng cho HP-TWF11 nhé.
 

THÔNG SỐ KỸ THUẬT:
Driver: Dynamic

Driver Size:      Φ15mm/Φ7mm (Dual Diaphragm/CCAW)

Output Sound Pressure Level: 105dB/1mW

Frequency Range:       10Hz ~ 18000Hz

Max. Input:      20mW

Impedance:     24Ω

Connector:      Φ3.5mm gold plated stereo mini plug

Cable Length:  Approx. 120cm (Y Type)

Về thiết kế:

Cảm nhận cá nhân của người viết khá thiện cảm với các sản phẩm của Radius ngay từ cái nhìn ban đầu, cầm hộp trên tay các bạn có thể cảm nhận rõ tính cẩn thận kỹ càng vốn đã thành bản chất của người Nhật từ lâu nay.

Vỏ hộp ngoài sử dụng màu đen, có lẽ các hãng sản xuất đồ công nghệ rất thích màu đỏ đô, và tất nhiên là có lý do cả, màu đỏ đô cho cảm giác bắt mắt và dù ít hay nhiều cũng mang lại tính sang trọng cho sản phẩm. Với HP-TWF11X cũng thế, từ vỏ hộp cho tới tai nghe đều được thiết kế khá tinh tế, cuốn hút với màu đỏ đô xen lẫn chút ánh vàng.

Bên trong hộp ngoài tai nghe, TWF11 còn được kèm theo 1 bao da để đựng tai nghe (bên trong có miếng vải lau + 1 jack chuyển từ đầu chữ I sang đầu chữ L), 2 cặp nút bịt tai nghe (tips) loại nhỏ, 1 cặp loại vừa (bằng cỡ mặc định sẵn trên tai nghe) và 2 cặp loại lớn, kèm theo 2 tờ giấy: 1 tờ có lẽ là phiếu bảo hành nhưng bằng tiếng nhật !!! Và 1 tờ hướng dẫn cho người dùng, cũng tiếng nhật nhưng may mắn có chút tiếng anh xen lẫn…..

Theo vài ý kiến từ các trang mạng nước ngoài thì tai nghe TWF11 có thiết kế khá tương tự với mẫu EX500 và EX700 của Sony, có lẽ ý tưởng lớn gặp nhau chăng ?! Dây cáp được bọc vải dù cầm khá chắc chắn và dẻo dai, tuy nhiên vẫn dễ bị xoắn dây và tạo thành nếp, có nút để thay đổi khoảng cách giữa 2 tai nghe nhưng khá ngắn, mặt trong 2 đầu tai nghe có ký hiệu L và R giúp phân biệt, TWF11 cũng không có dãy nút điều chỉnh âm lượng như anh em khác trong nhà như HZD11 và NHR11. Jack cắm 3.5 dạng chữ I (có đầu chuyển sang jack chữ L),đầu được mạ vàng chống nhiễu tín hiệu. 

Đeo thử vào tai thì có vẻ TWF11 hơi khó đeo ở kiểu đeo thẳng, dù đã cố nhấn sâu vào nhưng vẫn có chút gì đó chưa fit trong tai, thử kiểu đeo vòng qua tai thì thấy ổn hơn, nút bịt tai mặc định có lẽ với 1 số người sẽ cảm thấy hơi đau tai (có thể đổi tips cho phù hợp), mức độ cách âm của TWF11 ở mức vừa phải, không khít như HZD11 và NHR11.



Với tầm giá 3 triệu đồng, chắc hẳn với những người nghe nhạc là vô vàn sự lựa chọn khiến bản thân có chút băn khoăn suy nghĩ, nói như vậy để thấy rằng không hề dễ dàng có thể tạo được sự chú ý giữa 1 rừng sản phẩm khác, vậy đâu là điểm khác biệt của HP-TWF11.
Đó là Radius đã tạo ra chuẩn DDM (dual diaphragm matrix – hệ thống màng kép) cho HP-TWF11, tai nghe sử dụng 2 màng loa dynamic: 1 nhỏ đường kính 7mm (cho dải tần cao) và 1 lớn đường kính 15mm (cho dải tần trung và thấp), 2 màng được đặt đồng trục, khá giống công nghệ màng loa đồng trục trên các bộ loa đắt tiền.

Xin phép giải thích chút cho các bạn đang đọc hiểu sơ về kiểu thiết kế trên:

Tai nghe sử dụng driver Dynamic thông thường hoạt động tương tự như 1 cặp loa nhỏ, tín hiệu điện tử được truyền qua jack cắm, Khi tới driver (màng loa), có 1 nam châm tạo ra lực hút tác động lên cuộn âm ở giữa 1 lớp màn loa – 1 lớp màn hình tròn làm từ giấy, sợi sinh học hoặc plastic, và tạo ra sự rung động lên xuống rất nhanh giống như 1 cái piston. Chính sự rung động nhanh này khuấy động không khí và tạo ra các đợt sóng âm mà màng tai người có thể cảm thụ được.

Với tai nghe sử dụng công nghệ dual diaphragm thì cũng tương tự với 2 thành phần driver (thường gọi là thành phần driver mid-bass và driver tweeter) và 2 cục nam châm riêng biệt, nhưng với TWF11 khác biệt là chỉ có 1 nam châm, cuộn dây lớn điều khiển của driver mid-bass quấn quanh vành ngoài của nam châm, trong khi cuộn của tweeter là ở vành trong, thiết lập thành 1 driver kép, đây là công nghệ được Radius thiết kế độc quyền và TWF11 được cho là sản phẩm đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn thiết kế này.



Như vậy ta có một driver tweeter đặt sau một driver mid-bass, theo nhà sản xuất Radius, nhờ thiết kế này khi kích hoạt 2 driver kết hợp cùng độ nhạy cao 105dB/1 mW sẽ cho chất lượng âm thanh trung thực, mượt mà và có sức tạo ra không gian nghe tốt hơn. 

Thử nghiệm về chất âm:

Thử nghiệm trên Macbook và Iphone với mức âm lượng khoảng 60-70%, thể loại nhạc: pop ballad, rock: nu metal, ballad, metal, death metal, acoustic.

– Bass: Ở TWF11 có sub-bass khá nhiều về lượng, nhưng được kiểm soát khá tốt, không lấn dải khác, mỗi nhịp bass có extension rõ và sâu vừa phải, có thể cảm nhận lực dội ở màng tai [Work from Home- Fifth Harmony], nhưng có vẻ upper-bass hơi thiếu chút lực đẩy, nên chưa tạo cảm giác muốn nhún nhảy cuồng nhiệt [Cheap Thrills – Sia ft. Sean Paul], [Bailando - Enrique Iglesias ft. Sean Paul, Descemer Bueno, Gente De Zona], bù lại TWF11 cân bằng khá tốt tốc độ âm bass, không quá nhanh hay quá chậm, nghe các thể loại rock nhanh và nặng như [You Only Live Once - SUICIDE SILENCE], [Parallels - As I Lay Dying], [Strife – Trivium], mặc dù bass khá đanh nhưng không quá mỏng và không bị tan ra quá nhanh, tuy vậy tôi vẫn khuyên dùng tai nghe này để dùng nghe nhạc nhẹ, ballad, trữ tình hơn là cho basshead.

– Mid: có sự nhấn nhá vừa phải, hòa quyện khá mượt mà với dải bass, nghe chú Tuấn Ngọc hát Khúc thụy du và Đêm buồn tỉnh lẻ của chú Chế Linh được thể hiện rất ấm, nhẹ nhàng nhưng rất sâu lắng, với giọng nữ thì thưởng thức giọng ca của cô Khánh Ly với bài Còn tuổi nào cho em và cô Bảo Yến với Hai đầu nỗi nhớ, cả 2 cô không phải giọng nữ quá cao nhưng nghe những nốt cao chưa lên được trọn vẹn, mặc dù cảm nhận khá rõ độ gằn và lâu lâu có thể nghe được cả tiếng lấy hơi, nhưng TWF11 chưa thể hiện xuất sắc giọng nữ, chỉ dừng ở mức khá, vừa tai nghe.

-Treble: có độ rộng và nhuyễn, nghe [Hotel California- Eagles] và [Tears in Heaven – Eric Clapton] không biết bao nhiêu lần rồi nhưng có TWF11 cảm nhận rõ thêm độ da diết trong từng phím gẩy ghita và tiếng bập bùng của trống, nhưng nhanh tan biến, mặc dù không quá nhanh nhưng cũng khiến người nghe nhiều lúc thấy tiếc nuối

– Âm trường: thoáng dễ chịu, rộng và có độ sâu khá.

Ưu điểm
+ Thiết kế đẹp và lạ mắt.
+ Công nghệ chuẩn DDM độc quyền riêng mang lại chất lượng âm thanh tốt
+ Âm trường rộng, chất âm ở các dải có độ cân bằng và khá chi tiết

Nhược điểm
+ Có vấn đề về độ fit và cách đeo (có thể khắc phục được)
+ Ít lựa chọn về màu sắc
+ Không có dãy nút điều chỉnh âm lượng và mix cho smartphones

Kết luận:

Vẫn tiếp tục với truyền thống của hãng, Radius đã tạo ra một chiếc tai nghe có dấu ấn riêng, với kiểu dáng thiết kế bắt mắt cùng hiệu năng cao, tái tạo một không gian âm nhạc ấn tượng với các dải âm chi tiết, xứng đáng để nghe thử- sở hữu.
Các bạn có thể tới trải nghiệm tại cửa hàng của Techzones.vn, sản phẩm radius HP-TWF11 đang được bán với mức giá 3,2 triệu đồng.



                                                                                                                                                                                               bài viết: www.techzones.vn / HaiArt666