Top 5 laptop gaming có hệ thống tản nhiệt tốt nhất năm 2021

Theo thời gian qua mỗi năm, các mẫu laptop chơi game đã và đang tiến sát gần hơn tới hiệu suất của các mẫu máy tính để bàn. Với việc liên tục phát triển và ra mắt các bộ chip xử lý, và card đồ họa thế hệ mới hơn, tốt hơn, các hãng sản xuất laptop có thể mang tới những thiết bị chơi game có khả năng chiến tốt hầu hết các tựa game AAA trên thị trường.

Nhưng mọi thứ sẽ trở nên vô dụng nếu giải pháp tản nhiệt không hiệu quả, khi mà máy tính tỏa ra nhiệt độ quá cao, dẫn tới việc hệ thống tự giảm mức xung nhịp của CPU và GPU để giảm nhiệt độ xuống. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã thử nghiệm nhiều cỗ máy chơi game cao cấp, để tìm ra những mẫu có hệ thống tản nhiệt tốt nhất năm 2021, và mang tới cho bạn những thông tin để tham khảo trước khi quyết định rút ví.

 Cần lưu ý là các sản phẩm trong bài viết này không nhất thiết phải là những mẫu laptop tốt nhất về p/p (price/performance). Điều mà chúng tôi hướng tới là mức độ ổn định và tính hiệu quả của hệ thống tản nhiệt trên những chiếc máy này. Và mọi thứ còn tùy thuộc vào cách người dùng sử dụng trong đời thực.

 5. Asus ROG Zephyrus G15 GA503

 Cái tên đầu tiên trong danh sách là Asus ROG Zephyrus G15 GA503, qua video mở máy bên dưới của chúng tôi, bạn có thể thấy rằng thiết bị này không khe lưới thông gió kích thước lớn ở mặt đáy. Nhưng đó không phải vấn đề, khi bản lề ErgoLift đã giúp nâng phần đáy máy lên cao hơn, tăng thêm không gian để lưu thông không khí.

 

 Hệ thống tản nhiệt của máy bao gồm 6 ống đồng dẫn nhiệt, trong đó 3 ống được chia sẻ chung giữa CPU và GPU, ngoài ra thì mỗi bộ phận sẽ có thêm 1 ống dẫn nhiệt riêng biệt. Ống đồng cuối cùng nhận nhiệm vụ “chăm sóc” bộ nhớ Graphics và mạch VRM. Laptop cũng có 4 khe tản nhiệt, đặc biệt Asus đã sử dụng hợp chất keo tản nhiệt kim loại lỏng để tăng cường khả năng làm mát của CPU.

 Trong các bài stress test của chúng tôi, Ryzen 9 5900HS duy trì mức xung nhịp trong suốt thời gian kiểm tra. Ngay cả sau mốc 15 phút, nó vẫn giữ xung nhịp 3,57 GHz, mà nhiệt độ vẫn khá mát mẻ ở mức 80 độ C.

 Tương tự GPU cũng thế, card rời RTX 3080 (100W) đạt mức xung 1475MHz và nhiệt độ không vượt qua 75 độ C. Nhiệt độ bề mặt khá nóng với điểm nóng nhất 48,8 độ C. Nhưng cụm phím W A S D lại không nóng, thoải mái để sử dụng.

4. Asus ROG Strix SCAR 17 G733

Tiếp theo chúng ta có thêm một sản phẩm của Asus, thuộc dòng Strix SCAR. Nhìn từ bên ngoài mẫu laptop này, các khe lưới thông gió ở mặt đáy cũng khá nhỏ và lại không có bản lề theo dạng ErgoLift như G15 GA503. Nhưng may mắn là thiết kế của máy giúp các quạt tản có thể hút gió từ phía trên bàn phím. Về khe tản nhiệt thì cũng có 4 khe như thường thấy: 2 khe tản ở mặt sau, và mỗi khe ở 2 cạnh trái phái.

Còn ở bên trong chúng ta cũng có 6 ống đồng dẫn nhiệt, CPU và GPU dùng chung 1 ống đồng, còn lại thì cả hai đều có cho riêng mình 2 ống dẫn nhiệt. CPU sử dụng hợp chất keo tản nhiệt kim loại lỏng để nâng cao hiệu quả tản nhiệt.

 

Một lần nữa, nhờ hợp chất tản nhiệt kim loại lỏng, CPU trong ROG Strix SCAR 17 G733 không chỉ giữ nhiệt độ khá mát mẻ (khoảng 80 độ C), mà còn chạy ở tốc độ xung nhịp 3,59 GHz sau bài stress test kéo dài 15 phút. Còn GPU sau 30 phút stress test thì RTX 3080 (130W) không bị sụt giảm về xung nhịp. Mặc dù chế độ Turbo (được bật trong Armoury Crate) khiến máy khá ồn, nhưng đó là một sự đánh đổi xứng đáng, vì nhiệt độ bề mặt ở điểm nóng nhất trên bàn phím chỉ là 41 độ C.

 3. MSI GE76 Raider

Ở vị trí thứ ba, chúng ta có mẫu GE76 Raider tới từ MSI, khí nóng sẽ được thổi ra từ các khe tản lớn ở mặt sau và hai cạnh bên, ngoài ra luồng không khí bên ngoài có thể đi từ ngoài vào trong qua các khe lưới dạng tổ ong bên dưới đáy máy.

 Sâu vào bên trong, chúng ta có tổng cộng 6 ống đồng dẫn nhiệt, nhưng chỉ có 2 trong số 6 ống là dành cho CPU, còn lại thì tập trung vào GPU.

Sau quá trình stress test của chúng tôi, các bạn có thể thấy rõ rằng MSI đã tập trung phần lớn khả năng tản nhiệt vào cho GPU. Chính vì lý do này nên nhiệt độ của con chip I7-11800H lên tới 95 độ C ngay trong những khoảng thời gian đầu bài kiểm tra. Điểm mạnh của MSI GE76 Raider là kiểm soát tốt nhiệt độ của GPU. Khi mà mẫu card RTX 3080 hiệu năng cao với TGP 165W, sau 30 phút stress test hầu như không giảm xung nhịp, và nhiệt độ vẫn khá ổn định không vượt quá 90 độ C.

 

 Mức nhiệt độ này mới nghe qua thì có vẻ là khá cao (thực sự là như vậy!!), nhưng nó rất ấn tượng nhất là với mức TGP lớn như của RTX 3080. Khi bật tính năng Cooler Boost, thì điểm nóng nhất trên bề mặt phím lên tới 49,8 độ C, nhưng như hình chụp bên dưới thì nó cách khá xa cụm phím W A S D.

2. Lenovo Legion 7 2021

 Các mẫu GPU thế hệ mới RTX với hiệu năng cao và TGP cao thì việc làm mát nó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Đó cũng là lý do tại số một số nhà sản xuất laptop đã và đang nghiên cứu, và triển khai các giải pháp tản nhiệt ưu việt hơn: như là dạng buồng hơi thay vì ống đồng dẫn nhiệt. Và đó là trường hợp của Lenovo Legion 7 2021.

Cung cấp không khí mát mẻ cho khoang chứa hơi lớn và bốn tấm tản nhiệt của nó là một khe lưới thông gió khổng lồ ở mặt dưới đáy. Cộng thêm hỗ trợ từ là hai khe tản ở mặt phía sau và một khe ở mỗi bên cạnh máy.

 

Ryzen 7 5800H chạy ở tốc độ xung nhịp cao 3,53 GHz sau 15 phút stress test, và nhiệt độ của nó chỉ là 87 độ C, vượt trội hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh sử dụng cùng CPU. Còn card rời RTX 3060 với TGP 130W cũng không phải là thách thức đối với Legion 7, GPU duy trì nhiệt độ tối đa chỉ 74 độ C sau 30 phút hoạt động ở hiệu suất cao. Điểm nóng nhất trên bàn phím có mức nhiệt là 48,5 độ C nhưng nằm khá xa so với cụm phím WASD, vì vậy không gây khó chịu tới bàn tay người dùng trong những lần chiến game thời gian dài.

1. Asus ROG Zephyrus Duo 15 SE (GX551)

Nhà vô địch trong danh sách của chúng tôi trong năm nay gọi tên Asus ROG Zephyrus Duo 15 SE (GX551). Ở bên trong, mẫu máy này có 5 ống đồng dẫn nhiệt, với 2 ống sử dụng chung giữa CPU và GPU, kèm thêm 1 ống riêng biệt cho mỗi bộ phận. Còn ống đồng cuối cùng dành cho mạch VRM và bộ nhớ Graphics. Ngoài ra, Asus còn đặt thêm 2 tấm tản nhiệt lớn và 2 tấm nhỏ bên trong GX551 này. Và không thiếu sự có mặt của hợp chất keo tản nhiệt kim loại lỏng cho CPU.

 Bên cạnh đó ROG Zephyrus Duo 15 SE (GX551) còn có một sự hỗ trợ nhỏ thông qua màn hình phụ ở phía trên bàn phím, màn hình này sẽ nhô lên một góc nghiêng khi mở máy ra, và nó có các khe lưới thông gió nhỏ bên dưới, cộng thêm các khe lưới hút gió ở mặt đáy máy. Hơi nóng sẽ được thổi ra từ các khe tản nhiệt xung quanh máy.

 

 CPU của ROG Zephyrus Duo có thể chạy ở mức xung nhịp ấn tượng: Ryzen 7-5800H duy trì mức xung 3,78GHz sau 15 phút stress test, cao hơn đáng kể so với các đối thủ khác, và nhiệt độ là 93 độ C.

 Đối với GPU thì GX551 cũng kiểm soát khá tốt, RTX 3070 (130W) vượt trội hơn đối thủ cả về tốc độ xung nhịp lẫn nhiệt độ tối đa (chỉ 72 độ C). Nhờ các quạt nằm dưới màn hình phụ, nhiệt độ bề mặt tổng thể bàn phím cũng được kiểm soát khá tốt. Như bạn có thể thấy qua hình chụp bên dưới, các khu vực xung quanh cụm phím W A S D chỉ là  44,9 độ C.

 Nguồn: laptopmedia

 Techzones / Leo666