Đánh Giá Hp Envy 13 2020 - Đẹp Liệu Đã Đủ ?!

HP Envy 13 2020 mang tới cho người dùng ấn tượng về 1 sản phẩm tinh tế, lịch sự nhưng không kém phần sang trọng, và nổi bật với lớp vỏ ngoài màu vàng nhạt ánh kim loại.

Nhưng đẹp thôi liệu đã đủ để “thuyết phục” nhiều người dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua chiếc máy này ? Bài đánh giá sau đây của Techzones sẽ cho các bạn thêm nhiều thông tin để tham khảo trước khi quyết định.

Trang bị chip intel thế hệ thứ 10 mới nhất Ice Lake (10nm)

  • Chip: Intel core i5-1035G4 (4 nhân, 8 luồng, 6MB cache, 1.1 - 3.7GHz)
  • Ram: 8GB onboard DDR4 3200MHz
  • Card tích hợp: Intel Iris Plus Graphics 940 1GB
  • SSD: 512GB M.2 NVMe PCIe
  • Màn hình: 13.3 inch FHD, IPS 72% NTSC
  • Wifi 6 AX 201, Bluetooth 5, Windows 10

HP Envy 13 2020 mình đang có được trang bị bộ vi xử lý thế hệ 10 mới nhất của Intel (Ice Lake – 10nm), và thông số kỹ thuật trên cũng là cấu hình đang được bày bán tại cửa hàng Techzones.

Hiệu năng mang lại là khá cao, máy đáp ứng tốt trong các tác vụ văn phòng thông thường mình thường làm: gõ báo cáo trong Word, làm bảng báo giá qua Excel,….

Với 8GB Ram và card đồ họa tích hợp Iris Plus Graphics 940 thì Envy 13 2020 vẫn “cân” được ở mức độ trung bình khá khi sử dụng các phần mềm đồ họa hoặc thiết kế chuyên dụng:

Ví dụ như Sketchup Pro 2019, Photoshop CC 2019,….Và tốc độ khởi chạy của những phần mềm này, cũng như việc khởi động máy lên cũng nhanh lẹ nhờ ổ SSD 512GB M.2 NVMe.

Tốc độ ĐỌC / GHI của ổ SSD trong HP Envy 13 2020

  • Mình đã thử mở khoảng 15 tab Chrome, trong đó 10 tab để lướt web đọc tin tức, 5 tab thì mở youtube, trải nghiệm mang lại không bị hiện tượng giật lag, đứng hình.
  • Nhưng đáng tiếc rằng các bạn sẽ không nâng cấp được thêm Ram, mà thay vào đó chỉ nâng cấp được dung lượng bộ nhớ SSD. Sau đây là 1 vài điểm số đánh giá hiệu năng qua các phần mềm thông dụng: PCMark 10, Geekbench 5, Cinebench R20, 3DMark,...
  • Và mình cũng có sự so sánh với 2 mẫu laptop văn phòng khác cũng của HP: là HP ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620), HP 348 G7 (i3-10110U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620) để các bạn có thể tham khảo thêm. 

Các sản phẩm liên quan:

PCMark 10 (điểm HP Envy 13 2020: 3723)

HP ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): 3776

HP 348 G7 (i3-10110U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): 3455

3DMark - Sky Diver (điểm HP Envy 13 2020: 6386)

HP ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): 3887

Corona 1.3 Benchmark (HP Envy 13 2020 - Render Time: 0:07:15)

HP ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620) - Render Time: 0:06:56 

HP 348 G7 (i3-10110U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620) - Render Time: 0:10:37

V-Ray Next Benchmark 4.10.03 (HP Envy 13 2020: V-Ray: 3907 - V-Ray GPU: 18)

ProBook 450 G7 (i5-10210U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): V-Ray: 3742 - V-Ray GPU: 18

HP 348 G7 (i3-10110U Comet Lake, 4GB Ram, Intel UHD Graphics 620): V-Ray: 2494 - V-Ray GPU: 13

Thêm 1 vài điểm số đánh giá hiệu năng của HP Envy 13 2020: 

3DMark - Night Raid

3DMark - Time Spy

3DMark - Fire Strike

Geekbench 5 (ver 5.2.0)

Cinebench R20

PCMark 10 Express 

Chơi game trên 1 chiếc laptop văn phòng, HP Envy 13 2020 vẫn đáp ứng được nhé !! Dù card trong máy chắc chắn sẽ không mạnh mẽ như các mẫu laptop có card rời GTX hay RTX, nhưng máy vẫn có khả năng chơi được 1 số game hiện nay. Cụ thể là mình đã chơi qua tựa game bóng đá quen thuộc Fifa Online 4, máy vẫn cho trải nghiệm ở mức khá, khung hình chấp nhận được ở thiết lập đồ họa thấp !!

Thời lượng pin đã có sự cải thiện hơn

  • Cách đây 2 năm thì mình đã từng trải nghiệm qua mẫu HP Envy 13 phiên bản 2018 (i5-8250U), thì thời điểm đó dung lượng pin trong máy cũng tương tự như phiên bản mới này (51Whr).
  • Kiểm tra trên thực tế thì máy cho thời gian sử dụng dao động từ 5 – 6 tiếng chạy đa tác vụ: làm việc văn phòng, lướt web, nhắn tin skype và zalo, xem youtube và nghe nhạc (5 tab), chỉnh sửa file ảnh trên photoshop,…ở độ sáng 75%, mức âm lượng 80%. Theo đánh giá chung của mình thì con số trên là tàm tạm mà thôi.
  • Tuy nhiên qua phiên bản 2020 mới này, vẫn là các tác vụ như trên, vẫn là mức pin như thế nhưng hãng HP đã tối ưu hóa hơn, khi mà theo kết quả mình ghi nhận được thì thời lượng pin đã tăng lên đáng kể: lên tới gần 9 tiếng (8 tiếng 50 phút). Nếu giảm độ sáng và sử dụng ít thao tác hơn, hoặc sử dụng các tác vụ nặng nhiều hơn thì thời lượng có thể thay đổi theo từng mức độ sử dụng.

  • Với mình thì kết quả thời lượng pin của HP Envy 13 2020 nằm ở mức ổn, tuy nhiên nó vẫn chưa tạo được sự khác biệt rõ rệt với các mẫu laptop khác cùng phân khúc hoặc ở mức giá phải chăng hơn.

Cổng kết nối tương tự như thế hệ trước, vị trí cảm biến vân tay đã thay đổi

  • Nhìn tổng quan thì số lượng cổng kết nối trên HP Envy 13 2020 không có gì thay đổi so với phiên bản cũ: chúng ta vẫn sẽ có 2 cổng USB A (trong đó có 1 cổng có hỗ sạc các thiết bị bên ngoài kể cả khi máy đang Sleep), 1 cổng USB C có kèm Thunderbolt 3 (có Power Delivery, kiêm luôn cổng Display Port 1.4), khe thẻ nhớ micro SD, cổng tai nghe kèm mic 3.5mm.
  • Vẫn sẽ không có cổng HDMI với lý do đơn giản là để tối ưu cho độ mỏng và độ nhẹ của máy.
  • Vị trí của các cổng được bố trí sát góc trên của 2 bên cạnh máy, càng tăng thêm cảm giác gọn gàng, thoáng đãng cho thiết kế chung của HP Envy 13 2020.

  • Điểm thay đổi duy nhất và cũng có thể coi là điểm đặc biệt nhất trên Envy 13 2020 đó vị trí đặt cảm biến vân tay, thông thường chúng ta sẽ thấy cảm biến vân tay trên các mẫu laptop sẽ nằm gần touchpad.
  • Vậy mà trên phiên bản 2018 thì cảm biến vân tay nằm bên cạnh phải máy gần vị trí 1 số cổng kết nối, còn trên phiên bản mới cảm biến vân tay đã được đặt lên chung layout của bàn phím !!
  • Các bạn thấy lạ chứ ? Và chính vì sự thay đổi này mà giờ đây chúng ta sẽ thấy mất đi phím Ctrl bên phải.

Thiết kế tổng thể chung không có quá nhiều thay đổi

  • Thiết kế của HP Envy 13 từ trước tới đây luôn mang 1 vẻ đẹp thanh lịch và tao nhã, vuông vức đơn giản nhưng vẫn sang trọng với lớp vỏ bằng kim loại ánh vàng nhẹ nhàng, cùng logo HP được mạ chrome bóng lấp lánh là điểm nhấn ngay trung tâm.
  • Vẻ ngoài của máy vẫn mang hơi hướng nam tính, nhưng nhờ trọng lượng chỉ 1,3kg cùng độ dày khoảng 1,6cm, thì HP Envy 13 vẫn sẽ là sự lựa chọn phù hợp với chị em phụ nữ.

  • Lớp vỏ được xử lý nhám mịn nên việc cầm nắm trên tay, mang chiếc máy này di chuyển đi lại là rất thoải mái và chắc chắn, chưa kể bàn tay còn thấy “mát lạnh” khi chạm vào lớp vỏ kim loại này nữa.
  • Ban ngày khi mang máy ra ngoài quán café sử dụng, thì HP Envy 13 càng thêm nổi bật và bắt mắt hơn mỗi lúc có ánh nắng chiếu vào.
  • Nhìn chung tổng thể của phiên bản 2020 này không có nhiều sự thay đổi so với thế hệ trước, chỉ có 1 số điểm khác biệt rõ nét nhất như sau: nút nguồn (vị trí và kiểu dáng), phần cạnh đáy của mặt A và bản lề (kiểu dáng và họa tiết trang trí), bỏ hệ thống loa trên mặt C, sự xuất hiện của nút tắt camera, và khe thoát nhiệt ở cạnh sau của máy, để hình dung rõ hơn các bạn có thể coi các hình ảnh bên dưới đây.

Layout sắp xếp không đổi, nhưng vị trí các nút chức năng đã có thay đổi

Ở phần trên mình có nhắc tới khá nhiều sự thay đổi về bàn phím trên HP Envy 13 2020:

  • Đầu tiên đó là việc hãng HP đã bố trí nút nguồn
  • Nút tắt camera và cảm biến vân tay vào chung layout của bàn phím, điều này dẫn tới việc 1 số phím quen thuộc đã “biến mất”: nút Ctrl phải, nút Pause
  • Nút chế độ máy bay, còn nút chức năng Prt sc (thường dùng để chụp màn hình máy tính) giờ được tích hợp chung với nút Shift phải.

  • Hệ quả là người dùng chúng ta khi mua mẫu máy này sẽ phải mất 1 khoảng thời gian tương đối để làm quen lại và ghi nhớ vị trí các nút chức năng.
  • Bên cạnh đó thì 1 nhược điểm khá lớn đã xuất hiện đó là việc dễ bị ấn nhầm vào nút nguồn, mình thường bị trong lúc gõ văn bản vì nút này nằm khá gần nút backspace, ấn nhầm thì máy sẽ rơi vào tình trạng “sleep” tạm thời khá là khó chịu đấy !!
  • Thêm 1 điểm nữa đó là với kích cỡ laptop 13 inch thì việc bàn phím không có cụm phím số numpad là điều hiển nhiên, nhưng nếu HP “chịu” học hỏi các hãng đối thủ khác trong việc tích hợp numpad chung với touchpad thì hay biết mấy !
  • Lúc đó HP Envy 13 2020 sẽ mở rộng thêm được đối tượng khách hàng ví dụ như nhân viên văn phòng cần nhập liệu nhiều, các công việc về kế toán, quản lý sổ sách,….

  • Nói về cảm giác gõ phím thì mẫu máy này mang lại cảm giác cũng tương tự như các mẫu laptop văn phòng khác trong tầm phân khúc: nghĩa là ở mức ổn, đủ dùng, hành trình phím và độ nảy khi gõ là tương đối, lực nhấn nhẹ và khi nhấn ít phát ra tiếng ồn.
  • Khoảng cách giữa các phím thoải mái, kích thước phím to nên gõ ít khi bị nhầm, tuy vậy ký tự trên phím lại là dạng mảnh hơi khó nhìn đôi chút nhất là khi bật đèn nền bàn phím lên (cả khi sáng lẫn trong tối) do độ sáng đèn tỏa không đều hết ký tự.
  • Touchpad trên HP Envy 13 2020 có bề mặt hơi nhám mang lại trải nghiệm tốt, sử dụng mượt mà và êm ít bị rít tay, các thao tác đa điểm: cuộn trang, chuyển nhanh qua lại giữa các ứng dụng, trở về màn hình chính,… thực hiện trơn tru và khá chuẩn xác.
  • Cảm biến vân tay thì do chưa quen vị trí đặt của nó nên mình rất ít sử dụng. 

Màn hình IPS hiển thị sống động, chi tiết, nhưng có phủ kính nên bị bóng mờ

  • HP Envy 13 2020 được trang bị màn hình kích thước 13.3 inch, độ phân giải Full HD, sử dụng tấm nền IPS cho góc nhìn rộng, ít bị lệch màu khi nhìn góc nghiêng, cùng công nghệ chống chói đã và đang dần trở nên phổ biến trên các dòng laptop thế hệ mới bây giờ.
  • Ngoài ra phần bề mặt của màn hình còn được phủ kính nhìn khá “sang”, và viền cạnh xung quanh đều đã được làm mỏng đi, thế nên dù chỉ là kích thước 13.3inch nhưng màn hình trên Envy 13 luôn tạo cảm giác lớn hơn bình thường, giúp cho việc hiển thị hình ảnh tốt hơn và trải nghiệm sẽ "đã mắt" hơn.
  • Thực tế trải nghiệm cho thấy, trong điều kiện làm việc trong phòng bình thường HP Envy 13 cho khả năng hiển thị màu sắc nét, sống động và khá chuẩn xác với 98% dải màu sRGB, 72% Adobe RGB. Độ tương phản ở mức khá, sắc độ giữa các tông màu tối và sáng phân biệt tương đối dễ dàng. Có thể sử dụng máy để chỉnh sửa đồ họa qua photoshop, lightroom ở mức độ cơ bản.

  • Phần màn hình chống chói khá tốt, độ sáng màn hình cũng khá cao (theo nhà sản xuất là 300 nits), tuy nhiên trong điều kiện ánh sáng mạnh của đèn, hay sử dụng ở ngoài trời nắng gắt thì màn hình của Envy 13 vẫn bị có bóng phản chiếu do phần mặt ngoài của màn hình được phủ kính, và cũng dễ bám dấu vân tay, mồ hôi nữa, hơi khó chịu đôi chút !

Loa có âm lượng lớn, chất âm khá tốt

  • Loa trên các mẫu của laptop HP nếu mình nhớ không lầm đều được tinh chỉnh bởi hãng âm thanh nổi tiếng thế giới Bang & Olufsen (viết tắt là B&O). Trên HP Envy 13 2020 chúng ta sẽ có 2 loa nằm ở mặt đáy của máy và chia đều ra 2 cạnh bên, loa cho âm lượng lớn, mở hết mức vẫn có thể nghe rất rõ mà không bị rè rè.
  •  Đặc biệt mình còn phát hiện ra 1 nút trên bàn phím có các tính năng điều khiển cân bằng, để chúng ta có thể tự điều chỉnh âm bass, âm mid hay treble theo ý thích. Nhưng ngay cả khi không điều chỉnh gì cả, các bạn vẫn có thể tận hưởng những âm thanh tuyệt vời trên HP Envy 13.

  • Chất âm trung tính, to và rõ, khả năng tái tạo âm thanh trung thực, cho khả năng xử lý các bài nhạc có nhiều chi tiết tốt. Có thể nói đây 1 trong những chiếc loa trên laptop văn phòng hiếm hoi mà mình nghe rõ được tiếng bass đập, các dải âm còn lại thì khá ổn và rõ ràng.
  • Cá nhân mình đánh giá loa trên HP Envy 13 hoàn toàn có thể nghe để thưởng thức, thư giãn, giải trí sau những giờ làm việc.

Hệ thống tản nhiệt “kiểm soát” tốt nhiệt độ

HP Envy 13 có 1 khe tản nhiệt ở mặt sau của máy, khi gập máy lại thì không thấy còn mở máy ra nhìn kỹ mới thấy, ngoài ra ở mặt đáy máy còn là rất nhiều lỗ li ti để hút thêm gió vào bên trong máy hỗ trợ cho tản nhiệt.

  • Laptop văn phòng thì mình nghĩ sẽ không mấy khi bị quá nóng, quá nhiệt trừ khi các bạn “ép” máy chạy hết công suất, chạy nhiều tác vụ nặng cùng lúc trong thời gian dài,…
  • Để kiểm tra khả năng tản nhiệt của Envy 13 thì mình đã sử dụng bài stress test CPU trong phần mềm FurMark với thời gian 15 phút, điều kiện phòng quạt 29 độ, không kê thêm đế tản hay quạt hút.

Nhiệt độ ban đầu của máy trước khi stress test

  • Khi chạy stress test trong khoảng 2-3 phút đầu, nhiệt độ trong máy vọt lên mức cao: có nhân lên tới 95 độ C, các nhân còn lại cũng ở mức 88 – 90 độ C.
  • Tuy nhiên sau 15 phút thì nhiệt độ trung bình của các nhân đã ở mức 72-73 độ C mà thôi, điều này cho thấy hệ thống tản nhiệt của HP Envy 13 2020 đã “kiểm soát” tốt và hiệu quả nhiệt độ bên trong máy.
  • Mức xung nhịp bị tụt là không thể tránh khỏi, nhưng nhìn các con số “nhảy múa” thì mình ghi nhận được xung nhịp vẫn ở mức khá cao, trong suốt quá trình stress test giữ khá ổn định ở mức 2.1 – 2.3GHz.

Sau khi stress test 15 phút

Tổng kết

  • Vừa rồi là những trải nghiệm và đánh giá của Techzones về 1 trong những mẫu laptop văn phòng mới nhất trong năm 2020 của HP: HP Envy 13 2020.
  • Để tổng kết lại thì mình sẽ dùng từ cân bằng để nói mẫu laptop này: cân bằng giữa thiết kế thanh lịch, hài hòa phù hợp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, cân bằng giữa cấu hình, trải nghiệm và thời lượng pin, cân bằng giữa làm việc và giải trí, thư giãn,….
  • Lựa chọn là ở người dùng, hy vọng bài đánh giá trên đã mang tới cho các bạn cái nhìn rõ nét hơn về sản phẩm. Thông tin chi tiết về HP Envy 13 2020 các bạn có thể coi thêm trên website Techzones.vn, cảm ơn các bạn đã theo dõi bài đánh giá này.

Bài viết liên quan:

 

Techzones / HảiArt666